Phá kiến
Pháp Giới 2 tháng trước

Phá kiến

Xin Thường Niệm : Nam Mô A Di Đà Phật

GNO – Phá kiến là một thuật ngữ trong Phật giáo dùng để chỉ cho việc có quan điểm, giải thích, hướng dẫn sai lạc ý nghĩa chân chính của Phật pháp. Người phá kiến có thể do thiếu hiểu biết, nhưng cũng có thể do cố tình vì động cơ lợi ích cá nhân. Bài viết này tôi xin bàn đến phá kiến trong vấn đề ăn chay và ăn mặn.

Sở dĩ tôi đề cập đến vấn đề này là vì gần đây tôi có nghe một vị thầy giải thích với Phật tử về vấn đề ăn chay và ăn mặn mà tôi cho rằng không hợp với sự thật. Thầy ấy giảng rằng: “Nếu quý thầy cô chỉ thọ Thanh văn giới, tức giới Tỳ-kheo nhưng không thọ giới Bồ-tát thì ăn mặn được. Đức Phật ngày xưa có ăn chay ngày nào đâu”. Trước hết xin thưa rằng, nói Đức Phật không có ăn chay ngày nào là không đúng. Bởi Đức Phật không hề chủ trương ăn mặn, Ngài chủ trương “ai cúng cái gì thì ăn cái đó”. Nếu hôm nào người ta cúng thịt cá thì Ngài ăn thịt cá. Còn hôm nào người ta cúng rau củ thì Ngài ăn rau củ. Tức là Ngài ăn mặn lẫn ăn chay. Còn tại sao Đức Phật không ăn chay hoàn toàn mà lại ăn theo sự tùy hỷ cúng dường của thí chủ thì có ý nghĩa lịch sử và tâm linh rất sâu xa.

Về lịch sử thì lúc đó đạo Phật mới được hình thành nên không mấy người biết đến. Cho nên khi Đức Phật và chư Tăng đi khất thực thì chỉ có một số ít tín đồ quy y Tam bảo mới cúng dường một cách cung kính đúng theo Chánh pháp, còn đại đa số là bố thí theo kiểu giúp đỡ một đạo sĩ hay một người ăn xin bình thường. Mà đã bố thí thì có gì cho nấy, và đã là xin ăn thì cho gì nhận nấy, chứ đâu có được phép đòi hỏi, rằng tôi chỉ nhận thứ này mà không nhận thứ kia.

Còn về mặt tâm linh thì khất thực là một pháp tu tuyệt vời. Việc người ta cho cái gì mình ăn cái đó là sự thực tập tinh thần bình đẳng và tâm không đắm nhiễm, cụ thể ở đây là đắm nhiễm thức ăn. Có người thích ăn mặn nhưng cũng có người thích ăn chay. Người thích ăn mặn thì buồn khi được cúng chay, còn người thích ăn chay thì buồn khi được cúng mặn. Và khất thực là vượt lên trên chay và mặn. Không phải ăn chay cao thượng hơn ăn mặn hay ăn mặn cao thượng hơn ăn chay. Chính tâm không phân biệt chay hay mặn mới là cao thượng. Đây là chỗ cao vót của pháp tu khất thực mà không mấy người làm được và cũng là một trong những lý do Đức Phật từ chối đề nghị của Đề-bà-đạt-đa chủ trương ăn thuần chay.

Nếu như ai đó chủ trương ăn mặn và cho rằng đó là theo truyền thống từ thời Đức Phật thì họ đã hiểu lầm ý của Ngài rồi. Ngài không hề chủ trương ăn mặn hay ăn chay. Cho nên dù là chủ trương ăn chay hay ăn mặn đều là sự chấp trước. Tuy nhiên, theo thiển ý của người viết thì thà chấp trước vào ăn chay còn hơn chấp trước vào ăn mặn. Bởi vì, nói gì thì nói, con người vẫn thích ăn mặn hơn, cho nên ăn mặn làm cho người ta dễ đắm nhiễm và đắm nhiễm nặng hơn ăn chay. Còn ăn chay thì dù chưa giải thoát nhưng có thể nuôi dưỡng được lòng từ bi và tránh nghiệp sát sinh dù chỉ là gián tiếp. Phật giáo Tây Tạng có truyền thống ăn mặn, nhưng gần đây, theo phát biểu của Đức Đạt-lai Lạt-ma thì: “Chúng tôi đã ngừng sử dụng thực phẩm không thuần chay trong tu viện Tây Tạng. Chúng ta phải tôn trọng tất cả các dạng của sự sống. Ăn chay Ấn Độ rất quan trọng” (“Đức Đạt-lai Lạt-ma khẳng định ăn chay là quan trọng”, Văn Công Hưng dịch).

Xem Thêm:   Chép kinh Phật cảm ứng chuyện

Có người nói rằng ăn chay là do Phật giáo Đại thừa sau này chủ trương. Cho nên ăn chay là theo ngọn, còn ăn mặn mới là theo gốc vì đã có từ thời Đức Phật. Đúng ăn chay là quy định của Phật giáo Đại thừa về sau. Tuy nhiên, gốc hay ngọn, trước hay sau không nói lên được tính hơn kém của vấn đề. Những người cho rằng Đức Phật ăn mặn thì mình cũng ăn mặn, vậy Đức Phật đi chân đất, sở hữu chỉ có ba y, một bát, ăn ngày một bữa, đêm ngủ chỉ có một thời lúc giữa đêm, không giữ tiền bạc và nhất là Phật ăn với tâm vô phân biệt thì họ lại không nhắc tới và làm theo! Hay là họ chỉ làm theo những điều “có lợi” cho họ, còn những điều “bất lợi” thì họ làm ngơ?

Thật ra vấn đề người tu nên ăn chay hay ăn mặn thì câu trả lời đã quá rõ ràng. Chỉ là một số người thích ăn mặn nên cố tình giải thích sai lạc để biện minh hay hợp thức hóa việc ăn mặn của mình mà thôi. Tôi viết bài này không phải để phê phán ai mà chỉ muốn nói rằng, bất cứ ai cũng có quyền ăn mặn nhưng hãy nên coi đó là việc riêng của cá nhân mình. Mình làm mình chịu, ăn mặn thì có quả báo của ăn mặn. Còn giải thích sai lạc giáo lý làm cho mọi người cũng hiểu và làm sai lạc thì không nên. So với tội phá giới thì tội phá kiến nặng hơn rất nhiều, vì làm liên lụy đến số đông vậy.

Phá kiến không chỉ giới hạn trong Phật giáo mà còn có thể mở rộng ra các lĩnh vực xã hội khác như văn hóa, giáo dục, khoa học… Những ai vô tình hay cố ý tuyên truyền những tư tưởng, quan điểm sai lạc thì đều có thể gọi là người phá kiến. Trước và sau Tết Nguyên đán, nước ta có rất nhiều lễ hội, trong đó có những lễ hội rất bạo lực, dã man, thiếu văn hóa và nhân văn như lễ hội đâm trâu, chém lợn, thắt cổ trâu, đập đầu trâu… Điều đáng nói là những lễ hội này lại được hợp pháp hóa bằng những mỹ từ như văn hóa truyền thống, tinh thần thượng võ. Và có không ít những cán bộ, trí thức, giáo sư tán thành khen ngợi, cho rằng đó là truyền thống văn hóa lâu đời cần phải bảo tồn. Ví dụ như Giáo sư Trần Lâm Biền1 , Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, nói về lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng rằng: “Khi nhận xét vấn đề gì, nhất là về văn hóa, phải hiểu rõ nguồn gốc, ý nghĩa của nó. Lễ hội chém lợn làng Ném Thượng là nghi thức tín ngưỡng để người dân cầu mùa màng bội thu, sự phát triển sinh sôi, hạnh phúc cho cộng đồng mình. Phong tục này là để cầu may cho mọi người, nó vượt qua cả khái niệm dã man hay không dã man. Văn hóa nếu chỉ nhìn hình thức có thể tưởng là dã man nhưng đằng sau lại là tính nhân đạo mênh mông”.

Tất nhiên là bất cứ cái gì ra đời đều có tính lịch sử của nó. Điều quan trọng là nó có đúng và tốt đẹp hay không. Ví như tổ tiên chúng ta ngày xưa thờ thần sấm, thần sét vì cho rằng sấm sét là thần. Tuy nhiên ngày nay khoa học cho biết rằng sấm sét chỉ là hiện tượng tự nhiên do những luồng điện trái chiều gặp nhau mà phát ra tiếng nổ. Những lễ hội dân gian cũng thế. Do người xưa hiểu rằng, theo giải thích của GS.Biền: “Máu đỏ trong tín ngưỡng nguyên thủy là biểu trưng cho sự sống, sinh khí, vì thế, người dân làng Ném Thượng thực hiện nghi thức chém lợn để máu đỏ chảy ra sân đình nơi thờ Lý thành hoàng, là nhằm gợi ý với bậc thánh thần hãy mang sinh khí, sự phát triển đến nơi đây”. Vấn đề là cách hiểu đó của người xưa có đúng hay không, có phải các vị thành hoàng nhìn thấy máu con vật chảy ra khắp sân là họ hoan hỷ và mang sinh khí về cho người dân nơi đó hay không, hay chỉ là sự suy diễn của thời kỳ mông muội? Theo luật nhân quả, cũng như quan niệm của ông bà ta thì “ác giả ác báo, thiện giả thiện lai”. Hành vi hành hạ con vật là thiện hay ác. Rõ ràng đó là ác. Mà đã là ác thì làm sao đem lại may mắn cho được?

Xem Thêm:   Niết Bàn là gì

Việc tế súc vật dâng lên các vị thần linh để cầu may mắn, bình yên và những điều tốt đẹp không phải chỉ có ở nước ta mà ở hầu hết các xã hội cổ đại trên thế giới. Vào thời Đức Phật, các tín đồ đạo Bà-la-môn có khi giết hàng nghìn con vật để tế thần. Nhưng Đức Phật thì phủ nhận cách cúng tế như thế. Ngài cho rằng cách tế súc vật chỉ đem đến khổ đau mà không có chút lợi lạc gì cả. Đó là chưa kể đến tính nhân đạo, nhân văn của vấn đề. Việc yêu cầu tất cả mọi người đều ăn chay là điều không thể. Nhưng ăn thịt là một chuyện, còn đối xử tàn nhẫn với con vật là chuyện khác. Tôi đã từng xem một bộ phim tài liệu nói về một bộ tộc nọ. Họ sống bằng nghề săn bắn nhưng lại hết sức nhân văn. Họ tẩm thuốc mê vào mũi tên. Họ bắn rất nhẹ mũi tên ấy vào con mồi vừa đủ để con vật bị mê. Họ giết con vật khi con vật đang bị mê. Trước khi giết họ còn nói lời xin lỗi và cám ơn con vật nữa. Chúng ta hoàn toàn có thể thịt con vật để nuôi sống chúng ta mà không làm cho chúng bị đau đớn về thể xác lẫn nỗi sợ hãi về tinh thần. Đó mới là nhân đạo, nhân văn của con người văn minh. Chứ còn hành hạ con vật cho nó chết một cách thê thảm mà còn cho đó là “tính nhân đạo mênh mông” thì tôi thật không hiểu “nhân đạo” ở chỗ nào, huống gì “mênh mông”. Thật ra đối xử tốt với con vật là cách con người thể hiện lòng biết ơn đối với con vật đó vì chúng đã cho mình thức ăn. Chứ còn ăn thịt “người ta” mà còn quay lại hành hạ “người ta” nữa thì đúng là… ăn cháo đá bát, không phải là hành vi của con người văn minh.

Xem Thêm:   10 Chuyện Tâm linh có thật

Xã hội loài người ngày càng văn minh nhờ những phát minh và tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Dưới ánh sáng của khoa học, rất nhiều phong tục bị coi là hủ tục và loại bỏ dần dần ra khỏi đời sống của người dân. Và cũng nhờ đó mà con người loại bỏ được những khổ đau không cần thiết do hủ tục đem lại. Hơn ai hết, tầng lớp trí thức là những người có thể tác động to lớn đối với cộng đồng. Chính vì thế mà họ cần phải suy nghĩ cho thật kỹ những gì mình nói. Nếu nói sai và gây tác hại cho cộng đồng xã hội thì theo Phật giáo, họ là những người phá kiến. Tự mình làm ác, làm sai thì tội còn nhẹ, chứ còn tác động để nhiều người khác làm ác, làm sai thì tội nặng vô cùng. Luật nhân quả là quy luật chung của tự nhiên, không dành riêng cho tôn giáo. Bất cứ ai có hành vi ác đều có thể bị đọa vào tam ác đạo. Dù họ có giữ các chức vụ cao, nhà khoa học, trí thức, giáo sư hay tiến sĩ… nhưng trước quy luật tự nhiên, họ cũng là những sinh linh như những sinh linh khác mà thôi, chứ không phải cán bộ văn hóa hay giáo sư đại học là được miễn đọa địa ngục. Trong kinh Đức Phật dạy rằng, con người búa để trong miệng, thừa lấy chém mình bởi lời nói ác. Tự mình làm ác tội còn nhẹ, chứ xúi người làm ác tội nặng biết bao.

—————

1Tranh cãi gay gắt quanh lễ hội chém lợn ở Ném Thượng (theo VNExpress).

Nguồn: https://giacngo.vn/

Xin Thường Niệm : Nam Mô A Di Đà Phật

2 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog