Trong suốt quá trình hình thành Phật giáo của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, xung quanh ngài thời đó có rất nhiều các đệ tử xuất sắc, một số đã đạt chứng quả A La Hán. Tuy nhiên chỉ có 10 đại đệ tử của Đức Phật là có sở chứng, đạo hành vô cùng thâm sâu, xuất sắc.
Phật giáo bắt đầu được thành lập với người đứng đầu lúc đó là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài vốn được sinh ra và lớn lên tại Ấn Độ, cách đây gần 2600 năm trước. Khi đã đắc đạo thành Phật, Thích Ca Mâu Ni thành lập được giáo đoàn đầu tiên tại vườn Nai với 5 vị đệ tử tỳ kheo. Lúc này người dân vẫn chưa biết gì hay nghe nói gì về đạo Phật. Chỉ khi số lượng người tu hành theo đã đông dần lên, những vị đệ tử đầu tiên này đã có đủ khả năng, hạnh đạo để tự mình đi hành hóa ở mọi nơi. Khi đó mọi người mới biết đến Đức Phật và giáo đoàn của Ngài.
Trải qua quá trình hành hóa, đệ tử Phật giáo ngày càng gia tăng. Từ Thành đạo cho đến Niết Bàn, đệ tử của Đức Phật không chỉ có những người xuất gia mà còn có cả những người tu hành tại gia. Trong đó, có tới 1250 vị đệ tử xuất sắc nhất, được đắc thánh quả A La Hán. Nhưng trong số này, chỉ có 10 vị được xem là ưu tú nhất, được mọi người tôn là 10 đại đệ tử của Đức Phật, cụ thể như sau:
1. Ma Ca Ha Diếp
Ma Ca Ha Diếp được Đức Phật ban cho danh hiệu Đầu đà đệ nhất, là vị đại đệ tử được nhiếp hóa đầu tiên. Ngài cũng chính là người yêu cầu mở đại hội kết tập kinh điển lần đầu tiên của Phật giáo. Lối tu hành theo Đầu đà là kiểu tu hành hướng tới sự tối giản nhất, nhằm mục đích tịnh hóa tâm hồn. Sau khi xuất gia tu hạnh Đầu đà trong suốt 8 ngày đêm, Ngài đã đắc thánh quả A La Hán.
2. Mục Kiền Liên
Mục Kiền Liên được Đức Phật ban cho danh hiệu Thần thông đệ nhất. Ngài được sinh ra trong một gia đình theo dòng Bà La Môn danh tiếng. Ngài theo Tôn giả Xá Lợi Phất quy y Phật pháp, và chỉ sau 7 ngày tu hành đã đắc quả A La Hán, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Đức Phật. Ngài được Đức Phật khen ngợi về sự xuất chúng và được công nhận là Thần thông bậc nhất. Ngài đã nhiều lần thi triển thần thông như một cách để giáo hóa cứu độ cho con người.
3. Phú Lâu Na
Phú Lâu Na được Đức Phật ban cho danh hiệu Thuyết pháp đệ nhất. Đức Phật thường khen ngợi biệt tài ngôn luận của Ngài trước đại chúng. Ngài thâm nhập biển Phật pháp hay làm lợi ích cho tất cả người đồng tu học đạo. Đặc biệt trừ Đức Phật ra, không ai có thể biện bác ngôn luận với ngài.
4. Tu Bồ Đề
Tu Bồ Đề được Đức Phật ban cho danh hiệu Giải không đệ nhất. Ngài thường xuyên được nhắc tới và xuất hiện trong các cuốn sách, kinh thư thuộc hệ Bát nhã ba la mật đa. Theo như điển tích Phật giáo kể lại, lúc Ngài mới sinh ra, trong gia đình bỗng dưng toàn hiện ra những dấu hiệu “không”. Các đồ vật trong nhà đều biến đi đâu mất cả, chỉ thuần tịnh một mùi hương chiên đàn và hào quang sáng soi chấn động cả ba cõi. Hỏi về ý nghĩa những điềm lạ này thì gia đình của Ngài được thầy tướng bảo rằng đó là điều cực lành. Cho nên cha mẹ Ngài mới đặt tên cho Ngài là Tu Bồ Đề, có nghĩa là Không Sanh.
5. Xá Lợi Phất
Xá Lợi Phất được Đức Phật ban cho danh hiệu Trí huệ đệ nhất. Ngài là đệ tử quan trọng nhất của Đức Phật, là chấp pháp tướng quân, thường giảng dạy đại chúng thay cho Đức Phật và hướng dẫn cho nhiều người đắc thánh quả A La Hán. Ngài luôn luôn tỏ ra là một người khiêm nhường, tận tụy, nhiệt tình, được mọi người thán phục và được Đức Phật khen ngợi. Ngài đắc thánh quả A La Hán chỉ 4 tuần sau khi xin gia nhập giáo đoàn. Ngài là bạn thân với Mục Kiền Liên, cả hai đều là những đệ tử rất được Đức Phật yêu mến.
6. La Hầu La
La Hầu La được Đức Phật ban cho danh hiệu Mật hạnh đệ nhất. Ngài chính là người con trai duy nhất của thái tử Tất Đạt Đa (chính là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni) cùng công chúa Da Du Đà La. Khi về thăm quê lần đầu tiên sau khi đã đắc chứng quả, Đức Phật tìm cách đưa La Hầu La đi xuất gia và giao cho Xá Lợi Phất dạy bảo. Được Đức Phật và Xá Lợi Phất giáo hóa, dòng máu vương giả trong người La Hầu La mỗi ngày nhạt phai và tính tình dần trở nên ôn hoà nhu thuận hơn. Ngài nghiêm trì giới luật, tinh tấn đạo tâm, quyết luyện mật hạnh. Sau một thời gian chăm chú luyện mật hạnh, Ngài đã chứng được tận cùng của Mật hạnh và được Đức Phật khen ngợi là Mật hạnh đệ nhất.
7. A Nan Đà
A Nan Đà được Đức Phật ban cho danh hiệu Đa văn đệ nhất. Ngài chính là người em họ thân thiết của Đức Phật, theo xuất gia khi Đức Phật về thăm hoàng cung. Ngài được nhiều người tin tưởng và yêu mến, đề cử làm Thị giả cho Đức Phật. Ngài đồng ý với điều kiện Đức Phật không được ưu ái Ngài quá mức, và phải chấp thuận 8 điều kiện mà Ngài đề xuất. Ngài có trí tuệ uyên bác, có thể ghi nhớ tất cả những bài giảng của Đức Phật nhưng lại là người đắc thánh quả A La Hán sau những đại đệ tử khác. Sau khi Đức Phật nhập cõi Niết bàn, 7 ngày sau Ngài mới ngộ ra chân lý và mới có thể đắc thánh quả A La Hán.
8. Ưu Bà Ly
Ưu Bà Ly được Đức Phật ban cho danh hiệu Giới luật đệ nhất. Ngài vốn thuộc giai cấp nô lệ Thủ Đà La, xuất thân vốn làm nghề thợ cạo tóc, hầu hạ trong vương cung. Ngày Đức Phật về thăm hoàng cung và Ca Tỳ La lần đầu tiên, Đức Phật đã chấp thuận cho các vương tử xuất gia. Ưu Ba Ly mặc dù rất muốn đi theo xuất gia, nhưng Ngài lại tủi hổ cho phận mình sinh ra thấp hèn, phận nô lệ không có quyền lên tiếng. Tuy nhiên Đức Phật đã cho phép Ngài được xuất gia, thu nhận vào tăng đoàn, trở thành nô lệ đầu tiên đắc thánh quả A La Hán chỉ sau một thời gian ngắn tu hành. Ngài được Đức Phật giao trọng trách xử lý, tuyên luật và trì giới.
9. A Na Luật
A Na Luật được Đức Phật ban cho danh hiệu Thiên nhãn đệ nhất. Ngài nổi tiếng trong giới Tăng ni là bậc tu hành rất thanh tịnh, không bao giờ bị sắc dục cám dỗ, vì vậy Ngài được mọi người vô cùng kính trọng. Tuy nhiên Ngài lại mắc phải một tật nhỏ đó là ưa ngủ gục mỗi khi ngồi nghe Đức Phật thuyết pháp, từng bị quở trách nhiều lần. Kể từ đó Ngài lập hạnh “không ngủ” từ sáng cho tới tận đêm, Ngài chỉ ngồi mở to đôi mắt nhìn vào khoảng không, không chớp mắt, cho đến một hôm thì hai mắt sưng to rồi bị mù loà. Chính Đức Phật đã cầm tay chỉ dạy để giúp Ngài tu định khiến đôi mắt sáng trở lại. Ngài chứng được Thiên nhãn thông, bất quản xa gần, bất luận trong ngoài, mắt Ngài đều thấy rõ ràng. Ngài đắc thánh quả A La Hán và được ban cho danh hiệu Thiên nhãn đệ nhất.
10. Ca Chiên Diên
Ca Chiên Diên được Đức Phật ban cho danh hiệu Biện luận đệ nhất. Ngài có biệt tài chuyên dùng lời nói tuy rất đơn giản nhưng lại có thể khiến những ai gặp phải vấn nạn nào đi chăng nữa cũng đều phải thần phục. Trong suốt cuộc đời hành hoá, nhờ tài nghị luận xảo diệu mà Ngài đã cảm hoá được rất nhiều người, khiến họ tỉnh ngộ để trở về với Tam bảo, sống một đời sống an vui, nhẹ nhàng.