10 Lợi ích khi trì tụng Kinh Kim Cang
Pháp Giới 12 tháng trước

10 Lợi ích khi trì tụng Kinh Kim Cang

“Công đức tụng Kinh Kim Cang vô cùng lớn. Bởi kinh này chính là khuôn phép để phát Bồ Đề tâm, hành Bồ Tát đạo, tu trọn Lục Độ. Từ xưa đến nay, rất nhiều người đọc tụng: Người đốn ngộ tự tánh, triệt chứng duy tâm, sống dự vào dòng thánh, thác về cõi Tây Phương Tịnh Độ, kể sao cho xiết. Những kẻ kém hơn thì tiêu trừ tội nghiệp, tăng trưởng thiện căn, chuyển họa thành phước, ngu biến thành trí càng nhiều hơn nữa!” (Tổ Ấn Quang).

Năm xưa, Ngũ Tổ giảng kinh Kim Cang cho Lục Tổ Huệ Năng, đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (hãy nên chẳng trụ vào đâu để sanh tâm), Lục Tổ đại ngộ, thưa: “Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh, nào ngờ tự tánh vốn chẳng sanh diệt. Nào ngờ tự tánh vốn tự trọn đủ. Nào ngờ tự tánh có thể sanh ra muôn pháp”.

Do đây thì biết thần lực của Kinh không thể nghĩ bàn! Tuệ Tâm trích dẫn những câu chuyện có thật trong “Kinh Kim Cang công đức tụng – Quán Thế Âm Bổn Tích”. Nguyện những ai có nhân duyên đọc những câu chuyện này đều vững chắc tín tâm. Hoặc trì tụng Kinh Kim Cang, hoặc phát tâm niệm Phật. Đều cùng lìa khổ được vui, cùng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Quốc!

  • Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật – Bản chuẩn.
  • Cách phòng chống Tẩu hỏa nhập Ma.
  • Cách giúp đỡ người bị ma nhập.
  • Cách thay đổi vận mệnh
  • Cách tụng kinh tại nhà
  • 10 chuyện Tâm linh có thật.
  • 10 chuyện nhân quả báo ứng có thật.
10 Lợi ích khi trì tụng Kinh Kim Cang
Công đức tụng Kinh Kim Cang

Công đức tụng Kinh Kim Cang

Tổ Ấn Quang bảo: “Niệm kinh Kim Cang nếu có thể chí thành khẩn thiết sẽ tự tiêu trừ nghiệp chướng, tăng trưởng phước huệ. Lại còn niệm Phật hồi hướng, quyết định vãng sanh Tây Phương. Hễ được vãng sanh sẽ siêu phàm nhập thánh, lên địa vị Bất Thoái. Lại còn thân cận Di Đà, theo gót hải chúng. Tự nhiên viên thành tam thân, tứ trí, ngũ nhãn, lục thông, hết thảy công đức”

Công đức tụng Kinh Kim Cang: 1. Vãng sanh Cực Lạc

1: Theo sách Kim Cang Trì Nghiệm, vào năm Vĩnh Huy nguyên niên (650) đời Đường. Sư Thích Minh Tuấn chết bất ngờ, thấy hai gã áo xanh dẫn đến gặp vua cõi âm, hỏi suốt đời Sư tu tập môn nào?

Minh Tuấn đáp: “Chỉ tụng kinh Kim Cang”. Vua nói: “Lành thay! Nếu tụng mười vạn biến, năm sau ắt sanh về Tịnh Độ, đệ tử chẳng được thấy thầy nữa!” bèn thả về. Minh Tuấn càng thêm tinh tấn. Đến tháng Ba năm Vĩnh Huy thứ 2 (651), Sư ngồi qua đời, mọi người đều ngửi thấy mùi hương lạ.

2: Theo sách Phật Tổ Thống Kỷ, vào đời Đường. Vị Tăng chùa Pháp Tín ở Kinh Châu là Duy Cung niệm kinh Kim Cang suốt ba mươi mấy năm. Mỗi ngày niệm năm mươi biến. Vị tăng cùng chùa là Linh Khuy ra khỏi chùa một dặm. Gặp năm sáu người, trẻ tuổi, hết sức xinh đẹp, y phục tinh sạch, ai nấy đều cầm nhạc khí, hỏi: “Cung thượng nhân ở chỗ nào?”

Linh Khuy bảo cho họ biết chỗ và hỏi họ từ đâu tới. Đáp: “Từ Tây Phương đến đón Cung thượng nhân”. Một người lấy hoa sen từ trong bọc ra, hoa còn đang ngậm búp, to như nắm tay. Cánh sen tỏa ánh sáng lạ, họ rảo bước về hướng chùa. Đến chiều, Duy Cung bèn mất, cả chùa nghe tiếng đàn sáo.

*

3: Theo sách Pháp Hoa Trì Nghiệm, vào đời Tống. Ở phía Nam thành Hồ Châu có người đồ tể tên là Lục Ông. Năm hai mươi ba tuổi, thấy một vị vân thủy tăng đến cửa, miệng nói: “Giáo hóa người hữu duyên”. Họ Lục chẳng hiểu, vị Tăng nói: “Ông giết trâu, dê vô số. Nếu chẳng đổi nghề, đời sau ắt đọa làm những loài ấy. Ông có thiện căn từ đời trước, hãy nên cật lực trì kinh Pháp Hoa, kinh Kim Cang. Hòng tiêu trừ ác nghiệp, tăng trưởng thiện phước”. Nói xong, chẳng thấy đâu nữa!

Họ Lục bèn tỉnh ngộ, ăn chay, kiêng giết, vẽ hình A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí. Sáng tối cúng dường, hằng ngày tụng hai kinh ấy để sám hối. Nguyện độ những chúng sanh đã bị giết sớm được sanh về Tịnh Độ. Năm tám mươi mốt tuổi, khoảng nửa tháng trước [khi mất], ông hẹn khắp các thân hữu: Trong ngày mồng Chín tháng Mười Một sẽ đãi cơm, cáo biệt. Đến hạn, ông tắm gội, ngồi ngay ngắn, đọc kệ tụng rồi mất. Kệ tụng như sau:

Ngũ thập dư niên ly sát nghiệp

Thủ phao đao xứng ám tu hành,

im triêu đắc phó Bồ Đề lộ,

hủy lý liên hoa hỏa lý sanh.

(Năm chục năm hơn lìa sát nghiệp,

Ngấm ngầm tu tập, vứt cân, đao,

Bồ Đề nay bước trên đường ấy,

Nước trổ sen tươi giữa lửa hồng

*

4: Theo Viên Trung Lang Tập, vào đời Minh. Vợ ông Cung Trọng Thuần ở Công An là Chúc Thị, được nghe pháp môn Tịnh Độ từ vị huynh đệ là Viên Hoằng Đạo. Bà tin tưởng, bèn chuyên trì danh hiệu Phật kiêm tụng kinh Kim Cang. Một hôm, bà bảo các con: “Đức Phật nói ba hôm sau sẽ đến đón ta”.

Đến kỳ hạn, bà bèn tắm gội ngồi giữa nhà, quyến thuộc xúm xít, hồi lâu sau, bà tự nói: “Phật đến rồi! Giữa mày phóng bạch hào quang dài mấy trượng” Lại nói thấy một vị Tăng tướng hảo trang nghiêm, tự xưng là Tu Bồ Đề, trong khoảnh khắc, hóa thành hơn một trăm vị Tăng. Có người bên cạnh nói: “Trong kinh nói tới một trăm ba mươi tám vị Tu Bồ Đề, chính là vị này đấy”. Các quyến thuộc cùng đốt hương, niệm danh hiệu Phật.

Chúc Thị mỉm cười qua đời. Trong gác có đứa hầu gái mới chín tuổi, chợt ngã xuống đất, rồi đứng lên nói thấy mấy người khổng lồ mặc giáp vàng cầm tràng phan dẫn đường cho phu nhân. Cán tràng chạm vào mặt nên bất ngờ té xuống đất. Xem kỹ thì mặt nó còn vết trầy rành rành. Đã liệm xong thì từ trong quan tài lại tỏa ra mùi hương lạ.

*

5: Theo sách Báo Ứng Ký, vào đời Đường. Vu Sưởng giữ chức Lục Sự Tham Quân ở Tinh Châu dưới triều Võ Tắc Thiên. Cứ sau canh một là ông lại thở hổn hển, toát mồ hôi, qua canh hai thì hết. Vợ là Liễu Thị tính mời thầy thuốc. Ông Sưởng ngầm bảo vợ: “Không có nỗi khổ nào khác. Chỉ là ban ngày phải lo việc công, đêm đến phải phán xử việc cõi âm, sức ta không kham nổi”.

Ông thường biết trước tai nạn xảy đến, ngấm ngầm chuẩn bị. Suốt sáu năm như thế. Sau khi mẹ mất, ông trì kinh Kim Cang bèn không còn phải làm nha lại cõi Âm nữa. Do vậy, cực lực khen ngợi sức công đức của kinh này, dạy con cháu phúng tụng. Năm tám mươi tuổi, khi sắp mất, chợt nghe mùi hương lạ, ông bảo người xung quanh: “Có thánh nhân đến đón ta về Tây Phương”. Nói xong thì mất.

*

6: Theo Kim Cang Chứng Quả, trong niên hiệu Thiệu Hưng đời Tống. Ông X… ở Minh Châu không có con, vợ là Vương Thị có thai cả hai mươi tám tháng vẫn chưa sanh. Gặp một vị Tăng bảo: “Ông bị ách nạn lớn. Chỉ có cách thí một ngàn quyển kinh Kim Cang mới thoát”. Ông làm đúng như lời. Lại phát nguyện tụng một ngàn quyển, trai tăng một ngàn vị. Đêm mộng thấy thần Kim Cang cầm xử chỉ vào bụng bà vợ. Tỉnh giấc sanh được hai trai.

Đến năm ông sáu mươi mốt tuổi, chết đột ngột, vào cõi Âm. Diêm Vương bảo ngồi trên giường vàng, tụng kinh một biến. Sự khổ của các quỷ trong địa ngục đều nhanh chóng chấm dứt. Hỏi ông sao không tụng chú? Thưa: “Trong thế gian không có bản kinh nào có chú cả!” Diêm Vương liền trao cho bản kinh có ghi bài chú, lại bảo: “Ông trở về dương gian, hãy nên lần lượt lưu thông. Mai sau hết tuổi thọ sẽ sanh vào thế giới Cực Lạc”. Bèn sống lại. Sau này, đến năm chín mươi mốt tuổi, ông không bệnh, ngồi mất.

*

7: Theo Công đức tụng kinh Kim Cang Tân Dị Lục, vào thời Vạn Lịch nhà Minh. Nội giám (thái giám) Trương Ái mỗi tối trì kinh Kim Cang suốt mấy năm. Bệnh gần chết, thấy hai người áo xanh đến nói: “Đưa ông qua Sơn Đông đầu thai”. Đi như bay, trong vòng một ngày đã tới, thấy núi sông nơi ấy và cha mẹ sẽ đầu thai vào. Trương Ái chỉ nhất tâm trì kinh, bị áp giải đến một ngôi điện, nghi là [cung điện của] Đông Nhạc.

Trên điện có một vị vua, đầu đội mão đỉnh bằng, bảo: “Ông đáng nên đầu thai về nơi đây”. Đáp: “Ái trì kinh Kim Cang, nguyện sanh về Tịnh Độ, chẳng muốn thọ thai!” Vua nói: “Ông trì kinh công ít, biết làm sao được?” Trương Ái thưa: “Từng nghe nói mười niệm thành tựu liền được vãng sanh, huống hồ tôi đã trì kinh Kim Cang đã mấy năm rồi!” Vua bảo: “Cho ông trở về, trì kinh thêm!” Đã tỉnh lại, ông Ái bèn lìa nhà, trụ tại Bích Vân Tự ở Tây Sơn, chuyên tụng kinh Kim Cang. Mười một năm sau, một hôm nhóm chúng, bảo: “Hôm nay tôi về Tây”, ngồi ngay ngắn qua đời.

*

8: Theo Cân Ngự Thừa Tục Tập, vào đời Minh. Vợ ông Trầm Xuân Giao ở trấn Song Lâm, Hồ Châu là Phí Thị. Góa bụa từ trẻ, dệt vải để tự nuôi thân. Bà ăn chay mấy chục năm, thờ phụng tượng Phật và tượng Đại Sĩ bằng đàn hương. Hằng ngày tụng một quyển kinh Kim Cang, niệm Phật một ngàn câu. Dù tiết trời nóng hay lạnh chẳng bỏ sót.

Trong trận dịch lớn dưới thời Sùng Trinh, bà dời sang sống trên ngôi lầu trong nhà người con rể là Trương Thế Mậu, chỉ đem tượng Đại Sĩ theo. Hằng ngày, bà hồi hướng hương này xông thẳng đến chỗ Phật.

Ba năm như thế, chợt trên hư không có hương vờn quanh lầu mấy ngày. Trên vách tường vôi bỗng hiện ra tượng Phật, trang nghiêm tinh diệu. Xa gần đồn đại, người đến chiêm lễ ngày càng đông. Nếu dùng khăn sạch để lau thì hình sắc càng rạng rỡ.

Bốn năm sau, bà trở về chỗ cũ, vào cửa, liền quét dọn, thắp hương đèn, lễ Phật, tụng kinh. Đến sáng ngày thứ ba, tắm gội, thay áo, ngồi ngay ngắn niệm Phật. Đến Ngọ, kêu ầm lên: “Phật tới rồi, ta đi đây!” Từ biệt mọi người qua đời, thọ bảy mươi ba tuổi.

*

9: Theo Nhị Lâm Cư Hậu Tập, vào đời Thanh. Ông Trầm Bỉnh ở Trương Châu, tự là Kính Phù. Năm mười lăm tuổi bị bệnh suyễn. Đến năm ba mươi bệnh nặng hơn, năm năm mươi tuổi bệnh càng nặng hơn nữa. Bèn niệm Phật, ăn chay trường. Bạn ông ta là Dương Quảng Văn khuyên tụng kinh Kim Cang, ông Trầm bèn mỗi ngày tụng ba quyển.

Vào mùa Đông năm Càn Long 46 (1781), ông thị hiện bị bệnh nhẹ. Đến ngày ba mươi, dậy sớm, súc miệng, tắm gội xong, hướng về Tây, ngồi xếp bằng niệm Phật. Vợ ở bên cạnh, ông xua tay đuổi ra, sau đó ngồi nghiễm nhiên qua đời.

*

10: Theo Cân Ngự Thừa Tục Tập, vào đời Minh. Ngư phủ Trương Nguyên ở Hải Diêm và em trai là Trinh thấy trên mặt nước có ánh sáng lạ chiếu hắt lên, liền lặn xuống nước. Mò được một hộp đá, bên trong hộp đựng bộ kinh Kim Cang viết bằng chữ vàng.

Đêm mộng thấy thần kim giáp nói: “Ngươi đời trước là người hầu việc tại giảng đàn của pháp sư Trường Thủy, do không có lòng tin nên thoái đọa đến mức này. Nhưng cái nhân nhỏ nhoi vẫn chưa mất, ban cho ngươi đại pháp, hãy nên tinh tấn trì tụng”. Ông Nguyên lấy cớ không biết chữ để từ tạ, thần bảo há miệng ra, nhét một hoàn thuốc vào. Sáng hôm sau, mở kinh ra tụng, đọc làu làu như quen tụng từ lâu.

Trương Nguyên đem chuyện này kể với vị tăng chùa Chiêu Khánh là Truyền Như. Truyền Như khuyên hãy hồi hướng Tây Phương. Ba năm sau, Trương Nguyên bảo người thân và kẻ quen biết: “Đài sen đã hiện rồi!” ngồi ngay ngắn qua đời. Đó là chuyện nhằm tháng Bảy năm Đinh Sửu (1589) thời Vạn Lịch.

Công đức tụng Kinh Kim Cang: 2.Thoát chết

1: Theo Thái Bình Quảng Ký, vào đời Tùy. Mộ Dung Văn Sách ăn chay, tụng kinh Kim Cang. Một hôm, chết đột ngột, vào cõi Âm. Diêm Vương chắp tay, khen ngợi công đức rất lớn, sai thả về. Chợt thấy hai vị Tăng cầm đuốc dẫn đường cho Văn Sách, liền kéo chéo áo ca-sa hỏi.

Vị Tăng nói: “Do ông trì kinh nên chúng tôi đến bảo vệ, hãy nên đi theo ánh đuốc”. Ra khỏi cửa thành, Tăng bèn chỉ một ngôi thành lớn, bảo: “Đấy là địa ngục”. Văn Sách chẳng nỡ nhìn, đến một con đường có bức tường ngang chắn lối. Vị Tăng dùng tích trượng gõ vào, tường liền tách ra, bảo: “Nên đi theo lối này” liền sống lại.

*

2: Theo Pháp Uyển Châu Lâm, vào đời Đường. Thứ Sử Quát Châu là Nhậm Nghĩa Phương người xứ Lạc An, chết trong niên hiệu Vũ Đức. Mấy ngày sau, sống lại, tự kể: “Bị dẫn đến gặp Diêm Vương, vua truyền coi địa ngục, chẳng khác gì trong kinh Phật đã dạy. Dưới đất ngày hay đêm đều tối tăm, như đi trong sương mù.

Người nhà do thấy Nghĩa Phương tim còn ấm nên mời tăng tụng kinh Kim Cang. Nghĩa Phương liền nghe tiếng, Diêm Vương thấy tuổi thọ chưa hết nên thả về. Người đưa về dặn: “Cứ theo tiếng tụng kinh sẽ về đến nhà”. Đã sống lại, do bàn đến chuyện địa ngục bèn vẽ tranh tả cảnh địa ngục.

*

3: Theo Báo Ứng Ký, vào đời Đường. Lý Khưu Nhất làm quan tại huyện Cao Bưu, Dương Châu, thích đem chim ưng và chó đi săn. Một hôm, chết đột ngột, bị lôi đến gặp Diêm Vương. Các loài chim thú nói tiếng người đòi mạng. Ông Lý nói: “Tôi từng chép một quyển kinh Kim Cang”. Vua sai lục trong kinh tạng, quả nhiên là thật.

Vua chắp tay nói: “Công đức ấy tối thượng”, bèn gọi những con vật đã bị giết lại để trình bày, xin [chúng cho ông Khưu Nhất] tạ lỗi. Khưu Nhất nguyện chép một trăm quyển kinh nữa, ai nấy đều hoan hỷ cho về. [Khưu Nhất] thân đã nằm trong quan tài, tung nắp hòm ngồi dậy. Thứ Sử Dương Châu tâu chuyện này lên. Vua hạ chỉ thăng Khưu Nhất lên Ngũ Phẩm, giữ chức Chiêu Thảo Sứ ở Gia Châu.

*

4: Theo Quảng Dị Ký, trong niên hiệu Khai Nguyên đời Đường.Ở Hoạt Châu có Lô Thị trì kinh Kim Cang. Một hôm bị hai người mặc áo vàng bắt vào cõi âm, thấy mấy chục người đều mặc áo đội mão, phía sau họ quá nửa là nằm trong lưới, hoặc không có áo, hoặc đầu trần.

Nha lại nói: “Người lành thì có áo mão, những kẻ ở trong lưới đều do mắc tội nặng. Nếu vì họ thuyết pháp, họ đều được lên cõi trời. Lô Thị liền ngồi trên tòa cao, tụng tên kinh Kim Cang, những kẻ ở trong lưới đã ngoi đầu ra, tụng đến nửa kinh, họ đều thoát ra ngoài đất. Tụng kinh xong, họ vãng sanh hết. Diêm Vương gọi Lô Thị là “pháp sư”, cho sống lại.

*

5: Theo Dậu Dương Tạp Trở, trong niên hiệu Trinh Nguyên đời Đường. Vị Tăng tên Trí Đăng ở chùa Thiên Sùng tại Kinh Châu trì kinh Kim Cang, bị bệnh chết. Bảy ngày sau sống lại, nói: “Do niệm kinh nên Diêm Vương bước xuống bệ chắp tay đón, nói: “Thượng nhân còn ở đời mười năm, hãy gắng thoát sanh tử”.

Vua lại nói các vị Tăng trong nhân gian sau Ngọ ăn hạt Ý Dĩ và dùng các thứ thuốc, điều này trái nghịch Phật giáo rất lớn. Trí Đăng thưa: “Trong Luật có những điều khai giá”. Vua bảo: “Đấy là do người đời sau thêm vào, chẳng phải là ý Phật”. Hiện thời, chư Tăng ở Kinh Châu sau Ngọ không uống thuốc.

*

6: Theo Pháp Uyển Châu Lâm, năm Khai Hoàng thứ 11 (591) đời Tùy. Đại Phủ Tự Thừa là Triệu Văn Xương chết đột ngột, đến chỗ vua Diêm La. Vua do thấy ông ta chuyên tâm trì tụng kinh Kim Cang, khen ngợi: “Lành thay!” Sai lấy kinh Kim Cang từ trong kinh tạng mang đến chỗ vua. Một người cầm quyển kinh đứng ở phía Tây, Văn Xương đứng ở phía Đông, đối trước kinh đọc tụng, chẳng sót một chữ, bèn thả về.

Vua sai dẫn Văn Xương đi theo cửa Nam ra, thấy Châu Vũ Đế trong căn phòng ở bên cửa, đeo ba tầng gông xiềng, kêu Văn Xương bảo: “Ta diệt Phật pháp, tội nặng. Xin hãy báo với hoàng đế nhà Tùy tạo một chút công đức cho ta ngõ hầu thoát được địa ngục”. Đến khi ra, thấy một hầm phân to, bên trong có đầu người nhô lên. Hỏi ra thì đấy là Bạch Khởi, tướng nhà Tần! Văn Xương về đến nhà, sống lại, liền tâu lên vua. Vua truyền trong thiên hạ mỗi người bỏ ra một đồng vì Châu Vũ Đế tụng kinh Kim Cang, lập đại trai đàn cúng dường ba ngày.

*

7: Theo Thọ Trì Linh Nghiệm Ký. Con gái ông Trương Ngọc ở Sơn Tây tên là Phật Nhi thích tụng kinh điển. Một hôm, chết đột ngột, nửa ngày sau, sống lại, kể: “Bị hai con quỷ bắt qua Xoa Lãnh, trước hết thấy quỷ dùng mền đen bọc hai người bỏ vào nhà họ Trần. Lại dùng cái mền hoa bọc con và nói: ‘Mày nợ ông ta một ngàn năm trăm đồng, nay phải qua đó trả nợ’.

Chợt một người áo xanh lục chặn đằng trước, bảo: ‘Người này niệm kinh Bát Nhã, hãy dung thứ’. Do vậy, trợt chân ngã xuống đất, bèn tỉnh lại”. Cha cô ta qua Xoa Lãnh hỏi thăm. Quả nhiên trong nhà họ Trần sanh ra ba con chó, hai con đen, một con vá vừa rớt xuống đất liền chết.

*

8: Theo Kim Cang Cảm Ứng, vào đời Minh. Trâu Ách ở Côn Sơn thỉnh tăng tụng kinh Kim Cang. Em trai là Chẩn nghe kinh tới phần thứ mười lăm, khen hay, bảo: “Trong đạo Nho ta không có điều này”. Về sau, [Trâu Chẩn] mắc bệnh, bất tỉnh nhân sự nửa tháng, chỉ có trước ngực là còn chưa lạnh.

Chợt tỉnh lại, ngồi dậy nói: “Em làm trâu trong nhà Lý Tác Phường ở ngoài Xương Môn, khắp thân trắng toát, thấy thần Kim Cang nói: ‘Người này từng nghe kinh Kim Cang, sao lại vào trong loài này?’ Dùng xử báu gõ vào đầu trâu, tôi liền tỉnh lại, tự cảm thấy đỉnh đầu còn hơi rêm”. Hỏi ra thì trong nhà họ Lý quả nhiên có con nghé trắng mới sanh ra liền chết.

*

9: Theo Thái Bình Quảng Ký, trong năm Nguyên Hòa thứ 7 (812) đời Đường. Người ở thành phố Kinh Triệu là Du Vạn Doanh trong nhà có một con rắn độc to. Đem giết ăn thịt, bèn bị đau phổi rồi chết. Bảy ngày sau sống lại, nói: “Thoạt đầu tôi bị sứ giả cõi âm bắt, đi trong bóng tối mười mấy dặm. Thấy một người niệm kinh ánh sáng tỏa quanh thân, chiếu ra bốn phía tới mấy thước, kêu Doanh đi theo, bảo:

– Tôi niệm kinh Kim Cang, ông đừng rời tôi thì sứ giả chẳng dám tới gần, dần dần chẳng thấy [sứ giả] đâu nữa”. Về đến nhà, Vạn Doanh bái tạ: “Chẳng gặp bậc chí nhân, quyết chẳng trở về được!” Do vậy, đoạn rượu thịt, hằng ngày tụng năm mươi biến kinh Kim Cang.

*

10: Theo Kim Cang Cảm Ứng, trong niên hiệu Vũ Đức đời Đường. Tô Văn Trung ở Trường An giàu có, nhưng bất nhân. Tới già, té nhà cầu mà chết. Con là Nhân Khâm mặc sức nấu nướng, sát hại, âm phủ giam hồn hắn trong địa ngục nên bị bệnh nặng kinh niên, thấy chúng sanh đòi mạng rồi chết.

Diêm Vương sai dẫn lên núi đao, rừng kiếm, chợt có vị Tăng tên là Thần Kính cầm kinh Kim Cang đến, bảo vua: “Kinh này do Nhân Khâm thí, Tăng tụng kinh bèn chứng quả, xin giảm tội cho hắn”. Vua khen tốt lành, cho trở về dương gian. [Nhân Khâm] liền in tặng ngàn quyển, mộng thấy cha nói: “Ta ở trong địa ngục, nhờ con thí kinh nên cùng với vong hồn tổ tiên bảy đời được siêu sanh thiên giới”.

Công đức tụng Kinh Kim Cang: 3. Lành bệnh  

1: Theo Kim Cang Chứng Quả, trong niên hiệu Vũ Đức đời Đường. Trần Chiếu ở Giang Lăng ăn chay, trì kinh Kim Cang. Mỗi ngày bên cạnh tòa có con rắn to đến nghe. Người hàng xóm là Điêu Xương ngờ là yêu quái bèn giết chết. Rắn kiện dưới âm ty, bắt Xương đến cho rắn quấn quanh thân cắn mổ.

Điêu Xương báo mộng với vợ: “Rắn phải nghe kinh đủ một trăm quyển thì sẽ có thể bay lên, chỉ còn thiếu bảy quyển thì ta lầm lẫn giết chết. Hãy mau thỉnh tăng chép bảy quyển kinh Kim Cang, sám hối cứu ta”. Vợ nghèo, bèn bán đứa con năm tuổi để làm [công đức ấy]. Từ đấy, [thương nhớ] khóc con mù mắt, hằng ngày tụng kinh Kim Cang đi xin ăn. Đứa con sang đất Thục (Tứ Xuyên) ba mươi năm, cha mẹ nuôi đều mất, do vậy, trở về Giang Lăng, liếm lên mắt mẹ, hai mắt đều sáng lại.

*

2: Theo Thái Bình Quảng Ký, vào đời Đường. Vợ ông Trần Huệ là Vương Thị lúc chưa xuất giá, anh họ là Chử Kính cầu hôn, [gia đình] không chấp thuận. Kính giận dữ, nói: “Ta làm quỷ ắt sẽ đến khuấy”. Cô Vương xuất giá, Kính chết. Vương mộng thấy Kính, cấn thai, hơn một năm vẫn chưa sanh, bèn trì kinh Kim Cang, hồn Kính lẫn quỷ thai đều tiêu.

3: Theo Báo Ứng Ký, trong niên hiệu Trường Khánh đời Đường. Câu Long Nghĩa ở Khai Châu thấy người khác chép kinh Kim Cang, vô cớ hủy mất, liền bị câm bặt. Năm sáu năm sau, nghe hàng xóm tụng kinh này, giật mình tự trách, nép sát vào vách để nghe.

Hơn tháng sau, ngẫu nhiên vào chùa, gặp một vị Tăng bèn lễ, [Tăng] hỏi chuyện gì, [Long Nghĩa] chỉ vào miệng, Tăng dùng dao khứa vào lưỡi bèn nói được, lại còn niệm kinh tiếng giống hệt như người hàng xóm. Về sau, ông Câu đến thăm vị Tăng ấy chẳng thấy nữa, chỉ thấy có hình ngài Tu Bồ Đề vẽ trên vách. Do vậy, bèn chép kinh và vẽ hình ngài Tu Bồ Đề, suốt đời lễ bái.

*

4: Theo Báo Ứng Ký, trong niên hiệu Nguyên Hòa đời Đường. Vương Xưng ở Tấn Châu ăn thịt chó, mắt bèn lòa. Mấy năm sau, gặp một vị Tăng khuyên chép kinh Kim Cang. Nghe theo, chép bảy quyển, thỉnh Tăng dạy tụng mấy ngày, mộng thấy vị Tăng khi trước cầm dao khoét tròng mắt, hoảng sợ tỉnh giấc thì thấy được, mắt sáng lại.

5: Theo Dậu Dương Tạp Trở, đầu niên hiệu Vĩnh Thái đời Đường. Phong tử ở Phong Châu buổi tối ra ngoài ải bị bọn Đảng Hạng bắt đem về Tây Phiên nuôi ngựa. Sống ở đấy một năm, mộng thấy mẹ, muốn trở về. Nhưng luật của người Phiên rất ngặt, không có lệ tha về.

Tướng Phiên khá nhân từ, lén cho hai con ngựa, bảo hãy đi đi. Phong tử bắt ngựa chạy quá sức, cả hai con đều chết, bèn ngày núp, đêm đi. Chân lại bị [sỏi đá] đâm bị thương, gục ngã trong sa mạc. Chợt có gió thổi vật gì lướt qua trước mặt, do vậy nắm lấy để buộc chân, trong khoảnh khắc không còn đau đớn nữa, bèn lên đường.

Về được nhà gặp mẹ, mẹ nói: “Kể từ sau khi con bị mất tích, mẹ chỉ niệm kinh Kim Cang. Do thỉnh kinh để lạy, đường chỉ khâu các trang kinh bị đứt, mất mấy trang, chẳng biết vì lẽ nào?” Đến khi con kể với mẹ chuyện chân bị thương, tháo băng ra nhìn thì vật để buộc vết thương chính là mấy trang kinh vậy!

*

6: Theo Báo Ứng Ký, trong niên hiệu Nguyên Hòa đời Đường, Cường Bá Đạt ở Phòng Châu, dòng họ đời đời mắc ác tật cùi hủi đã hai trăm năm. Bá Đạt mắc bệnh năm hai mươi tuổi, tự biết chẳng khỏi được, bèn xin cha anh sắp đặt lương thực, đưa đến ẩn dưới gộp đá trong núi.

Chợt có vị tăng đi qua, thương xót, dạy hãy niệm bốn câu kệ trong kinh Kim Cang. Niệm mấy ngày, có con cọp đi đến, Bá Đạt nhắm mắt chí thành niệm. Cọp bèn liếm quanh chỗ lở loét, [cảm thấy] mát mẻ như được đắp thuốc. Hồi lâu sau, cọp bỏ đi, vết thương đã khô miệng. Ngày hôm sau, vị Tăng lại đến trao cho một ôm cỏ xanh, bảo trở về nhà, nấu nước tắm. Trở về nhà tắm liền hết lở loét, ác tật vĩnh viễn chấm dứt.

*

7: Theo Chứng Quả Lục, vào đời Tống, huyện úy Vương Địch Công thích săn bắn, vợ trì kinh Kim Cang, gắng hết sức khuyên ông Vương tụng niệm, ông bèn tụng một biến. Về sau, bị bệnh chết, vào cõi âm, phải vào Hoạch Thang địa ngục (địa ngục vạc sôi).

Do từng tụng kinh một biến, Diêm Vương phán: “Dẫu là điều lành bé tẹo, cũng đáng khen thưởng trọng hậu, phạt nhẹ rồi thả về”. Vua truyền đem một ít nước sôi từ trong vạc xối lên lưng, rồi thả, ông Vương bèn sống lại. Lưng nổi vết lở loét. Ông bèn thề ăn chay trường, trì kinh. Về sau mộng thấy thần tăng xoa lưng, ba ngày sau bèn lành.

8:  Theo  Tục  Dậu  Dương  Tạp  Trở,  trong  niên  hiệu Trường Khánh đời Đường, sư Hội Tông ở Công An, Kinh Châu, bị trúng cổ trùng gần chết, bèn niệm kinh Kim Cang đến năm mươi biến, mộng thấy có người bảo há miệng ra, từ trong họng lôi ra mười mấy cọng tóc, lại mộng thấy ói ra một con giun to dài hơn một khủy tay, bệnh liền khỏi.

*

9: Theo Kim Cang Cảm Ứng, vào đời Minh, Châu Chi Trình ở Côn Sơn bị mù lúc năm mươi tuổi, tròng mắt xoay ngược, đổi thành sắc biếc. Do vậy, hằng ngày tụng kinh Kim Cang ba quyển, lớn tiếng tán dương suốt mười lăm năm, tròng mắt xanh dần dần xoay lại, hai con mắt dần dần hết sắc xanh.

10: Theo Kim Cang Chứng Quả, trong niên hiệu Thiệu Hưng đời Tống, Tống Thừa Tín ở Hoa Đình bị loét bao tử đã lâu chẳng lành. Mộng thấy vị Tăng bảo: “Phàm ai tạo các ác nghiệp, nha lại cõi Âm bắt thần hồn họ khảo tra trong cõi âm nên thành bệnh tật như điên cuồng, bại liệt, lao, thọt chân, mù, điếc, câm, ngọng, thuốc men chữa chẳng lành, hết tuổi thọ bèn chết, nhân quả chẳng sai sót chừng mảy tóc!

Ông do oán nghiệp nên phải hứng chịu bệnh khổ này. Ta với ông có túc duyên, nên đặc biệt đến báo cho biết. Nếu có thể trì kinh Kim Cang hoặc chép kinh, khuyên người khác niệm thì sẽ cảm âm quan thả hồn, bệnh sẽ có thể lành”. Tỉnh giấc liền in tặng một ngàn quyển, nguyện suốt đời kiền thành tụng niệm, bèn mộng thấy thần Kim Cang ban cho một viên thuốc, uống vào liền khỏi bệnh.

Công đức tụng Kinh Kim Cang: 4.Khỏi chết chóc

1: Theo Thái Bình Quảng Ký, vào đời Đường, Thứ Sử Hoàng Châu là Đỗ Chi Lượng trong niên hiệu Nhân Thọ đời Tùy làm Tham Quân trong phủ của Hán Vương Lượng. Hán Vương Lượng làm phản, đánh chiếm Tinh Châu, nhưng thất bại, liêu thuộc đều bị hạ ngục.

Đỗ Chi Lượng mộng thấy một vị Tăng bảo: “Chỉ có tụng kinh Kim Cang thì mới thoát được tai ách này”. Chi Lượng bèn giữ lòng thành trì niệm. Đến khi sắp bị dẫn ra xử trảm, những người được gọi tên đều bị chết, chỉ có mình Chi Lượng không có tên trong danh sách ấy nên thoát chết. Không lâu sau lại được phóng thích.

*

2: Theo Báo Ứng Ký, Tiêu Vũ là chắt của Lương Vũ Đế, làm quan cho nhà Tùy đến chức Trung Thư Lệnh, tước phong là Tống Quốc Công. Do bàn luận chuyện chinh phạt Cao Ly chẳng hợp ý vua nên cùng với Hạ Nhược Bật, Cao Quýnh đều bị tống giam, sắp đem ra chém. Trong tám hôm bị giam cầm, ông Vũ niệm kinh Kim Cang bảy trăm biến.

Đến hôm sau, gông xiềng chợt tự tuột, kẻ canh giữ thất sắc, xiềng chặt lại. Đến trước điện, chỉ mình ông Vũ được tha. Do vậy, bèn soạn mười tám điều linh nghiệm của kinh Bát Nhã, và khắc bảo tháp bằng gỗ đàn hương để đựng kinh, tháp cao ba thước, cảm được một tượng bằng thâu thạch chợt hiện trong sân, đem thờ trong tháp, thu được một trăm hạt xá-lợi. Năm Trinh Quán 11 (637), ông thấy Phổ Hiền Bồ Tát bèn thong dong đi về Tây.

*

3: Theo Công đức tụng Kim Cang Trì Nghiệm, đời Đường có một phú thương hằng tụng kinh Kim Cang, thường mang quyển kinh theo. Ông ta từng buôn bán ở ngoại quốc, đêm ngủ nơi hải đảo. Các lái buôn tham muốn tài sản của ông ta bèn cùng nhau sát hại bằng cách nhét ông ta vào một cái sọt lớn, bỏ thêm một tảng đá to, đem cả cuốn kinh cùng nhận chìm xuống đáy biển.

Bình minh, lũ lái buôn nhổ neo, nhưng ở hòn đảo họ đậu thuyền hồi đêm có một ngôi chùa. Tăng chúng mỗi đêm nghe có tiếng người niệm kinh Kim Cang, tiếng vang lên từ đáy biển, lấy làm lạ, bèn sai người lặn giỏi xuống nước tìm, bèn lôi cái sọt lên. Anh lái buôn nói: “Bị giết dìm xuống đáy biển, chẳng biết là ở trong sọt, chỉ cảm thấy thân ở trong cung điện, thường có người đưa đồ ăn uống tới, an lạc tự tại”. Anh ta bèn xuống tóc làm tăng, xuất gia tại ngôi chùa trên hải đảo.

*

4: Theo Thái Bình Quảng Ký, trong niên hiệu Càn Phù đời Đường, Tiết Độ Sứ Duyện Châu là Thôi Thượng Thư, luật lệ nghiêm khắc. Một viên tướng không đến dinh đúng hạn, ông Thôi bèn hạ lệnh xử trảm ngoài cửa dinh. Vị tướng ấy bị chém xong, vẻ mặt chẳng đổi. Canh ba đêm ấy liền trở về nhà. Vợ con kinh hoảng tưởng là quỷ hiện.

Viên tướng nói: “Thoạt tiên khi bị chém đầu, như say, như mê ngủ, chẳng đau đớn gì hết. Nửa đêm, nhận biết thân đi đến giữa đường, do gần nhà nên trở về”. Sáng sớm, viên tướng trở vào dinh tạ lỗi, ông Thôi kinh hãi, ngỡ là huyễn thuật. Viên tướng nói: “Trọn chẳng phải là huyễn thuật, tôi chỉ có đọc kinh Kim Cang từ nhỏ, mỗi ngày ba biến. Ngày hôm qua do tụng kinh nên đến trễ”. Họ Thôi ra lệnh lấy kinh tới. Đem kinh đến thì hộp kinh trông vẫn như cũ, nhưng cuốn kinh đã đứt làm hai đoạn.

Ông Thôi hết sức kinh hãi, liền ban áo, sai chép một trăm quyển kinh để cúng dường. Hiện nay ở ngoài cửa chùa Diên Thọ tại Duyện Châu chính là chỗ viên tướng ấy bị xử trảm, hình tượng cuốn kinh bị chém đứt vẫn còn.

*

5: Theo Tuyên Thất Chí, vào đời Đường, Ninh Miễn trì kinh Kim Cang, từng làm Nha Tướng ở Bắc Đô, đem bốn ngàn quân trấn thành Phi Hồ. Khi ấy, tướng chỉ huy Kế Môn làm phản, nửa đêm vây đánh thành Phi Hồ. Quân của ông Miễn chống không lại. Người dân Phi Hồ chẳng muốn cha con, anh em bị giặc tắm máu. Ông Miễn còn do dự chưa quyết, chợt có tin báo quân giặc tự vỡ, quăng giáp, lùi khỏi thành.

Ông Miễn mở cửa thành đuổi theo, bắt sống mấy chục trên, tra hỏi. Tù binh thưa: “Trong đêm tối, từ xa thấy trên thành có bốn người khổng lồ, cao hơn hai trượng, hùng mạnh đáng sợ, trừng mắt, nhe răng, cởi trần, cầm gươm. Người đất Kế trông thấy hoảng hốt toát mồ hôi, liền chạy trốn. Ông Miễn biết đấy là thần Kim Cang.

*

6: Theo Thái Bình Quảng Ký, vào đời Đường, Tống Vấn làm châu mục Hoàng Châu. Khi ấy, Tần Tông Quyền dấy binh làm loạn. Có người niệm kinh Kim Cang được họ Tần sai đi trinh sát, bị quân tuần tra của ông Tống bắt được, ông hạ lệnh giết. Chợt có tin báo sứ giả đến tăng chức quan cho ông đang tới; do vậy, bèn ngưng hành hình, giam kín. Hơn một tháng sau, sứ thần chẳng tới, lại ra lệnh hành hình. Vừa mới giải ra khỏi ngục, có tin báo sứ giả đã vào địa phận, lại đình chỉ.

Sứ giả đã lên đường, bèn lôi ra hành hình, gặp đúng lúc đại tướng vào dinh thăm [Tống Vấn], nói: “Liếc trông gã gián điệp này vốn bị bức hiếp phải theo giặc, xin ông cho chuộc mạng, nhằm tỏ lòng khoan dung, tha thứ”. Họ Tống ưng thuận, sai gọt tóc, đeo gông, đi xin tiền bạc để xây chùa Khai Nguyên. Sắp xong, ông Tống mộng thấy tám vị Kim Cang bảo: “Vị Tăng đeo gông khổ hạnh như thế, giao ước đã trọn, hãy nên tháo gông”. Ông Tống lấy làm lạ bèn tháo gông, đối đãi lễ độ khác hẳn. Mọi người gọi kẻ gián điệp ấy là Kim Cang Hòa Thượng.

*

7: Theo Đồ Thư Tập Thành, Trần Vy là người huyện Quảng Đô, từ bé thường tụng kinh Kim Cang, có hiềm khích với người con rể họ Mã. Một hôm, ông Trần có việc phải ẩn trốn, họ Mã bèn rêu rao muốn truy bắt. Ông Trần bèn mài một ngọn dao găm, đi hay ngồi đều mang theo, tính đâm chàng Mã.

Một hôm, ông đi trên con đường cây cối rậm rạp, chàng rể họ Mã nấp sẵn để bắt. Ông Trần rút dao quơ một cái, chàng Mã ngã ngửa. Do vậy, [ông Trần] thoát thân. Nhìn lại thì vật đang cầm là bao đựng dao. Đến khi trở về chỗ ẩn nấp thì dao vẫn còn ở đó, vốn chẳng mang theo. Chàng rể họ Mã cũng chẳng bị thương tích gì, hết sức ngạc nhiên!

*

8: Theo Công đức tụng kinh Kim Cang Trì Nghiệm, vào đời Tống, Tư Lý quận Thọ Xuân là Sài Chú phải xử một án mạng: Tù nhân cung khai là hắn mở quán trọ ở ngoài thành ba mươi dặm, đón khách kiếm sống. Gặp người khách đi một mình mang theo túi nặng, tới đêm hắn bèn giết đi.

Hôm ấy, trong quán trọ, ngoài người khách chỉ có một bà lão ngủ lại, liền đợi đến canh khuya sẽ giết luôn, nhưng không mở cửa được, bèn khoét vách nhìn trộm, thấy trong ánh sáng hồng là một người to lớn cao bằng căn phòng, đứng dựa lưng vào cửa, kinh hãi gần ngã lăn ra. Trời sáng, cửa mở ra, bà cụ đang cắt tóc, tụng kinh không ngớt. Hỏi kinh gì, cụ nói kinh Kim Cang. Liền biết vị thần đã tới hồi đêm chính là thần Kim Cang vậy.

*

9: Theo Dậu Dương Tạp Trở,  trong niên hiệu Nguyên Hòa thời Đường, Lưu Hựu thống lãnh quân Tế Đức đánh dẹp Lý Đồng Tiệp, vây hãm, tấn công Đức Châu. Một viên tướng là Vương Trung Can thường niệm kinh Kim Cang suốt hai mươi năm. Lúc công thành, họ Vương trèo lên thang dây, lúc sắp lên được mặt thành, thân bị trúng tên như con nhím, [bị địch quân] dùng sào dài gạt té, được hỏa tốt lôi ra, đặt bên bờ hào nước.

Trung Can đã chết, mơ màng thấy đến đồng hoang, muốn qua sông to mà chẳng có thuyền, ngửa mặt lên trời khóc lớn. Chợt thấy một người cao hơn một trượng, Trung Can vái xin chỉ dẫn. Cúi đầu chưa kịp ngẩng lên, người ấy đã nắm eo ném lên không trung. Một lúc lâu sau mới rớt xuống đất, chợt như mộng vừa tỉnh, nghe trên thành giặc [có hiệu lệnh báo hiệu] đã sang canh hai, giơ tay chùi mặt, máu thấm đến lông mi, mới biết là bị thương.

Gượng đi hơn trăm bước, lại ngã xuống, lại thấy người [to lớn] trước kia cầm đao, quát: “Đứng dậy!” Bèn đi hơn một dặm nữa, ngồi nghỉ, mới nghe tiếng hô hiệu lệnh của quân mình, bèn đến được doanh trại của chính mình.

*

10: Theo Xuân Chử Ký Văn, vào đời Tống, Trầm Nhị Công ở huyện An Cát, Hồ Châu, khi giặc Kim chưa đến, mộng thấy một vị Tăng nói: “Kẻ bị ngươi đã giết trong đời trước sẽ đến báo oán. Nay có một người cao cả trượng, dùng đao phá cửa để vào, hãy liền hỏi: ‘Ông là Lý Lập ở phủ Yên Sơn phải không?’ Chỉ duỗi cổ chờ chém, mong hắn khỏi giết thì oán trước mới cởi gỡ được”.

Mấy hôm sau, giặc kéo tới, quả đúng như lời vị Tăng nói. Kẻ ấy hỏi: “Sao ngươi biết rành trên họ, quê quán ta?” Ông Trầm thuật lại giấc mộng. Họ Lý bèn than thở, thấy trên án có cuốn kinh Kim Cang, hỏi ra mới biết là ông Trầm đã tụng kinh hai mươi năm, liền cởi áo lấy ra một cái ống trúc, bên trong đựng kinh Kim Cang viết chữ nhỏ, nói: “Tôi cũng tụng kinh này năm năm”. Do vậy, kết làm anh em và đem vàng lụa, đồ dùng tặng cho rồi đi.

Công đức tụng Kinh Kim Cang: 5.Cảm ứng quỷ thần

1: Theo Công đức tụng kinh Kim Cang Trì Nghiệm, vào đời Tống, mẹ của Văn Chánh Công Phạm Trọng Yêm mất được ba thất (hai mươi mốt ngày). Ông mộng thấy mẹ khóc lóc, bảo: “Ta do lúc sống tạo nghiệp, bị Thái Sơn Phủ Quân hành hạ, sáng tối chịu khổ khó thể kể được. Con ta một niềm hiếu thuận, xin hãy tụng Công Đức Kinh một tạng để cứu dẹp tội ta. Mong đừng do dự, nghi hoặc, đến nỗi ta vĩnh viễn đọa trong địa ngục”. Đã đi rồi lại ngó lại, dặn dò: “Công Đức Kinh chính là Kim Cang Kinh đấy”.

Ông kinh hãi khóc lóc, tỉnh giấc, liền tắm gội, trai giới, cung kính đến Huyền Mộ Thiền Lâm, thỉnh tăng tụng kinh suốt bảy ngày. Đến tối hôm thứ sáu, lại mộng thấy mẹ nói: “Nhờ con chí thành lễ sám, cảm Bạch Y Đại Sĩ giáng phàm trì kinh nửa quyển. Mẹ nay chẳng những tiêu tội mà còn được sanh lên trời, đều là do Phật lực. Sáng mai, con nên vào điện tụng kinh để hỏi sẽ tự biết”.

*

Ông đợi cho pháp sự hoàn tất, tạ lễ chư tăng trọng hậu. Do vậy, hỏi trong hôm thứ sáu có một vị tăng chỉ trì nửa quyển kinh là ai? Chúng tăng đều thất sắc, đáp: “Tụng kinh đủ số, há lẽ nào chỉ trì nửa quyển?”

Bên cạnh đấy có một vị Tăng thong dong bảo: “Ngày hôm qua đại chúng tụng kinh, sơn tăng đứng ghé bên cạnh yên lặng nhìn, đến phần thứ mười sáu, gặp lúc đại nhân đến dâng hương, liền trở về bếp làm việc. Nay được hỏi tới, dám xin thưa thẳng”. Ông liền dập đầu cúi lạy, vị tăng nói: “Mạc, mạc” (đừng, đừng). Chợt bay lên không chẳng thấy nữa. Tăng tục không ai chẳng chiêm ngưỡng; do đó, ông Phạm bèn lập thiền đường Mạc Mạc để kỷ niệm sự linh dị này.

*

2: Theo Tam Bảo Cảm Thông Lục, đời Tùy, thôn Vương Lý cách huyện Tân Phồn của Ích Châu bốn mươi dặm về phía Tây, có thư sinh họ Tuân viết chữ đẹp, nhưng người khác không biết. Ông thường viết kinh Kim Cang khắp bốn phía trên không trung nơi phía Đông mong cho chư thiên đọc tụng. Thoạt đầu không ai biết.

Về sau, gặp lúc mưa gió, sấm chớp, trẻ nhỏ chăn trâu đứng dưới chỗ ông viết kinh chẳng bị ướt mình. Chỗ ấy khô ráo đến hơn một trượng. Người trong thôn lấy làm lạ. Từ đấy, mỗi khi có mưa, trẻ nhỏ thường tụ họp ở đó, chẳng ướt quần áo. Đến giữa niên hiệu Vũ Đức đời Đường, có vị dị tăng bảo người trong thôn: “Trên không trung chỗ này có kinh Kim Cang Bát Nhã, chư thiên giăng lọng báu che trên ấy, chớ nên khinh phạm”. Từ đấy, bốn phía đều đặt lan can để ngăn người và súc vật giẫm đạp. Mỗi khi đến ngày ăn chay, thôn dân khắp bốn phía nhóm đến cúng Phật, thường nghe nhạc trời rộn rã đầy tai.

*

3: Theo Tống Cao Tăng Truyện, ngài Thích Văn Chiếu đời Đường thường đến trước chỗ tượng  vẽ của  pháp sư  Huyền  Diên đảnh lễ xuất gia, tự bi phẫn nhận thấy tánh mình tối tăm, chẳng hiểu được lời thầy giảng giải. Một đêm, mộng thấy ngài Huyền Diên thân cao chừng một trượng, bảo Văn Chiếu rằng: “Ta có một quyển kinh thông minh, hãy nên kính cẩn thọ trì, cảm ứng không sai chạy”. Nhận lấy thì ra là kinh Kim Cang. Đọc bảy biến mới ngủ, từ đấy thông minh hơn người.

*

4: Theo Tục Dậu Dương Tạp Trở, trong niên hiệu Đại Lịch đời Đường, ở Thái Nguyên có gã giặc trộm ngựa, vu cáo Vương Hiếu Liêm đồng tình, [khiến Hiếu Liêm] bị tra khảo hết sức khổ sở. Hiếu Liêm biết công đức tụng kinh Kim Cang, nên trì tụng ngày đêm không ngơi. Chợt một hôm có hai lóng trúc rớt vào trong ngục, ngục tốt nghi là giấu dao [trong ấy] bèn chẻ ra xem thì thấy có hai hàng chữ ghi: “Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp” (Pháp còn nên bỏ, huống hồ phi pháp), nét chữ rất khéo. Gã cầm đầu bọn cướp buồn hối, thưa trình cặn kẽ để rửa oan cho ông Vương.

*

5: Theo Quảng Dị Ký, vào đời Đường, chùa Long Hưng ở Nguyên Châu do mở đại trai hội, chủ chùa tuổi cao, đức trọng xứng đáng ngồi ngay dưới vị trí dành cho ngài Tân Đầu Lô. Có tiểu tăng từ bên ngoài, đến sau, không có chỗ ngồi, bèn muốn đến ngồi ngay dưới chỗ dành cho vị chủ chùa. Vị chủ chùa quát [đuổi đi, nhưng tiểu tăng] vẫn cứ sấn đến.

Hai lượt như thế, chủ chùa giận quá, tựa vào cột, dùng tay chụp [tiểu tăng]. Vừa mới muốn giơ tay thì ống tay áo rộng bị cột chặn lấy, chẳng hạ xuống được, cả chùa kinh hãi. Mọi người bàn luận e là do đạo đức của chú tăng trẻ tạo ra, chú tăng trẻ tuổi tự nói: “Tôi trọn chẳng có đạo hạnh gì cả! Từ nhỏ đến nay suốt hai mươi năm trì kinh Kim Cang”. Mọi người đều tán thán, bảo là do sức hộ trì của kinh Kim Cang, bèn đốt hương đảnh lễ nơi cây cột, áo liền tuột ra.   

*

6: Theo Pháp Uyển Châu Lâm, vào đời Tấn, bên khúc sông tại Dương Châu có Đình Hồ, thần [cai quản hồ ấy] rất nghiêm, rất ác. Thầy trò sư Pháp Tạng người Tây Vực giỏi trì chú. Học trò vị ấy cố ý đến miếu thờ thần Đình Hồ nghỉ đêm, bị mất mạng. Thầy lại qua đó, cũng chết. Vị Tăng cùng chùa chỉ trì Bát Nhã, nghe thầy trò vị sư kia đều chết; do vậy, tới chỗ thần, đến đêm tụng kinh Kim Cang.

Tới nửa đêm, nghe có tiếng gió, thấy một vật to lớn, cồng kềnh, ngất ngưởng, nanh dài, mắt sáng như tia chớp. Chợt vật ấy bỏ hết oai thế, đến trước vị Tăng, quỳ gối phải sát đất, chắp tay cung kính. Nghe kinh xong, Tăng hỏi là thần nào? Đáp: “Là thần coi hồ, tin kính sư tụng kinh”. Lại hỏi: “Vì sao đánh chết hai vị Tăng trước đây?” Đáp: “Bọn họ chẳng trì kinh điển Đại Thừa, dùng tâm sân tụng chú muốn hàng phục đệ tử. Đệ tử chẳng phục. Họ thấy hình dạng đệ tử dữ ác, tự nhiên hoảng sợ chết luôn, chứ không phải là do đệ tử cố ý giết”. Vị Tăng kể lại với người khác, người ta đa số thọ trì kinh này.   

*

7: Theo Cân Ngự Thừa Tục Tập, vào đời Minh, vị Tăng ở đất Sở là Pháp Thiền muốn sang Lô Sơn dựng am tu hành. Đến Cửu Giang, gặp đúng lúc Vương Tây Khê ở ngoài Tây Thành thỉnh tụng kinh Kim Cang, mãn kỳ hạn là ba năm, sẽ cúng tạ ba trăm lượng. Về sau, tụng xong, Tây Khê chỉ đưa cho một trăm lượng, chẳng thể dựng am được.

Số vàng kiếm được đã bố thí quá nửa, Sư chỉ đành ôm bát không. Có thuyền của phiên vương đi đến Cửu Giang, thuê Sư làm phu kéo thuyền. Khi ấy, các thuyền gặp trận gió ngược chẳng thể tiến được, chỉ riêng thuyền do Sư kéo là tiến vùn vụt, bàn chân lướt trên không chừng cả thước. Vương trông thấy kinh hãi, mà Sư cũng chẳng tự biết. Cật vấn mới biết là do Sư niệm kinh mà ra, vương liền ban ba trăm lượng bạc để dựng am.

*

8: Theo Thọ Trì Quả Báo, năm Gia Tĩnh 43 (1564) đời Minh, vùng Đông Nam mất mùa lớn. Chùa X… ở Động Đình Sơn tại Tô Châu có trọn vẹn quyển kinh Kim Cang do Bạch Lạc Thiên đã chép vào đời Đường, được coi là vật chí bảo trấn tự. Năm ấy, đại chúng trong chùa đói khát, vị Tăng đứng đầu chùa do bất đắc dĩ, phải đem cuốn kinh ấy nhường cho Vương Hoạn ở Sơn Đường nhằm đổi lấy năm mươi thạch gạo để có cái ăn. Hoạn thí gạo, trả lại kinh.

Tăng lãnh về, qua hồ, hết sức ca ngợi đức của ông Hoạn. Mọi người trong thuyền xin được xem kinh, vị tăng vừa mở kinh ra thì đột nhiên cơn gió lớn thổi tới xé đứt mấy trang đầu cuốn kinh, cuốn lên mây, bay đi mất. Tăng buồn bã hối hận không cùng.

*

Ba năm sau, chợt có vị thượng quan nghe danh cuốn kinh ấy, hãm Tăng vào ngục, ép phải hiến kinh. Thượng quan do thấy kinh chẳng trọn quyển, chẳng đẹp ý, thả Tăng, trả lại kinh. Tăng qua hồ, lại gặp gió to, trời đất tối đen, cắm thuyền lên bờ, vào một thôn hẻo lánh tránh gió. Đến trước nhà một ngư phủ già thì trên ván dán mấy trang kinh đã bị mất trước kia, trọn chẳng bị thương tổn gì.

Hỏi thăm ngư phủ họ Diêu thì ra ba năm trước có tia lửa sáng bổ nhào xuống ruộng, kinh hãi ra coi thì là những tờ giấy có chữ; do vậy, bèn dán lên tường. Tăng buồn khóc, đảnh lễ, xưng tụng ngài Vy Đà, thuật đầy đủ đầu đuôi, bảo: “Nếu không có trận gió thần lần trước thì kinh đã lọt vào tay kẻ quyền quý, nếu không có trận gió thần lần này, kinh khó thể lại nguyên vẹn được!” Họ Diêu cũng cảm ngộ, đổi nghề. Sư đóng lại những trang ấy vào cuốn kinh, mang kinh trở về chùa.

*

9: Theo Thọ Trì Quả Báo, trong thời Vạn Lịch nhà Minh, quan Đồng Tri xứ Vệ Huy là Văn Nguyên Phát không tin đạo Phật. Do bị bệnh, mộng thấy vào cõi âm, mới biết địa ngục chẳng dối, bèn lưu tâm nơi kinh điển nhà Phật. Hằng ngày tụng kinh Kim Cang, hễ họp mặt với bạn già là Vương Hồng Cang bèn tụng thuộc lòng.

Con cả là Chấn Mạnh đỗ đầu, cũng đã từng chính tay chép kinh Kim Cang theo kiểu chữ Lệ cho khắc vào đá. Có Ngô sinh mộng đi vào cõi âm, có người chỉ hãy bước vào một cái cửa nhỏ, thấy điện vũ trang nghiêm đẹp đẽ, bên trong xếp bày Long Tạng, bên cạnh có giáp sĩ thủ hộ. Mở ra xem, từng cuốn kinh trang nghiêm, từng quyển đều ghi tên họ Văn Nguyên Phát. Hỏi ra thì họ nói: “Đấy đều là kinh do ông Văn tụng hằng ngày”. Tỉnh giấc bèn kể lại với người cùng quê là Văn tiên sinh. Ông này chính là chú của Nguyên Phát. Từ đấy, chàng Ngô cũng trì tụng không thiếu sót.

*

10: Theo Công đức tụng kinh Kim Cang, vào đời Minh, Cao Quý ở Thái Thương mở tiệm giày. Tháng Sáu năm Thiên Khải thứ 5 (1625), từ nơi chiếc màn che những chiếc giày đã được bồi giấy, có tiếng động [nghe như vật gì bị] xé rách thật mạnh nghe xé lụa, nhìn xem thì như một bức vách lớn bay lơ lửng trên không, dần dần rớt xuống, còn mấy tấm thì bay la đà theo hướng Bắc đến tháp Phổ Đồng ở ngoài thành mới đáp xuống.

Tăng nhặt lấy xem thì toàn là những trang kinh Kim Cang. Ấy là vì ông Quý không biết chữ, lấy những trang kinh [để độn giày] nên thiên thần mới thị hiện như thế .

(Công đức tụng tụng Kinh Kim Cang )

Tuệ Tâm 2020.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Quán Sổ Tức là gì

102 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog