Mỗi bộ kinh Phật được ra đời để nhằm giáo huấn chúng sinh làm những điều tốt đẹp, tùy thuộc vào căn cơ của từng người. Mỗi bộ kinh Phật sẽ có cách sử dụng và ý nghĩa khác nhau cần phải phân biệt rõ.

Các bộ kinh Phật hiện nay có số lượng vô cùng lớn, được sáng tạo nên từ ngàn đời nay, chủ yếu là những ghi chép cổ đến từ chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tùy thuộc vào các tông phái khác nhau mà các bộ kinh văn được xếp ở những vị trí khác nhau. Tuy nhiên tất cả các bộ kinh Phật đều được tạo ra để nhằm giáo huấn con người. Do đó người tu hành cần phải nắm rõ được ý nghĩa từng bộ kinh để vận dụng cho đúng, tránh hiểu công đức vô lượng của các loại kinh.

Sau đây là một số bộ kinh Phật tiêu biểu được sử dụng rộng rãi và phổ biến nhất hiện nay, chư Phật tử có thể tham khảo:

Đại tạng kinh của Thượng tọa bộ

Hiện nay có nhiều kinh văn của các Bộ phái trong đạo Phật được viết bằng tiếng Phạn. Thế nhưng chỉ còn một bộ Đại tạng kinh duy nhất được lưu lại toàn vẹn, đó chính là Đại tạng kinh tiếng Pali của Thượng tọa bộ. Chi tiết các bộ kinh Phật của Thượng tọa bộ được sắp xếp như sau:

1. Trường bộ kinh và Trường A-hàm kinh

Bộ kinh Phật này bao gồm các bài kinh dài nhất trong các loại kinh văn theo hệ Pali. Trường bộ văn hệ Pali có 34 bài kinh mà trong đó, hai bài nổi danh nhất là Đại Bát-niết-bàn kinh và Phạm võng kinh. Trường A-hàm của Pháp tạng bộ chỉ còn trong bản dịch Hán văn, bao gồm 30 bài kinh khác nhau.

2. Trung bộ kinh và Trung A-hàm kinh

Trung bộ văn hệ Pali có 152 bài kinh, trong đó Trung A-hàm của Thuyết nhất thiết hữu bộ có 222 bài, được lưu lại trong Đại tạng kinh Hán văn.

3. Tương ưng bộ

Bộ kinh Phật này bao gồm nhiều kinh văn ngắn gọn được tập hợp lại theo chủ đề, theo nhóm và người nói chuyện. Tương ưng bộ văn hệ Pali có khoảng 2800 bài kinh, trong đó Trường A-hàm của Thuyết nhất thiết hữu bộ chỉ có 1300 bài, hiện đang được lưu lại trong Đại tạng kinh Hán văn.

4. Tăng chi bộ kinh và Tăng nhất A-hàm kinh

Bộ kinh Phật này bao gồm những bài kinh có cùng Pháp số, Tăng chi bộ văn hệ Pali có hơn 2.300 bài kinh. Đại tạng kinh chữ Hán lưu lại bộ Tăng nhất A-hàm, được xem là thuộc bộ Đại tạng kinh của Đại chúng bộ.

5. Tiểu bộ kinh và Tạp kinh

Không phải tất cả các trường phái đạo Phật hiện nay đều có thể loại này, nhưng Tiểu bộ văn hệ Pali có khá nhiều bộ kinh nhỏ rất nổi danh và được ưa chuộng, bao gồm:

– Pháp Cú kinh: Bao gồm 426 câu kệ trong 26 chương về các nguyên lý căn bản đạo Phật, được lưu truyền rộng trong các nước theo Thượng tọa bộ.

– Tự thuyết: Bao gồm 80 bài giảng của đức Phật. Điểm đặc biệt ở đây là những lời của đức Phật tự nhiên thốt ra dạy, không phải do được người khác hỏi mà trả lời. Thế nên bộ kinh này cũng được gọi là Vô vấn tự thuyết.

– Tập bộ kinh: Là một trong những kinh điển cổ nhất, đặc biệt có giá trị văn chương cao.

– Trưởng lão tăng kệ: Ghi lại 107 bài kệ của các vị Thượng tọa.

– Trưởng lão ni kệ: Bao gồm 73 bài kệ của các vị ni trưởng lão.

– Bản sinh kinh, ghi chép các mẩu truyện về những kiếp trước của Đức Phật.

Kinh điển Đại thừa

Không như trường phái Phật giáo Thượng tọa bộ, Đại thừa không tiêu biểu cho một trường phái riêng hay cộng đồng tăng lữ, Phật tử nào. Chính xác hơn, đó là một phong trào rộng rãi bao gồm nhiều trường phái với những cách tiếp cận khác nhau, triển khai các phương pháp diễn đạt về giáo pháp của Đức Phật tập trung vào bi và trí. Các bộ kinh Phật trong Đại thừa có thể kể đến gồm có:

1. Bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh

Bát-nhã-ba-la-mật-đa là tên của một bộ kinh thư vô cùng quan trọng, xuất hiện vào khoảng thế kỉ I TCN, với nội dung xoay quanh chính là về cái tên Bát-nhã-ba-la-mật-đa này, đó cũng là tên của một vị Bồ Tát. Trong bộ kinh này, Bát-nhã được xem là khả năng hiểu được “sự thật như nó vẫn là”, không chứa bất kỳ một luận cứ triết học nào cả, tất cả chỉ nhằm thẳng bản chất của sự có, đặc biệt chỉ bằng cách dùng phương pháp nói ngược.

Cơ sở quan trọng nhất trong bộ kinh này truyền đạt, đó là sự vật không có hai mặt, mà trên nó tất cả những phương pháp nhị nguyên để nhìn vào sự vật đều bị bác bỏ: Ví dụ như các pháp – các hiện tượng – không tồn tại mà cũng không không tồn tại, nhưng lại mang dấu ấn của tính Không. Như vậy thì theo kinh văn Bát-nhã trên, Bát-nhã-ba-la-mật-đa, “Sự toàn hảo của trí huệ” chính là nhận thức các pháp đều trống không, chỉ là những tên gọi, không có tự ngã và nhìn theo chân lý tuyệt đối thì sẽ không có một vật nào tồn tại được.

2. Diệu Pháp Liên Hoa Kinh

Diệu Pháp Liên Hoa kinh hay được gọi tắt là kinh Pháp Hoa, có lẽ được biên tập vào thời kỳ năm 100 TCN cho đến đến 100 SCN. Trong bộ kinh này, Đức Phật đã chỉ rõ ra rằng có nhiều cách khác nhau để giác ngộ, nhưng chúng chỉ là phương tiện nhất thời và thực chất chúng chỉ là một mà thôi.

Một điểm đáng lưu ý ở trong bộ kinh này là sự xuất hiện của Phật Đa Bảo – vốn đã nhập diệt nhiều kiếp trước – vì sự việc này gợi ý là chúng sinh vẫn có thể cầu Phật sau khi Phật nhập Niết-bàn. Như vậy Đức Phật sống vô lượng kiếp vì đã tích tụ vô lượng vô số công đức trong các tiền kiếp. Theo như quan điểm này, mọi thứ không nhất thiết phải bắt nguồn từ kinh Pháp Hoa, từ đó đã dẫn đến khái niệm Tam thân của một vị Phật. Trong thời gian sau đó, bộ kinh này quan hệ mật thiết với tông Thiên Thai và tông Nhật Liên có nguồn gốc tại Nhật Bản.

3. Tịnh Độ Kinh

Có ba bộ kinh chính được xếp vào loại này, đó là: Vô Lượng Thọ kinh, Quán Vô Lượng Thọ kinh và A-di-đà kin. Ba bộ này miêu tả rõ ràng nguồn gốc và bản chất của Tây phương Tịnh độ, nơi ở của Phật A-di-đà, liệt kê ra 48 lời nguyện của Pháp Tạng khi còn là một vị Bồ Tát. Ngài phát nguyện dựng nên một Tịnh độ, nơi chúng sinh với tâm thức thanh tịnh có thể thác sinh, sửa mình theo Phật pháp mà không gặp chướng ngại nào cả. Chúng sinh chỉ cần niệm tên, ngợi ca công đức của Phật A-di-đà là đã có thể tái sinh vào cõi Cực Lạc. 

4. Duy-ma-cật sở thuyết kinh

Duy-ma-cật sở thuyết kinh là một bộ kinh thư độc lập, được biên tập vào khoảng đầu thế kỷ thứ II SCN. Bồ Tát Duy-ma-cật xuất hiện dưới dạng cư sĩ để thuyết pháp, nhấn mạnh đến việc tu tập của hàng cư sĩ. Về mặt giáo lý thì bộ kinh này giống kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa. Tuy nhiên một chủ đề lớn khác trong bộ kinh này có sự khác biệt rõ ràng, đó là các Tịnh độ của chư Phật đã ảnh hưởng lớn đến Tịnh độ tông sau này. Đây là bộ kinh Phật vô cùng phổ biến tại các nước theo Đại thừa Phật giáo tại Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, và Việt Nam.

5. Tam-ma-địa kinh

Các bộ kinh Phật trong nhóm này được xem là những bộ kinh Đại thừa cổ nhất. Chúng nhấn mạnh việc thành tựu các cấp Tam-ma-địa, “định”, trong lúc ngồi thiền, và có thể thấy được rằng thiền định đã giữ một vị trí quan trọng trong Đại thừa ban sơ. Các bộ kinh thuộc trong nhóm này bao gồm Bát-chu-tam-muội kinh và Thủ-lăng-nghiêm-tam-muội kinh.

6. Sám hối kinh

Các bộ kinh Phật trong sám hối kinh bao gồm Tam uẩn kinh và Kim quang minh tối thắng vương kinh luôn đặt nặng đến việc tự kể về mình, sám hối tội lỗi. Đặc biệt là bộ kinh Kim Quang Minh được vương triều Nhật Bản thời ấy đặc biệt chú trọng.

7. Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh

Bộ kinh này là một bài kinh tổng hợp nhiều thành phần, cụ thể là Thập địa kinh và Hoa Nghiêm kinh. Có lẽ bộ kinh này được biên soạn vào khoảng thế kỷ thứ IV SCN, mặc dù các thành phần của nó, như những phần được nói bên trên, được xem là xuất hiện ở thế kỉ thứ I hoặc thứ II. Kinh Hoa Nghiêm được xem là nguồn của sự tôn xưng đức Phật Đại Nhật, sau này bộ kinh là cơ sở phát triển của bộ Đại Tỳ-lô-giá-na thành Phật thần biến gia trì kinh, một trong hai bộ kinh trung tâm của Chân ngôn tông, cũng được đưa vào Đại tạng kinh Tây Tạng trong nhóm Hành đát-đặc-la.

8. Như Lai Tạng kinh

Thuộc về trong bộ kinh này là các bộ Như Lai tạng kinh, Thắng Man sư tử hống nhất thừa đại phương tiện phương quảng kinh và Đại bát-niết-bàn kinh thuộc hệ Đại thừa. Ba bộ kinh này dạy rằng, mỗi chúng sinh đều có đức Như Lai tạng, được dịch và hiểu là Phật tính, Phật chủng. Phật tính ở đây chính là khía cạnh của mỗi chúng sinh vốn đã giác ngộ, vì vậy có khả năng làm chúng sinh giác ngộ nhanh chóng.

9. Kinh tập hợp

Thuộc về bộ kinh này là hai bộ kinh rất lớn với tính cách tập hợp những bộ kinh khác. Đó chính là bộ Kinh Đại bảo tích bao gồm 49 bài kinh riêng biệt, và Đại tập kinh gồm 17 bài kinh tương đối ngắn. Cả hai bộ kinh Phật này đều được xem là được biên tập vào thế kỉ thứ V, mặc dù chúng chứa những bài kinh cổ xưa hơn nhiều.

Kim cương thừa kinh

Kim cương thừa kinh là tập hợp các bộ kinh Phật được sử dụng cho các tăng lữ thuộc trường phái Kim cương thừa. Trường phái Phật giáo này xuất hiện trong khoảng thế kỷ thứ V hoặc VI tại phía Bắc Ấn Độ. Kim cương thừa bắt nguồn từ Đại thừa và được truyền qua Tây Tạng, Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ và Nga. Đây là một trong ba bộ phái Phật giáo chính thống hiện nay, mặc dù xuất phát từ Phật giáo Đại thừa, thế nhưng trường phái này lấy thêm những phương pháp tu học huyền bí, có tính chất mật truyền. 

Thường thường các trường phái trong Kim cương thừa được hướng dẫn bằng một vị Đạo sư, kinh sách của họ trình bày nhiều phép tu luyện được gọi là Đát-đặc-la. Kim cương thừa hay sử dụng Chân ngôn và có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tại Tây Tạng. Các bộ kinh Phật trong nhóm này có thể kể đến đó là Đát-đặc-la Phật giáo, bao gồm 4 loại nhỏ hơn:

1. Tác đát-đặc-la

Bộ kinh này chiếm phần lớn kinh văn Đát-đặc-la nhưng có ít tầm quan trọng, xuất hiện giữa thế kỉ thứ II và VI. Bộ kinh Đát-đặc-la này chú ý đến phép tu luyện thông qua các hành động. Mỗi Tát Đát-đặc-la xoay quanh nghi thức thờ cúng một vị Phật hoặc Bồ Tát, và nhiều vị lại đứng quanh những Đà-la-ni. Những bộ kinh văn tiêu biểu cho nhóm này có thể kể đến như Đại vân kinh, Văn-thù-sư-lợi căn bản nghi quỹ.

2. Hành đát-đặc-la

Có một ít kinh văn thuộc vào thể loại Hành Đát-đặc-la, thể loại kinh thư có lẽ xuất hiện vào thế kỉ thứ VI, phép tu luyện hoàn toàn hướng đến việc tôn xưng đức Phật Đại Nhật. Ví dụ tiêu biểu có thể kể đến đó là bộ Đại Tỳ-lô-giá-na thành Phật thần biến gia trì kinh. Đát-đặc-la này sau được xem là kinh văn chính của tông Chân ngôn.

3. Du-già-đát-đặc-la

Phép tu luyện cũng hướng đến Đức Phật Đại Nhật, bao gồm thêm hai bộ kinh Nhất thiết Như Lai chân thật nhiếp đát-đặc-la và Nhất thiết nghiệp chướng thanh tịnh đát-đặc-la.

4. Vô thượng du-già-đát-đặc-la 

Thể loại kinh Phật Đát-đặc-la cấp cao nhất này tập trung vào sự chuyển hóa tâm thức, ít lưu ý đến các nghi lễ bên ngoài. Do đó các bộ kinh này thỉnh thoảng được xếp theo Thân phụ đát-đặc-la và Thân mẫu đát-đặc-la.

—————-

Xem Thêm:   Pháp môn Tịnh độ là gì

XEM NGAY CÁC VIDEO DƯỚI ĐÂY TRÊN YOUTUBE

  • 50 Bài Học Chính Đức Phật Đích Thân Chỉ Dạy Sau Khi Giác Ngộ
  • Top 10 nhà sư Việt Nam nổi tiếng nhất hiện nay
  • Top 5 ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, số 1 là ngôi chùa lớn nhất thế giới
  • Top 10 vị đại lão hòa thượng có tầm ảnh hưởng lớn nhất tới nền phật giáo Việt Nam
  • 5 bằng chứng cho thấy Đức Phật đã đi trước khoa học hàng ngàn năm