Hòa Thượng Tuyên Hóa Khai thị cho người tu học Phật Pháp
Pháp Giới 11 tháng trước

Hòa Thượng Tuyên Hóa Khai thị cho người tu học Phật Pháp

Hòa Thượng Tuyên Hóa khai thị: “Tu học Phật pháp không phải việc một sớm một chiều là thành tựu. Dù tại gia hay xuất gia cũng đều phải kiên trì, nhẫn nại. Nếu chỉ thấy lỗi mình mà không thấy có lỗi của người, thì đường đạo ít chương duyên, ấy cũng gọi là chân thật tu hành.

Đức Phật thuyết vô lượng pháp môn, tùy bệnh mà cho thuốc. Pháp nào cũng là diệu pháp nếu ta giữ tâm khiêm hạ mà tinh tấn hành trì – Vậy nên đừng tranh cãi pháp hơn pháp kém, chỉ phiền não chớ chẳng ích lợi chi! Phật pháp là pháp xuất thế gian nhưng không lìa thế gian. Vậy nên yếu chỉ tu học phải lấy “tốt đời đẹp đạo” làm đầu: Người học Phật trước phải để cuộc sống được an yên, thân tâm tịch tĩnh, sau mới đến việc giải thoát sanh tử luân hồi. Nếu chẳng được như thế thì giải thoát cũng chỉ là việc hư huyễn mà thôi.

  • Học Phật pháp bắt đầu từ đâu.
  • Tam giới là gì.
  • Từ bi là gì.
  • Chánh kiến là gì.
  • Thanh tịnh là gì.
  • Cách niệm Phật tại nhà.
  • Cuộc đời& đạo nghiệp của Hòa Thương Tuyên Hóa.
Hòa Thượng Tuyên Hóa Khai thị cho người tu học Phật Pháp
Hòa Thượng Tuyên Hóa khai thị

Hòa Thượng Tuyên Hóa khai thị

1. Tu học phải có tâm kiên trì không đổi

Thân cây, mỗi ngày mỗi cao lớn nhưng ta không thấy sự sinh trưởng của cây. Tuy ta chẳng để ý, nhưng cây cứ cao lớn dần, chờ đến mười năm hoặc trăm năm sau thì cây đó biến thành vật hữư dụng.

Cây thì vậy, người tu Ðạo thì cũng thế. Ðừng quá gấp gáp, đừng nghĩ rằng hôm nay tu hành thì ngày mai khai ngộ. Chẳng phải dễ dàng như vậy đâu! Mà cần phải ngày ngày tu luyện, ngày ngày trau giồi, chẳng cần biết là có tiến bộ hay không. Không thối lui có nghĩa là tiến bộ rồi. Chỉ cần làm cho vọng tưởng mỗi ngày giảm bớt, thì đã là tiến bộ rồi; dục niệm mỗi ngày mỗi ít thì đó là tiến bộ rồi; tham sân si mỗi ngày thối lui tức là tiến bộ rồi; đừng có muốn mau muốn chóng. Cho nên nói: 

Kỳ tấn duệ giả, kỳ thối tốc”

Nghĩa là:

 Tiến càng nhanh, thì lùi cũng rất mau.” 

Tới thật mau tức là lùi cũng mau, cho nên cần phải có cái tâm hằng thường mà tu hành, ngày ngày phải sám hối để sửa đổi lỗi lầm: 

Nhất nhật vô quá khả cải, tức nhất nhật vô công khả tạo”.

Nghĩa là: 

Một ngày chẳng sửa lỗi lầm, là một ngày chẳng tạo công đức.” 

*

Cho nên tu hành cần phải trừ bỏ tập khí, lỗi lầm xấu xa, bỏ đi những tư tưởng lầm lạc, khiến cho trí huệ quang minh bản hữu của mình xuất hiện. Trí huệ quang minh này người nào cũng có cả, nhưng rất tiếc là bị vô minh che khuất. Khi không thể dùng trí huệ quang minh này, bởi vô minh che phủ, sẽ làm cho mình cứ muốn trụt xuống, không muốn đi lên; nếu hiển lộ được trí huệ thì tự nhiên mình sẽ tiến tới, đi lên mãi. Ðó gọi là “nghịch lưu” (đi ngược dòng nước)!

Cho nên tu hành không phải chỉ có một ngày một đêm, mà cần phải hàng giờ hàng phút hàng ngày. Buổi cũng sáng như vậy, buổi chiều cũng như vậy, năm này tháng nọ đều tu hành như vậy, hằng thường bất biến. Thời gian lâu rồi thì mình mới trưởng dưỡng được trí huệ Bát Nhã. Ðừng nên “một ngày nóng mười ngày lạnh,” một ngày tu mười ngày nghỉ, nếu như vậy thì chẳng thể thành tựu đặng. Phải như thân cây, mỗi ngày lớn lên một chút, ngày ngày đem lòng thành mà tu hành.

*

Trong thời gian tu hành, nếu gặp những cảnh giới gì, dù ma chướng hay nghịch duyên hoặc thuận duyên…, cũng phải thái nhiên, bình thản. Thuận cảnh hay nghịch cảnh, mình đều phải tinh tấn, coi mọi sự vật đều như đang nói diệu Pháp cho mình.

Nếu hiểu được mọi vật đều thuyết Pháp cho mình, mỗi diễn biến đều là bài Pháp, thì sẽ biết được sự kỳ diệu mà ngôn ngữ không thể diễn tả được. Nếu hiểu được vậy thì sẽ biết được “bản lai diện mục” của chính mình, biết được con đường về nhà rồi đó. Cho nên mượn pháp thế gian mà vượt khỏi pháp thế gian, không bị vạn pháp làm mê lầm, không bị mọi hình tướng làm mê hoặc. Lúc tất cả cảnh giới tới, nếu mình bình tĩnh sáng suốt, không bị chướng ngại, thì lâu ngày trí huệ của mình sẽ hiện ra.

Nguyên nhân mà trí huệ không hiển lộ là do mình không chịu dấn bước tới trước mà tu; chỉ muốn thụt lùi! Gặp duyên lành thì lại nghi ngờ không quyết định, gặp phải duyên ác thì liền chạy theo. Cho nên mãi mãi lưu lạc trong Lục đạo luân hồi, mà không cách gì siêu thoát đặng. Càng bị hãm vào thì càng dấn sâu, càng dấn sâu thì chân càng lún, kéo không ra nổi.

*

Cho nên nếu thấy thông suốt thì lại không buông bỏ được, cuối cùng không thể tự tại giải thoát được. Do đó sinh rồi lại chết, chết rồi lại sinh. Hồ đồ sinh ra, hồ đồ chết đi, trong khoảng thời gian đó mình không biết làm gì, chỉ toàn là chuyện điên điên đảo đảo, tìm không ra cái lý do chính đáng.

Các vị! Cuộc sống con người nếu vậy là cuộc sống hồ đồ; chỉ toàn là vì danh, vì lợi, vì sự thành công của chính mình. Kỳ thật, việc người thế gian cho là thành công thì Thánh, Hiền cho là thất bại. Cho nên hễ có nợ nần thì phải ráng thanh toán cho phân minh. Mình phải làm một người hoàn toàn sáng suốt. Khi sáng suốt thì phải vĩnh viễn sáng suốt, do đó mới phá được cửa sinh tử, ra khỏi vòng luân hồi. Như vậy mới là cung cách của bậc đại trượng phu. 

Hòa Thượng Tuyên Hóa khai thị: 2. Tu Đạo không cần quá thông minh.

Lão Tử nói: 

Dưỡng thành đại chuyết phương vi xảo,

Học đáo như ngu thủy kiến kỳ.”

Dịch là: 

Dưỡng tâm như dại là tuyệt xảo,

Học tới như ngây mới diệu kỳ.”

Mình cần học “ngây ngô.” Song học ngây ngô không phải là chuyện dễ, bởi vì kinh nghiệm thường dạy mình rằng đừng có ngây ngô. Cho nên nếu dưỡng tâm như khờ dại thì đó mới gọi là tinh xảo. Tu hành tức là muốn dưỡng “chuyết,” dưỡng tâm như kẻ khờ khạo; càng khờ càng tốt.

Sao gọi là khờ? Khờ có nghĩa là hoàn toàn chẳng có vọng tưởng. Không khờ thì vọng tưởng đầy dẫy. Vọng tưởng mà nhiều thì tự nhiên muốn tìm chuyện xưa, muốn biết chuyện nay, rồi muốn xen vào đủ chuyện tạp nhạp, muốn hiểu đủ thứ báo chí tin tức lăng nhăng. Ðó là những điều chướng ngại cho sự tu hành. Sự khờ khạo, dốt nát chân chính là như thế nào? Tức là nhập Ðịnh. Nếu nhập Ðịnh thì đông, tây, nam, bắc, đều chẳng biết tới; cùng thế giới vô tranh, tự tại vô ngại.

Tại sao mình không thể tự tại vô ngại được? Là bởi vì còn có lòng tranh, lòng tham, lòng cầu, lòng ích kỷ, lòng tự lợi; do đó chẳng thể tự tại được.

Muốn tự tại cũng làm không được. Khi đã bất mãn hiện tại, bất mãn quá khứ, bất mãn tương lai, cứ cho rằng người khác đối với mình không tốt, cho rằng mình cư xử tốt với người, tự biện hộ, tự đứng trên cương vị không thua ai cả, rằng mình là hơn người, thì không thể tu Ðạo được.

*

Tu Ðạo tức là chẳng biện hộ, chẳng giảo hoạt, chẳng nói chuyện thị phi; cho nên nói: Ma Ha Tát, bất quản tha, Di Ðà Phật, các cố các. (Ðại Bồ Tát, chẳng xen vào chuyện người. A Di Ðà Phật, ai lo chuyện nấy!)

Luôn luôn canh gác thân tâm, không nghĩ loạn xạ, đó tức là chân chính tu Ðạo. Kẻ không chân chính tu Ðạo thì lúc nào cũng nghĩ này nọ loạn xạ, lúc nào cũng tìm phương cách để làm lợi cho mình. Vì thế kẻ chân chính tu hành thì phải: Vạn duyên phóng hạ, Nhất niệm bất sanh. (Buông xả mọi chuyện, Một niệm không khởi.)Buông xả tất cả danh lợi, tiền tài, sắc đẹp, ăn uống, ngủ nghỉ. Không khởi ý niệm nên không có ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả; luôn luôn tự tại an lạc.

Chân chính tự tại là gì? Tức là không khởi vọng tưởng!Nếu tối ngày cứ khởi vọng tưởng thì mình không có tự tại; tư tưởng loạn xạ của mình sẽ tới khắp cùng hư không, Pháp Giới. Nếu không muốn tu thì chẳng cần nói làm gì, bằng nếu muốn chân chính tu hành thì đừng nghĩ loạn xạ, hãy đem tâm mình cột chặt một chỗ, nhất tâm chuyên niệm. Hễ chuyên nhất thì mới linh ứng; hễ tâm phân tán thì trở nên u mê. Cho nên người muốn tu thì phải biết đạo lý này vậy.

Hòa Thượng Tuyên Hóa khai thị: 3. Cần phải bỏ ác làm lành

Vãng tích sở tạo chư ác nghiệp,

Giai do vô thủy tham sân si,

Tùng thân ngữ ý chi sở sanh,

Nhất thiết ngã kim giai sám hối.”

Dịch là: 

Tất cả ác nghiệp tạo từ xưa,

Ðều do vô thủy tham, sân, si,

Theo thân miệng ý mà phát sanh,

Con nay hết thảy xin sám hối.”

Chúng ta từ xa xưa đến nay tạo nghiệp ra có thứ ác, thứ thiện; thiện ác trộn lẫn chẳng rõ ràng. Cho nên có lúc thì mình sinh tâm lành, có lúc thì sinh ra ý niệm ác. Một niệm thiện thì “không làm điều ác mà làm tất cả điều lành.” Nhưng khi khởi niệm ác thì chỉ nghĩ “làm tất cả điều ác, không làm điều lành.”

*

Bởi vì từ vô lượng kiếp đến nay lẫn lộn thiện ác như vậy, nên ngày nay làm thiện song ngày mai lại muốn làm ác, rồi ngày mốt thì tạo ra điều chẳng thiện chẳng ác. Ðến khi tu Ðạo thì mình khó mà thoát khỏi nghiệp báo. Nên có lúc thì muốn tu hành, có lúc thì chẳng muốn tu, có lúc muốn thanh tịnh, có lúc lại muốn nhiễm ô. Cứ mặc cho ngọn sóng đưa đẩy, không biết phiêu lưư tới chỗ nào. Ðó đều do những ý niệm dấy khởi hồi xa xưa bây giờ kết thành cái quả.

Có ý niệm lúc đầu muốn tu hành, mà ý niệm sau thì muốn hoàn tục; ý niệm trước thì muốn hoằng dương Phật Pháp nhưng ý niệm sau thì muốn hủy diệt Phật Pháp. Thật là vô cùng phức tạp. Như vậy thì phải làm sao? Thì cần phải học trí huệ Bát Nhã; nghĩa là: 

Trạch thiện nhi tùng,

Phi thiện tắc cải.

Thị Ðạo tắc tiến,

Phi Ðạo tắc thối!”

Dịch là: 

Lựa điều lành mà theo,

Hễ điều xấu thì sửa.

Nếu là Ðạo thì tiến tới,

Không phải là Ðạo thì thối lui!” 

*

Lúc nào mình cũng phải đề cao cảnh giác tựa như là đi bên bờ vực thẳm, hệt như là đi trên mặt băng mỏng. Tu hành cần phải vô cùng cẩn thận như vậy! Nên nói: Sai chi hào ly, mậu chi thiên lý. (Sai một ly đi một dặm.)

Cho nên tu hành là: “Cử động hành vi quản tự kỷ, Hành, trụ, tọa, ngọa bất ly gia “.(Phải quản chế cử động, hành vi của chính mình, Ði, đứng, nằm, ngồi thì không rời “nhà.”) Lúc nào mình cũng cần có ý niệm thanh tịnh, ý niệm sáng suốt quang minh; đừng khởi ý niệm nhiễm ô, đừng khởi ý niệm hắc ám. Phải hết sức cẩn thận trong mỗi một suy tư, mỗi một ý nghĩ. Mỗi ý niệm nếu là thiện thì quang minh càng nhiều, nếu ý niệm là ác thì mình càng hắc ám. Người thiện thì có ánh hào quang trắng, người ác thì chỉ toàn là khí đen. Thế nên làm thiện hay làm ác đều tự nhiên biểu hiện nơi hình tướng của mình.

Các vị có thể lừa người nhưng không thể lừa quỷ, thần, Phật, Bồ Tát. Do vậy, bất luận là kẻ xuất gia hay kẻ tại gia, nếu lừa dối như vậy thì chỉ tạo ác nghiệp, chẳng có công lao gì với Phật Giáo. Phải hiểu rằng vì sao mà từ vô lượng kiếp đến nay mình không thoát khỏi cái khổ luân hồi sinh tử, luôn luôn hồ đồ ngu tối như vậy?

*

Là bởi vì cái “trương mục ngân hàng” của mình không có rõ ràng; đầy những thứ hỗn tạp, cái thanh tịnh và cái nhiễm ô mỗi thứ một nửa, cho nên không ra khỏi Lục Ðạo luân hồi! Nếu mình muốn chân chính tu hành thành Phật thì trước khi thành Phật mình phải dũng mãnh tinh tấn, không được tùy tiện. Cần phải biết rằng: Một ngày đã qua, Mạng cũng giảm dần, Như cá cạn nước, Thử hỏi gì vui? Ðại chúng! Hãy siêng tinh tấn, Như đầu bị đốt. Chỉ nhớ vô thường, Chớ mặc buông lung.

Có người hoài nghi: “Phải chăng có ông Diêm La Vương và có con quỷ Vô Thường (Thần Chết) thật?” Cái đó phải xét coi các vị có thể chẳng chết hay không? Nếu các vị có thể chẳng chết tức là không có con quỷ Vô Thường. Nếu các vị có bản lãnh ghê gớm, không thọ quả báo thì tức là không có ông Diêm La Vương.

Bạn có thể chẳng chết hay không? Nếu không thể được thì đương nhiên là có ông Diêm La Vương và con quỷ Vô Thường; các vị đừng cho rằng mình hết sức thông minh, “tự bịt tai đi ăn cắp chuông, vừa rung chuông vừa chạy” tự mình lừa dối chính mình. Các vị phải biết, từ vô lượng kiếp đến nay bởi vì không tin có ông Diêm La Vương hay có quỷ Vô Thường cho nên mình mới ở trong Lục Ðạo luân hồi, quay đi quay lại, chẳng cách gì thoát khỏi vòng sinh tử được!”

( Theo Khai Thị – Hòa Thượng Tuyên Hóa)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Những điều Mẹ chưa kể

12 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog