10 Danh Hiệu Phật là gì
Pháp Giới 12 tháng trước

10 Danh Hiệu Phật là gì

10 Danh hiệu Phật là mười danh hiệu mà bất kỳ đức Phật nào khi thành Chánh giác cũng có, bao gồm:

  1. Như Lai. 
  2. Ứng Cúng.
  3. Chánh Biến Tri.
  4. Minh Hạnh Túc.
  5. Thiện Thệ, Thế Gian Giải.
  6. Vô Thượng Sĩ.
  7. Ðiều Ngự Trượng Phu.
  8. Thiên Nhân Sư.
  9. Phật.
  10. Thế Tôn

Tuệ Tâm khi tra trên mạng thì thấy các trang mạng giải thích về 10 danh hiệu Phật đa phần bị nhầm lẫn. Những trang không chính thống thì chẳng nói làm gì, nhưng ngay cả những trang Phật pháp chính thống cũng nhầm lẫn thì thật là vô cùng đáng tiếc! Sự nhầm lẫn trong việc giải thích 10 danh hiệu Phật gồm có 2 vấn đề:

  1. Chia Thiện Thệ Thế Gian Giải thành hai danh hiệu: Thiện Thệ và Thế Gian Giải.
  2. Gộp Phật và Thế Tôn thành một danh hiệu.

Duyên may trong lúc đọc các bài giảng của Tuyên Hóa Thượng Nhân, thấy Ngài có giảng về vấn đề này, nên đưa lên đây. Chỉ mong bạn đọc hiểu và nắm rõ những chân lý mà Thế Tôn đã giảng. Còn thì một niệm hơn thua, danh lợi, đúng sai với người, Tuệ Tâm tuyệt đối chẳng sanh khởi trong tâm.

  • Thập Thiện nghiệp là gì.
  • Âm đức là gì.
  • Cách niệm Phật tại nhà.
  • Cách tụng Kinh tại nhà.
  • Cách trị bóng đè linh nghiệm nhất.
  • Sự thật về Hạn Tam Tai.
  • Thiền Tông và Tịnh Độ Tông.
10 Danh Hiệu Phật
10 Danh Hiệu Phật

10 Danh Hiệu Phật

Phật có mười danh hiệu, gọi là “Thập Hiệu.” Thế nào gọi là “hiệu”? Chúng ta mỗi người đều có “tên tục,” rồi còn có “tên hiệu” nữa. Thông thường thì các bậc tôn trưởng và thân thuộc gọi chúng ta bằng tên tục; Còn hầu hết những người ngang hàng, không quen biết lắm thì gọi chúng ta bằng tên hiệu. Thế thì “hiệu” là gì? Tiếng gầm thét giận dữ của cọp hoặc tiếng rống của sư tử, cũng gọi là “hiệu.” “Hiệu” là “thanh văn ư ngoại” (tiếng nghe ở ngoài) – Bởi do có tiếng tăm lớn, khiến mọi người đều nghe danh biết tiếng, nên gọi là “hiệu”; Và cũng gọi là “biệt hiệu.” (Chữ “Hiệu” còn có nghĩa là gào thét, la lớn.)

10 danh hiệu Phật: 1 Như Lai

“Như Lai” là một trong mười danh hiệu của Phật, và được gọi là “Phỏng Ðồng Tiên Ðức Hiệu”. (Mô phỏng, học theo gương của những người có đức hạnh thuở trước).

“Như” là “như vô phương sở”- Không có định hướng, không có một nơi chốn cố định đặc biệt; “Lai” là “lai cảm nhi hiện”- Do sự cảm ứng đạo giao đến mà hiện ra. Ðó gọi là “Như Lai.”

Hai chữ “Như Lai” này còn hàm ý “Lai vô sở tùng, như vô sở khứ”- Không có chỗ đến, cũng chẳng có chỗ đi. Bởi “Vô sở lai, vô sở khứ” nên gọi là “Như Lai.”

Lại nữa, “Như” là đạo lý Bổn Giác; “Lai” là trí huệ Thủy Giác. Bởi lý Bổn Giác khế hợp với trí Thủy Giác, cho nên gọi là “Như Lai.” 

Trên đây là ý nghĩa đại cương của từ ngữ “như lai.”

10 danh hiệu Phật: 2. Ứng Cúng

“Ứng Cúng” có nghĩa là xứng đáng thọ nhận sự cúng dường của trời và người – Loài người ở nhân gian và chư thiên ở cõi trời đều nên cúng dường Phật.

“Ứng Cúng” có danh hiệu là “Kham Vi Phước Ðiền Hiệu”. Bởi Phật có khả năng làm ruộng phước cho Trời và người. Có hai loại phước điền, đó là: Tự lợi (lợi mình) và Lợi tha (lợi người). “Tự lợi” tức là tự mình “nghiên chân, đoạn hoặc” – Tự nghiên cứu chân lý và dứt bỏ mọi nghi hoặc, làm lợi ích cho chính bản thân mình. Một khi quý vị đã hiểu thông suốt rồi, lại có thể đi giáo hóa tha nhân; Khiến mọi người đều lãnh hội được chân lý và đoạn trừ được nghi hoặc, thì đó chính là “Lợi tha” vậy.

10 danh hiệu Phật: 3. Chánh Biến Tri

“Chánh biến tri” có nghĩa là “Vô sở bất tri, vô sở bất hiểu”. Nghĩa là không chỗ nào mà chẳng biết, không chỗ nào mà chẳng thông hiểu.

Ở đây, “chánh” là để phân biệt với “bất chánh” của ngoại đạo. “Biến” (khắp cả) là để phân biệt với “bất biến” (không cùng khắp) của Nhị Thừa. Hàng Nhị Thừa chứng tới đạo lý thiên lệch về tánh “không,” chưa đạt được “biến”; Cho nên đây là điểm bất đồng đối với Nhị Thừa. “Tri” (biết) là điểm bất đồng so với hạng phàm phu- Phàm phu thì “bất tri” (không biết), còn bậc Chánh Biến Tri thì “vô sở bất tri” (chẳng có gì mà không biết).

“Chánh Biến Tri” có danh hiệu là “Biến Tri Pháp Giới Hiệu.” Thế nào gọi là “Biến Tri Pháp Giới Hiệu”? Trong Kinh Lăng Nghiêm có chép: 

Tùng thẳng gai leo, ngỗng trắng quạ đen, đều hiểu nguyên do.

(Tùng trực cức khúc, hộc bạch ô huyền, giai liễu nguyên do.)

Cây tùng thì thân cây đứng thẳng. Cây kinh gai (loại cây có gai) thì leo quanh, mọc thành từng bụi. Ngỗng trời thì có lông màu trắng. Quạ thì có lông màu đen. Các tính cách này đều có nguyên do, mà sự tích vốn như thế nào thì Phật đều biết rõ cả. Thậm chí ở ngoài cõi Tam Thiên Ðại Thiên thế giới, mưa rơi bao nhiêu hạt Phật cũng biết rõ. Bởi Phật là “chẳng có chỗ không biết” (Vô sở bất tri), nên mới đạt được danh hiệu này – “Biến Tri Pháp Giới Hiệu.”

10 danh hiệu Phật: 4. Minh Hạnh Túc

“Minh” là minh bạch, rõ ràng; “hạnh” là tu hành. “Minh” cũng chính là trí huệ; “tu hành” tức là phước. “Phước huệ song túc”- Tức là phước được tròn đầy, huệ được viên mãn- Đó cũng chính là “minh hạnh túc” vậy.

Chữ “minh” này lại có thể giải thích là “Tam Minh.” “Tam Minh” là gồm những gì? Ðó là Thiên Nhãn Minh (có được Thiên Nhãn Thông), Túc Mạng Minh (biết rõ tất cả chuyện đời trước), và Lậu Tận Minh (đạt được sự vô lậu, không còn phiền não lậu hoặc).

“Minh Hạnh Túc” cũng có một danh hiệu đặc biệt, gọi là “Quả Hiển Nhân Ðức Hiệu” – Hay Tại quả vị, Ðức Phật hiển lộ, thị hiện đức hạnh mà Ngài đã từng tu tập khi còn ở nhân địa.

10 danh hiệu Phật: 5. Thiện Thệ, Thế Gian Giải

“Thiện” có nghĩa là tốt lành. Chữ “Thệ” ở đây đồng nghĩa với chữ “Vãng,” và có nghĩa là ra đi.

“Thiện Thệ, Thế Gian Giải” có danh hiệu là “Diệu Vãng Bồ Ðề Hiệu.” Vì sao gọi là “Diệu vãng”? Ðức Phật đến mười phương quốc độ của chư Phật một cách tốt lành và khéo dùng quyền xảo phương tiện để giáo hóa chúng sanh, nên được gọi là “Diệu Vãng Bồ Ðề Hiệu.”

10 danh hiệu Phật: 6. Vô Thượng Sĩ

Ðây cũng là một trong mười tôn hiệu của Phật. Vì sao gọi là “Vô Thượng Sĩ” (Nghĩa là bậc không ai hơn được)? Ðức Phật đã đoạn trừ mọi lậu hoặc, không còn kiến hoặc, tư hoặc, trần sa hoặc nữa; Bởi mọi thứ “Hoặc” đều đã dứt sạch nên gọi là “Vô Thượng Sĩ.” (Nếu còn “Hoặc” cần phải đoạn thì gọi là “Hữu Thượng Sĩ”!!!)

“Vô Thượng Sĩ” cũng có một danh hiệu riêng, đó là “Thông Ngụy Ðạt Chân Hiệu.” Tức Ðức Phật biết rõ nội thân cùng ngoại cảnh thảy đều hư ngụy, giả tạm; Duy chỉ có Phật Thừa là chân thật, nên gọi là “Thông Ngụy Ðạt Chân Hiệu.”

10 danh hiệu Phật: 7. Ðiều Ngự Trượng Phu

“Ðiều” là điều hòa; “Ngự” là ngự xa, tức là đánh xe. Thời xưa, người ta dùng ngựa để kéo xe thì cần phải có người làm “ngự xa,” tức là cầm roi điều khiển ngựa; Còn ở thời đại này thì lái xe hơi cũng có thể gọi là “ngự xa” vậy!

“Ðiều Ngự Trượng Phu” ở đây là “điều ngự” cái gì? Ðó là “điều ngự” chúng sanh trong sáu đường, khiến cho họ đạt đến Phật Quả Bồ Ðề, chứng được quả vị Phật. Vì thế, đây là một bậc đại trượng phu vĩ đại nhất, có khả năng điều khiển và dẫn dắt chúng sanh; Đưa chúng sanh ra khỏi vòng sanh tử, vượt thoát sáu nẻo luân hồi!

“Ðiều Ngự Trượng Phu” cũng có một danh hiệu gọi là “Nhiếp Hóa Tùng Ðạo Hiệu”; Nghĩa là hóa độ chúng sanh, khiến cho tất cả chúng sanh đều y theo con đường tu Ðạo chân chánh mà tu hành.

10 danh hiệu Phật: 8. Thiên Nhân Sư

Ðức Phật là sư biểu, là bậc Thầy của Trời và Người, là tấm gương của Tam Giới. “Thiên Nhân Sư” cũng có một danh hiệu gọi là “Ứng Cơ Thuyết Pháp Hiệu”; Nghĩa là ứng theo căn cơ trình độ và nhân duyên của chúng sanh mà thuyết pháp.

10 danh hiệu Phật: 9. Phật

“Phật” là tên gọi tắt từ chữ “Phật Ðà Da” của tiếng Phạn. Bởi người Trung Hoa thích đơn giản nên chỉ gọi là “Phật.”

“Phật” cũng có một tên hiệu gọi là “Tam Giác Viên Minh Hiệu.” “Tam giác” là ba loại giác ngộ: Tự Giác, Giác Tha và Giác Hạnh Viên Mãn. Bởi “Tam giác viên, vạn đức bị”: Ba giác trọn vẹn, muôn đức đủ đầy, cho nên được thành Phật.

10 danh hiệu Phật: 10. Thế Tôn

Bất luận là tại thế gian hay xuất thế gian, Phật đều được tôn thờ, kính trọng, nên gọi là “Thế Tôn.”

“Thế Tôn” cũng có một danh hiệu đặc biệt gọi là “Tam Giới Ðộc Tôn Hiệu.” “Tam Giới” tức là ba cõi Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới. “Ðộc Tôn” có nghĩa là chỉ có Phật mới là bậc tôn quý nhất. Do đó, lúc Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni vừa giáng sanh ở cõi thế thì liền một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, mà nói rằng:  

Trên trời dưới trời, chỉ có Ta—Phật—là tôn quý!

(Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn!)

 Ngoài ra, từ ngữ “Thế Tôn” còn bao hàm sáu nghĩa:

  1. Tự tại. (Phật là bậc tự tại nhất.)
  2. Lớn mạnh (Xí thạnh – rừng rực như lửa).  
  3. Ðoan nghiêm (vừa đoan chánh vừa trang nghiêm).  
  4. Khắp nơi đều nghe danh (Danh xưng phổ văn). Ai ai cũng được nghe được biết đến danh xưng của Phật.  
  5. Kiết tường (tốt lành, may mắn).  
  6. Tôn quý.

Trên đây là phần giải thích đại cương mười tôn hiệu của Phật.

(10 Danh hiệu Phật – Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Phật Tánh và Như Lai Tạng là gì

3 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog