Người Xuất Gia và ý nghĩa Xuất Gia của đạo Phật
Pháp Giới 11 tháng trước

Người Xuất Gia và ý nghĩa Xuất Gia của đạo Phật

Tổ Thiền Tâm bảo: “Ý nghĩa chân thật của Xuất Gia là phải ra khỏi nhà tam giới, hay ít nữa ra khỏi nhà phiền não, không phải chỉ ra khỏi nhà thế tục vào cửa chùa, cạo tóc mặc áo cà sa là đủ.” Có ba ý nghĩa về xuất và bốn hạng người xuất gia:

Ba ý nghĩa của Xuất gia là:

  1. Xuất thế tục gia.
  2. Xuất phiền não gia.
  3. Xuất tam giới gia.

Bốn hạng người xuất gia là:

  1. Thân xuất gia, tâm xuất gia.
  2. Thân xuất gia, tâm không xuất gia.
  3. Thân không xuất gia, tâm xuất gia.
  4. Thân không xuất gia, tâm không xuất gia.

Khi tôi thắc mắc về người xuất gia với một bậc Chân tu, Ngài ấy bảo: “Chúng ta đã ở sâu vào thời pháp nhược ma cường, chướng nghiệp trùng trùng lớp lớp. Người học Phật ít người phát tâm xuất thế, đa phần cầu sức khỏe và phước lộc mà thôi. Chánh pháp hiện suy vi đến cùng cực, khiến người chân chánh học Phật không khỏi thở than…!

*

Thời đại này nếu tự lượng sức mình có thể giữ giới tinh nghiêm, chỉ một tâm độ sanh không màng danh lợi, một lòng không thối chuyển, thì hãy nghĩ đến cạo tóc xuất gia. Bằng không thì ở nhà chuyên tâm niệm Phật cầu vãng sanh là tốt nhất. Tại sao thế? Bởi thời mạt pháp này, chướng nghiệp mà người xuất gia phải chịu nặng gấp nhiều lần so với ở tại gia.

Nói giản lược thì Tu tại gia dễ hơn tu ở Chùa rất nhiều! Nhiều quý Thầy tu trì cẩn mật, giới hạnh tuy chưa trì được ở Vi tế, nhưng cũng được ở mức thô căn bản. Khi danh tiếng còn chưa có thì tinh tấn tu hành, lúc có người tung hô cúng dường, khởi tâm ngã mạn thì 10 người rớt hết chẳng còn ai!

Đường giải thoát nhiều hiểm nạn chướng duyên, nhìn gương những thầy nổi tiếng trong nước mà chẳng lạnh gáy đấy ư? Bài nhân bác quả, bài cả kinh điển Đại thừa, cho kinh Lăng Nghiêm, kinh Địa Tạng, kinh A Di Đà là ngụy kinh…Có vị bày đủ trò cúng sao giải hạn, có vị thỉnh oan gia thu tiền bá tánh,…Gieo mê tín lừa gạt tiền bá tánh chẳng khác chi gieo nhân Vô gián địa ngục, biết bao giờ được thoát?”

  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
  • Thập thiện nghiệp là gì.
  • Quy y Tam bảo là gì.
  • Ngũ Ấm Ma là gì.
  • Sự thật về hạn tam tai.
  • Chép kinh Phật cảm ứng chuyện.
  • Làm thế nào để biết ai là bậc Chân tu.

 

Người Xuất Gia và ý nghĩa Xuất Gia của đạo Phật
Người xuất gia và ý nghĩa của xuất gia

Người Xuất Gia

Hòa Thượng Tuyên Hóa dạy: “Xuất gia là xuất Tam Giới gia (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới), và cũng là xuất Thế tục gia. Thế tục gia là nhà của người đời; ra khỏi nhà người đời rồi tức là mình không còn quan niệm như người đời nữa.

Xuất gia cũng có nghĩa là xuất Phiền não gia. Chúng ta, mỗi người trên thế gian này, đều đang ở trong cái nhà phiền não. Khi nóng giận thì mình cảm thấy rằng ăn bất cứ của ngon vật lạ nào cũng đều không có mùi vị gì cả, cho nên khi mình xuất gia là muốn xuất ra khỏi nhà phiền não. Xuất gia còn có nghĩa là xuất Vô minh gia. “Vô minh” tức là không có hiểu biết rõ ràng, chuyện gì cũng không thấu suốt, làm chuyện gì cũng điên đảo cả. Do đó phải ra khỏi cái nhà vô minh.

Người Xuất gia cũng do nhiều động cơ khác nhau. Như ở Trung Hoa, có nhiều người vì lớn tuổi rồi mà không có thân thích để nhờ cậy, cho nên họ xuất gia để về sau có người săn sóc cho dễ dàng. Có kẻ thì vì hoàn cảnh bức bách nên xuất gia; hoặc là vì phạm pháp, giết người nên muốn đổi danh đổi tánh, đổi mặt đổi mày, làm người xuất gia để luật vua không tầm nã nữa. Có kẻ thì vì khó nuôi nên gia đình quyết định đem cho nhà chùa. Ðó là ba loại người xuất gia, có tu hành được hay không thì chưa biết; có thể họ tu được, mà cũng có thể họ chẳng tu được!

*

Lại có kẻ chân chánh vì vấn đề sinh tử, phát tâm Bồ đề, mà xuất gia. Hạng xuất gia như vậy nếu họ không bao giờ thối tâm thì đúng là chân chánh tu hành. Họ vì đau khổ nghĩ đến vấn đề sinh tử mà phát tâm đại Bồ đề, y chiếu theo lời Phật dạy mà tu hành.

Cho nên xuất gia có nhiều tâm trạng và hoàn cảnh khác nhau. Song, sau khi xuất gia rồi thì đừng có phạm lỗi lầm mà phải trở nên thanh tịnh, xa lìa mọi tội lỗi, khôi phục lại tâm thanh tịnh bản hữu của chính mình, vĩnh viễn ra khỏi nhà Tam Giới, ra khỏi nhà Phiền não, ra khỏi nhà Vô minh, ra khỏi nhà Thế tục.”

Ý nghĩa Xuất gia của Ðạo Phật

Về ý nghĩa xuất gia của đạo Phật, Đại Ninh Bồ Tát dạy: “Bởi những lạc thú của đời chưa phải là tuyệt đối an vui, nên mới có nhiều xu hướng giải thoát khác nhau. Và để thực hiện những xu hướng đó, phần đông các giáo phái đã lựa hình thức xuất gia, vì tục duyên là cảnh tham nhiễm và bao mối dây ràng buộc đối với người muốn đi trên đường giải thoát. Riêng về sự xuất gia của đạo Phật, thì có ba ý nghĩa hay ba giai đoạn:

1. Giai đoạn thứ nhất là xuất thế tục gia.

Ðây là phương diện thoát ly gia đình, dứt hết tục duyên để yên tâm học đạo. Kinh Hiền Ngu dạy: “Nhà thế tục là ổ hang ân ái, nơi đủ các sự ràng buộc, là cảnh giả tạm vô thường. Những kẻ được hưởng phước lạc ở cõi người cho đến cõi trời, đã phóng túng say mê theo dục vọng. Họ không có con mắt trí huệ để nhận xét: đó là cảnh giả dối không thật, là hố lửa sâu thiêu đốt kẻ ngu si tham vọng, là hầm cạm bẫy đưa dắt chúng sanh vào nơi ác thú luân hồi.

Giả sử có vị nào xây tháp bằng bảy báu, công đức ấy cũng chưa bằng cho người đi xuất gia, vì tháp thất bảo kia có ngày sẽ bị kẻ tham ác ngu si phá hủy. Những ai cản trở người phát tâm xuất gia, kẻ đó sẽ bị tội đọa vào Địa ngục Hắc ám, hoặc bị đui mù. Ví như nước tất cả các sông lớn, sông nhỏ, ngòi, lạch, khe, suối, đều chảy về biển, sự thọ tội báo của kẻ ấy cũng sẽ như thế. Cho người đi xuất gia hay chính mình xuất gia, công đức sâu rộng như trời xanh biển thẳm.”

