Con cháu Ma Vương phá Phật Pháp
Pháp Giới 11 tháng trước

Con cháu Ma Vương phá Phật Pháp

Con cháu của Ma Vương phá Phật pháp vào thời mạt là điều mà đức Phật đã từng huyền ký. Bởi tà ma ngoại đạo, dù quyền năng cách mấy cũng không thể phá hoại được Phật  pháp. Chỉ duy có đám quyến thuộc của Ma vương, trà trộn vào chốn tùng lâm mà phá hoại từ bên trong mới có thể khiến Phật pháp suy tàn. Pháp nạn này được gọi là “Sư Tử Trùng” vậy.

Đau buồn thay, điều đó nay đã trở thành hiện thực, ngay trên mảnh đất Việt Nam bé nhỏ này. Khi lũ ma con trà trộn nơi cửa Phật mà lộng ngôn truyền bá rằng: Đức Phật A Di Đà là tưởng tượng, kinh A Di Đà, kinh Lăng Nghiêm, Kinh Địa Tạng…là giả!

Bởi đức Phật không bao giờ nói dối, chư Tổ không bao giờ nói dối. Cho nên nếu bạn nghe một lời hủy báng pháp xin chớ vội tin. Hãy tĩnh tâm xét xem kẻ nói ra lời ấy có phải bậc tu hành chân chính hay không? Có giữ giới tinh nghiêm hay không? Có đúng với kinh văn của đức Phật thuyết hay không?…Xin hãy giữ vững tín tâm, chớ để lung lạc bởi đám tà sư thuyết pháp mà tự đoạn đi pháp thân huệ mạng của chính mình.

  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
  • Kinh Pháp Diệt Tận.
  • Giác ngộ là gì.
  • Đạo Phật là gì.
  • Kinh Thủ Lăng Nghiêm.
  • Dấu hiệu người đắc quả A La Hán.
  • Dấu hiệu người đắc quả Tu Đà Hoàn.
Con cháu Ma Vương phá Phật Pháp
Con cháu Ma vương phá Phật pháp

Con cháu Ma vương phá hoại Phật Pháp

Hòa Thượng Tuyên Hóa bảo: “Đức Phật đã dùng định lực để thắng lực thần thông của ma vương trong khi đấu pháp với chúng. Lúc đó ma vương bèn nói với Phật rằng: “Bây giờ tôi không có cách gì để thắng được ông. Nhưng chờ đến tương lai sau nầy, khi đệ tử của ông không có đủ định lực, tri kiến lại bất chánh; lúc đó tôi sẽ đục cửa chui vào nhà ông mà mặc áo của ông, ăn cơm của ông; sau đó tôi lại còn tiểu tiện vào trong bát của ông, thử xem ông sẽ làm sao!” Đức Phật Thích Ca điềm nhiên nói: “Thế thì ta không có cách gì cả.”

Rõ ràng hiện nay, đã có người xuất gia công khai nói Kinh A Di Đà là giả. Họ nói lý do là trong kinh có những câu không có căn cứ để khảo chứng như: “Từ đây đi về phương tây, trải qua mười vạn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực Lạc.” Ông ấy hỏi rằng: “Vị quan địa phương nào đo vậy? So ra khoảng cách của mười vạn ức cõi Phật có lẽ là nhiều hơn một chút, hoặc cũng có lẽ là ít hơn một chút. Thế thì có chắc là mười vạn ức cõi Phật không?” Đúng là những lời lý luận ngu si xằng bậy, chỉ làm trò cười cho thiên hạ!

*

Gần đây, lại có vị xuất gia tuyên bố với mọi người rằng Kinh Lăng Nghiêm là ngụy tạo, đừng nên tin. Bởi căn cứ vào đoạn kinh văn: “Nhân ngày húy kỵ của vua cha, vua Ba Tư Nặc thiết trai thỉnh Phật vào cung điện. Nhà vua đích thân nghênh đón đức Như Lai, và thiết bày đầy cả thức ăn quý.” Vị đó cho rằng đoạn văn nầy không phù hợp với phong tục Ấn Độ lúc đương thời – bởi ở Ấn Độ không giảng về đạo hiếu.

Nhân đó ông quyết đoán rằng Kinh Lăng Nghiêm là ngụy tạo, không phải do Phật thuyết giảng. Đó chính là hành vi hủy kinh báng Phật, và quả báo của sự hủy báng nầy khó mà tưởng tượng nổi. Tư tưởng của sư nầy thật quá ấu trĩ! Tâm sư ở đâu, quý vị có thể suy ra thì biết!

Trong Kinh Pháp Diệt Tận nói rằng: “Tương lai khi đến thời kỳ Mạt Pháp, bộ kinh Lăng Nghiêm sẽ bị hủy diệt trước hết.” Bởi vì Kinh Lăng Nghiêm là đại biểu cho thời đại Chánh Pháp. Nếu không có kinh Lăng Nghiêm, tức là không có Chánh Pháp. Hiện nay có rất nhiều sơn yêu thủy quái, chúng chủ trương là Kinh Lăng Nghiêm không phải do Phật nói, và muốn mọi người đừng tin. Nếu không tin Kinh Lăng Nghiêm, vậy bao nhiêu Kinh điển khác đều có thể lấy bút quẹt bỏ hết mà không tin luôn à! Vì sao? Bởi không có căn cứ chăng! Cho nên quý vị có thể thấy rằng tâm địa của ma vương quả thật quá cay độc!

*

Đây cũng bởi vì Kinh Lăng Nghiêm nói lên sự thật quá rõ ràng. Trong khi ma vương lại không thể giữ được Tứ Chủng Thanh Tịnh Minh Hối; cũng không thể tu được Pháp Môn Viên Thông của hai mươi lăm vị Thánh; và càng không dám đọc về cảnh giới của Năm Mươi Loại Ấm Ma. Vì nó sợ bại lộ nguyên hình, khiến cho người ta biết được bộ mặt thật của nó. Cho nên nó mới tìm cách hủy diệt Kinh Lăng Nghiêm. Hủy diệt đây không phải là đốt kinh điển, mà là hủy diệt kinh từ trong tâm chúng sanh, khiến cho mọi người mất lòng tin đối với Kinh Lăng Nghiêm.

Chuyện trên đời là kỳ diệu như thế đấy. Thật rất ít có ai nhận biết được. Cũng giống như nghề buôn, người bán thuốc giả thì rất đắc hàng; trong khi người bán thuốc thật lại chẳng có ai mua. Tại sao? Bởi không có người chân chánh nhận biết được giá trị của nó. Cho nên tôi bảo là sự thật thì không ai nhận biết, còn giả thì lại làm cho mọi người say mê. Đó là đạo lý rất dễ hiểu thôi!

Hiện nay là thời kỳ Mạt Pháp, có nhiều người phỉ báng và không tin các vị sư chân chánh tu trì Phật Pháp. Nhưng các sư giả, bởi giảng pháp quá náo nhiệt nên có rất nhiều người đến nghe Pháp, đến nỗi trong giảng đường không còn chỗ chứa, người ta chen chúc như hộp cá mồi, chật thở không ra hơi.

*

Thế mà lại có người xuất gia đề xướng khẩu hiệu không ăn chay. Ông sư nầy nói với mọi người rằng: “Phàm hễ là người ăn chay đều có tâm tham; còn người không ăn chay mới không có tâm tham.” Lý luận như vậy thật là chọc cười cho cả thiên hạ, là làm mù mắt người, khiến cho người ta hồ đồ. Hồ đồ qua, hồ đồ lại, hồ đồ cho đến lúc xuống địa ngục, vĩnh viễn không bao giờ thoát khỏi.

Cho nên khi học Phật Pháp, chúng ta cần nên có trạch pháp nhãn, con mắt biết chọn lựa Pháp thì mới có thể phân biệt được phải hay trái, đúng hay sai và thiện hay ác một cách rõ ràng. Nếu không vậy, chúng ta chẳng khác gì như người mù sờ voi, mò không ra được đạo lý chân chánh. Người ta nói sao thì mình lập lại y như vậy, nghe rồi phụ họa theo. Người ta nói con voi như bức tường, mình cũng nói theo là voi như bức tường. Người ta nói con voi giống như cây cột, mình cũng phụ họa nói voi giống cây cột. Rốt cuộc thì con voi giống như cái gì? Chúng ta đều chẳng biết.

Khi học Phật Pháp, chúng ta phải hiểu cho được đạo lý, chứ đừng đi theo một cách mù quáng. Mọi người nên đặc biệt chú ý điểm nầy!

Vì sao Ma vương khảo người Học Phật

Con người tất phải tu đạo, không tu thì chẳng có đạo, phải tu mới có đạo. Song, bạn không tu đạo thì vấn đề gì cũng chẳng có. Một khi bạn bắt đầu tu đạo, thì vấn đề sẽ xảy đến. Tại sao có vấn đề ? Ðó đều do tiền kiếp đã tạo ra, có đủ thứ nhân duyên khác nhau, trong đó những nợ nần đầy dẫy hỗn tạp chẳng rõ ràng. Vì những nhân duyên ràng buộc, cho nên đời nay mới phát tâm tu đạo, thì ma vương đến đòi nợ, tạo các nghịch cảnh khiến cho bạn sinh phiền não mà thối bồ đề tâm.

Người vào thời đại mạt pháp, tâm sân rất nặng cho nên thường sinh tâm phiền não đối với người chẳng có phiền não, đối với vật dễ khởi phiền não, không những đối với súc sinh, quỷ thần sinh phiền não, mà thậm chí đối với Bồ Tát với Phật cũng nóng giận, cuối cùng đối với chính mình cũng nóng giận! Ðó là vì quá khứ tại nhân địa vô minh quá nhiều, phiền não quá nặng, tạo những nghiệp chướng hồ đồ, đời nay mới có đủ thứ phiền não chướng ngại hiện tiền. Có những người lúc tu hành thì phát nguyện nói chẳng sinh tâm phiền não, không ngờ không nói nguyện nầy thì còn tốt, một khi phát nguyện rồi thì phiền não lập tức xảy đến.

*

Tại sao? Ví như ở trường học thì học sinh phải trải qua kỳ thi mới được lên lớp. Tu đạo cũng như thế, phải trải qua sự thử thách mới làm được, khó nhẫn mà nhẫn được, khó thọ mà thọ được, khó hành mà hành được, ăn được những gì người không thể ăn, cho đến làm được những gì người không làm được, đó mới là bổn phận của người tu đạo.

Vì muốn chiến thắng Thánh nhân và chiếm độc bá một phương, cho nên Ma vương mới gây phiền phức khắp nơi để Thánh nhân phải đầu hàng và quỳ gối xưng thần. Quý vị nên kiên nhẫn, đừng thối chí và tuyệt đối không được dựng cờ trắng đầu hàng. Quý vị phải phấn đấu cho đến cùng và thắng lợi sau cuối sẽ thuộc về quý vị. Cho nên nói: “Muốn thành Phật ắt bị ma phá, muốn làm người tốt thời oan nghiệt tìm.” Kẻ không có đủ đức hạnh sẽ tùy theo gió thổi bập bềnh nổi trôi rồi đọa lạc. Người có đủ đức hạnh sẽ không bị ma vương làm dao động. Tại sao vậy? Bởi đời đời kiếp kiếp họ đã có căn tu hành thâm hậu, thành thử bất cứ ma gì họ cũng không sợ.

Tật xấu mà chúng ta thường hay phạm là thích được người ta tán thán và ưa được tâng bốc. Như khi được người khen một câu thôi là mình đã thấy lâng lâng mê mẩn tinh thần rồi. Vậy làm sao thành được Phật đây? Tự chính mình cũng không biết, không rõ. Nếu có thể giữ giới và tu định, chúng ta sẽ có trí huệ.

*

Khi đã có trí huệ rồi, chúng ta sẽ không động tâm bởi những lời khen chê, phỉ báng. Nếu ai phỉ báng mình, trong lòng mình cũng không chút gì bực bội; nếu có người khen mình, lòng mình cũng không chút gì mừng vui. Thực ra, sự khen chê hoặc phỉ báng chỉ là những thứ gió của thế gian, gọi là “Tám gió thổi không động.” Sao gọi là bát phong, tám gió? Đó là xưng, cơ, khổ, lạc, lợi, suy, hủy, dự; tức là: khen ngợi, chê bai, khổ sở, vui vẻ, lợi  lộc, suy yếu, hủy  báng và danh dự. Nếu bị tám gió nầy thổi đến mà tâm bị dao động, thế tức là quý vị không có nền tảng vững vàng.

Cái gì gọi là nền tảng? Đó là đức hạnh. Người không đủ đức hạnh thì tánh tình rất nóng nảy, vô minh cũng rất nặng nề. Người có đức hạnh sẽ không nóng giận, và có thể biến hóa vô minh thành trí tuệ. Cho nên, chúng ta tu hành là phải lo bồi dưỡng đức hạnh.

Người học Phật phải chú trọng đến đức hạnh và không được làm những chuyện thất đức, vì đó là chân đế của sự tu hành. Muốn tiêu trừ nghiệp chướng, chúng ta phải cúng dường. Vì cúng dường có thể bồi phước, bồi huệ; cho nên chúng ta phải tu đạo, tu đức. Bằng không, dù chúng ta có tu Lục Độ cũng chẳng có tác dụng đâu. Lục độ được lập ra là để cho chúng ta chuyên tu đạo, tu đức. Người tu hành nếu không chú trọng đến đạo đức thì sẽ tạo nghiệp!”

*

( Con cháu Ma vương phá Phật pháp – Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa khai thị )

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Tiểu sử Phật Hoàng Trần Nhân Tông là ai? Vị sư tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

68 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog