Đó là bước ban đầu xả bỏ phần vật chất để tinh thần được nhẹ nhàng, mới có thể tiến tu.
Còn Phật tử tại gia thì xả bỏ vật chất theo từng thời gian, xả bỏ trong lúc tụng kinh, trong lúc nghe pháp, trong lúc tu Một ngày an lạc, hoặc trong một ngày tu Bát quan trai…, vì Phật tử không thể thực hiện hạnh xả bỏ suốt cả cuộc đời như quý vị xuất gia.
Quý Tăng Ni tu hạnh Thanh văn không cần quan tâm đến cơm ăn, áo mặc, nhà ở, vì đã có Đức Phật sắp xếp chư Thiên đến cúng dường. Vì vậy, người tại gia mà bắt chước quý thầy bỏ luôn nhà cửa, việc làm, tài sản, chắc chắn sẽ rơi vào cảnh khổ.
Phật tử thường mắc bệnh cố chấp nên khổ hoài – Ảnh minh họa |
Theo tôi, Phật tử tại gia nên xả bỏ tâm vướng mắc với thế gian trong khoảng một vài giờ tụng kinh, nghe pháp, hoặc trong một ngày tu ở chùa để quý vị có khoảng thời gian tối thiểu có thể kết nối với Phật, với Bồ-tát. Vì không chú tâm nghe giảng Phật pháp, không chú tâm tụng kinh, nghĩa là không hướng tâm về Đức Phật thì Phật lực không gia bị, nên tâm quý vị không thanh tịnh, tướng không giải thoát sẽ tác động cho người khác sanh phiền não. Người cư sĩ tu hành phải ráng giữ tâm thanh tịnh bằng cách nương vào một hạnh nào đó, để có thể xả bỏ việc thế gian mới giữ được Phật pháp.
Theo tinh thần Đại thừa, chúng ta phải nương theo Phật, Bồ-tát và Hiền Thánh Tăng mới được giải thoát; vì biết chúng ta không thể tự thanh tịnh, tự sáng suốt được, nên tuyệt đối không theo ác ma. Tự chúng ta không lý giải được giáo pháp, không giải quyết được những vướng mắc trong cuộc sống, nhưng nhờ vị minh sư khai ngộ giúp mình xử lý mọi việc tốt đẹp. Vì vậy, trí tuệ và đạo hạnh còn non kém mà rời bỏ thầy thì không tu được.
Thật vậy, khó tiếp cận được Phật, nên phải nương theo thầy là người tu giải thoát để nhờ thầy chỉ cho chúng ta thấy Phật và Bồ-tát mà tập làm theo hạnh của các Ngài. Khi chúng ta gặp bậc Hiền nhân, tuy chưa phải là Thánh, nhưng họ nói, chúng ta nghe thâm nhập được lời Phật dạy và lòng cảm thấy an vui, cởi bỏ được những ràng buộc khổ đau, cuộc sống trở nên tốt đẹp, thì nên theo. Hoặc tiếp xúc những người bạn tốt, tâm chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng, vững niềm tin hơn trên đường đạo; còn bạn xấu luôn làm cho chúng ta chán nản, bất mãn, không muốn tu nữa.
Xưa kia, khi Đức Phật chưa xuất gia, Ngài đã nhận thấy cuộc đời này đáng sợ, dù làm vua quan hay làm gì cũng phải chết thê thảm, vì một khi có quyền lợi vật chất là có ác ma xuất hiện để phá hại. Vì thế, chúng ta thấy người xuất gia hay tại gia mà quan tâm nhiều đến vật chất thì coi chừng đó là ác ma và thế giới của ác ma nhất định sẽ xảy ra xung đột, tranh chấp, nói xấu, giết hại nhau.
Trong khoảng thời gian Đức Phật còn là thái tử điều hành việc triều chính, Ngài đã biết rõ điều này, mọi việc gì cũng đều kẹt vật chất và người ta luôn sẵn sàng tranh giành, giết hại nhau; cho đến các loài trên trái đất này cũng vì miếng ăn mà giết nhau. Đức Phật tự thấy cuộc đời là thế, nên Ngài không muốn dấn thân vào đời, mà nhất quyết thoát ra để không mang món nợ sinh tử truyền kiếp. Nhận thức sâu sắc như vậy, Đức Phật đã xả ly vật chất để tìm về cuộc sống cao quý vĩnh hằng, nhất là Ngài lại biết rõ sự hiện thân của Ngài trở lại thế giới này vì hạnh nguyện cứu khổ độ sanh, chứ không phải trần gian này là thế giới thực của Ngài.
Đức Phật đầu tiên xả bỏ thế gian đi tìm cuộc sống cao quý, xả bỏ đời sống vật chất tìm cuộc sống an lạc. Phật tử vào chùa tu một ngày để mong được an lạc, nhưng lại mang theo tất cả phiền não thế gian là điều nguy hiểm. Quý vị phải dứt khoát tạm gác bỏ một ngày của thế nhân giống như nghỉ một ngày để thư giãn thân tâm, không suy nghĩ việc thế gian, thì ngày hôm sau đi làm việc sẽ thấy sức khỏe tốt hơn, tinh thần sáng suốt hơn. Hoặc tạm nghỉ một tiếng đồng hồ để chú tâm vào việc tụng kinh, niệm Phật. Còn tụng kinh ở chùa nhưng tâm suy nghĩ việc khác là đang rớt vào chùa Tiểu Lôi Âm của ma; tu lâu như vậy, phước không sanh, mà chỉ có phiền não tăng thêm.
Đức Phật xả bỏ cuộc sống thế gian, trên bước đường tìm cuộc sống an lạc vĩnh cửu, Ngài đã gặp nhiều vị Sa-môn thuộc các tổ chức ngoại đạo đương thời. Họ cũng từ bỏ cuộc đời, mỗi người có một cách tu khác nhau, nhưng tội nghiệp thay, tất cả những người này đều tu mù, mà Đức Phật ví họ như người mù rờ voi.
Trí Giả đại sư gọi cách tu sai đó là cuồng hoa vô quả, nghĩa là tu đủ thứ cách rất cực khổ, nhưng không kết thành trái, tức không gặt hái được kết quả tốt đẹp. Có người tu nhịn đói đến da bọc xương, có người lấy roi đánh vào thân cho chảy máu, có người đốt thân cháy phỏng, có người ngồi trên bàn đinh phơi nắng ngoài trời… để mong có được tâm hồn an lạc.
Đức Phật đã nhận thấy những cách tu hành hạ thân xác hoàn toàn sai lầm như vậy, cho nên Ngài đã từ bỏ họ, tức rời bỏ những người cuồng si không trí tuệ để tiếp tục đi tìm những bậc minh triết và Ngài đã gặp đạo sĩ Kamala ẩn dật tu hành, đã xả ly đời sống vật chất và có được sức khỏe tốt dù ăn uống đơn giản, có tâm an lạc và định tĩnh; tuy chưa là Thánh nhưng ông cũng đã hơn người thường.
Với sự thiết thân thể nghiệm và thành tựu hạnh xả ly, Đức Phật dạy chúng ta xả bỏ vật chất để được tâm an lạc; vì sở hữu vật chất càng nhiều càng làm mình nặng lòng hơn. Thực tế cuộc sống cho chúng ta nhận ra điều này dễ dàng, hễ đời sống vật chất càng sung mãn con người càng đến gần sự hư hỏng. Thí dụ đơn giản như ăn nhiều thức ăn ngon quen miệng, đến lúc ăn giản dị nuốt không vô. Hoặc ngày xưa chưa có bột ngọt, người ta ăn uống bình thường có sao đâu; nhưng đến lúc bày đặt ăn bột ngọt thành ghiền rồi chê thức ăn không có vị độc hại này là lạt lẽo, ăn không nổi, thậm chí ăn mặn cũng phải cho thêm bột ngọt mới thỏa mãn vị giác. Như vậy là tạo thành nghiệp và càng hưởng thụ vật chất càng chuốc lấy sự nô lệ, tạo thêm bệnh tật thể xác và phiền lụy cho tinh thần.
Ngày nay, với công nghệ thực phẩm chế biến, người ta đã sản xuất các thực phẩm chay có mùi vị đồ mặn và rất độc hại vì tẩm ướp hóa chất cực mạnh để giữ lâu đến sáu tháng cho đến một năm. Ăn chay mà còn nghĩ tưởng đến mùi vị mặn thì ăn mặn cho rồi, lại đem thêm hóa chất độc hại vào cơ thể thì làm sao tránh khỏi bệnh ung thư và nhiều bệnh khác nữa.
Tôi thường quan sát người xung quanh đối xử với mình như thế nào để biết được con người thực của mình; không nói đến bằng cấp, không nói đến tu lâu, vì còn dán nhãn vô, dễ rơi vào giả tạo, ảo giác.
Về việc mặc y phục cũng vậy, chúng ta thấy nhiều người trời chưa lạnh đã lo mặc áo ấm, như vậy là làm cho cơ thể giảm mất sức chịu đựng. Trong khi tế bào da của chúng ta có khả năng hoạt động thích nghi với thời tiết, vì khi trời lạnh, tế bào da tự động co lại để bảo vệ thân nhiệt của mình và khi trời nóng, nó tự động giãn nở để chúng ta không bị nóng. Vì vậy, nếu chúng ta lo bảo vệ “ủ mình” lâu ngày khiến cho tế bào da lười hoạt động, một lúc trở thành yếu ớt. Các thiền sư Nhật mùa đông ngồi thiền chẳng cần áo ấm mà vẫn không cảm thấy lạnh và không bị cảm lạnh, vì họ đã tập luyện cơ thể biết cách thích nghi với thiên nhiên, sức khỏe rất tốt, không để cơ thể lệ thuộc vật chất, nên khi vào thiền, da đã tự động co kín lại như một lớp màng bảo vệ không cho khí lạnh bên ngoài xâm nhập và bên trong thì tạo được sức nóng cho cơ thể ấm lên qua việc vận dụng hơi thở để tỏa nhiệt.
Từ bỏ vật chất nghĩa là tâm không nặng vật chất, vì chúng ta ý thức được rằng càng chạy theo vật chất càng dễ bị khủng hoảng. Thậm chí ngày nay, rất nhiều người lao vào kiếm nhiều tiền để thỏa mãn đời sống vật chất một cách phung phí, bất chấp sức khỏe phải gánh chịu hậu quả thế nào. Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 đã nhận xét rằng nhiều người sống rất kỳ quái, lúc tuổi trẻ họ làm cật lực không quan tâm đến sức khỏe để có tiền nhiều và về già họ sẵn sàng tuôn tiền ra để mua lại sức khỏe. Thiệt là làm chuyện vô ích.
Buông xả tâm lệ thuộc vật chất, không cho vật chất chi phối tâm mình để có đời sống nội tâm an lạc, chứ không phải như nhiều người lầm tưởng phải có nhiều vật chất mới được an lạc. Đức Phật từng chỉ cho các Tỳ-kheo thấy người chủ trang trại bị mất bò chạy tìm như người điên, tâm ông ta khổ cùng cực vì gắn chặt cả mạng sống với mấy con bò!
Có nhiều của cải tất nhiên tâm phải gắn liền với của cải, chẳng thể an lạc là vậy. Ngoài ra, người không có của cải chắc chắn dễ xả bỏ hơn. Thí dụ người không có vợ đẹp con khôn, nhưng có một bà vợ hung dữ, hẳn nhiên bỏ dễ; người có nhà tranh rách nát và vị trí thấp kém trong xã hội thì vứt bỏ chẳng khó khăn gì cả.
Tuy nhiên, trên bước đường tu, người có của và người không có của một khi thực sự quyết tâm buông xả thì cả hai đều được giải thoát như nhau. Người có vợ đẹp con khôn và người có vợ dữ con ngổ ngáo, cả hai biết buông bỏ cũng được an lạc giống nhau.
Trăm sông đều đổ về biển, hay tất cả giáo pháp chỉ có một nghĩa giải thoát. Hành Bồ-tát đạo thì khác nhau, vì người giàu có, người quyền thế, người tài trí có điều kiện dễ thành tựu hơn người nghèo dở, nhưng đối với nghĩa giải thoát của hàng Thanh văn thì người giàu nghèo sang hèn đồng nhau. Chỉ cần cách ly thế giới vật chất, không quan tâm đến ăn mặc ngủ nghỉ, kể cả không màng đến mạng sống; từ đó đi vào đời sống nội tâm, lòng được phóng khoáng, nhẹ nhàng, thanh thản liền.
Và từ thế giới buông bỏ, trống không đó, tâm dễ dàng định tĩnh giúp chúng ta thấy sự vật thế gian và xuất thế gian một cách chính xác, mà trong kinh thường diễn tả là chứng được Thiên nhãn thông. Định lực này có thể ví như cái kiếng hội tụ có thể lấy lửa từ sức nóng mặt trời tập trung vào một tiêu điểm.
Tâm định tĩnh chúng ta càng cao càng thấy sâu gọi là chứng Tha tâm thông, tức thấy biết được tâm thức của người đối diện, biết họ nghĩ gì, muốn gì, nên hành giả dễ thành công trong việc giáo hóa người khác.
Trên bước đường tu, đầu tiên buông xả vật chất và cuối cùng xả ly luôn cái tâm chấp vật chất, xả bỏ được phần nào thì an lạc giải thoát phần đó. Chính vì sự quan trọng của hạnh xả ly nên Đức Phật đã đưa ra 37 Trợ đạo phẩm là 37 điều kiện cần thực hiện để giúp chúng ta đạt được giải thoát hoàn toàn là Bát Chánh đạo. Đó là quá trình tu từng bước đi lần từ ngoài vào trong mà Đức Phật cũng thường đặt hạnh buông xả trong đó.
Điển hình như trong pháp Tứ Chánh cần, Đức Phật khuyên chúng ta làm việc thiện và bỏ việc ác. Và tiến xa hơn, Đức Phật dạy rằng tâm động là ác, tịnh là thiện, đến cuối cùng Đức Phật bảo bỏ luôn cả thiện và ác. Ý này được kinh Pháp hoa diễn tả rằng Chánh pháp còn phải bỏ, huống chi là phi pháp, hoặc qua sông cần phải có thuyền, tu hành phải nương theo giáo pháp, nhưng lên bờ thì phải bỏ thuyền, đắc đạo thì buông bỏ pháp.
Phật tử thường mắc bệnh cố chấp nên khổ hoài. Vào đạo tràng tu hành mà phiền não liên tục coi như chưa tu gì cả; vậy mà còn cố chấp, tự cho rằng mình là người tu trước, tu lâu là còn bị đọa thêm nữa. Phải thực tập hạnh xả bỏ mới thấy thật tướng các pháp. Thật tướng là gì.
Tôi thường quan sát người xung quanh đối xử với mình như thế nào để biết được con người thực của mình; không nói đến bằng cấp, không nói đến tu lâu, vì còn dán nhãn vô, dễ rơi vào giả tạo, ảo giác.
Tóm lại, bước theo dấu chân Phật, thực tu, chúng ta buông xả phần thô bên ngoài và dẹp được tự ngã, bỏ tâm chấp trước, không nghĩ mình lãnh đạo, mình lớn, mình giỏi, sẽ dễ dàng hòa được với mọi người, nhận được sự quý mến của nhiều người và là tấm gương sáng cho nhiều người nương theo tu học.