Đức Phật thành đạo như thế nào
Pháp Giới 11 tháng trước

Đức Phật thành đạo như thế nào

Đức Phật thành đạo vào rạng sáng ngày mùng tám tháng tư(8/4). Sau khi hàng phục ma quân và chứng đắc Tam Minh, Ngài thành Chánh Giác!

  • Tam giới là gì.
  • Tham sân si là gì.
  • Thập thiện nghiệp là gì.
  • Chánh kiến tà kiến.
  • Hội Long Hoa là gì.
  • Sự thật về hạn Tam tai.
  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
Đức Phật thành đạo như thế nào
Đức Phật thành đạo

Tóm lược thì trong đêm cuối cùng đức Phật thành đạo như sau:

Vào khoảng canh hai, Ngài chứng được Túc mạng minh thấy biết nghiệp nhân của mình và tất cả chúng sanh nhiều đời về trước. Từ việc làm lành làm dữ, cha mẹ quyến thuộc, giàu sang nghèo hèn, thọ yểu xấu đẹp, cho đến mỗi đời tên họ là gì, đều biết rành rẽ. 

Đến nửa đêm, Ngài chứng được Thiên nhãn minh, thấy rõ ba cõi sáu đường, những cảnh giới hoặc an vui, hoặc nhơ khổ, chúng sanh hoặc xinh đẹp, hoặc xấu xa, rõ ràng như nhìn vào trong gương.

Đến lúc sao mai mọc lên, Ngài chứng được Lậu tận minh, dứt sạch phiền não, rõ hết đầu mối nghiệp duyên, tâm thể lặng yên sáng suốt. Bấy giờ ngài đã thành Phật.

Ngày đức Phật thành đạo

Theo Pháp uyển châu lâm, ngày đức Phật thành đạo là ngày mùng tám tháng tư (8/4). Như kinh Phổ diệu nói: “Bồ tát ngồi dưới gốc cây, khi sao sáng mọc lên, hoát nhiên đại ngộ. Lên mười chín tuổi xuất gia, ba mươi thành Đạo.”

Lại nữa, kinh Tự thệ tam muội nói: “Khi mới vừa thành Phật, chư Phật mười phương đều tặng cà sa. Đức Phật gom thành một chiếc. Đến nay, áo ấy còn được thờ phụng tại Phạm Thiên.”

Lại nữa, kinh Không hành tam muội nói: “Đức Phật Di đà đắc Đạo trước ta bốn kiếp. Đức Phật Duy vệ đắc Đạo trước ta ba kiếp. Có Đức Phật tên Năng Nho nhập diệt năm tuổi. Đức Phật Ca diếp đắc Đạo năm mười tám tuổi. Ta đắc Đạo năm lên hai mươi bảy tuổi.”

Nay theo số đông để xác định: “Mười chín tuổi xuất gia, 30 tuổi thành Đạo.” Đoạn văn này có thể chấp nhận được và thích ứng với ý nghĩa các kinh điển khác. Luật Thiện kiến nói: “Trăng mọc được ba ngày, chứng quả Nhất thiết chủng trí.” Kinh Nê hoàn nói: “Đức Phật ra đời và thành Đạo đều vào ngày mồng tám tháng tư.” Nay lấy ngày này làm chính thức!

Hàng phục Ma vương đức Phật thành đạo Bồ Đề

Kinh nói: “Ngày mồng bảy tháng tư, Đức Thế Tôn hàng phục Ma chúng. Bấy giờ, hoàng hôn lịm bóng, trăng sáng chiếu soi. Vườn cây hoa quả tươi tốt, chẳng đợi Xuân về. Bấy giờ, Ma vương kéo tám vạn ma quân đến quấy phá Đức Phật. Ngài vận dụng hào quang vi diệu trong mày chiếu xạ, khiến chúng đều bị ngã nhào. Ma vương sinh lòng giận dữ, muốn xông thẳng lên trước. Ma con can rằng: “Phụ vương vô cớ, tự chuốc lấy tai ương. Bồ tát tĩnh lặng, khó lay như mặt đất. Làm sao có thể phá hoại được ngài?”

Ma vương không nghe kéo tới tám mươi ức ma quân xông đến, muốn phá hoại Đức Phật, bảo rằng: “Ông chỉ có một mình, làm sao có thể ngồi ở đây? Phải mau mau đứng lên, đi khỏi chỗ này. Nếu không, ta sẽ tóm lấy chân ông liệng ra ngoài biển!”

Đức Phật đáp rằng: “Ta xem khắp cả thế gian, chẳng ai có thể liệng nổi ta. Vào thời tiền kiếp, nhà ngươi đã từng một ngày thọ giới Bát quan trai và cúng dường một bát cơm cho Phật Bích chi, nên mới được sinh lên cõi Trời lục dục làm Ma vương. Còn ta, đã từng sắm sửa cúng dường cho các Thanh văn Duyên giác suốt ba đại kiếp vô biên vô số lượng, không thể nào tính nổi.”

*

Ma vương bảo: “Ông nói ngày xưa ta có giữ giới một ngày và cúng dường một bửa ăn cho Phật Bích chi. Chuyện ấy có thật, ta cũng tự biết. Còn ông, chỉ do tự nói, lấy ai làm chứng?”

Đức Phật bèn lấy tay chỉ xuống đất, nói rằng: “Đất này làm chứng cho ta!” Khi Đức Phật nói xong lời này, tất cả mặt đất chấn động mạnh đủ sáu cách. Thổ thần từ tầng kim cương nhảy lên, chắp tay bạch Đức Phật rằng: “Tôi xin làm chứng. Từ khi có mặt đất đến nay, tôi luôn luôn có mặt ở trong. Lời Đức Thế Tôn vừa noi đều đúng không sai.”

Đức Phật bèn bảo Ba tuần: “Trước tiên, nhà ngươi có khả năng lay nổi bình đựng nước rửa này, sau đó mới có thể liệng ta ra ngoài biển.” Bấy giờ, Ba tuần cùng tám mươi ức ma quân không thể nào lay chuyển nổi bình. Tất cả bọn chúng đều nghiêng ngửa té nhào. Mọi phá hại đều tiêu tan như sao lặn.”

*

Lại nữa, kinh Phật bản hạnh nói: “Bấy giờ, trưởng tử của Ma vương Ba tuần tên là Thương Chủ dập đầu đảnh lễ dưới chân Bồ tát, cầu xin sám hối, miệng nói lời này: “Thưa Thánh nhân chí thiện, cầu xin ngài cho cha tôi được mở lời xin lỗi. Cha tôi ngu si nông cạn giống hệt trẻ con không có trí tuệ. Hôm nay bỗng dưng đến đây quấy phá, kéo bọn ma quan biến hiện đủ mọi trò khủng bố Thánh nhân.

Trước đây, tôi đã đem lòng trong nghĩa chính trực khuyên nhủ cha tôi. Dù kẻ cơ trí, rành phép thuật còn chưa thể hàng phục nổi thái tử Tất đạt, huống hồ bọn ta! Cầu xin Thánh nhân tha thứ cho cha tôi. Cha tôi bất trí, không biết đạo lý, đã khủng bố bậc thái tử đại Thánh, làm sao có thể sống còn? Thưa thái tử đại Thánh, cầu mong lời thệ nguyện nhân từ của ngài sớm được thành tựu, mau chứng A nậu Bồ đề!”

Ghi thêm về khi đức Phật Thành đạo

Theo Cảm ứng ký của Đạo Tuyên Luật sư. Lúc bấy giờ, bốn Thiên vương bạch luật sư Đạo Tuyên rằng: “Khi sắp nhập Niết bàn, đức Như Lai ở cùng Trời người và đại chúng tại tịnh xá Ngưu đầu phía Nam ao A nậu đạt trên đỉnh núi Hương. Ngài bảo Đại Ca diếp rằng: “Ông hãy cùng Tu bồ đề lên đỉnh núi Tu di thổi kèn pháp lớn triệu tập các Bồ tát thập địa, thanh văn, Phạm Thiên, Đế thích, bốn Thiên vương và chư Phật mười phương cùng về tụ họp tại núi Hương này.”

Ngài Ca diếp vâng lời, triệu tập đầy đủ đại chúng. Khi ấy, đức Thế tôn ngồi kiết già phu tọa, nhập định Kim cương Ta muội. Mặt đất chấn động mạnh đủ sáu cách. Từ mi bạc phóng hào quang chiếu diệu khắp Đại thiên thế giới suốt bảy ngày. Toàn thể đại chúng đều thắc mắc, không hiểu nhân duyên. Đức Thế tôn xuất định Tam muội, thanh thản mỉm cười bảo đại chúng: “Trước đây, khi ta mới vượt thành ra khỏi cửa cung, Càn thát bà chúa thống lãnh thuộc hạ cử hành hằng nghìn bản Thiên nhạc, đến đó hỏi ta rằng: “Ngài muốn đi đâu?”

Ta đáp: “Ta muốn đi tìm Đạo Bồ đề.”

*

Càn thát bà chúa ấy nói: “Ngài nhất định sẽ thành Chánh giác. Ngày xưa, khi đức Phật Câu Lưu Tôn sắp nhập Niết bàn, đã giao cho tôi một bình vàng. Trong đó có tháp quý đựng bảy ấn báu. Hai ấn vàng và năm ấn bạc. Dặn tôi luôn luôn cất giữ. Khi thái tử Tất đạt thành Chánh giác, tôi sẽ tìm đến tận nơi trao lại cho ngài. Chẳng bao lâu nữa, thái tử Tất đạt sẽ thành Phật Đạo.”

Bấy giờ, Thiên vương Đại Phạm và thổ thần Kiên Lao dùng vàng ròng và bạch ngọc xây đàn kim cương lớn, trang hoàng bằng các loại châu báu, ở phía Nam cây Bồ đề. Càn thát bà chúa bạch chư Phật mười phương rằng:

“Tôi thấy các đức Phật thời quá khứ, khi mới thành đạo, đều lên đàn kim cương. Lấy nước đựng đầy bình vàng, tưới lên đỉnh đầu của đức Phật để hoàn thành ngôi vị Pháp vương. Nay thấy đức Phật thành đạo, cũng nên bước lên đàn kim cương như các đức Phật ngày trước. Tôi nghe dưới bảy lớp biển trong của núi Tu di có nước tám công đức. Ngày xưa, khi chư Phật sắp bước lên ngôi vị Pháp vương, đều bước lên đàn kim cương, lấy nước ấy tưới lên đỉnh đầu. Tôi thân hành đi lấy đem về tưới cho đức Thích ca.”

*

Càn thát bà chúa mở bình lấy tháp đựng ấn ra, rồi đem bình đi lấy nước. Bấy giờ, chư Phật mười phương bảo ta bước lên đàn. Ta liền đi vòng quanh đàn ba lượt. Từ phía Nam bước lên đàn, di chuyển về phía Tây, đến đứng giữa đàn, quay về phía Bắc, trải tọa cụ và lễ chư Phật mười phương. Chư Phật bảo ta ngồi nhập định kim cương Tam muội.

Chư Phật lại bảo long vương Bà kiệt rằng: “Ông hãy xuống đáy biển lớn, trên đỉnh núi Tân già la ở bãi nhỏ của Bảo mã vương có động lớn tên là Kim cương tạng. Trong đó có chứa chén Luân vương và chén Pháp vương làm bằng vàng ròng, phía trên gắn thất bảo và bạch ngọc. Khi chư Phật xuất thế, đều lấy một ngàn chén tưới lên đỉnh đầu. Ông hãy đi lấy về đây, không cần lấy chén Luân vương, để đựng nước 8 công đức tưới cho đức Thích ca.”

Long vương vâng lời chỉ dạy, đi lấy chén vàng về giao cho chư Phật. Chư Phật bảo Càn thát bà chúa: “Hãy đem nước rót vào chén vàng.” Chư Phật nhận xong, mặt đất chấn động đủ 6 cách. Chư Phật mười phương đều phóng hào quang mây bạc. Trong đó, ca tụng công đức quý báu của chư Phật.

*

Ta xuất khỏi định Tam muội và cũng phóng hào quang mây bạc, hợp với hào quang của chư Phật, tạo thành một tán quý phủ khắp Đại thiên thế giới. Mặt trời, mặt trăng, tinh tú, biển lớn, núi lớn và các nghiệp báo của chúng sinh đều hiện ra trong tán ấy. Trong đó còn có hằng trăm ức quốc độ của chư Phật. Chư Phật bảo ta đứng trên kim đàn. Ta lại lễ chư Phật mười phương.

Chư Phật lại bảo long vương Hòa tu lên đỉnh núi Tần già. Ở đó có động chứa các bảo tọa của chư Phật và của Chuyển luân vương đều bằng vàng ròng, giống như Phật tọa ở núi Tu di có chín rồng quấn quanh, Chuyển luân vương tọa có năm rồng quấn quanh, dành cho Pháp vương khi lên ngôi ngồi vào.

Bấy giờ, chư Phật lại sai Đại Ma vương và Đại Phạm vương cùng khiêng Phật tọa lên kim đàn. Chư Phật bảo ta ngồi lên. Ta liền nghe lời, ngồi lên. Bấy giờ, chư Phật lấy chén vàng đụng đầy nước tưới lên đỉnh đầu ta. Chư Phật tưới xong, kế đến, bốn Thiên vương, Đế thích, Ma vương, Đại Phạm lần lượt tưới lên. Khi ta được tưới xong, liền chứng quả Tĩnh Tam muội. Vô lượng Phật pháp đồng thời hiện ra. Mặt đất lại chấn động mạnh. Hằng trăm nghìn ma quân đều đến quy hàng.

*

Các Phạm vương mười phương đều cầm nhạc khí Trời tấu bài Phật thành Đạo và trong các nhạc khí ấy phát hào quang và nói pháp Ba la mật. Bấy giờ, Càn thát bà chúa đem bảy ấn báu nói trên giao cho chư Phật. chư Phật nhận xong, ấn vào thất khiếu trên mặt ta và bảo rằng: “Nay ấn vào thất khiếu trên mặt ngài, khiến có đủ Thất giác phần.”

Trước tiên, ấn vào diện môn để biết chọn lựa phiền não và trí tuệ. Cứ thế, tai, mắt, mũi, đều được lần lượt ấn lên. Càn tát bà chúa lại lấy ấn vàng giao cho chư Phật. nhận xong, chư Phật lại ấn ba chỗ lên bụng ta. Nhờ phép ấn này, ta chứng được quả Tam không trí, hiểu trọn mọi Phật pháp. Kế tiếp, Càn thát bà chúa lại giao ấn bạc cho chư Phật. Nhận xong, chư Phật lại ấn lên trán và tay chân ta. Khi được ấn xong, ta đã chứng được quả Vô lậu trí, đầy đủ Ngũ phần pháp thân.

Chư Phật ấn xong, lại xòe bàn tay óng ánh sắc vàng xoa lên đỉnh đầu ta. Được xoa xong, ta chúng được trăm nghìn phép Tam muội và quả Thiên pháp minh môn. Những quả này, ta đã chứng được từ lâu, nhưng vì các chúng sinh, nên phải thị hiện tướng Đồng luân vương và tướng Hy thụy. Đỉnh đầu và tay chân ta đều phóng hào quang ngũ sắc. Trong mỗi một hào quang có đủ trăm nghìn lầu đài. Các hóa Phật của ta đều ngự trong lầu đài ấy, đều thọ ấn và chứng được quả vị lớn lao như ta.

*

Từ khi thành Đạo đến nay, ta thường giữ bình vàng này, nhưng chưa từng đưa ra cho các ông xem. Hôm nay ta mới đưa ra. Đức Phật lại bảo đại sĩ Phổ Hiền mở bình, bưng bảo tháp ra. Phổ Hiền vâng lời làm xong, liền đến đứng trước đức Thế tôn.

Đức Thế tôn đứng lên lễ tháp xong, cửa tháp tự mở ra. Trong đó có ba vạn đài bằng trân châu. Mỗi đài có riêng một ấn và kim điệp Tỳ ni. Còn có  ba vạn đài, trong đó có năm vị Tỳ kheo đang nhập định Diệt tận. Đức Phật bảo Văn thù: “Ông hãy lấy kèn pháp bịt vàng của ta đến chỗ các Tỳ kheo ấy thổi lên bài ta xuất thế và bài xuất định sâu.”

Tỳ kheo nghe tiếng nhạc, liền xuất khỏi định, hỏi Văn thù: “Hiện nay, đức Phật nào xuất thế?”

Đáp rằng: “Chính là đức Phật thứ tư Thích ca trong thời Hiền kiếp.”

Tỳ kheo lại nói: “Ta là đại đệ tử thuộc hàng thanh văn của đức Phật Câu Tưu Tôn. Khi nhập niết bàn, đức Phật ấy bảo ta ở trong tháp này giữ gìn các ấn cho đến khi đức Phật Lâu chí bắt đầu nhập niết bàn.”

*

Bấy giờ, Tỳ kheo đứng lên khỏi chỗ, từ xa đảnh lễ và thỉnh an đức Thế tôn xong, lại bảo Văn thù: “Đức Phật ấy dạy ta, khi đức Phật Thích ca nhập niết bàn, hãy lấy hai mươi ba cái ấn trong số ấn của ta, giao cho đức Phật Thích ca. Vì sau đó, chúng sinh do nghiệp nặng, tà kiến, không giữ gìn giới luật, nên chư Thiên, long thần không ủng hộ nữa. khiến cho tứ chúng chẳng còn uy đức. Ta giữ các ấn này rồi đem giao cho đức Phật Thích ca để ấn khắp các giáo pháp còn lại.

Ấn vào tứ chúng để đừng phạm giới. Nếu kẻ nào ham tụng kinh điển, ấn vào miệng cho đừng quên. Nếu kẻ nào tu Thiền, làm việc ngay thẳng, đều đem ấn vào. Khiến cho mai sau, khi họ mệnh chung, thân xác không bị hủy hoại, đôi khi còn phóng hào quang. Các chúng sinh xấu thấy được điềm lành ấy, đều phát sinh lòng hân hoan tôn kính.” Nói xong lời này, cửa tháp liền tự đóng lại.”

(Đức Phật thành đạo như thế nào – Theo Pháp uyển châu lâm)

Tuệ Tâm 2021.

Xem Thêm:   Lễ tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Nhuận, Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

4 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog