Giác ngộ là ra khỏi sanh tử luân hồi
Pháp Giới 1 năm trước

Giác ngộ là ra khỏi sanh tử luân hồi

Giác ngộ sự tỉnh giác từ giấc ngủ Vô minh và mở mang tiềm năng trí tuệ bao la của mình. Đây là sự chấm dứt sanh tử luân hồi và an trú trong sự bình an, phúc lạc bất tận. Bởi hạt giống của giác ngộ là Phật tánh, bị giam cầm trong bức màn của Vô minh. Cho nên chỉ đến khi ta phá được bức màn Vô minh này, hạt giống Phật tánh mới nảy mầm thành cây giác ngộ.

  • Cảnh giới trên bước đường học Phật.
  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
  • Bản nguyện niệm Phật – trọng yếu đường tu thời mạt pháp.
  • Học Phật pháp bắt đầu từ đâu.
  • Thiền tông và Tịnh độ tông
  • Hành dịch bệnh quỷ vương Lệ quỷ.
  • Cách trị Bóng đè linh nghiệm nhất.
  • Tứ chủng thanh tịnh minh hối là gì
Giác ngộ là ra khỏi sanh tử luân hồi
Giác ngộ là gì

Giác ngộ hiểu theo Phật pháp là như thế chớ không phải chẻ chữ tìm nghĩa như các vị tra trong từ điển Hán việt, kiểu như: Giác là tỉnh, ngộ là hiểu ra. Và giác ngộ là tỉnh và hiểu ra…Không phải như thế đâu!

Riêng một chữ “Ngộ”  ở đây phải được hiểu theo nghĩa là Ngộ đạo hoặc hơn thế là “Chứng đạo”. Giác ngộ là một khái niệm sâu mầu, vốn không không thể dùng từ ngữ thế gian mà định nghĩa được. Nhiều người học Phật không nắm được nghĩa này nên lý giải một cách vội vàng, khiến bao kẻ sơ cơ lầm lạc: Tưởng sự Giác ngộ đơn giản như em bé ăn cái kẹo, thật vô cùng đáng trách!

Giác ngộ là gì

Giác ngộ là sự tu chứng của người học Phật. Đây là cảnh giới người tu học phá được Vô Minh và chứng vào địa vị Bồ Tát, vĩnh viễn ra khỏi sanh tử luân hồi.

Đối với nhiều người trong thời đại hoài nghi này, thì trạng thái ấy có vẻ như một điều huyễn hoặc, mộng mị; Hoặc một sự thành tựu hoàn toàn vượt ngoài tâm chúng ta. Điều quan trọng nên nhớ là, đức Phật đã từng là một con người như bạn và tôi. Ngài chưa từng tuyên bố là thần thánh gì cả. Ngài chỉ biết ngài có Phật tánh, hạt giống của giác ngộ, và mọi người cũng đều có. Phật tánh nơi chúng ta cũng tốt như Phật tánh nơi bất cứ đức Phật nào. Đấy là tin lành mà đức Phật mang lại cho chúng ta từ khi ngài giác ngộ tại bồ đề tràng. Nơi mà nhiều người sau đã tìm thấy nguồn cảm hứng thiêng liêng.

Thông điệp của ngài đem lại cho ta một hy vọng tràn trề. Nhờ luyện tập, chúng ta cũng có thể đạt đến sự tỉnh thức. Nếu điều này không đúng, thì vô số người tư xưa cho đến ngày nay đã không giác ngộ.

*

Tương truyền khi Phật mới đạt giác ngộ, điều duy nhất ngài muốn làm là chỉ cho tất cả chúng ta tự tính của tâm; San sẻ cho ta những gì ngài đã trực ngộ. Nhưng ngài cũng thấy, với nỗi đau buồn và lòng bi mẫn bao la rằng: Thật khó mà làm cho chúng ta hiểu được. Vì mặc dù ta cũng có tự tánh của tâm như Phật, chúng ta không nhận ra nó được. Bởi vì nó bị gói kín, bao trùm trong những cái tâm thông thường phàm tục của ta.

Hãy tưởng tượng một cái bình trống. Khoảng không trong bình cũng giống hệt như khoảng không bên ngoài. Chỉ có những bức thành mong manh của cái bình đã ngăn cách không gian bên trong với bên ngoài.

Tâm Phật trong ta bị vây kín trong những bức thành của Phàm tâm. Nhưng khi ta giác ngộ, thì cũng giống như cái bình vỡ tan thành mảnh vụn. Khoảng không gian “bên trong” liền tan hòa ngay vào không gian “bên ngoài”. Cả hai trở thành một: Ngay lúc đó và tại chỗ đó, ta trực nhận được rằng chúng chưa từng bao giờ có sự ngăn cách hay sai khác; Chúng vẫn luôn luôn là một. Bởi thế, dù đời ta có thế nào đi nữa, Phật tánh của ta cũng luôn luôn ở đấy. Và nó luôn luôn toàn hảo. Ngay cả chư Phật với trí tuệ vô biên cũng không thể làm cho nó tốt hơn. Và chúng sinh với tất cả vô minh có vẻ bất tận, cũng không thể làm cho nó lấm lem.

Tính bản nhiên của tâm giác ngộ

Tính bản nhiên của chúng ta có thể ví như bầu trời, và sự mờ mịt của Phàm tâm giống như mây. Có những ngày bầu trời hoàn toàn bị mây phủ kín. Khi ấy nếu nằm xuống đất mà nhìn lên, thì ta thực khó mà tin nổi trên trời còn có cái gì khác ngoài ra mây. Nhưng chỉ cần bay trong một chiếc phi cơ ta sẽ thấy tít trên cao xa nữa là một vùng trời xanh trong bao la vô tận. Từ đấy mà nhìn xuống thì thấy những đám mây – Mà khi ở dưới đất, ta tưởng là tất cả mọi sự – thật xa xăm nhỏ bé làm sao.

Ta phải cố nhớ luôn luôn rằng: Những đám mây không phải là bầu trời, và không “thuộc về” bầu trời. Chúng chỉ lơ lửng giữa từng không, và đi qua với kiểu hơi lố bịch, không lệ thuộc vào đâu. Nhưng chúng không bao giờ có thể để dấu vết làm lấm lem nền trời.

Hạt giống của Giải thoát là Phật tính. Vậy nó nằm ở đâu?

Vậy thì Phật tính ấy đích thực nằm ở đâu? Nó nằm ngay nơi tự tánh của tâm, cái tự tánh được ví như bầu trời ấy. Hoàn toàn cởi mở, tự do, vô biên. Phật tính ấy thực đơn giản, tự nhiên như nhiên tới nỗi không bao giờ có thể trở thành phức tạp, hư hỏng, hay bị nhiễm ô; Nó thuần tịnh tới nỗi vượt ngoài cả ý niệm dơ sạch.

Nhưng nói về tự tính của tâm ví như bầu trời ấy chỉ là một ẩn dụ để giúp ta bắt đầu tưởng tượng được tính chất vô biên bao trùm tất cả của nó. Vì Phật tánh có một tính chất mà bầu trời không có được: Đó là tính sáng chói của tỉnh thức. Như có câu:  Đó là cái giác tính hiện tiền không lỗi nơi bạn, biết nhận thức mà vẫn trống rỗng, giản đơn mà sáng suốt.

Dudjom Rinpoche viết:

Không lời nào có thể mô tả,

Không ví dụ nào để chỉ rõ

Sinh tử không làm nó xấu hơn

Niết bàn không làm nó tốt hơn

Nó chưa từng sinh

Nó chưa từng diệt

Chưa từng giải thoát

Chưa từng mê lầm

Chưa từng có cũng chưa từng không

Nó không có một giới hạn nào

Không thể xếp nó vào một phạm trù nào cả.

Nyoshul Khen Rinpoche nói:

Sâu xa vắng lặng, thoát mọi rắc rối

Sáng suốt không do kết hợp mà thành

Vượt ngoài tâm phân biệt đặt tên;

Đấy là tâm sâu xa của những Đấng Chiến thắng.

Trong đó không một vật gì phải vứt ra

Cũng không một vật gì cần thêm vào.

Đấy thuần là cái vô nhiễm

Đang nhìn vào chính nó một cách tự nhiên

Tại sao chúng ta không nhìn thấy tâm giác ngộ

Tại sao người ta thấy khó, ngay cả cái chuyện nghĩ đến chiều sâu và vẻ sáng chói của tự tính tâm? Tại sao đối với nhiều người, đấy dường như là
một ý niệm lạ lùng vô lối? Giáo lý nói đến bốn lỗi ngăn cản chúng ta không trực nhận được bản tâm ngay bây giờ:

1. Tự tính tâm quá gần gũi đến nỗi ta khó nhận ra. Cũng như ta không thể nhìn chính cái mặt của mình. Tâm cũng thấy rất khó nhìn vào tự tính của chính nó.

2. Nó quá sâu xa chúng ta khó dò thấu. Ta không thể biết tâm ta sâu tới mức nào. Nếu biết, ta đã ngộ một phần nào tự tính của nó.

3. Nó quá dễ ta không tin nổi. Điều duy nhất ta cần làm là an trú trong sự tỉnh giác sơ nguyên thuần túy của tự tính tâm, cái luôn luôn có mặt hiện tiền.

4. Nó quá kỳ tuyệt ta không dung chứa nổi. Nội một tính chất bao la của nó cũng quá lớn rộng không lọt được vào lối suy nghĩ hẹp hòi của tâm ta. Ta không thể tin nổi, cũng không thể tưởng tượng nổi rằng: Giác ngộ lại là bản chất thực sự của tâm chúng ta.(Tạng thư sống chết)

Con đường tới sự Giác ngộ khó như thế nào?

Muốn đạt được sự giác ngộ, ta phải phá được Vô minh. Nhưng trước khi nghĩ đến vô minh, ta phải phá được kiến hoặc. Mà riêng về phá Kiến hoặc: Nếu không phải là bậc Chân tu, giới hạnh cực tinh nghiêm, đừng nghĩ đến làm chi cho nhọc lòng. Chư Tổ sư dạy: “Chỉ riêng về điểm phá phiền hoặc để phát sanh trí huệ cho khỏi bị trần cảnh làm mê, còn là điều không phải dễ!

Cổ đức đã bảo: “Đoạn kiến hoặc khó như ngăn dòng nước bốn mươi dặm!” Như thế, nói chi đến đoạn tư hoặc, trần sa hoặc và vô minh? Kiến hoặc, nói đơn giản, là những phiền não thấy chấp về phần thô; Tư hoặc là phiền não về phần tế. Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng ta đã huân tập vào tâm thức những ô nhiễm tham sân si, và không biết bao nhiêu là sự thấy hiểu sai biệt. Liệu trong một thời gian ngắn của đời này, ta có thể tiêu diệt hết nó được chăng?

Giác ngộ không dễ, mà đường sanh tử luân hồi có nhiều chướng nạn. Nếu chưa chứng quả Vô Sanh, khi chuyển thế dễ bị hôn mê sa đọa. Gương tu hành của các bậc cao Tăng năm xưa còn đó, há lại không làm chúng ta kinh tâm động phách đó sao?

Gương các bậc cao tăng chưa giác ngộ.

Bạn đọc Cao Tăng truyện, có thấy được hay chăng? Các bậc chân tu giới hạnh cực tinh nghiêm, do chưa phá được vô minh, không chạm vào được đường giác ngộ vẫn y nguyên trong sáu nẻo luân hồi.

  • Ngài cao tăng Viên Quán. Do chưa sạch nghiệp, nên không thoát khỏi bào thai của nàng Vương Thị.
  • Truyện Tỳ Khưu Pháp Vân từng làm đại pháp sư. Nhân vì tham lợi dưỡng, sẻn Phật pháp, nên bị đọa làm thân trâu.
  • Truyện ngài Hải Ấn cũng thuộc hàng danh tăng. Vì thọ người cúng dường, phải chuyển sanh làm con gái cho nhà thí chủ.
  • Truyện ngài Mạt Sơn lai lịch phi phàm. Nhưng bởi túc nghiệp từ vô lượng kiếp phát hiện, nên luân hồi làm kẻ ngu khờ, ghét người tu niệm.
  • Truyện ngài Đoạn Nghĩa Nhai tham thiền đã được khai ngộ, kiếp sau chuyển sanh làm tăng; Được người lễ bái cúng dường, tham hưởng phước mà quên đường giải thoát.
  • Truyện đệ tử của ngài Tuyệt Học Thành Công, thiền định đã tỏ suốt nguồn tâm. Bởi chưa đắc đạo nên thân sau làm ông sư thông minh, động tâm xa hoa kiêu mạn. Rồi từ đó không nghiệp ác gì chẳng làm.
  • Truyện một ni cô tụng kinh Pháp Hoa ba mươi năm. Vì tâm còn chưa dứt niệm sắc thinh, nên kiếp sau đọa làm thân ca kỹ. Tiếng thanh sắc đẹp nơi miệng thường bay ra mùi thơm hoa sen.
  • Truyện vị cao tăng non Nhạn Đăng, bởi chưa chứng đạo, kiếp sau là Tần Cối. Do tiền căn đã có công tu niệm nên thông minh đỗ cao làm quan đến ngôi cực phẩm. Song vì mê quyền quí, tạo điều gian ác để nhiều kiếp đọa tam đồ.
*

Xem truyện tích xưa, còn biết bao trường hợp như thế nữa! Qua các gương trên, ta thấy: Nếu tự lực tu hành, khi chưa được nghiệp sạch tình không, lúc tái sanh tất phải mê muội, mười người đã rớt hết tám chín. Đường tới sự giác ngộ khó như thế đó! Nếu tu hành mà không giác ngộ giải thoát thì chỉ gây căn lành phước báo, và nhân duyên đắc độ về sau mà thôi. Như thế, e cho khi chuyển sanh hôn mê tạo nghiệp phải bị trầm trệ lâu trong cảnh khổ luân hồi.

Mấy ai thông minh như Ngộ Đạt quốc sư, mười kiếp làm cao tăng tu thiền định, kiếp sau rốt mới mười bốn tuổi đã giảng suốt Kinh Niết Bàn. Nhưng vì một niệm đam mê trước tòa trầm hương nên bị túc báo ghẻ mặt người, sau trở lại niệm Phật mới được vãng sanh giải thoát.

Những vị ỷ mình cao minh, ngoài miệng nói suốt lý huyền, chỉ trọng tự lực khinh thường niệm Phật, cũng nên xem gương trên mà để tâm suy nghĩ.(Niệm Phật Thập Yếu)

02 con đường tới sự Giác ngộ

Tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Từ vô thỉ kiếp đến nay, ắt đã gặp nhiều Đức Phật. Thế nhưng tại sao vẫn luân hồi sinh tử, vẫn chưa được giác ngộ, chưa ra khỏi nhà lửa? do là vì chúng sinh không được hai pháp thù thắng để giác ngộ mà diệt trừ sinh tử. Hai pháp này là gì? Một là Thánh đạo môn(Nan hành đạo), hai là Tịnh độ môn(Dị hành đạo).

Sở dĩ có tư tưởng về hai môn Thánh Đạo và Tịnh Độ này, là do nương vào sự phân định Nhị đạo (Hai hướng tu), gồm có:  Nan hành (Tu khó), Dị hành (Tu dễ) của Bồ-tát Long Thọ xưa kia. Lại dựa vào lý luận về Hai Trích Điểm Cốt Yếu Bài Tựa An Lạc Tập Yếu Nghĩa năng lực là Tự lực, Tha lực của Tổ sư Đàm Loan gần đây để hình thành. Bồ-tát Long Thọ đem tất cả giáo pháp đức Thích Tôn đã thuyết giảng, hệ thống thành Nhị đạo là Tu khó và Tu dễ.

Ngài lại dạy rõ rằng, pháp Tu khó là sự tu tập hoàn toàn dựa vào Tự lực. Giống như đi bộ thì rất khổ nhọc, nội dung pháp tu này là “Tu nhiều pháp; Thời gian dài lâu mới chứng đạo, dễ bị đọa lạc”. Trái lại, pháp Tu dễ là sự tu tập hoàn toàn dựa vào sự cứu độ của đức Phật A Di Đà. Giống như đi thuyền thì rất thỏa mái, nội dung pháp tu này là: “Chỉ tu một pháp, sớm thành đạo quả, nhất định giải thoát”. Tổ sư Đàm Loan bảo: Sở dĩ Tu khó vì toàn dựa vào Tự lực, sở dĩ Tu dễ vì toàn dựa vào Tha lực.

02 con đường giác ngộ: 1.Thánh đạo môn(Nan hành đạo)

Thánh Đạo môn là dựa vào sức mạnh của Tự thân. Ngay trên cõi Ta bà này tu tập Lục độ vạn hạnh nhằm đoạn trừ lậu hoặc, chứng ngộ chân lý, hội nhập Thánh quả. Pháp tu Thánh đạo như Thiền, Mật… hiện nay rất khó chứng đắc, điều này có hai lý do:

  1. Một là vì thời đại đã cách Phật rất lâu xa.
  2. Hai là do nghĩa lý Đại thừa sâu xa khó hiểu.

Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận của ngài Long Thọ nói: “Bồ tát cầu A bệ bạt trí, có hai con đường: Một là Đường khó đi (Nan hành đạo), hai là Đường dễ đi (Dị hành đạo).

Đường khó đi, nghĩa là ở trong đời ác năm trược, lúc không có Phật, cầu A bệ bạt trí là khó, sự khó khăn này có 05 phương diện:

*
  1. Một là pháp thiện của ngoại đạo làm loạn pháp tu của Bồ tát.
  2. Hai là sự tự lợi của hàng Thanh văn làm chướng ngại tâm đại từ bi.
  3. Ba là những kẻ ác vô cớ phá hoại thắng đức của người khác.
  4. Bốn là quả báo thiện điên đảo, có thể phá hoại phạm hạnh,.
  5. Năm là chỉ có tự lực, không có tha lực hộ trì.

Đại Tập Nhật Tạng Kinh có nói: “Trong thời mạt pháp, có ức ức chúng sinh phát tâm tu hành, nhưng có rất ít người đắc đạo.” Lại nữa, tất cả chúng sinh đều không tự lượng sức mình. Nếu luận về chân như thực tướng, đệ nhất nghĩa không của Đại thừa, bọn họ đều chưa từng để tâm đến. Còn nếu luận về sự kiến đế tu đạo, nhẫn đến chứng quả A na hàm, A la hán; Đoạn trừ năm phiền não lợi sử, năm phiền não độn sử…Thì tất cả người xuất gia, tại gia đều không có phần.

02 con đường giác ngộ: 2. Tịnh độ môn(Dị hành đạo)

Đời mạt pháp hiện nay là đời ác ngũ trược, chỉ có pháp môn Tịnh Độ là con đường để vào đạo. Bởi thế, Vô Lượng Thọ Kinh nói: “Nếu có chúng sinh, dù là cả đời tạo ác, giả sử lúc lâm chung, niệm danh hiệu của ta mười lần liên tiếp, nếu như không được vãng sinh, ta thệ không giữ ngôi Chánh Giác.”

Vì thế Pháp môn tinh độ còn gọi là Dị hành đạo, nghĩa là đường dễ đi. Pháp này chỉ cần nhờ nhân duyên Niệm Phật, nguyện sinh Tịnh Độ. Nhờ nguyện lực của Phật, sẽ được vãng sinh cõi Phật thanh tịnh. Nhờ Phật lực gia trì, sẽ tiến nhập vào giai bậc chánh định tụ. Chánh định tức là A bệ bạt trí, ví như đường thủy, đi thuyền ắt là vui sướng.”

*

Tây Phương Yếu Quyết nói: “Đức Thích Ca khai sáng Phật giáo, hoằng dương lợi ích chúng sinh, tùy nơi chốn mà xiển dương giáo nghĩa, rưới nước pháp mầu, làm cho chúng sinh được độ hóa, chứng ngộ ba Thừa, đối với những người ít phước mỏng duyên, thì khuyên họ vãng sinh Tịnh Độ. Người tu Tịnh Độ phải chuyên niệm A Di Đà, tất cả những thiện căn, đều phải hồi hướng về Tịnh Độ. Bổn nguyện của Đức A Di Đà là thệ độ tất cả chúng sinh cõi Ta Bà, từ người chuyên tâm tu tập cả đời, nhẫn đến người lúc lâm chung chỉ niệm mười danh hiệu, đều được quyết định vãng sinh Tịnh Độ.”

Trong lời bạt của Tây Phương Yếu Quyết cũng bảo: “Do vì sinh vào đời tượng pháp, cách xa đời Phật. Nếu tu hạnh của Tam Thừa, khó mà khế ngộ. Hai cõi trời người xao động bất an, chỉ có những bậc Bồ tát đại trí đại từ mới có thể ở lâu trong sinh tử. Nếu như kiến giải mê ám, công hạnh nông cạn, e rằng sẽ bị đọa lạc ba đường ác. Bởi thế, phải nên lìa bỏ Ta Bà, cầu sinh Tịnh Độ.”

Tịnh Độ môn là nương vào Bổn nguyện của đức Phật A Di Đà để tu tập cầu vãng sanh Tịnh Độ. Khi ở tại Cực lạc sẽ tu tập đoạn trừ lậu hoặc, chứng ngộ chân lý, hội nhập quả vị Giác ngộ Bồ Đề.(Tuyển trạch Bản nguyện niệm Phật)

(Giác ngộ là thoát khỏi sanh tử luân hồi)

Tuệ Tâm 2021.

 

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Vua A Xà Thế là Hóa thân Bồ Tát

2 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog