NSGN – Đức Phật Thích Ca và mười phương Phật có sự nối kết với nhau, nhưng đây là thế giới Phật, nên chỉ có Phật biết và làm được. Chúng sanh không thể hiểu và không thể làm, nên Phật phải khai pháp môn phương tiện. Suốt một đời thuyết pháp của Phật đều là phương tiện được Phật ví như ngón tay chỉ mặt trăng, đừng chấp vào ngón tay, phải có trí tuệ để tìm thấy chân lý. Chấp ngón tay rơi vào chấp pháp thì làm đạo không thành công.
Hành giả thấy nhân duyên và tùy theo nhân duyên mà hành đạo thì hoằng pháp thành công. Ảnh minh họa
Tạng kinh Nikaya theo Phật giáo Nguyên thủy có thể rút gọn còn ba phần chính là giới, định, tuệ. Nghĩa là Phật dạy con người trở thành đức hạnh, đó là giới. Chúng ta phải thấy đức hạnh quan trọng nhất, gọi là vô tác giới thể, tức là sự chứng đắc. Còn phương tiện thì chúng ta có giới của Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Sa-di, Ưu-bà-tắc. Vì giới là phương tiện nên có gia giảm, đối với chư Tăng thì chừng đó giới là vừa, nhưng đối với chư Ni, phải tăng thêm giới, với cư sĩ thì giới được bớt đi, vì họ còn bị hoàn cảnh gia đình ràng buộc.
Chính vì giới là phương tiện, nên lập giáo khai tông, Phật chỉ có Tam quy là đủ. Muốn trở thành đệ tử Phật chỉ cần thọ Tam quy, nhưng sau 12 năm, số người tu đông đã tạo nên tình trạng phức tạp. Vì vậy, Phật đặt giới để loại ra những người tà giáo chen vào phá hoại, cản trở việc tu hành. Có thể thấy rõ Phật muốn bảo vệ người thực tu giúp họ đắc đạo, vào vô tác giới thể là chính, còn tất cả là phương tiện; vì thế, nếu chấp giới tướng sẽ làm mờ giới thể.
Bắt đầu tu, tôi đã nhận thấy rõ pháp cấm túc an cư giúp tâm chúng ta thanh tịnh lần, diệt được ba độc tố tham, sân, si để chúng ta đạt vô tác giới thể thì chúng ta trở thành thanh tịnh Tỳ-kheo là người đức hạnh trên cuộc đời.
Vô tác giới thể quan trọng, còn phương tiện là giới tướng. Vì vậy, ở giai đoạn đầu, Phật chỉ cho 4 giới trọng tội, về sau mới tăng lên vì có người phạm tội, Phật mới cho thêm 13 giới Tăng tàng. Các thầy bắt đầu nghĩ cất am, cốc, chùa, Phật mới chế giới cất am, cốc, chùa.
Nghĩ đến cất am thì kiếm đất cắm dùi là sai phạm rồi. Vì vậy, Phật chế ra muốn cất am phải nhờ Tỳ-kheo có trí tuệ chỉ chỗ không có tai nạn và không chướng ngại, vì đến chỗ bị chướng ngại, có tai nạn, làm sao tu.
Tỳ-kheo có trí tuệ am tường luật lệ, luật thuộc quốc gia, lệ thuộc địa phương. Nhờ Tỳ-kheo am tường luật lệ chỉ cho mình, không phải muốn cất am cốc ở đâu cũng được. Cất chùa còn khó hơn nữa.
Phật chế nếu là Tỳ-kheo trí tuệ đạt giới thể vô tác chẳng những biết luật pháp, thậm chí họ còn tư vấn cho nhà vua cách trị nước an dân; đó là các vị cao tăng mà sử sách còn ghi công đức của các ngài.
Học luật phải hiểu đó là phương tiện mà Phật đặt ra vì có người vi phạm. Đừng cố chấp mà nói luật quy định như vậy thì không thể khác.
Từ giới chúng ta tu hành trở thành người đức hạnh thể hiện mẫu người được xã hội cung kính, tôn trọng là gặt hái được Sa-môn quả.
Định là có sức tập trung vì không bị phiền não quấy rầy và tập trung được thì huệ sanh, định và huệ gắn liền với nhau.
Tạng kinh A-hàm tóm gọn còn lại ba chữ giới định tuệ, tức trở thành người đức hạnh, an tĩnh và trí tuệ, đắc quả A-la-hán là bậc Thánh trong nhân gian.
Nhưng qua kinh Pháp hoa khẳng định rằng nếu thiệt chứng A-la-hán mà không tin kinh Pháp hoa thì không phải là A-la-hán. Vì vậy, có sự bất đồng giữa Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa.
Theo tôi, không tin kinh Pháp hoa là cố chấp. Kinh Pháp hoa là gì? Kinh Pháp hoa là đạo đức và trí tuệ cao nhất của con người cùng với việc làm lợi lạc cho mọi người. Không phải kinh Pháp hoa là bộ kinh giấy trắng mực đen.
Thật vậy, thân giới đức theo Pháp hoa được ví như hoa sen ở trong bùn nhưng không nhiễm bùn mà tỏa hương sen là hương đạo đức. Tỳ-kheo tu Pháp hoa đã thành tựu giới đức và giới đức lan tỏa lực thuyết phục, cảm hóa người khác. Như vậy, kinh Pháp hoa và giới đức là một, hay kinh Pháp hoa và kinh Nguyên thủy là một.
Ngoài ra, thực chất tu Pháp hoa, chẳng những thân tâm phải tinh khiết ví như hoa sen, nghĩa là phải trì giới thanh tịnh, Tỳ-kheo còn có Chánh định và có trí tuệ (Diệu pháp), không phải chỉ tụng kinh Pháp hoa suông. Phải chuyên tinh tu Thiền quán, tâm bừng sáng thì có Pháp hoa. Nghĩa là những gì mình thấy được khi Thiền quán là chứng được trí tuệ thì đó là Pháp hoa. Không chứng trí tuệ thì chỉ là đọc tụng văn tự Pháp hoa, không phải Pháp hoa thực sự.
Theo Đại thừa, trong ba tụ: Luật nghi, thiện pháp và nhiêu ích hữu tình, thì trí tuệ cũng là yếu tố rất quan trọng. Đức Phật thấy được thậm thâm vi diệu pháp, hay chiều sâu tận cội nguồn của chúng sanh, của tất cả các pháp do nhân duyên sanh, vì Ngài có tuệ giác vô thượng.
Kinh Pháp hoa cũng khẳng định rằng hành giả thấy nhân duyên và tùy theo nhân duyên mà hành đạo thì hoằng pháp thành công. Như vậy, thử nghĩ xem trên nền tảng giới định tuệ của người tu thì kinh Pháp hoa và kinh Nguyên thủy có phải là một hay không.
Như đã nói kinh Nguyên thủy gộp lại còn ba điều chính yếu là giới, định, tuệ. Nhưng kinh Pháp hoa nói rằng trước khi Phật nói kinh Pháp hoa, Ngài nói kinh Vô lượng nghĩa. Và kinh Vô lượng nghĩa triển khai ba vấn đề then chốt là đức hạnh, trí tuệ và làm lợi ích cho chúng sanh. Vì nếu có đức hạnh và trí tuệ nhưng không làm lợi ích cho chúng sanh thì coi như không có gì. Vì vậy, kinh Pháp hoa quy định thêm việc làm lợi ích cho cuộc đời. Điều này có trái với Phật giáo Nguyên thủy không. Dứt khoát là không.
Thật vậy, sau khi Phật giáo hóa năm anh em Kiều Trần Như và 50 thanh niên dòng Da Xá đắc quả A-la-hán được giải thoát, an lạc thì Ngài bảo mỗi người đi một hướng để truyền trao thành quả này cho người khác cũng được lợi lạc như mình. Vì vậy, làm lợi ích cho chúng sanh thì phải đắc A-la-hán có giới định tuệ mới làm được.
Chúng ta cũng nhận thấy rõ Đức Phật phải đắc đạo và dùng trí tuệ quán sát người có duyên mới đến độ. Vì vậy, Phật đã khẳng định rằng có ba điều Ngài không làm được, một trong ba điều đó là Ngài không thể độ người không có duyên với Ngài.
Thể hiện điều này, kinh Pháp hoa dạy chúng ta đạt được trí tuệ, thấy được lý nhân duyên, thấy việc đáng làm mới làm. Chưa có trí tuệ, nên cẩn thận, vì làm dễ thọ nạn, khó trở lại cuộc đời tu. Đó là kinh nghiệm mà tôi nhắc nhở quý thầy cô còn ngồi ghế nhà trường cố gắng rèn luyện có đạo đức, có trí tuệ, không bị tam độc tham, sân, si tác hại thì mới nên ra làm đạo.
Cũng trên tinh thần này, sau khi đắc đạo, các nhà truyền giáo đi từ nước này sang nước khác nghĩa là đi làm đạo của các ngài có trí tuệ soi sáng, thấy nên đi chỗ nào để làm được gì có lợi cho đạo, giúp ích cho đời.
Vì vậy, thành tựu giới định tuệ theo tinh thần Nguyên thủy và đi hoằng pháp theo Pháp hoa là làm lợi ích cho chúng sanh. Nếu không mang đến lợi ích gì cho xã hội, Phật giáo tồn tại trong tình trạng đáng buồn là đứng bên lề xã hội.
Để đáp ứng lợi ích cho nhiều người, các nhà truyền giáo dùng vô số phương tiện, không bài bác các tín ngưỡng khác là mê tín dị đoan. Thực tế cho thấy các nhà truyền giáo nhận thấy nhân dân tín ngưỡng gì thì họ tạm chấp nhận để rồi về sau, chuyển hóa họ theo con đường tuệ giác.
Nếu các thầy cứ khăng khăng rằng Phật giáo chỉ tu thôi, không có cúng bái, cầu nguyện gì hết. Nhưng nhân dân cần cúng bái, mà mình không đáp ứng nhu cầu này là chúng ta đẩy họ theo tà giáo để thỏa mãn ham muốn cúng bái của họ. Dân chúng còn đặt niềm tin vào cúng bái, mình cũng sử dụng phương tiện này, để dần dần chuyển hóa họ sống theo lời Phật dạy sẽ có được cuộc sống hạnh phúc lâu dài.
Sử sách còn lưu dấu ấn son sắt của những Thiền sư đắc đạo có đủ cách làm như cố vấn cho nhà vua trị nước an bang, làm thuốc cứu người, dạy dân trồng trọt thu hoa lợi dễ dàng… Không phải chỉ thuần tu, nhưng tu học đúng đắn và dùng phương tiện cứu đời giúp người, mới đưa sinh hoạt Phật giáo phát triển được.
Nói đến kinh Pháp hoa, tôi thường suy nghĩ việc Bồ-tát Quảng Đức suốt 49 năm trì kinh Pháp hoa, tức tu theo kinh Pháp hoa. Chúng ta nhận thấy ngài tu Pháp hoa không giống các Pháp sư khác học rộng nghe nhiều, giảng nói đôi khi đụng chạm nhiều nhưng cuối cùng không được gì. Ngài trì kinh Pháp hoa, các anh em hiểu sao.
Thực tập kinh Pháp hoa chính là thực tập kinh Nguyên thủy trước. Vì vậy, ngài đang thực tập Tứ niệm xứ quán, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ-đề phần và Bát Chánh đạo.
Các anh em thực tập những pháp này, từng bước sẽ xa rời nghiệp chướng trần lao thì hiện tướng giải thoát, vì pháp Phật giúp người giải thoát, giai đoạn cuối là Bát Chánh đạo. Nếu tu giới, định, tuệ là đến đây, chúng ta đạt tuệ tri.
Thành tựu Bát Chánh đạo, chúng ta nhìn bằng tuệ tri, tức chúng ta tu nhờ giữ giới sanh định và có định thấy đúng sự vật theo Phật, theo La-hán, không phải thấy bằng cảm tính. Vì vậy, nhìn người biết họ đến hại mình thì phải xử sự cách nào, nếu họ đến giúp, hay đến học đạo thì mình xử sự ra sao. Đạt được kết quả này là Tỳ-kheo có Chánh kiến thấy sự vật như thật là thấy rõ nguyên nhân từ quá khứ đến hiện tại, nên biết được tại sao họ tới và từ đâu tới.
Vì vậy, quả Sa-môn chứng rồi, mới hành Bồ-tát đạo. Căn cứ vào lý này, ta tụng kinh Pháp hoa, tu Pháp hoa theo Bồ-tát Quảng Đức không phải đọc kinh Pháp hoa nhiều. Nhưng đọc kinh Pháp hoa, thấy một câu, một chữ mà tâm Bồ-đề chúng ta sáng ra, đạo hạnh Bồ-tát tăng trưởng. Trái lại, đọc kinh Pháp hoa nhiều, nhưng tâm không sáng, kể như chưa có gì.
Tóm lại, trên bước đường tu, chúng ta kết hợp kinh Nguyên thủy và kinh Pháp hoa. Và tu Pháp hoa thực chất là thực hành kinh Nguyên thủy. Còn cố chấp kinh Nguyên thủy cũng không đúng. Vì mục tiêu Phật dạy chúng ta phải phấn đấu thực tập viên mãn Bát Chánh đạo thì cánh cửa Pháp hoa mới mở ra, mới đạt được trí tuệ đúng đắn mà hiểu biết bình thường không thể vói tới được.