Chuyện Quán Thế Âm Bồ Tát cảm ứng
Pháp Giới 11 tháng trước

Chuyện Quán Thế Âm Bồ Tát cảm ứng

Quán Thế Âm Bồ Tát tầm thanh cứu khổ. Người đời hễ bị bệnh tật, hoạn nạn, nếu thường niệm danh hiệu của Bồ Tát thì không ai chẳng được Ngài rủ lòng gia bị. 

  • Cách thay đổi vận mệnh
  • Âm đức là gì.
  • 10 chuyện Tâm linh có thật.
  • 10 chuyện nhân quả báo ứng có thật.
  • Chú Đại Bi linh cảm ứng.
  • Hội Long Hoa là gì.
  • Cảnh giới trên bước đường học Phật.
Chuyện Quán Thế Âm Bồ Tát cảm ứng
Quán Thế Âm Bồ Tát

Linh ứng Quán Thế Âm Bồ Tát

Thời mạt hiện nay, Tà thần ác quỷ lộng hành, khiến xã hội rối loạn. Thiên tai dịch bệnh do đó ngày càng nặng nề. Một đời người chẳng mấy lúc được an vui, khổ này chưa qua khổ khác lại đã đến…Tuệ Tâm tôi trích đăng những câu chuyện cảm ứng có thật, đã được lưu truyền cổ kim. Nguyện những ai có nhân duyên đọc được mà biết đến sự linh ứng của Ngài. Từ đó phát tâm niệm danh hiệu Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát, để lìa khổ được vui!

Nếu một ngày tự nhiên bạn thấy: Hoặc rùng mình sởn gai ốc, trúng gió. Hoặc gia đình tự nhiên xáo trộn, con cái nay ốm mai đau. Hoặc trẻ nhỏ nửa đêm hay quấy khóc…Hết thảy triệu chứng này đều do bị ám phá mà ra. Khi đó bạn nên thắp hương, chắp tay chí tâm niệm Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát khoảng 10 phút. Bồ Tát tầm thanh cứu khổ, chắc chắn sẽ gia bị cho bạn khỏi chướng nạn!

Hủy miếu Tà thần

Theo Cao Tăng Truyện, tập Hai, đời Lương, sư Đạo Dung du hóa vùng Giang Lăng, phá hủy miếu thờ tà thần. Trở về nghỉ tại quán trọ, một đêm Sư thấy quỷ binh rất đông. Một gã mặc giáp, ôm đao, ngồi dựa trên chiếc giường theo kiểu Hồ, quát ngài Đạo Dung: “Ngươi cho là quỷ thần chẳng linh hả? Hãy mau lôi nó xuống đất!”

Bọn quỷ sắp nắm lấy tay, ngài Đạo Dung liền thầm niệm: Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát. Âm thanh chưa dứt liền thấy một vị thiên tướng cao hơn một trượng dùng kim cang xử gạt ra, bọn quỷ hoảng sợ chạy tứ tán.

Hồ ly quấy nhiễu

Theo Dị Đàm Khả Tín Lục, trong niên hiệu Khang Hy đời Thanh. Em gái của Trịnh Quốc Tướng huyện Tiền Đường bị hồ ly quấy nhiễu. Chúng hành hạ cô đến nỗi choáng váng, chết ngất. Khi ấy, Quốc Tướng tụng Tâm Kinh, cô ta mới tỉnh. Quốc Tướng liền cầu đảo Quán Thế Âm Bồ Tát, nguyện thí hai ngàn quyển kinh để trừ yêu quái cứu em gái.

Bọn Hồ ly không kinh sợ, còn kéo thêm một lũ quỷ lến quậy phá điên cuồng. Đang trong lúc nguy cấp thì thấy Bồ Tát hiện thân trên không trung, hô: “Nghiệt súc! Sao lại đến nơi này?”

Lũ hồ thưa: “Do đói khát nên tới kiếm ăn”.

Bồ Tát đưa tay chỉ, lũ yêu quái bay vọt lên không rồi chẳng thấy nữa. Mọi người nghe mùi hương lạ ngập nhà. Về sau, người em gái mộng thấy có người dùng thương chống vào một cái đầu đầy lông lá, nói: “Phủ của Hồ Tam Giao chân nhân đã bị tru lục rồi!”

Cứu nạn Tà thần

Theo Ký Văn, vào đời Đường. Hàn Quang Tộ được bổ làm quan ở ngoài kinh đô, dẫn gia đình tới nhiệm sở. Trên đường đi ngang qua Hoa Sơn thấy có ngôi miếu nên cả nhà cùng vào lễ bái. Đột nhiên người thiếp yêu quý của ông ta lăn ra chết. Thấy thân thể còn ấm nên mọi người quyết định chưa đem chôn.

Ông Tộ đau buồn, chẳng biết làm sao, bèn vời đồng cốt đến hỏi. Bà đồng nói: “Tam lang muốn cưới người thiếp của ông nên bắt giữ hồn. Nay tuy tôi đã cầu được Tam lang tha cho sống lại. Nhưng khi ông đến nơi nhận chức, rốt cuộc Tam lang cũng sẽ đoạt lấy mà thôi”.

*

Quang Tộ đến nhiệm sở làm việc. Một hôm nhân vãn cảnh Chùa, liền kể lại chuyện cho một vị Tăng nghe. Tăng khuyên ông đúc tượng Quán Âm để cầu Ngài gia bị. Ông nghe lời về gấp đúc một tượng Quán Âm Bồ Tát bằng vàng, cầu thoát nạn.

Năm ngày sau. Tượng đúc gần xong thì người thiếp lại chết đột ngột. Nửa ngày sau bà mới tỉnh lại liền kể: “Hoa Sơn phủ quân đã chuẩn bị xe ngựa đến đón. Phủ quân và đoàn tùy tùng đông vô số, kèn trống kiệu hoa ngập trời. Khi họ bắt thiếp lên kiệu, vừa ra khỏi cửa thì thấy một vị tăng sắc vàng ròng chặn đằng trước. Có Thiên tướng ở trên cao, Long thần hộ pháp bốn bề theo hầu cận. Phủ quân và đám kỵ binh nhìn thấy sợ hãi, bỏ chạy tán loạn”. Từ đấy gia đình an ổn, không thấy bị quấy nhiễu. Ông Tộ do vậy càng thêm tín tâm bèn thờ Phật tại nhà. Tháng ngày hương hoa cúng dường trang nghiêm thanh tịnh.

Diệt yêu quái

Theo Đàm Tẩu, đời Tống. Lại Tỉnh Can dùng yêu thuật giết người để tế quỷ. Hắn mua những cô gái trẻ bị bắt cóc từ vùng Chiết Giang để cúng quỷ. Mẹ của một cô trong số những cô gái ấy thờ phụng Quán Thế Âm Bồ Tát. Cô thường theo mẹ tụng nên thuộc lòng Bát Nhã Tâm Kinh. Khi tới đàn tế, cô được tắm gội, trang điểm. Rồi bị xiềng xích trong căn nhà trống.

Cô gái nghĩ số phận ắt phải chết bèn nhất tâm tụng kinh. Nửa đêm đó. Từ cửa sổ trên trần có một vật to lớn bò xuống, hai mắt sáng lòe như ánh chớp. Cô cả kinh vội gấp tụng chú Yết Đế. Trong lúc nguy cấp thấy từ trong miệng mình ánh hào quang phát ra sáng chói. Vật ấy năm lần bảy lượt tiến lên rồi lùi lại. Ánh sáng từ miệng cô lớn dần, chiếu thẳng vào vật ấy vang ra tiếng leng keng, nó ngã nhào xuống đất.

Vừa lúc đó có người tuần đêm đi qua, cô bèn kêu to: “Sát nhân”. Tuần cảnh nghe thấy liền phá vách cho cô ra. Cả hai dùng đèn soi thì thấy xác một con bạch mãng xà to kềnh, đã chết cứng. Sáng hôm sau quan quân cho bắt họ Lại và người nhà trừng trị theo đúng luật.

Quán Thế Âm trừ quỷ

Theo Dạ Đàm Tùy Lục, nhà ông X… ở vùng Giang Hạ lập đàn cúng. Có bé gái hàng xóm đi qua đó xem. Cô bé đang đứng thì thấy một con quỷ to lớn ào tới, bắt cô đem nhốt trong buồng. Lạ là bé gào khóc rất to nhưng không ai nghe tiếng.

Lễ lạt xong, quỷ thụ hưởng hết đồ cúng liền bồng bé gái đi theo. Vừa ra khỏi cửa chợt thấy ánh hào quang chói lòa, quỷ hoảng sợ bỏ chạy. Trong khoảnh khắc, từ vùng hào quang hiện ra một người thân tướng trang nghiêm, đeo chuỗi anh lạc. Xung quanh thiên tướng, long thần theo hộ vệ đông như mây. Người đeo chuỗi anh lạc ủi bé rồi bảo: “Ta là Nam Hải Quán Thế Âm Bồ Tát, ngươi có thể đi theo!” Chớp mắt cả đoàn đến một nơi lâu các thanh u, tĩnh mịch, khác xa cảnh phàm! Bồ Tát ngó kẻ hầu dặn dò.

Không lâu sau, người hầu xách con quỷ to lớn đến. Bồ Tát quở trách rồi sai thần kim giáp trói lại vứt đi. Lại có một người đội mão vàng đến khấu đầu bái yết Bồ Tát và thưa: “Mẹ cô bé này ăn chay trường thờ Phật”. Bồ Tát bảo: “Mẹ của con thiện hạnh thật đáng khen” rồi bảo bé theo người mão vàng quay về. Cô nhắm mắt bay trên không, trong khoảnh khắc thấy mẹ ngồi bên giường, đang ôm một người giống hệt như mình. Ngay đó mở mắt như tỉnh mộng. Ấy là từ khi ngất đi cho đến lúc này đã hơn một tháng. Từ đó về sau bé phát tâm ăn chay trường, hàng ngày trì niệm thánh hiệu không chán mỏi.

Trị chứng quỷ ám

Theo Dị Đàm Khả Tín Lục, vào đời Thanh. Trần Quý ở Giang Hạ, vừa có chí nguyện vừa hiếu thảo. Trong thời Càn Long, ông qua nhà của người họ hàng bên ngoại là X chơi. Một đêm ông mộng thấy một khối tròn đen xì giống như hình người. Vật ấy duỗi bàn tay to đùng kéo ông ra ngoài, đánh không ngừng.

Ông hôn mê một lúc lâu mới tỉnh lại. Từ đó trở nên điên cuồng, câm bặt, không nói được suốt năm sáu năm. Về sau ông mộng thấy một bà cụ đầu đội lúp trắng, xách giỏ, bảo hãy nuốt viên thuốc hồng đựng trong giỏ. Ông Quý thấy có thuốc quý nên muốn giữ lại để dâng cho mẹ. Bà cụ thấy vậy không chịu, lấy gậy quật vào lưng ông ép nuốt. Ông Quý bị đánh nên giật mình, tỉnh giấc thì khỏi bệnh.

Ngày hôm sau, khi ông đi ngang ngôi chùa nhỏ thì thấy ở cạnh miếu có người xách giỏ. Hình dáng, ăn mặc giống hệt nhu bà lão trong mộng. Ông đuổi theo để cảm tạ nhưng không nói được, bà cụ cũng chợt mất dạng.

Đến buổi chiều khi hầu mẹ ăn cơm, đột nhiên ông nói ra tiếng, cả nhà kinh ngạc hỏi han. Ông liền kể lại những gì được thấy trong mộng. Một thầy giáo nhà bên bảo: Đấy chính là Tầm Thanh Cứu Khổ Quán Thế Âm Bồ Tát được lưu truyền trong cõi đời. Do vậy từ đó ông bỏ mặn ăn chay, thờ Bồ Tát trong nhà.

Tổ tiên âm đức nên Bồ Tát cứu

Theo Tĩnh Hàm Bút Ký, trong niên hiệu Gia Khánh, kỳ nhân là Văn Hải cùng với anh lập đàn, tập luyện binh thư Vũ Bị Lục. Trong nhà họ đã thờ Quán Thế Âm Bồ Tát từ trước, Bồ Tát bèn giáng đàn khuyên: “Đây không phải là chánh đạo, tập theo sẽ bất lợi. Cha các ngươi làm lành rất nhiều, và do bà cố ăn chay, tin tưởng làm lành, nên được quả báo con cháu là hạng trâm anh hiển hách nhiều đời. Anh em các ngươi tập luyện thứ này sẽ có tai họa bất trắc, cho nên ta đến cứu”.

Quán Thế Âm Bồ Tát cho biết: “Trong ngày Hai Mươi Mốt tháng Sáu năm nay, Hải sẽ bị sét đánh”, rồi sai người anh hãy đưa tay viết, vẽ lên ngực ông Hải. Trong chớp mắt, thấy con vượn trắng đang vờn quanh thân mình đã bị thần bắt ném đi. Văn Hải viết: “Đến ngày Hai Mươi Mốt tháng Sáu năm ấy, sấm sét nổ dữ dội quanh nhà, nghĩ đến mà run rẩy.

Nay được nghe lời truyền bảo tại vùng Giang Hữu đang khắc sách Hải Nam Hợp Biên, chẳng dám tự giấu diếm, mà cũng chẳng dám có một chữ dối đời. Chép vào cuối sách để trên là báo ơn Đại Sĩ cứu vớt”. Xét ra Văn Hải làm quan đến chức Án Sát, thọ bảy mươi hai tuổi; đủ thấy người có thể sửa lỗi hướng lành sẽ tự hưởng phước, thoát khỏi tai họa.

Cứu nạn lửa ở Nhật Bản

Năm Dân Quốc 11 (1922), Nhật Bản động đất. Đại biểu của Phật Giáo Phổ Tế Nhật Tai Hội (hội Phật giáo cứu tế tai nạn tại Nhật Bản) là các ông Bao Thừa Chí, Dương Thúc Cát v.v… sang Nhật cứu trợ. Trong thư gửi cho Tổ Ấn Quang ghi lại: “Số người chết ở Nhật Bản lần này ước chừng hơn ba mươi vạn, hài cốt chất như núi. Khu Asakusa ở Đông Kinh gần như bị hủy diệt hoàn toàn. Ao hồ, công viên bị thiêu cạn.

Trong công viên có Quán Âm Đường, gồm ba gian xây theo lối cũ. Nạn dân bị lửa bao vây, ùa nhau chạy vào đó ước chừng hơn ba vạn người. Trong chánh điện và các gian nhà phụ đều đầy ắp người. Mọi người cùng niệm Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát. Lửa cháy thiêu rụi bốn bề nhưng khi đến gần chùa thì dừng lại. Tất cả mọi người đều được thoát nạn. Lửa tắt mọi người nhìn thì thấy chỉ có ngôi điện đường ấy là còn nguyên. Do vậy, người Nhật ca ngợi không ngớt lời”.

Cứu người hiền thiện

Theo Giác Thế Kinh Thuyết Chứng, trong niên hiệu Thiên Khải đời Minh, thành Hàng Châu bị hỏa hoạn lớn. Có nhà buôn vùng Giang Hữu ở trên lầu cao chót vót. Lửa vây bốn bề nên ông ta tự biết là không sao thoát được. Người cứu lửa tập trung xung quanh rất đông nhưng vô phương giải cứu. Trong lúc nguy khốn ấy, người ta thấy Quán Thế Âm Bồ Tát cùng Thiên Long Bát Bộ hiện thân rưới nước dập lửa. Lửa tắt, mọi người hỏi ông ta có đức hạnh gì mà chiêu cảm được phước như thế? Thương nhân chối là chẳng làm điều lành nào.

Về sau, chú ông ta kể: “Khi cha nó mất, để lại năm trăm lạng vàng. Thằng cháu ấy là con vợ cả, đã trưởng thành, còn bốn em trai nó là con vợ kế hãy còn thơ ấu. Thằng cháu ấy buôn bán hai mươi năm, dành dụm được năm ngàn lượng vàng. Tới khi các em nó đã lập gia đình, bèn chia tài sản thành năm phần, chia đều cho các em, cả họ đều khen ngợi”. Do âm đức lớn như thế nên cảm được Bồ Tát ứng cứu.

Cứu khổ cứu nạn

Theo Dị Đàm Khả Tín Lục, đời Minh, Trầm Văn Tung khi làm quan ở Triêm Hóa, Sơn Tả, có bạn đồng liêu là X. Ông này còn mẹ già, không con, lại sắp phải vâng chiếu sang Tây Tạng. Cám cảnh tình thế của bạn, ông Trầm khẳng khái đi thay. Vượt qua bao nhiêu khó khăn hiểm trở, ông Trung cùng mấy người tùy tùng mãi đến ba năm sau mới quay về. Người nghe chuyện đều khen ông là người đầy nghĩa khí.

Trong số những người theo hầu, trung thành nhất là Hạ Tường. Trên đường về, một hôm đi qua chỗ vách núi cheo leo, sương mù mờ mịt. Đường mòn lối nhỏ, phía dưới lại có vực sâu vạn phần nguy hiểm. Thầy trò tôi tớ chẳng may bị trượt khỏi cầu, hai tên hầu ngã xuống vực, còn ông cả người lẫn ngựa cũng rơi theo.

*

Lúc đó ông nghĩ mạng mình coi như hết, nên nhắm mắt buông xuôi. Trong giây lát cận kề cái chết, ông chợt nghe thấy mùi thơm sực mũi, liền mở mắt thì thấy Mẹ Quán Âm ở giữa mây mù. Chỉ thấy Ngài cầm hoa sen xanh hướng về phía ông vẫy một cái. Ông chưa kịp định hình thì thấy mình và ngựa đã vượt qua vực, đến chỗ đất bằng.

Ông thương xót hai người hầu đã chết. Thương khóc một hồi rồi người ngựa cùng lủi thủi ra đi. Khi ánh sáng chiều tà tắt hẳn, chợt thoáng nghe có tiếng có tiếng người từ phía sau vọng lại. Ông liền giục ngựa quay đầu, đi được một đoạn thì thấy một mình Hạ Tường chạy đến. Hỏi Tường làm sao mà thoát khỏi? Tường thưa: Con rơi xuống gần đáy vực thì thấy có người lông xanh cao hơn một trượng, từ dưới đáy vực bay lên đỡ lấy đưa lên bờ. Chủ tớ mừng mừng tủi tủi ôm nhau khóc mà đi. Cao Văn Lương Công về nhà liền tạc tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, đề ngày tháng để ghi nhớ.

Hóa giải hận thù

Đời Tống, Trương công tử ở Lâm An thấy trong ngôi chùa đổ nát có tượng Quán Thế Âm Bồ Tát đã mất chân tay bèn thỉnh về trang nghiêm, cúng dường. Về sau chiến tranh loạn lạc, thấy quân binh tràn vào làng nên nhảy xuống giếng trốn. Đang run sợ trong giếng ông chợt thấy Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân bảo: “Ngươi nay sắp chết, ta không cách nào cứu được. Bởi lẽ trong đời trước, ngươi từng giết một người, tên hắn hiện thời là Đinh Tiểu Đại. Lát nữa hắn sẽ giết ngươi để báo oán”. Nói xong liền biến mất.

Một lát sau, nghe xôn xao trên bờ rồi có người thọc mâu xuống giếng quát hỏi: Mau trèo lên không ta đâm chết.

Ông Trương nghe vậy hô lên: “Ông là Đinh Tiểu Đại phải không?”

Kẻ kia kinh hãi hỏi: “Sao ngươi biết?”

Ông Trương trả lời: “ Quán Thế Âm Bồ Tát bảo tôi”.

Người lính ngạc nhiên tột độ bèn lôi ông lên tra hỏi. Ông Trương kể lại lời Bồ Tát dặn, lại nói rõ nhân duyên tiền kiếp. Cuối cùng người lính tha mạng cho ông, lại ngăn không cho người khác giết hại rồi mới bỏ đi.

*

Đầu  đời  Thanh, Trình  Bá  Lân  buôn  bán  ở Dương Châu, thờ Quán Thế Âm Bồ Tát rất kiền thành. Năm Ất Dậu (1645), quân binh nhà Thanh phá thành Dương Châu, ông Trình cầu khẩn Bồ Tát cứu giúp.

Một đêm ông mộng thấy Bồ Tát bảo: “Mười bảy mạng trong nhà ông, mười sáu người đều được thoát tai kiếp, còn ông không trốn được. Đời trước ông giết Vương Ma Tử bằng hai mươi sáu nhát đao, nay phải đền món nợ ấy. Hãy nên bảo người nhà ở chái Đông, riêng mình ông ở giữa nhà đợi hắn, đừng làm liên lụy đến ai”. Ông Trình tin theo.

Đến khi giặc phá được thành, binh lính đập cửa đòi vào. Ông Trình mở cửa ra đón rồi hỏi ngày: “Ông có phải là Vương Ma Tử hay chăng?”

Tên lính kinh hãi hỏi: “Vì sao ngươi lại biết tên họ của ta?

Ông Trình kể lại cho hắn nghe về giấc mộng, lại bảo: Kiếp trước nợ mạng ông, nay xin một lòng đền trả.

Tên lính than: “Đời trước ngươi giết ta, đời này chịu báo. Ta nay giết ngươi, há đời sau chẳng lại bị báo thù hay sao?”

Sau đó tên lính dùng sống đao đập ông Trình hai mươi sáu lần để xóa nợ. Cả nhà ông toàn mạng đều nhờ Bồ Tát ngầm gia hộ mà được. Về sau ông Trình dẫn quyến thuộc sang Kim Lăng, sống yên ổn nhiều đời.

Lời bàn:

Tuệ Tâm tôi mỗi lần đọc lại hai chuyện này đều cảm thán khôn nguôi. Bồ Tát từ bi, quyền năng bao trùm pháp giới. Nếu chỉ để cứu người, Ngài dùng quyền năng khảy móng tay là xong. Nhưng không, can thiệp vào định nghiệp của người khác không phải là cách bậc Bồ Tát độ sanh.

Tại sao thế? Bởi oán kết đã gieo nhân, không đời này thì đời khác phải trả quả, không cách chi trốn tránh được. Chỉ có tự mình giải nghiệp cho mình mới là an ổn nhất mà thôi. Vậy nên ở hai chuyện trên, Bồ Tát đều chỉ cho họ nhân duyên tiền kiếp, việc hóa giải thế nào họ đều phải tự thân làm lấy. Có vậy mới gỡ bỏ được trọn vẹn oán thù!

Cứu người oan sai

Theo Sư Tán Hiên Tùng Đàm, một người buôn gạo ở vùng Thượng Ngu mộng thấy Quán Thế Âm Bồ Tát dặn: “Gặp cầu chớ dừng thuyền, gặp dầu bôi lên đầu, đấu thóc ba thưng gạo, nhặng xanh nâng đầu bút”. Về sau khi ông ta trở về nhà thì gặp cơn mưa lớn. Thấy cây cầu to tính ghé lại trú mưa nhưng chợt nhớ lại giấc mơ nên cho thuyền đi thẳng. Thuyền vừa qua cầu thì cầu liền sập xuống.

Buổi tối khi về đến nhà, anh ta lên bàn thờ Phật lạy tạ Bồ Tát. Ngay đó đột nhiên chiếc đèn thờ trước tượng rơi xuống, dầu chảy lênh láng khắp đất. Nhớ lời Bồ Tát dặn, anh liền bôi dầu lên đầu rồi lên giường đi ngủ.

*

Sáng hôm sau tỉnh dậy, thấy vợ bị giết chết trên giường. Ấy là vì người vợ tằng tịu với gã hàng xóm, hắn nghe chàng buôn gạo trở về liền đến giết. Trong đêm tối, hắn vén màn, ngửi thấy đầu anh lái buôn có mùi dầu ngỡ là bà vợ liền chuyển sang giết anh lái buôn, nào ngờ giết nhầm bà vợ.

Bố vợ ngờ anh ta giết vợ bèn đi thưa quan. Anh lái buôn bị ép nhận tội. Lúc ghi biên bản cung khai, chợt có nhặng xanh bu đầy đầu bút, đuổi đi chúng lại bu tiếp. Quan quân không tài nào ghi chép được nên ngờ có chuyện gì lạ lùng. Khi Quan xét án vẫn đang phân suy nghĩ, chợt anh lái buôn thất thanh kêu: “Quán Thế Âm Bồ Tát!”.

Quan liền tra hỏi, anh ta bèn thuật lại những chuyện nằm mộng, cầu gãy, bôi dầu. Người cố vấn của quan bèn đoán: “Ba thưng gạo tức là bảy thưng cám( Bảy thưng cám tiếng tàu đọc trại là Thất Khang), há chẳng phải kẻ sát nhân là Khang Thất hay sao?” Gã hàng xóm của anh lái buôn chính là Khang Thất. Quan quan cho bắt Khang Thất đến, vừa tra khảo hắn liền nhận tội ngay! Anh lái buôn vô tội liền được thả.

Quán Thế Âm Bồ Tát Linh Ứng

Theo Hàng Trung Phàm, vào thời Gia Tĩnh nhà Minh. Hoàng Ngạn Sĩ và vợ là Nhan Thị chạy nạn “giặc lùn” là hải tặc Nhật Bản mà lạc mất nhau.

Bà Nhan xin vào ở trong một ni am. Ông Ngạn thoát nạn rồi quay lại tìm vợ suốt ba năm không thấy tăm hơi. Một hôm ngẫu nhiên trên đường đi công chuyện, ông dừng chân nghỉ nơi đường vắng. Đang thơ thẩn thì thấy trong kẽ cây dương chết khô như có vật gì đó. Ông lại gần moi ra thì tìm được vàng và một cuốn sổ màu xanh. Chẳng biết của ai nhưng ông nhặt được thì chợt nhớ đến lời trong một cuốn sánh thiện: “Chớ bảo nhặt được vàng đánh rơi thì lấy dùng, phải nghĩ là do Tam Bảo mà có”.

*

Do vậy, ông không dám đi đâu mà ôm vàng ngồi đợi ở đó. Hai ngày sau thấy có vị lão ni vừa đi vừa khóc, ông hỏi nguyên do thì lão Ni trả lời: “ Tôi phát nguyện tạc tượng Quán Thế Âm Bồ Tát. Năm năm nay quyên mộ khắp tứ phương được ba chục lạng vàng. Vừa rồi do tránh giặc giã nên giấu trong bộng cây, nay đã mất sạch hết rồi! Nhân quả này không biết trả làm sao cho thấu!”.

Ông Hoàng thấy đúng là chủ nhân khối vàng nên vội trả lại. Ni sư cảm tạ rồi một hai mời ông đến am tranh, bảo: “Tôi sẽ đối trước Kinh Quán Âm bày tỏ đức đẹp của ngài”.

Ông Hoàng theo về am, gõ cửa thì thấy có người thưa rồi ra mở cửa. Ông dụi mắt nhìn kỹ thì tấy chính là Nhan Thị, vợ chồng ôm nhau khóc mừng.  Về sau có lái buôn muối là X nghe chuyện, ông ta cảm động nên mời ông Hoàng về làm quản lý trong tiệm. Mấy năm sau theo lệ, ông Hoàng được tuyển giữ chức Huyện Thừa, rồi chuyển làm Phủ Phán. Vợ chồng sanh được hai con cùng thượng thọ.

( Theo Quán Thế Âm Bổn tích Cảm ứng tụng)

Tuệ Tâm 2019.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Vì sao câu khởi đầu Kinh luôn là: “Tôi nghe như vầy, một thời đức Phật…”

66 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog