Hào quang nhiếp hộ người niệm Phật và Chánh niệm lúc lâm chung
Pháp Giới 11 tháng trước

Hào quang nhiếp hộ người niệm Phật và Chánh niệm lúc lâm chung

Hào quang nhiếp hộ người niệm Phật. Kinh dạy: “Phật A Di Đà thường phóng quang nhiếp thọ tất cả chúng sanh niệm Phật ở mười phương không bỏ sót”. Khi ta niệm Phật, liền được nguyện lực quang minh và hào quang của Ngài âm thầm nhiếp thọ. Lâu ngày nghiệp tiêu trí rạng, chân tâm hiển bày. Ánh sáng của tự tâm cảm ứng với quang minh của Phật, nên hiện tiền có thể thấy cảnh Tây Phương. Hoặc Thần Thức dạo chơi miền Tịnh Độ.

  • Niệm Phật như thế nào để chắc chắn vãng sanh.
  • Cách niệm Phật tại nhà.
  • Niệm Phật được cảm ứng.
  • 10 chuyện Tâm linh có thật.
  • 10 chuyện nhân quả báo ứng có thật.
  • Gương vãng sanh Cực Lạc
  • Niệm Phật Tông Yếu – Pháp Nhiên Thượng Nhân.

 

Hào quang nhiếp hộ người niệm Phật và Chánh niệm lúc lâm chung
Hào quang nhiếp hộ người niệm Phật

Hào quang nhiếp hộ người niệm Phật

Kinh Quán Vô Lượng Thọ, đức Như Lai dạy:” Vô Lượng Thọ Như Lai có tám muôn bốn ngàn tướng. Mỗi tướng có tám muôn bốn ngàn vẻ đẹp tùy hình, Mỗi vẻ đẹp lại có tám muôn bốn ngàn tia sáng. Những tia sáng ấy, soi khắp các cõi mười phương, thâu nhiếp tất cả chúng sanh niệm Phật”. Đoạn Kinh văn này chư Tổ sư cho là “Vô cùng quan trọng cho người tinh tấn tu”, bởi trong ánh sáng nhiếp hộ này, các ma sự không cách chi quấy nhiễu được.

Người tu nếu không tinh tấn dụng công thì thôi, nếu tinh tấn dụng công nhất định phát sanh cảnh giới. Cảnh giới phát sinh có Nội Cảnh Giới và Ngoại Cảnh Giới. Tu càng sâu cảnh giới phát sinh càng phức tạp, có thô, có tế và thậm chí là vi tế… Vậy nên, nếu đã tinh tấn tu tập, mong bạn hãy nhớ kỹ đoạn Kinh văn trên để hoàn toàn yên tâm mà niệm Phật. Tổ Ấn Quang dạy:” Trong ánh sáng nhiếp hộ của đức Phật A Di Đà, không có các nạn ma”.

 Hào quang đức Phật A Di Đà chỉ thâu nhiếp người niệm Phật.

Pháp sư Huệ Tịnh dạy: “Ý nghĩa một câu danh hiệu Nam mô A-di-đà Phật là biểu hiện viên mãn vô lượng hào quang. Trong kinh A-di-đà, đức Thích Tôn giải thích ý nghĩa danh hiệu A-di-đà là: “Đức Phật ấy có hào quang (ánh sáng) vô lượng, chiếu suốt hết thảy các thế giới trong mười phương không bị chướng ngại; vì thế có tên là A-di-đà”.

Hào quang của đức Phật A-di-đà có mấy loại công năng? Hào quang này, tự nhiên có thể chiếu soi hộ trì thâu nhiếp những người niệm Phật.

Ở đoạn Quán chơn thân trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ, đức Thích Tôn giải thích công năng của hào quang đức Phật A-di-đà: “Hào quang chiếu khắp tất cả các thế giới trong mười phương; luôn thâu nhiếp không rời những hành giả niệm Phật”.

Trong Vãng Sanh Lễ Tán, Đại sư Thiện Đạo đã tổng hợp hai câu văn trên rồi xiển dương rằng: “Đức Phật ấy có hào quang vô lượng; chiếu suốt hết thảy các thế giới trong mười phương không bị chướng ngại; thường trực quan sát để luôn thâu nhiếp không rời những hành giả niệm Phật; vì thế có tên là A-di-đà”.

Lại nữa, trong Quán Niệm Pháp Môn ghi: “Chỉ có những hành giả chuyên niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà, thì hào quang của đức Phật ấy mới luôn chiếu soi, hộ trì, thâu nhiếp hành giả ấy không rời; trái lại, những hành giả tu tập các pháp môn khác, thì không chiếu soi thâu nhiếp”.

*

Ý nghĩa Chiếu khắp (Biến chiếu) ấy, trong Quán Kinh Sớ đã quy kết trong câu: “Hào quang đức Phật chiếu khắp, nhưng chỉ thâu nhiếp những hành giả niệm Phật”. Hào quang đức Phật chiếu khắp, nhưng tại sao chỉ thâu nhiếp những hành giả niệm Phật, mà không thâu nhiếp những hành giả tu tập các pháp môn khác?

– Đại sư Thiện Đạo dùng Ba duyên để giải thích vấn đề này. Trong đó, duyên thứ nhất là Thân duyên nói rằng: “Hành giả nào khi tu tập: Miệng thường xưng niệm danh hiệu đức Phật (A-di-đà), thì Ngài nghe rõ tiếng người ấy đang niệm; thân thường lễ bái đức Phật, thì Ngài thấy rõ người ấy đang lễ bái; tâm thường niệm Phật, thì Ngài biết rõ tâm người ấy đang niệm Phật; hành giả thường nhớ nghĩ đến đức Phật, thì Ngài cũng nhớ nghĩ đến hành giả. Ba nghiệp (Thân- Khẩu-Ý) của hành giả và đức Phật không tách rời nhau, nên được gọi là Thân duyên”.

Chúng ta nên biết: Người nào thuần nhất tinh chuyên xưng niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà, thì hẳn nhiên, tâm người ấy với tâm đức Phật A-di-đà hòa quyện lẫn nhau; Căn cơ và Chánh pháp nhất thể không tách rời nhau; điều này được gọi là Thân vậy. Và, vấn đề vãng sanh Cực lạc hiện tại đã quyết định, chứ không phải chờ đến khi lâm chung. Đạo lý này không kể là hiểu hay không hiểu, tin hay không tin, sự thật Chánh pháp vốn như thế.

*

Lại nữa, tại sao hào quang đức Phật A-di-đà chiếu khắp, nhưng chỉ thâu nhiếp những hành giả niệm Phật, mà không thâu nhiếp những hành giả tu tập các pháp môn khác?

– Bởi lẽ, tu các pháp môn khác không phải là Bổn nguyện của đức Phật. Cho nên hào quang không chiếu soi thâu nhiếp những hành giả đó; trái lại, tu pháp Niệm Phật là Bổn nguyện của đức Phật, nên những hành giả này được hào quang chiếu soi thâu nhiếp. Niệm Phật cũng tức là lời yêu cầu và mệnh lệnh của Bổn nguyện đức Phật A-di-đà. Chính đây là sự mời gọi, dìu dắt để cứu độ của đức Phật; thế nên mới nói Cho đến mười niệm.

Hơn nữa, do vì bản thân của danh hiệu A-di-đà chính là hào quang của Ngài, thế nên mới nói Danh hiệu Hào Quang; đồng thời, cũng là sanh mạng của đức Phật A-di-đà; thế nên mới nói Danh xưng chính là Bản thể. Bởi ý nghĩa này, trong Vãng Sanh Lễ Tán, Đại sư Thiện Đạo làm bài kệ tán thán rằng:

Sắc thân Di-đà tợ vàng ròng,

Hào quang sáng đẹp chiếu mười phương,

Riêng người niệm Phật được soi chiếu,

Nên biết Bổn nguyện rất hùng cường.

Thêm nữa, trong Bát Chu Tán cũng nói:

Tướng hảo nhiều đến Tám vạn tư,

Mỗi mỗi hào quang chiếu mười phương,

Hào quang không chiếu tu duyên khác,

Chỉ chiếu niệm Phật cầu vãng sanh.

*

Nếu luận về hào quang, thì hết thảy chư Phật đều có; nhưng hào quang của đức Phật A-di-đà là tôn quý  bậc nhất, hào quang chư Phật không thể so sánh. Bởi hào quang của đức Phật A-di-đà tôn quý bậc nhất. Cho nên đức Thích Tôn đã nói về công đức mười hai loại hào quang của Ngài và tán thán rằng:

Oai thần hào quang,

Tôn quý bậc nhất,

Hào quang chư Phật,

Không thể sánh bằng.

Thêm nữa, đức Thích Tôn muốn xiển dương rốt ráo công đức và oai thần hào quang của đức Phật A-di-đà có một không hai, tối cao vô thượng, như trong Kinh Đại A-di-đà đã hết lời tôn kính và tán thán: “A-di-đà vua chư Phật, Hào quang tôn quý nhất trong hào quang”.

Đức Phật A-di-đà là Vua của chư Phật, có Hào quang siêu việt nhất trong các hào quang; Hào quang tôn quý nhất trong các hào quang. Không chỉ đức Thích Tôn hết lời tôn kính tán thán mà chư Phật trong mười phương, khác miệng cùng lời đều tán thán đức Phật.

Kinh Vô Lượng Thọ ghi:

Chư Phật trong mười phương,

Nhiều như cát sông Hằng,

Hết thảy đều tán thán,

Đức Phật Vô Lượng Thọ,

Có công đức oai thần,

Không có thể nghĩ bàn.

Cần hiểu đúng về Chánh niệm lúc Lâm chung

Kinh A Di Đà, Như Lai dạy: ” …Nhất tâm không tán loạn. Người ấy khi lâm chung liền thấy đức Phật A Di Đà cùng các vị Thánh chúng hiện ra trước mắt. Khi mạng chung tâm không điên đảo, liền được vãng sanh về cõi Cực Lạc”. Đoạn kinh văn này cổ kim có rất nhiều cách lý giải.

Đa phần đều cho rằng “khi lâm chung có CHÁNH NIỆM thì đức Phật mới đến nghinh đón”. Nhưng Pháp Nhiên Thượng Nhân thì không, ngài dạy rất đơn giản: “Do đức Phật đến nghinh đón nên người lâm chung mới được chánh niệm. Vì thế Kinh Xưng Tán Tịnh Độ mới dạy: “Từ bi gia hộ, khiến tâm bất loạn”.”.

Vào tiền kiếp lâu xa, đức Phật A-di-đà vốn là Bồ-tát Pháp Tạng. Ngài vì chúng ta và hết thảy chúng sanh đang bị khổ đau trong mười phương mà phát thệ nguyện rộng sâu, kiến lập Tịnh Độ Cực lạc; đồng thời, giúp những hạng người luôn làm các việc ác độc khắp cả mười phương dễ dàng được vãng sanh về Tịnh Độ ấy, thệ nguyện rằng: “Nếu Con được thành Phật, chúng sanh trong mười phương xưng niệm danh hiệu của Con, tối thiểu chỉ mười câu, nếu không được vãng sanh thì Con không giữ ngôi Chánh giác”.

*

Như vậy, chính Ngài sử dụng lời thệ nguyện rộng sâu siêu thế ấy; vì chúng ta mà khai mở đạo lý, giúp chúng ta chắc chắn được vãng sanh; đồng thời, Ngài phải trải qua rất nhiều đời kiếp gian khổ tu tập, nguyện lực mới viên mãn và hình thành danh hiệu Nam mô A-di-đà Phật; nghĩa là, nguyện lực vô cùng tận ấy được tóm thâu trong danh hiệu Sáu chữ; và danh hiệu này chính là đức Phật giáo chủ cõi Cực lạc tại phương Tây; cách thế giới chúng ta đang sinh sống mười vạn ức cõi Phật.

Ngài phóng hào quang vô ngại (vô ngại quang) soi chiếu và nhiếp thọ chúng ta và chúng sanh khắp các thế giới trong mười phương. Chúng ta nên hiểu rằng: Sáu chữ Nam mô A-di-đà Phật này, chính là đạo lộ duy nhất cho chúng ta và cho chúng sanh ở thế giới Ta-bà vãng sanh về Cực lạc; nghĩa là, đây là đạo lý chắc chắn được vãng sanh, chỉ có đạo lý này là chân thật, ngoài ra không có đạo lý thứ hai hay đạo lý thứ ba nào khác.

Hòa thượng Thiện Đạo gọi sự kiện này là Con đường sáng của nguyện lực. ( Nguyện lực chi bạch đạo).

Nếu hỏi: Làm sao thực hiện con đường sáng ấy?

– Đáp: Chỉ cần xưng niệm danh hiệu đức Phật (A-di-đà) là được hào quang của Ngài nhiếp thọ, không còn bị thối chuyển; tức được nguyện lực Bổn nguyện của Ngài “Dẫn dắt một cách tự nhiên”; và “Hẳn nhiên vượt lên trên mọi duyên sự để vãng sanh về thế giới Cực lạc”.

*

Hòa thượng Thiện Đạo giải thích rằng: “Hiện nay đức Phật ấy đã thành Phật tại thế giới đó rất lâu rồi; cho nên biết rằng, Bổn thệ nguyện rộng sâu của Ngài không thể hư dối; chúng sanh nào xưng niệm hẳn nhiên được vãng sanh.” Qua đấy, chúng ta có thể nhận ra rằng: Đạo lý để hết thảy chúng sanh chắc chắn được vãng sanh do đây mà được thành lập; do đây mà khởi tín tâm; do đây mà xưng niệm danh hiệu; để rồi được vãng sanh Cực lạc; để rồi khẳng định thực hiện con đường sáng của nguyện lực ấy đã hiện hữu; và chẳng cần tốn công gảy móng tay đã đến phương Tây, há chẳng phải dễ dàng lắm sao!

Dù vậy, xưa nay chúng sanh sống trong mê vọng. Đối với pháp cứu độ không thể nghĩ bàn của nguyện lực đức Phật A-di-đà rất khó Chánh tín, nghi ngờ đủ kiểu: Họ nghĩ rằng, những kẻ ngu si làm nhiều tội ác, chỉ đơn thuần niệm danh hiệu Phật A-di-đà; không tu tập Giới-Định-Tuệ; không làm các việc thiện để có công đức hồi hướng; không có công phu chế ngự phiền não… thì chắc chắn khi lâm chung vọng niệm ập đến tràn đầy không thể Chánh niệm; phiền não trùng trùng điệp điệp như thế làm sao được vãng sanh?

Do tư duy như thế, họ quay lưng với pháp chuyên tu Niệm Phật của con đường sáng vô ngại, mà tranh nhau thực hiện Tạp tu, Tạp hạnh của con đường gập ghềnh đầy hiểm nguy. Đến nỗi đức Bổn Sư Thích-ca trong kinh Vô Lượng Thọ cảm thán rằng: “Dễ vãng sanh mà không có người tu!”

*

Hòa thượng Thiện Đạo, chính là hóa thân của đức Phật A-di-đà đã xác minh nhất định rằng: “Chuyên tu chuyên niệm mười người tu vãng sanh cả mười; Tạp tu, Tạp hạnh, ngàn người tu không có một người (thoát khỏi sanh tử)”.

Thời cận đại, Đại sư Ấn Quang tán thán cực độ câu xác minh này. Ngài bảo: “Đây là lời chân thật quý giá hơn vàng ngọc, sẽ hiện hữu hàng ngàn năm không thể đổi thay”. Con người trong thời đại bây giờ, nếu không tuân theo lời răn bảo của Hòa thượng Thiện Đạo, để Thuần nhất nương vào Bổn Nguyện đức Phật A-di-đà, thuần nhất xưng niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà, thì vấn đề vãng sanh Cực lạc sẽ giống như bọt nước, ảnh tượng.

Tuy nhiên, trên thực tế để nhận xét, đa phần những người tu tập cầu sanh Cực lạc, do không được bậc Thiện tri thức chân chính tận tình hướng dẫn, dạy bảo; không biết về Bổn nguyện Tha lực của Phật A-di-đà; không biết rõ cội nguồn của pháp Niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ nên như cây bèo không có gốc tùy theo gió thổi mà phiêu bạt đó đây trên mặt nước; như người mù chẳng thấy đường đi, chân bước loạn xạ. Vì vậy, pháp chuyên tu Niệm Phật thật khó quán triệt, nên thích thú pháp Tạp tu, Tạp hạnh như thủy triều dâng trào; sai lầm chỉ một đời để rồi phải đọa vào khổ đau sanh tử.

*

Chúng ta đã được làm thân người là điều khó trong những điều khó làm, đã được nghe Phật pháp là điều khó trong những điều khó nghe, đã được phát đạo tâm là điều khó trong những điều khó phát, đã được tin pháp Tịnh Độ là điều khó trong những điều khó tin. Nếu để một lần nữa đọa xuống Tam đồ, đây là điều bi đát vô cùng tận, sầu đau mãi chẳng bao giờ dứt

Lại nữa, Tổ Thiện Đạo dạy: “Thuần nhất tinh chuyên xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà. Do niệm Phật là bổn nguyện vãng sanh của ngài, nên đấy gọi là Chánh Định Nghiệp. Nghĩa là bạn chuyên niệm Phật thì “Việc vãng sanh đã định, hiện thời đã thành tựu nhân vãng sanh”.

Nếu căn tánh của ta thuộc vào hàng Thượng Thượng, có thể niệm Phật đến mức “nhất tâm bất loạn” thì khỏi nói làm gì. Nhưng nếu căn tánh của ta không được đến mức ấy thì cũng chẳng lo. Chỉ cần ta chuyên trì niệm sáu chữ hồng danh, không tu tạp, thì hiển nhiên luôn ở trong Chánh định nghiệp. Nhân vãng sanh đã thành tựu rồi, có chi mà khởi tâm lo lắng?

(Hào quang nhiếp hộ người niệm Phật – Theo Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh)

Tuệ Tâm 2019.

Xem Thêm:   Điều phục tâm là chiến thắng tối thượng

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

18 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog