Vãng sanh Cực Lạc là nguyện chung của hết thảy những người niệm Phật, cầu thoát khỏi sanh tử luân hồi. Ngặt vì nay đương thời mạt pháp, chúng sanh phước mỏng tâm tạp, chướng duyên trùng trùng lớp lớp, nghiệp chướng vô lượng vô biên. Nên kẻ bền chí niệm Phật thì ít mà kẻ thối đạo thì nhiều.
- Niệm Phật như thế nào để chắc chắn được vãng sanh.
- Thế nào là Tự lực và Tha lực niệm Phật.
- Sự hiểu lầm tai hại về niệm Phật nhất tâm bất loạn.
- Phương pháp niệm Phật của Ấn Quang Đại Sư.
- Bản nguyện niệm Phật, trọng yếu đường tu thời mạt pháp.
- Cách thay đổi vận mệnh
- Cách niệm Phật tại nhà.
- 10 chuyện Tâm linh có thật.
“Thời mạt pháp người niệm Phật nhiều, mà kẻ vãng sanh Cực Lạc lại ít, bởi vì không nguyện thiết tin sâu. Luận về tư cách bậc trượng phu, thầy Mạnh Tử bảo: “Giàu sang không làm cho kiêu dâm, nghèo hèn không làm cho đổi chí, uy vũ không làm cho khuất phục.” Pháp thế gian còn như thế, huống là người theo Phật pháp tu Tịnh Độ, cầu siêu phàm nhập thánh ư?” – Tổ Thiền Tâm.
Chuyện Vãng sanh Cực lạc
Tuệ Tâm tôi chép lại những tấm gương hay nhất về niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc, nguyện góp chút sức mọn sách tấn người hữu duyên mà cũng là sách tấn chính mình: “cùng an nhẫn, nguyện thiết với tin sâu mà niệm Phật, chắc chắn sẽ được vãng sanh Cực Lạc”.
Cư Sĩ Tiền Vạn Dật Vãng Sanh Cực Lạc
Tiền Vạn Dật, tự là Dực Sơn, quê ở Thường Thục, trấn Mai Lý, đời nhà Thanh Trung Hoa. Buổi thiếu thời, Vạn Dật theo gia nghiệp, chuyên bán rượu. Sau ông đổi nghề, giới sát tu tịnh cầu vãng sanh Cực Lạc, hết sức sửa đổi lỗi lầm trước. Vạn Dật chỉ có một trai, chẳng may bị bịnh lao, niệm Phật mà qua đời. Người láng giềng chê cười, bảo tại lo tu hành nên con chết. Ông nghe nói mỉm cười, vẫn an nhiên thờ Phật như cũ.
Chướng duyên đả khảo
Một đêm, lửa bén cháy nhà, Vạn Dật chắp tay ngửa mặt trên hư không vái rằng: “Nghiệp con nặng, đáng chịu thiêu hủy gia sản, nguyện xin đừng tổn thương đến những nhà gần bên.” Sau khi lửa tắt, chỉ có nhà ông tiêu ra tro, các gia cư gần đó đều không sao cả.
Cố gắng lo chỗ ở tạm xong. Vạn Dật lại khuyên mẹ là Ngô Thị trường trai niệm Phật, bà mẹ y theo lời. Ông cũng tự ăn chay trường, nhưng vì tập quán cũ hãy còn, thường hay uống rượu. Về sau nhờ người thân thích là cư sĩ Tạ Phụng Ngô khuyên can, ông cố gắng lần dứt trừ được.
Mùa xuân năm Đạo Quang thứ hai mươi hai, vợ đau chết, Vạn Dật vẫn sống trong cảnh lẻ loi. Nhiều người khuyên nên tục huyền, ông cự tuyệt và bảo: “Đã có con mà bị chết sớm, tái thú nữa để làm gì? Vả lại chí tôi ở nơi xuất tục, có phải khăng khăng trong sự nối dõi đâu!”. Mùa hạ năm ấy, ông đau bịnh lạc huyết, chí thoát trần càng thiết, vẫn cố gắng niệm Phật. Đến đầu tháng bảy, bịnh ông thêm nặng, ăn vào liền mửa ra.
Vạn duyên buông xuống
Phụng Ngô sang viếng thăm, nhân an ủi bảo cho biết: Cổ đức đã có một vị nhịn ăn để cầu thấy Phật. Vạn Dật nghe nói, mừng rỡ bảo: “Nếu có việc rất tiện lợi như thế, tôi sẽ gắng sức làm theo.” Liền hôm sau, ông tắm gội sạch sẽ, đến trước bàn Phật niệm hương phát nguyện giữ thanh trai trong bảy ngày. Sau đó xuất tiền mua vật mạng phóng sanh, để cầu vãng sanh Cực Lạc.
Kế đó, ngày đêm ông niệm Phật không dứt, lúc khát chỉ ăn trái dưa mà thôi. Có người hỏi: “Suốt đêm không ngủ như thế, có mệt mỏi chăng?” Vạn Dật đáp: “Nhờ không ngủ mới niệm Phật được nhiều. Khi tôi không bịnh thì chẳng được an nhàn. Nay nhân lúc bịnh được rảnh rang, phải gắng sức, có mệt nhọc gì đâu!”
Bảy ngày vừa mãn, bởi tuyệt cốc nên kiệt sức, thần thức ông hôn loạn. Người nhà cho ăn chút cháo loảng, liền buồn dạ no hơi, hôn loạn càng thêm. Vạn Dật cả sợ, chắp tay để trên gối, bảo đốt ngón tay cúng dường Phật. Phụng Ngô nói: “Lúc này mà anh phát được tâm nguyện ấy, thì cũng đồng như đã đốt ngón tay rồi. Thôi chi bằng rũ sạch muôn duyên, nhất tâm cầu vãng sanh về Cực Lạc là hơn!”
Ông nghe nói liền nhắm mắt niệm Phật, ban sơ như còn gắng gượng, kế đó nhờ dùng sức dõng mãnh, nên thần chí lần lần an định. Duyên may, lại nhờ mười mấy người bạn đồng đạo hay tin đến trợ niệm. Vậy nên ngày đêm trong nhà ông tiếng niệm Phật nối nhau không dứt.
Tây Phương Tam Thánh hiện thân tiếp dẫn
Đến chiều bữa mùng mười, Vạn Dật tự nói thấy một vị đi lại trước đầu giường, bảo cả dưa và trái cây đều chớ ăn. Hỏi thì xưng là sứ giả ở thượng giới. Qua ngày hôm sau, ông bỗng thấy Tây Phương Tam Thánh tướng tốt quang minh hiện đứng giữa hư không trước mặt. Ông muốn vượt lên ngồi vào kim đài, chợt nghe tiếng bảo: “Thân ngươi còn chưa sạch!”. Kế đó các tướng đều ẩn mất.
Vạn Dật liền bảo nấu nước thơm để mình tắm gội. Tắm xong, Tam Thánh hiện ra như trước. Ông gọi người nhà lại nói: “Tôi đã dạo chơi Tịnh Độ, thấy vô số hoa sen, mình ngồi trên một đài hoa, vui không thể tả!” Lại tự chỉ thân mình nói: “Đây không phải thân tôi.”
Sáng sớm ngày mười hai, Vạn Dật từ biệt mẹ và thưa rằng: “Phật cùng chư Thánh chúng đã đến đầy nhà.” Nói xong, liền chắp tay niệm Phật mà qua đời. Khi vãng sanh Cực Lạc, ông được ba mươi bảy tuổi.
Như cư sĩ Tiền Vạn Dật: Gặp cảnh nghịch mà sơ tâm không thối, bị bịnh khổ nhưng chánh niệm vẫn bền. Kết cuộc duyên trần rũ sạch, cảnh tịnh hiện bày, nhiệm mầu điểm ứng đài vàng, thanh thoát thân chơi cõi ngọc, phẩm vị cao quyết chẳng còn nghi. Ôi! Nhẫn nại mạnh mẽ đến thế ư! (Niệm Phật Thập Yếu – HT Thiền Tâm)
Cư sĩ Xuân Phố vãng sanh Cực Lạc
Phó Xuyên, tự Xuân Phố, người thời Trung Hoa dân quốc. Quê ở xã Đông Quách, huyện Thanh Giang, tỉnh Giang Tây. Thuở bé ông mồ côi cha sớm, mẹ là Nhiếp thái phu nhơn thủ tiết, chịu khổ nuôi dưỡng. Khuyến khích ông học hành cho đến lúc nên người.
Xuân Phố từng nhậm các chức sự như: Huấn khoa viên tại huyện thự Thanh Giang. Cảnh sát trưởng nơi trấn Chu Đàm. Hiệu trưởng Nghĩa Vụ học hiệu ở Chương Thọ. Ông là người thông minh mẫn tiệp, hằng tham dự các công vụ. Mỗi khi có việc chi khó khăn, hàng quan thân thường mời đến xin ý kiến giải quyết. Nhiếp thái phu nhơn từ lâu đã thờ kính Quán Thế Âm Bồ Tát, và niệm Phật trường trai.
Năm Dân Quốc thứ mười bảy, thái phu nhơn nhiễm bịnh. Ông phát nguyện triều Phổ Đà lễ Đại Sĩ, nhờ đó không thuốc mà bịnh tự lành. Tháng chín năm Dân Quốc thứ hai mươi (1931), Xuân Phố mới đến Phổ Đà để hoàn nguyện. Khi ông chí thành lễ động Phạm Âm, cảm đức Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân tướng mặc áo trắng, tay cầm tịnh bình và cành dương liễu. Ông lại cầu Bồ Tát gia bị cho biết đời trước. Thấy tiền thân mình là một vị tăng tu hạnh đầu đà, y phục thô sơ lam lũ.
Tỉnh ngộ trần gian là cõi tạm
Do duyên sự đó, Xuân Phố tỉnh ngộ. Biết việc luân hồi không phải hư huyền, chí xuất trần càng tha thiết. Ông nhờ Nguyệt Tịnh pháp sư giới thiệu cho tham yết ngài Ấn Quang và Đức Sum pháp sư nơi chùa Báo Quốc. Tại đây ông được nghe được pháp yếu của tông Tịnh Độ. Sau khi ấy, ở Hoằng Hóa Xã xuất bản kinh sách chi cũng đều có tặng cho.
Nhờ đó, sự tin hiểu về Phật pháp của ông càng thâm thúy. Lúc bấy giờ Xuân Phố mới quyết định tiến thẳng lên đường đạo, quy y thọ giới Ưu Bà Tắc với Đức Sum pháp sư. Được pháp hiệu là Thiền Xuyên, tự Hàng Tây.
Sau khi vào đạo, cư sĩ tín nguyện sâu thiết, tinh tấn niệm Phật không biếng trễ. Năm Dân Quốc thứ hai mươi hai, ông được mời làm chủ giảng ở Niệm Phật Lâm tại Lộc Giang. Dẫn dắt khuyến dụ người tu tiến rất nhiều. Cư sĩ thể chất vốn yếu, thường hay đau bịnh. Lại vì tánh tình liêm khiết nên gia đạo vẫn nghèo, lắm lúc bị nợ nần thiếu hụt. Bởi hàn vi nên tình đời thường sơ bạc. Gia dĩ nghiệp chướng phát hiện, tiếng thị phi chịu cũng rất nhiều.
Ông hằng muốn xuất gia, nhưng vì số vận mãi long đong, nên cơ duyên chưa thuận tiện. Tuy quanh mình gia lụy buộc ràng, nhưng bởi chí nguyện chán cõi trược cầu vãng sanh Cực Lạc tha thiết. Sớm hôm cư sĩ vẫn tinh tấn lễ niệm, dù đau bịnh cũng gắng gượng, không khi nào sơ sót.
Vãng sanh Cực Lạc với thoại tướng cực hiếm
Mùa xuân năm Dân Quốc thứ hai mươi bảy (1938), cư sĩ mộng thấy đức Quán Thế Âm hiện thân, bảo cho biết: Ông sẽ vãng sanh Cực Lạc vào hạ tuần tháng bảy. Đến rằm, sau hội Vu Lan Bồn, cư sĩ ngã bịnh, song vẫn nhứt tâm niệm Phật. Hầu như ông niệm quên bịnh khổ, quên cả uống ăn.
Ngày hai mươi sáu bịnh trở nặng, người nhà thương khóc, cư sĩ cười bảo: “Tôi sẽ vãng sanh Cực Lạc vào ngày vía đức Địa Tạng. Hãy nên vui mừng, đừng bi lụy.” Đến ngày ấy, cư sĩ lại ghế ngồi kiết già, kiết ấn Di Đà định, nhìn chăm chú tượng Phật, rồi an nhiên qua đời. Lúc đó, gương mặt ông bỗng sáng rạng rỡ hơn lúc sanh bình, thân thể lần lần lạnh, chỉ có đỉnh đầu còn nóng.
Sau khi cư sĩ vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Vị tọa chủ chùa Thông Tuệ và Đại Nhân pháp sư đồng đến lo liệu cho việc nhập khám. Thấy nhục thân của cư sĩ vẫn ngồi thẳng như lúc bình thời. Trước ngày ấy gió mưa rất lớn, nhưng vào nửa đêm đến khi đốt lửa làm lễ trà tỳ, trời bỗng sáng tạnh. Hương lạ bay ngào ngạt, không phải mùi trầm đàn cũng không phải mùi hoa lan. Từ nóc khám, một đạo bạch quang phóng lên hư không, rồi bay thẳng về Tây.
Lúc ấy vào tiết sơ thu, khí hậu viêm nhiệt, cư sĩ chết đã ba ngày mà thây không hôi. Lại phóng mùi thơm và ánh quang minh, nên ai nấy đều khen lạ. Bấy giờ cư sĩ đã bốn mươi tám tuổi.
Người niệm Phật nhiều mà kẻ Vãng sanh Cực Lạc ít là bởi tại sao?
Thời mạt pháp người niệm Phật nhiều, mà kẻ vãng sanh Cực Lạc lại ít, bởi vì không nguyện thiết tin sâu. Luận về tư cách bậc trượng phu, thầy Mạnh Tử bảo: “Giàu sang không làm cho kiêu dâm, nghèo hèn không làm cho đổi chí, uy vũ không làm cho khuất phục.” Pháp thế gian còn như thế, huống là người theo Phật pháp tu Tịnh Độ, cầu siêu phàm nhập thánh ư?
Như cư sĩ Phó Xuân Phố: nhà nghèo, thân bịnh, mà vẫn nhẫn nại lướt qua, chuyên tâm niệm Phật. Ngàn tiếng khen chê chẳng quản, trăm điều mài bẻ không sờn. Nhờ đó đến khi lâm chung biết ngày giờ trước, điềm lạ hiện bày. Như thế đủ thấy môn Tịnh Độ là bi nguyện triệt để của Như Lai. Nếu chịu quyết tâm, không ai chẳng lên thuyền giải thoát.
Xem gương cư sĩ xong, bỗng cảm khái tự hỏi: Tánh linh nguyên cũng vẫn đồng, siêu đọa bởi sao sai khác? Khúc điệu Cao Sơn vang lại đó, lắng nghe Lưu Thủy mấy ai đây? Nên viết ra khuyên người mà cũng để nhắc mình vậy. (Niệm Phật Thập Yếu – HT Thiền Tâm)
…..(Còn nữa)….
(10 chuyện vãng sanh Cực Lạc hay nhất)
Tuệ Tâm 2020.