Bí quyết để có một gia đình hạnh phúc
Pháp Giới 11 tháng trước

Bí quyết để có một gia đình hạnh phúc

Bí quyết để có một gia đình hạnh phúc là gì? Ai cũng muốn một cuộc đời hạnh phúc và bình an, nhưng hạnh phúc là gì, làm thế nào để cuộc sống bình an, làm thế nào để gia đình hạnh phúc?

  • Cách trị Bóng đè linh nghiệm nhất.
  • Thiên ma là loại ma gì.
  • Cảnh giới trên bước đường học Phật
  • Chuyện tâm linh có thật.
  • Chuyện nhân quả báo ứng.
  • Làm thế nào khi gia đình bất hòa
  • Nắm tay nhau đến cuối con đường

Ông hoàng chuyện tranh của Nhật Bản, Tezuka, có một câu nói nổi tiếng: “Con người đi lên mặt trăng, bay vào vũ trụ chỉ để tìm một điều gì đó nằm ngay trong chính bản thân mình”. Bạn không cần lên Mặt trăng để tìm đâu, bí quyết để gia đình hạnh phúc thực ra đơn giản lắm.

Bí quyết để có một gia đình hạnh phúc
Bí quyết để gia đình hạnh phúc thật rất đơn giản.

Bí quyết để có một gia đình hạnh phúc

Thủa mới mon men trên con đường đạo, một ngày đẹp trời Tuệ Tâm ngây ngô hỏi Sư Phụ:

– Bạch Thầy, làm thế nào để gia đình hạnh phúc?

Thầy mỉm cười:

– Đừng mang rác về nhà.

Tôi ngạc nhiên, thộn hết cả mặt, cứ tưởng bí quyết để có một gia đình hạnh phúc phải cao siêu lắm cơ.

– Thầy ơi, trên đời này có ai đi mang rác về nhà đâu?

Thấy tôi ngơ ngơ, chắc mặt mũi đần thối ra, không hiểu gì. Thầy bảo:

-” Rác” không phải là phế thải như con nghĩ đâu!

Thế này nhé. Một ngày đẹp trời con đang thong dong huýt sáo đi làm, rồi ở đâu ra một chú choai choai quệt vào xe, sém ngã. Loạng choạng xong rồi, một cách rất tự nhiên, con văng bậy.. #@!@#!&!..phải không?

*

– Tôi, vẫn ngơ ngơ, vâng ạ!

– Con văng bậy tự thì nghe, choai choai chạy mất rồi, nó đâu có nghe thấy phải không?

– Dạ vâng!(vẫn ngáo ngơ..).

– Rồi, con bực tức thì một mình tự chịu, văng bậy rồi cũng một mình tự nghe, có khổ không?

– Dạ khổ.

– Đến chỗ làm rồi con vẫn chưa hết bực bội: Nạt nhân viên, cau có đồng nghiệp, thậm chí cãi sếp cũng không ngán. Khổ lại chồng thêm khổ, bực lại càng bực hơn, phải vậy không?

– Dạ phải (vẫn ngơ ngáo).

– Trưa nhớ lại, vẫn cáu, ăn mất ngon. Chiều nhớ lại, vẫn bực, đồng nghiệp sao hôm nay nhìn ai cũng ghét… Về nhà rồi, nhớ lại, vẫn cáu. Hoặc vợ lỡ lời hay con trẻ phạm lỗi, quát ngay, om sòm nhà cửa cho hả giận.

Đấy, rác đấy, đem rác về nhà khổ vậy đấy. Choai choai kia có chịu tí sứt mẻ nào đâu, chỉ con ôm rác tự làm khổ mình, khổ đồng nghiệp, khổ cả vợ con. Mà có gì to tát đâu, việc qua rồi cứ để nó qua đi, giữ bực bội trong lòng làm gì, toàn rác cả. Bạn thấy không, mang rác về nhà khổ như thế đấy! Trong 24 tiếng một ngày, trừ ngủ nghỉ và mưu sinh, thời gian ta dành cho gia đình chẳng còn lại bao nhiêu. Đừng mang rác về nhà, hãy mang thương yêu về cho những người ta yêu thương nhất, bí quyết để có một gia đình hạnh phúc chỉ đơn giản thế thôi.

Bí Quyết để có một gia đình hạnh phúc – Hãy biết sống tùy duyên

Cuộc sống với ngàn muốn mối quan hệ, trăm vạn nẻo buộc ràng. Nếu bạn chẳng biết tùy duyên tùy phận, phiền não ắt theo đó mà đến. Cho nên để có một cuộc sống gia đình an ổn và hạnh phúc, hãy biết sống tùy duyên. Trong Hiểu Về Trái Tim, Thầy Minh Niệm có bài viết khá dễ hiểu về chủ đề này, nay trích đăng lên đây cho bạn cùng đọc.

“Khả năng tùy duyên của ta càng lớn thì sự thanh thản trong tâm hồn sẽ càng lớn. Muôn sự tại duyên, mọi sự mọi vật trên thế gian và cả vũ trụ này đều được tạo thành bởi rất nhiều điều kiện. Ngay cả hạt điện tử là đơn vị cực nhỏ cũng không phải là một thực thể riêng biệt, chúng luôn ở tình trạng liên kết. Chính vì mọi cá thể đều phải nhờ vào vô số điều kiện mới có thể biểu hiện và tồn tại, nên ta gọi đó là duyên sinh.

Nhìn một cơn mưa, ta biết cánh đồng lúa vừa tiếp nhận thêm duyên là nước và trên bầu trời cũng bớt đi duyên là mây. Tiến trình đến đi của duyên sinh vô cùng kỳ bí. Chúng không hề có tướng trạng cố định, hoặc có khi chúng ở dạng không hình tướng. Vì vậy, ta không thể dùng con mắt bình thường hay kỹ thuật của khoa học mà có thể thấy rõ sự vận hành của chúng.

*

Trừ phi ta có thể vượt thoát được ý niệm sai lầm về cái tôi riêng biệt và phá vỡ được ranh giới hạn hẹp ấy, tầm nhìn của ta có thể vượt qua phạm vi thời gian và không gian có thể tính được, thì ta mới thấy rõ tiến trình hoạt động của mọi duyên từ nơi chính mình và vạn vật xung quanh.

Tuy nhiên, mọi duyên đều tuân theo nguyên tắc nhân quả, nên còn gọi là nhân duyên. Nhân là cái đã xảy ra trước đó. Nghĩa là không bao giờ có cái duyên hoàn toàn mới lạ, mà luôn có một số duyên nhỏ trong đó đã từng gặp gỡ và liên kết với nhau rồi. Vì thế, duyên hôm nay cũng chính là nhân của tương lai.

Người xưa hay nói muốn làm nên việc gì cũng phải hội đủ ba yếu tố quan trọng: thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Thiên thời là điều kiện thích hợp từ vũ trụ đưa tới. Địa lợi là hoàn cảnh xã hội phù hợp với việc ta làm. Nhân hòa là sự yểm trợ nhiệt tình của mọi người xung quanh.

Nhưng người xưa còn cho rằng thiên thời không bằng địa lợi, và địa lợi lại không bằng nhân hòa. Có nhân hòa thì sẽ dễ dàng có được hai yếu tố còn lại, vì yếu tố nhân hòa nằm ngay trong chính ta, ta có thể chủ động để tạo ra nó. Chỉ cần ta buông bỏ bớt tâm cao ngạo và đố kỵ, hết lòng kính trọng và nâng đỡ mọi người xung quanh – tức là sống có phước có đức – thì tự nhiên ta sẽ kết nối được với hai yếu tố kia.

*** Bí quyết để có một gia đình hạnh phúc: Biết sống Tùy Duyên ***

Dù ta có tài năng và bản lĩnh đến đâu mà thiếu một trong ba yếu tố này, đặc biệt là không thu phục được lòng người, thì ta không thể nào thành công được. Nếu có thì cũng mau chóng sụp đổ. Nên nhớ duyên có hợp có tan, có đến có đi. Ta đừng tin chắc rằng những gì mình có được hôm nay sẽ tồn tại mãi mãi. Tuy ta không thể hoàn toàn chủ động tạo ra hết mọi nhân duyên cho mình, nhưng ta có thể tạo ra sự liên kết để nhân duyên duy trì hay tan rã.

Tâm ta cũng là một cơ chế rất kỳ bí. Mỗi ý niệm tốt sẽ phát sinh ra vô số năng lượng tốt và mỗi ý niệm xấu sẽ phát sinh vô số năng lượng xấu. Chúng sẽ liên kết trực tiếp với những năng lượng tốt hay xấu khác đang bàng bạc khắp nơi trong vũ trụ, và đến khi gộp đủ nhân duyên thì chúng sẽ tạo nên những hiệu ứng lớn đến không ngờ.

Vì thế, tâm ta chính là nguồn gốc tạo ra hầu hết nhân duyên thích ứng cho ta. Nhưng nếu không đủ sức phát huy được ưu thế của tâm để bồi đắp thêm cho nhân duyên mình đang có, thì ta phải đành chấp nhận để nhân duyên ra đi. Thái độ này chính là tùy duyên. Ngoài ra, không mong cầu bất cứ nhân duyên nào khác cũng là thái độ tùy duyên.

*

Tùy duyên là vui lòng chấp nhận những gì xảy ra trong hiện tại, tạm ngưng tranh đấu và bình thản chờ đợi nhân duyên thích hợp hội tụ. Nhiều khi chính thái độ ngưng tranh đấu và bình thản chờ đợi lại là nhân duyên quan trọng để kết nối với những nhân duyên tốt đẹp khác. Đừng quên, một việc thành cần phải hội tụ hàng triệu nhân duyên, chỉ cần thiếu một duyên thì nó cũng có thể bất thành.

Nếu ta có hiểu biết sâu sắc hay từng trải nghiệm, thì trong vài trường hợp ta cũng có thể đoán biết được mình nên làm gì và không nên làm gì, để cho nhân duyên tốt hội tụ đầy đủ trở lại hay nhân duyên xấu sớm tan biến đi. Ta thường gọi nhân duyên tốt là thuận duyên và nhân duyên xấu là nghịch duyên, tức là những điều kiện có lợi và bất lợi cho ta. Có những duyên thuận với ta nhưng lại nghịch với kẻ khác, và có những nhân duyên thuận với kẻ khác nhưng lại nghịch với ta.

Đó là chỉ nói trong phạm vi con người, trong khi nhân duyên vốn luôn xảy ra với vạn vật ở khắp nơi trong vũ trụ. Bản chất của nhân duyên thì không có thuận nghịch, tốt xấu. Nó chỉ hội tụ hay tan rã theo sự thích ứng giữa các tần số năng lượng phát ra từ mọi cá thể mà thôi.

*

Hầu hết chúng ta khi đón nhận thuận duyên thì cảm thấy sung sướng; và ta có khuynh hướng muốn duy trì mãi nhân duyên ấy. Còn khi gặp phải nghịch duyên thì cảm thấy khó chịu; và ta luôn tìm cách tránh né hay loại trừ. Nhưng chưa hẳn thuận duyên sẽ đem lại giá trị hạnh phúc. Chưa hẳn nghịch duyên sẽ mang tới khổ đau thật sự. Nhiều khi nghịch duyên đưa tới sự trưởng thành, còn thuận duyên lại dễ khiến ta yếu đuối. Có khi thuận duyên ban đầu nhưng lại biến thành nghịch duyên sau này; hay nghịch duyên bây giờ nhưng lại là thuận duyên trong tương lai.

Tất cả đều tùy thuộc vào bản lĩnh và thái độ sống của ta. Do đó, ta không cần phải khẩn trương thay đổi những nhân duyên mà mình không hài lòng. Ta cũng đừng cố gắng tìm kiếm những nhân duyên mà mình yêu thích. Khi tâm ta đã vững chãi đủ để tạo ra những nhân duyên an lành, thì những nhân duyên tương ứng sẽ tự động kết nối mà thôi. Mà thật ra, khi tìm được sức sống từ nơi chính mình, ta sẽ không còn quan trọng điều kiện bên ngoài nữa. Nhân duyên nào cũng được cả. Rất tự tại.

Bí Quyết để có một gia đình hạnh phúc: Tùy duyên phải bất biến

Tùy duyên còn là thái độ biết tận dụng những nhân duyên mới mẻ, đang hội tụ trong hiện tại để giải quyết vấn đề; hoặc tạo nên những đột phá tốt đẹp hơn. Nó sẵn sàng bỏ qua những dự tính, kể cả những khuôn thước đã được đặt để trước đây. Thái độ này chỉ có ở những kẻ bản lĩnh và vững chãi thật sự. Họ phải đảm bảo phẩm chất không những không bị thay đổi mà còn tuyệt vời hơn trước khi hành động. Điều này khác hẳn với sự bùng vỡ của cảm xúc – quyết liệt làm cho được như ý rồi mau chóng chán nản và buông xuôi.

Nhà thiền có một câu chuyện rất thú vị. Hai sư huynh đệ nọ trên đường du phương hóa độ. Họ thấy một cô gái đang loay hoay tìm cách đi qua dòng suối chảy xiết. Người sư huynh liền tiến tới hỏi: “Này cô! Cô có muốn tôi cõng cô qua bờ bên kia không?”. Cô gái vô cùng mừng rỡ gật đầu đồng ý. Sau khi qua con suối rồi, hai huynh đệ từ giã cô gái và tiếp tục cuộc hành trình.

Đi được một đỗi đường, người sư đệ không kiềm chế được nữa, bèn bức xúc lên tiếng: “Sao sư huynh lại làm như vậy?”.

Người sư huynh ngạc nhiên hỏi: “Làm chuyện gì?”.

“Thì chuyện cõng cô gái hồi nãy đó, chúng ta là người xuất gia tu hành kia mà!”.

Người sư đệ hơi cáu gắt hỏi. Người sư huynh mỉm cười, vỗ vai người sư đệ: “Ta đã để cô gái ấy lại bên bờ suối rồi, sao sư đệ còn mang tới đây!”.

*

Người sư đệ không giúp cô gái qua sông thì không có gì sai. Vì trình độ tu tập của người sư đệ còn yếu kém, cần phải giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh; để tâm hồn không bị khuấy động mà dễ dàng thiền định. Nhưng cái sai của người sư đệ là nghĩ người sư huynh cũng cùng trình độ như mình, cũng phải giữ sự thực tập y như mình. Đó là lý do y bất mãn với việc sư huynh giúp đỡ cô gái.

Đành rằng sự thanh tịnh tâm hồn là yêu cầu bắt buộc đối với người đã xuất gia tu hành. Tuy nhiên đó không phải là mục đích sau cuối của sự tu hành. Tu hành đâu phải cốt để bảo vệ giới luật cho thật trong sáng, còn ai khổ mặc ai. Giới luật mà chỉ bảo vệ cho mỗi sự thanh tịnh thôi, thì giới luật ấy chỉ dành cho những kẻ sống vì bản thân hay còn quá yếu kém. Nó không có giá trị thích ứng cho những người đã có đủ bản lĩnh, đã bất động trước những xáo động của hoàn cảnh.

Cho nên, ta không thể căn cứ trên vài hiện tượng bên ngoài để thẩm định mà không suy xét đến động cơ và kết quả. Vấn đề là: Sau hành động đột phá ấy thì họ đánh mất chính mình hay nâng cao phẩm chất hơn. Câu nói “Ta đã để cô gái ấy lại bên bờ suối rồi, sao sư đệ còn mang tới đây?” đã xác định phần nào trình độ bất nhiễm của vị sư huynh.

*** Bí quyết để có một gia đình hạnh phúc: Biết sống Tùy Duyên ***

Tất nhiên, phải cần có thêm những kiểm chứng thực tế khác, thì ta mới đủ tin vào khả năng tùy duyên, mà không thay đổi phẩm chất của một người nào đó. Bởi vì có nhiều người rất thích đột phá, nhất là những người trẻ. Họ luôn muốn dùng hết năng lực để nắm bắt những nhân duyên trong hiện tại. Họ muốn dùng nó để làm nên kỳ tích, nhưng số người thành công thì rất ít ỏi.

Hầu hết gặp thất bại là do họ đã quá tự tin: Đánh giá thấp hoàn cảnh; bị tham vọng chi phối; bị thói quen thay đổi lập trường kích động; hoặc không biết mình đang chiều theo sự tùy hứng. Tuy họ cũng tùy duyên nhưng lại biến mất. Thay đổi chiến lược bất ngờ; vượt qua nguyên tắc quan trọng; hoặc bất chấp sự cản trở của những người xung quanh… Nhưng cuối cùng không đạt được mục đích: Và họ còn phải trả những cái giá rất đắt thì đó là vết thương tâm lý rất nặng.

Vết thương ấy sẽ khiến ta đánh mất niềm tin nơi bản thân và trở nên rất dị ứng với những thay đổi sau này. Chính vì hậu quả khó lường như thế, nên người từng trải chỉ thích lối sống bình thường, giữ theo khuôn thước cho yên ổn.

*

Nhưng cuộc đời đâu phải lúc nào cũng bình thường. Sẽ có lúc ta buộc phải vượt thoát sự bình thường ấy, mới có thể cứu lấy bản thân, hay giúp đỡ được kẻ khác, thì ta phải làm sao? Thế nên cần trang bị sẵn một khả năng đủ lớn để ứng phó trước những nghịch cảnh. Đó là hành động của những kẻ trải nghiệm và có hiểu biết sâu sắc.

Thiền sư Trần Nhân Tông thời nhà Trần của Việt Nam đã từng khuyên: “Ở đời vui đạo phải tùy duyên/ Hễ đói thì ăn mệt ngủ liền” (Cư trần lạc đạo thả tùy duyên/ Cơ tắc xan hề khốn tắc miên – Cư trần lạc đạo). Nghệ thuật giữ gìn sự thanh thản trong tâm hồn ngay giữa bao sự phiền nhiễu của đời thường chính là thái độ tùy duyên. Theo thiền sư Trần Nhân Tông, tùy duyên có nghĩa là đói thì ăn mệt thì ngủ.

*

Nhưng ăn ra ăn và ngủ ra ngủ.  Việc nào ra việc ấy, không trộn lẫn nhau, không thấy việc nào quan trọng hơn việc nào. Việc nào đến trước thì giải quyết trước, không nôn nóng không bâng khuâng.

Mới nghe qua thật dễ, nhưng làm được thì rất khó. Ta phải thay đổi những thói quen rất lâu đời, như vội vàng, lo lắng và sợ hãi. Ngay cả những kẻ sống trong chốn u nhàn, cũng vẫn còn đầy rẫy những khắc khoải mong cầu. Đừng nói chi ta đang sống giữa chốn lao xao.

Lẽ dĩ nhiên, không ai bắt buộc ta phải tùy duyên. Nhưng khả năng tùy duyên của ta càng lớn thì sự thanh thản trong tâm hồn sẽ càng lớn. Nếu ta vẫn còn tiếp tục đi tìm hạnh phúc ở bên ngoài, thì chắc chắn ta sẽ mãi còn mong muốn và áp đặt nhân duyên thuận theo ý mình.

Chỉ khi nào ta đã tìm thấy giá trị hạnh phúc chân thật nơi chính mình thì ta mới chấp nhận được mọi hoàn cảnh. Hòa nhập mọi hoàn cảnh để giúp người giúp đời mà không bị hòa tan. Đó cũng chính là mẫu người lý tưởng nhất của xã hội trong mọi thời đại.

Đến đi trong thanh thản

Không chọn lựa nhân duyên

Đông tàn rồi xuân lại

Không bớt cũng không thêm”

( Bí quyết để có một gia đình hạnh phúc: Theo Hiểu Về Trái Tim )

Tuệ Tâm 2019.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Hạnh buông xả

1 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog