Oan ức do nghiệp đời trước mang vô thân đời này rồi, chúng ta phải tìm cách xóa sạch
Luận Bảo Vương Tam muội dạy rằng oan ức không cần biện minh, vì càng biện minh, nỗi hàm oan càng lớn. Lời dạy này hơi khó hiểu. Đa số chúng ta tin rằng mình có thể giải tỏa được oan ức; nhưng sự thực càng giải, nỗi hàm oan dường như càng tăng trưởng mà tôi có cảm giác giống như chiếc còng số 8, nếu càng vùng vẫy thì cái còng càng siết chặt lại, thà cứ để yên, chúng ta sẽ thấy nhẹ hơn và làm sao tay chúng ta tự nhỏ lại để rút tay ra khỏi cái còng, hay ngược lại, làm sao cái còng mở ra được.
Làm tay mình thu nhỏ lại chắc chắn là rất khó, hoặc làm chiếc còng mở ra được cũng không dễ, nhưng chỉ có hai cách này mà thôi.
Nếu là chiếc còng số 8 thực, tra chìa khóa vô mở được. Còn chiếc còng oan ức siết tâm mình thì cũng phải tìm chìa khóa mở ra. Nhưng nếu không tìm thấy chìa khóa, phải nhờ các bậc thiện tri thức chỉ cho chúng ta.
Thiện tri thức lớn nhất là Phật và các vị Tổ sư đắc đạo, các Ngài đều có chìa khóa mở cửa thoát ra khỏi tam giới. Vấn đề đặt ra ở đây là giải oan ức, nhưng phải tìm oan ức này ở đâu.
Có thể khẳng định rằng nỗi oan ức thực sự do chúng ta tạo nên cho chính mình. Đức Phật đã chỉ thẳng rằng tất cả mọi việc do chúng ta tự tạo ra và sự tạo dựng lớn nhất của chúng ta là tạo ngôi nhà ngũ ấm và tạo ngục tù tam giới, từ đó phát sinh tất cả khổ đau của mọi người trên thế gian này.
Đức Phật đã trao cho chúng ta chiếc chìa khóa là 37 Trợ đạo phẩm để mở cánh cửa ngục tù tam giới, mở cánh cửa của Nhà lửa để chúng ta thoát ra. Tất cả các vị thánh La-hán và chư Bồ-tát đã tìm được chìa khóa và các ngài đã thoát ra rồi, nhưng vì thương chúng sanh mà các ngài đã trở lại nhân gian này với dạng hình con người. Chúng ta thấy trên mặt hiện tượng, Bồ-tát hay thánh La-hán có hàm oan, nhưng thực sự không phải như vậy; vì các ngài trở lại cuộc đời bằng tâm từ bi và trong tay các ngài có vô số phương tiện hữu hiệu, đồng thời trong tâm các ngài cũng có Diệu pháp, tức là đại dụng. Bồ-tát và La-hán là hai bậc thầy lớn có đủ khả năng giúp chúng ta tháo gỡ những oan ức.
Trên bước đường tu, nếu không nương được Bồ-tát và La-hán, người ta sẽ ở mãi trong sinh tử, không thoát ra được và oan ức này sẽ chồng lên oan ức khác, cho đến lúc họ phải vào địa ngục Vô gián, vì càng tháo gỡ theo kiểu phàm phu, chiếc còng oan ức càng siết chặt họ hơn.
Thật vậy, thực tế cho thấy lúc bắt đầu, sai lầm của họ không có, hay có rất ít, nghĩa là nỗi oan ức của họ không lớn, nhưng vì không nhìn đúng sự thực của vấn đề, cứ nghĩ họ đúng, họ bị oan ức và nuôi lớn nỗi oan ức đó, nên họ cứ tranh đấu hoài, thì lòng sân hận và hành động sai trái theo đó tăng dần, cho đến lúc họ không chịu nổi, sẽ kết thúc bằng tự tử. Con đường đi vào sinh tử là vậy.
Đức Phật mới mở ra cho loài người con đường giải thoát, thực tập pháp Phật đến đâu được giải thoát đến đó, tức đã phát huy được trí tuệ theo Phật. Tất cả các pháp môn Đức Phật dạy đều là chìa khóa mở cánh cửa ra khỏi ngục tù tam giới. Đức Phật đã trao chìa khóa và chúng ta chỉ cần tra chìa khóa vào là bước ra khỏi mọi trói buộc, khổ đau. Phật là vị đại Đạo sư đã chỉ dạy con đường thoát hiểm nạn trầm luân sinh tử, việc đi ra hay không là tùy ở chúng ta.
Đức Phật trao cho chúng ta chìa khóa của kinh Pháp hoa là Tam thừa giáo để ra khỏi sinh tử, ra khỏi Nhà lửa, đến bãi đất trống, nghĩa là tâm chúng ta trống sạch, được giải thoát, tất cả nỗi oan ức trong lòng không còn. Lúc đó chúng ta vẫn còn thân người nhưng là người giải thoát thanh tịnh, không phải chết mới được giải thoát; nhiều khi chết khổ hơn, vì mang thân người mới có điều kiện tốt để làm tiên, làm Phật, còn rớt xuống làm heo gà, không tu lên được.
Trong loài người mới được Phật trao cho chìa khóa Tam thừa; Ngài nói rằng trong tứ sanh lục đạo, chỉ loài người mới có điều kiện ra khỏi tam giới. Tất cả các loài khác muốn ra khỏi tam giới, phải tái sanh làm người, rồi tu lên, mới làm tiên, làm Phật.
Khi phát tâm Bồ-đề, thực sự tu theo Phật, nhìn kỹ thấy trên cuộc đời này những nỗi oan ức thường là “oan Thị Mầu”, không phải oan Thị Kính, vì Thị Kính đã lấy được chìa khóa Tam thừa mở thoát ra, giải được nỗi oan.
Ai cứ thấy mình oan ức là người đó đang tu theo Thị Mầu, hay tu theo Đắc Kỷ đã tu 1.000 năm, nhưng tánh ác hại người bên trong còn nguyên mà miệng cứ kêu oan.
Bước chân vào Phật pháp, an trụ trong yếu lý Phật dạy, thấy được thật tướng các pháp mà Phật nói rằng ở trong tam giới không có sinh tử, nhưng vì vô minh vọng kiến ngăn che, tạo nên các tội sai biệt, rồi cứ kêu oan. Tất cả mọi việc đều do chúng ta tạo, kinh Hoa nghiêm gọi là nhứt thiết duy tâm tạo. Nếu tâm chúng ta thánh thiện sẽ tạo nên Bích chi Phật, La-hán, Bồ-tát; nếu tâm chúng ta ác sẽ tạo thành ác ma, cao nhất là ma Ba-tuần, dẫn vào thế giới ma.
Chìa khóa Phật trao cho loài người là Ngài trao cho Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát để cứu nhân độ thế. Những vị này đã có chìa khóa, đã tự mở được ngục tù cho họ rồi và cũng mở ngục tù cho mọi người thoát ra. Nếu không nương vào ba hàng đệ tử này để ra khỏi ngục tù của ba cõi, chúng ta sẽ luẩn quẩn mãi trong tam giới và tội cũ sẽ chồng chất thêm tội mới, cứ như vậy phải khổ triền miên, rồi nói tôi tu sao mà khổ vậy.
Chúng ta phải biết cái gì tạo khổ đây. Đức Phật nói do thức chúng ta tạo. Đa số chúng ta sống theo vọng thức, từ bỏ chân tâm. Vọng thức là lòng ham muốn, tánh ích kỷ của chúng ta. Chúng ta sống với vọng thức nhiều hơn mới dẫn đến khổ đau. Vì vậy, trên bước đường tu, muốn hết khổ, phải xóa vọng thức. Bồ-tát chuyển được vọng thức thành tuệ giác là hiểu biết, nên không bao giờ khổ.
Không biết thì thực không khổ, nhưng cảm thấy khổ. Thí dụ những người xung quanh nói xấu tôi, nhưng tôi không nghe, không biết, nên tôi không khổ. Lỡ có người nghe lời nói xấu, họ kể lại cho tôi rằng ông A nói xấu tôi vậy đó, nghe xong tôi cảm thấy khổ. Nghĩa là do nghe, suy nghĩ, biết, mà cảm thấy mình bị oan ức rồi buồn khổ, thì đó là oan Thị Mầu, tức đã tạo tội rồi mà còn kêu oan.
Người tu xóa oan ức theo Phật dạy bằng cách không nghe, không thấy, không suy nghĩ, thì tạm cắt bỏ được vọng thức ở bước đầu; vì vọng thức này phát xuất từ thấy, nghe, suy nghĩ gọi là nhãn thức, nhĩ thức và ý thức, tạo nên hiểu biết đau khổ. Ai nói chúng ta không nghe, ai làm chúng ta không thấy, nên tâm chúng ta không suy nghĩ.
Đức Phật dạy muốn ra khỏi sinh tử, được giải thoát, phải cách ly thế sự. Vì vậy, người tu thường ở trong phòng đóng cửa lại, hoặc ở trong hang đá, ở núi rừng vắng vẻ, không liên hệ với cuộc đời, để khóa cánh cửa địa ngục, mở cánh cửa Niết-bàn. Nói cách khác, cánh cửa trần gian đóng lại, mở Phật pháp bên trong là tu hướng nội khác với hướng ngoại thì nghe biết đủ thứ chuyện trên cuộc đời, nên biết nhiều khổ nhiều, không biết không khổ. Thậm chí một chút nữa trời sập, nhưng mình không biết thì vẫn tỉnh như không, còn biết trời sắp sập, dù chưa sập nhưng trong lòng cứ cảm thấy lo sợ, phải tự khổ thôi.
Các Phật tử tập tu bằng cách không biết việc của thiên hạ, vì biết như vậy sẽ làm bẩn tâm mình, tự khổ thêm. Càng biết nhiều việc của cuộc đời, chắc chắn nỗi khổ sẽ lên đến cùng tột. Người tu không dại gì đem khổ của thiên hạ vô tâm mình để khổ.
Chúng ta thấy Đức Khổng Tử chỉ có ý thức muốn bình thiên hạ mà cả cuộc đời của ông luôn lận đận lao đao. Làm sao bình được thiên hạ, việc này không thể được, nhưng ông cứ muốn như vậy mà tự khổ; tức hiểu biết đã làm ông khổ.
Hạng Thác là người chăn trâu hỏi Khổng Tử trả lời được ba câu, mới xứng đáng là Vạn thế sư biểu, tức làm thầy muôn đời. Khổng Tử đáp rằng 100 câu cũng trả lời được, chẳng lẽ không trả lời nổi ba câu của kẻ mục đồng.
Hạng Thác hỏi trên trời có bao nhiêu vì sao. Khổng Tử bảo nói chuyện trên trời làm sao biết được, hãy nói chuyện trên mặt đất. Nhưng ông cũng không trả lời được câu hỏi thứ hai là trên trái đất này có bao nhiêu người. Ông tức mình bảo phải nói chuyện trước mắt, đừng nói chuyện bao la. Vậy thì câu hỏi thứ ba là cho biết cặp chân mày của ông có bao nhiêu sợi lông. Dĩ nhiên là ông đành chịu thua.
Tu hành, chúng ta phải nhận ra túc nghiệp của mình để hóa giải – Ảnh: Bảo Toàn/BGN |
*
Câu chuyện này nhằm nói rằng sự hiểu biết của con người có giới hạn, nhưng muốn làm chuyện quá lớn lao rồi tự khổ. Nếu Đức Khổng Tử từ bỏ ý nghĩ muốn bình thiên hạ, chắc chắn ông vẫn sống ung dung tự tại, vì với trí khôn ngoan hiểu biết ông cũng giúp được cho cuộc đời nhiều lắm chứ.
Trước tiên, Đức Phật trao chiếc chìa khóa thứ nhất cho hàng nhân thiên thoát ra khỏi khổ đau. Con người muốn hết khổ, không còn oan ức nữa, Phật khuyên chúng ta chỉ cần giữ 5 giới cho tốt. Nếu đã giữ 5 giới tốt, nhưng còn bị oan ức là do túc nghiệp của chúng ta, tức là nghiệp của đời trước.
Nhìn cuộc sống chúng ta hiện tại mà biết được túc nghiệp mình. Nếu sanh trong gia đình cờ bạc, hút xách, chắc chắn chúng ta phải mang tất cả nghiệp của dòng họ mình. Chúng ta có nghiệp này mới sanh vô gia đình như vậy. Nếu sanh trong vùng chiến tranh hay ở vùng biên giới không có văn minh, tự biết nghiệp của mình đời trước không tốt. Sanh ra trong gia đình nghèo đói, thân thể ốm o, rách rưới mà đến nhà sang giàu thì dễ bị hàm oan.
Tôi xuất thân từ giai cấp nông dân nghèo khổ, nên nhận ra điều này rất rõ và vâng lời Phật dạy, tôi giải được nghiệp này. Nghèo nàn thì ta không nên đến chỗ sang trọng, vì dễ bị đổ oan rằng mình ăn cắp, bị đánh, bị tù tội, bị giết chết. Nghiệp nghèo khổ đời trước đã có, đời này không muốn bị oan ức, tốt nhất là tránh những nơi giàu có.
Ý này trong kinh Pháp hoa, Ca Diếp đại diện cho các Trưởng lão thưa với Đức Phật rằng người cùng tử không dám vào nhà sang trọng của ông trưởng giả, mà phải tới xóm nghèo làm thuê mướn, sau đó mới được vào ở am tranh hốt dọn phân nhơ. Nghĩa là chúng ta đến được Phật pháp, phải chấp nhận thực tế cuộc sống của mình, phải sống đúng thân phận và hoàn cảnh tương ưng với mình, người ta mới để cho mình yên thân mà tu.
Riêng bản thân tôi, trong khoảng thời gian từ 10 tuổi cho đến 30 tuổi, trong suốt 20 năm, tôi không có một vật nào có giá trị để không bị oan ức; vì có ai mất đồ, thấy tôi sống đơn giản, chắc chắn họ không nghi tôi ăn trộm. Chỗ ở và thức ăn của mình đạm bạc tới mức tối đa, thì ai nghĩ mình ăn cắp.
Tu hành chúng ta phải nhận ra túc nghiệp của mình để hóa giải. Oan ức do nghiệp đời trước mang vô thân đời này rồi, chúng ta phải tìm cách xóa sạch. Nghiệp nghèo đói do gian tham trộm cắp, nghiệp bệnh hoạn do sát sanh hại mạng, nghiệp tà dâm nên thân thể xấu xí hôi dơ; nghĩa là muốn dứt sạch tất cả nghiệp xấu này, phải kiện toàn thân tâm mình trở thành thanh tịnh thực sự.
Chìa khóa Ngũ giới mà Đức Phật đưa cho chúng ta, để thực tập đời sống phạm hạnh, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói bịa đặt, không uống rượu. Thực tập được 5 điều tốt đẹp căn bản này, tất cả hàm oan sẽ không đến với chúng ta nữa, hoặc thực tập đến đâu sẽ giải thoát đến đó. Còn tham vọng lớn, đòi hỏi nhiều, tiêu xài phung phí, nợ chồng chất thì phải khổ thêm, không thể khác.
Trên bước đường tu theo Phật, hãy sống với những gì mình có, hay sống dưới mức mình có càng tốt; nói cách khác, làm nhiều hưởng ít, mới tích lũy được công đức, chắc chắn cuộc sống an lành giải thoát ngay, không đợi kiếp sau.
Muốn đời sống chúng ta được nâng cao hơn, Đức Phật trao chiếc chìa khóa thứ hai là Thập thiện. Tu Thập thiện nghiệp, tức làm 10 điều lành sẽ được người kính trọng. Thập thiện nghiệp là 10 giới gồm có 3 giới của thân (không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm), 4 giới của miệng (không nói lời bịa đặt, không nói lời hung ác, không nói lời đâm thọc, không nói lời gây chia rẽ) và 3 giới của ý (tham, sân, si).
Thực hiện 10 nghiệp thiện sẽ được lên cõi trời là cảnh giới sống được tốt đẹp hơn cõi người. Thí dụ đối với việc thiện của thân, chẳng những chúng ta không sát sanh mà còn có lòng từ hộ mạng chúng sanh. Vì có hộ mạng tức cứu giúp người hoặc loài vật, mình sẽ được họ thương kính, quý trọng, nghĩa là tư cách của mình được nâng cao gọi là chư thiên.
Đọc truyện Tây du ký, có ông Trần Quang Nhị đã cứu con cá vàng thoát chết. Khi ông bị người ác xô xuống sông, vì đời trước ông đã giết người này; nhưng nhờ ông đã cứu con cá vàng nên nó nhớ ơn, hiện ra cứu ông. Mình có bố thí, giúp đỡ, người mang ơn, lỡ mình sa cơ thất thế, họ sẽ giúp lại mình.
Như vậy, Đức Phật đã trao cho loài người hai chìa khóa, một chìa khóa Thập thiện nghiệp để mở cửa thiên đường và một chìa khóa Ngũ giới để được tái sanh làm người không còn bị hàm oan. Còn tạo nghiệp ác kiếp trước, thì sanh lại đời này thường bị hàm oan và từ đó lại tạo thêm nhiều nghiệp để phải chịu oan nữa.
Tuy hai chìa khóa này giúp chúng ta thoát những nỗi khổ đau và oan ức, nhưng chỉ là giải quyết tạm thời trên cuộc đời này, vì khi hết oan ức và hưởng hết phước, lại tạo tội, rồi rớt xuống khổ đau thì gặp oan ức nữa. Cứ như vậy mà chúng ta luẩn quẩn từ kiếp này sang kiếp khác trong tứ sanh lục đạo.
Đức Phật vì tâm đại bi muốn cho chúng ta ra khỏi sinh tử luân hồi, Ngài mới trao thêm ba chìa khóa khác mà kinh Pháp hoa gọi là ba xe: xe dê, xe nai, xe trâu; phải dùng ba xe này mới ra ngoài sinh tử và thành tựu quả vị Phật được. Đức Phật cho ba hạng người là La-hán, Bích chi Phật và Bồ-tát sử dụng ba xe này, tức Tam thừa giáo; còn các pháp tu khác dành cho nhân thiên.
Muốn tu ba pháp Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ-tát thừa để ra khỏi sinh tử, Đức Phật dạy chúng ta phải hạ thủ công phu miên mật, không phải bình thường.
Đầu tiên tu Thanh văn thừa để đắc La-hán, đó là pháp mà con người dễ thực tập nhất, gần nhất và nhanh nhất. Quả La-hán có bốn cấp bậc là Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán.
Bốn cấp bậc này chúng ta tưởng khó, nhưng không khó lắm, vì đó là thế giới của nội tâm, tức chỉ tu tâm. Vì tu tâm, nên chúng ta thấy các vị La-hán chỉ ngồi yên, không làm gì, nhưng họ đang quán sát sự vận hành của tâm và điều động được tâm, nên quả chứng của họ rất lớn, chẳng những giải sạch tất cả oan trái trên cuộc đời này, mà họ còn vĩnh viễn ra khỏi tam giới.
Trong khi hàng nhân thiên giải được hàm oan này lại rơi vào hàm oan khác, tạo phước cũng trầy trật lắm, nhưng có phước rồi, được sống sung sướng ở cõi trời, hưởng một lúc phá sản, lại rớt xuống, có thể rớt thẳng xuống ba đường ác, còn may mắn thì tái sanh cõi nhân gian, lại bị khổ đau hàm oan nữa.
Tóm lại, 5 chiếc chìa khóa mà Đức Phật đã trao cho chúng ta để mở các cánh cửa đi vào những cảnh giới tốt đẹp, từ cõi người, đến cõi trời, cho đến những cảnh giới của hàng tứ Thánh là Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát và Phật.
Chúng ta nhờ có căn lành sâu dày mới được làm đệ tử Phật, được tu học trong giáo pháp của Ngài, cầu mong rằng tất cả mọi người nỗ lực tinh tấn tu hành, tùy theo tâm lực, đạo lực, huệ lực mà từng bước trong cuộc sống này và muôn kiếp về sau, chúng ta thường ra vào tự tại những cảnh giới tốt đẹp trong mười phương Pháp giới để thành tựu viên mãn phước đức trí tuệ của Bồ-tát hạnh, đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác.
(Bài giảng tại khóa tu Một ngày an lạc lần thứ 28, chùa Phổ Quang, ngày 8-6-2008)