2. Giai đoạn thứ hai là xuất phiền não gia.

Sau khi lìa nhà thế tục, người tu phải y theo lời Phật dạy, cố gắng lần lượt dứt trừ những nghiệp tham lam, giận hờn, si mê, để ra khỏi nhà phiền não, vào cảnh thanh lương. Về ý nghĩ nầy, Ðạo An pháp sư có mấy lời cảnh sách theo lối văn liên vận tuy chất phát bình dị, nhưng đầy ý nghĩa:

“Ông đã xuất gia, xa lìa mẹ cha. Cạo tóc hủy hình, khoác mảnh áo dà. Ngày từ thân thuộc, lớn nhỏ lệ sa. Diệt tình vui đạo, chí cao thiên hà. Nên giữ tâm ấy, học nghiệp cho minh. Nếu còn đem tâm theo đường sắc thinh. Lửng lơ năm tháng, đạo nghiệp không thành. Ðức hạnh ngày tổn, tiếng xấu càng sanh. Thầy bạn hổ thẹn, người tục cười khinh. Xuất gia như thế, chỉ thêm nhục mình. Nay lời khuyên nhắc, phải gắng chuyên tinh!

*

Ông đã xuất gia, nhẹ tình quân thân. Phải nên cố gắng, chí nhìn thanh vân. Xa miền danh sắc, phong thái siêu trần. Vàng ngọc chẳng quý, duy đạo là hơn. Giữ tiết thanh cao, nghèo khổ không sờn. Tu đức độ mình, độ khắp thế nhơn. Nếu như cải tiết, theo lối phong trần. Ngồi chẳng ấm chiếu, chạy khắp tây đông. Thân như sai dịch, danh lợi mê lòng. Giới đức kém thiếu, đạo lý chẳng thông. Ðàn tín bình luận, bạn hữu xa lần. Xuất gia như thế, năm tháng uổng không. Nay lời khuyên nhắc, tự thương tự phòng!

Ông đã xuất gia, tối hoặc thông minh. Học dù nhiều ít, hạnh phải chuyên tinh. Bậc thượng thiền quán, bậc trung tụng kinh. Bậc hạ gieo phước, chùa tháp kinh dinh. Ðâu nên hôm sớm, một việc không thành. Xuất gia như thế, luống uổng kiếp sinh. Nay lời khuyên nhắc, chớ nên phụ mình!”

3. Giai đoạn thứ ba là xuất tam giới gia.

Sau khi đã hàng phục phiền não, người tu phải cố gắng đi sâu vào thiền định, phá tan hết hoặc-nghiệp để vượt ra ba cõi, thoát nẻo luân hồi. Ðây mới là bước cứu cánh của xuất gia. Và theo cổ đức, đây mới gọi là làm xong việc lớn của người tăng sĩ. Một vị thiền khách đã diễn tả sự đắc ý ấy như sau:

Tay với vòm Nam đẩu.

Mình nghiêng dựa Bắc thần.

Ngước nhìn ngoài vũ trụ.

Ai ấy bạn siêu nhân?”

Tóm lại, người xuất gia dù chưa ra khỏi nhà tam giới, ít nhất cũng phải thoát ly nhà thế tục và nhà phiền não. Nếu kẻ đã cạo tóc mặc pháp phục, mà chỉ lo củng cố chùa chiền xem như cảnh tư hữu của mình, quanh năm mưu cầu danh lợi hoặc tranh dành đệ tử bổn đạo, xem như hàng quyến thuộc của mình, thì tuy lìa khỏi sự ràng buộc về gia đình của đời, nhưng chưa thoát ly sự ràng buộc về gia đình của đạo. Như thế cũng chưa đúng với ý nghĩa xuất gia thứ nhất.

*

Cho nên một vị tăng hay ni, dù có chùa chiền, đệ-tử bổn đạo, phải xem là nhân duyên giả huyễn, đừng sanh lòng tham đắm. Nên giữ đúng theo lời Phật dạy: “Bồ Tát tuy thị hiện có vô biên quyến thuộc nhưng nơi tâm vẫn không quyến thuộc”. (Bồ Tát tuy thị hiện vô biên quyến thuộc, nhưng tâm hằng vô quyến thuộc). Và, nếu như một vị tăng vân thủy không lưu trụ nơi đâu, xem có vẻ siêu thoát, nhưng nơi ngôn hạnh còn lộ vẻ tham sân si, cũng chưa đúng với phong thái xuất gia, bởi kẻ ấy còn trong nhà phiền não.

Bậc thiền đức khi xưa đã gọi xuất gia là việc trọng hệ khó khăn không phải khả năng của quan văn hay võ có thể làm được, là như thế đó.

Bốn hạng người Xuất gia

Theo Kinh Lăng Nghiêm giảng giải: “Cứu cánh vào đạo là yếu tố quan trọng nhất của người phát tâm Bồ đề để đi đến giải thoát giác ngộ. Dựa theo Phật giáo, xuất gia có những trường hợp như sau:

1. Thân xuất gia, tâm xuất gia.

Đây là những bậc xuất gia pháp khí, rất đáng kính trọng, là thầy của Trời, người, ba cõi. Tâm hằng thanh tịnh, trong sáng như pha lê, chiếu suốt mười phương thế giới. Họ là tấm gương sáng chói cho hàng xuất gia và chúng tại gia.

2. Thân xuất gia, tâm không xuất gia.

Nghĩa là những vị tu hành tuy thân đã vào đạo mà tâm vẫn còn đắm nhiễm thế tục, thích việc hý luận thế gian. Vì thế nơi nào có danh văn lợi dưỡng là có mặt vị này. Vì thế những vị tu hành mà không tu theo Thiền na, nghĩa là họ không nhập định được thì tâm vọng động sẽ nổi lên. Nhà Phật gọi là “thối đọa” nghĩa là tu lâu mà không đạt được gì cả. Lúc đó họ sẽ sinh tâm ham danh lợi, thích tham gia hoạt động chính trị thay vì tu tâm cầu giải thoát.

Tại sao? Bởi vì danh lợi, tài sắc lúc nào cũng núp ở trong tâm của con người, nó chỉ đợi có cơ hội để phát hiện. Cho nên nếu người không nhập vào đại định để có đủ trí tuệ mà tiêu diệt nó. thì sự xuất hiện của tham-sân-si chỉ còn là vấn đề thời gian trước hay sau, mau hay chậm mà thôi.

Định không thể diệt được tham-sân-si mà chỉ có thể đè nén nó xuống. Cũng như cục đá lớn đè lên cỏ làm cỏ không lớn được, nhưng cỏ đâu có chết. Nhưng khi tâm đã định thì trí tuệ lúc bấy giờ sẽ phát sinh làm hành giả trực nhận rất rõ ràng bản chất thật của tham-sân-si mà đối trị và tiêu diệt nó. Nói tóm lại, vị tu hành nào mà còn ham chính trị, còn chạy theo những tham vọng thế tục, thì chắc chắn đây là tâm bất định, tâm bất giác, bất an.

3. Thân không xuất gia, tâm xuất gia.

Tức là những người tâm đã thấu suốt pháp giới tánh, trực ngộ chân lý, nhưng muốn hòa mình với thế gian để tùy duyên mà hóa độ chúng sinh. Họ có gia đình, con cái, địa vị trong xã hội; làm ăn buôn bán nhưng không đắm nhiễm bụi trần, tâm hoàn toàn thanh tịnh. 

4. Thân không xuất gia, tâm không xuất gia.

Đây là những người chìm đắm trong ái dục, chạy theo lục dục thất tình, nên trôi nổi trầm luân trong lục đạo luân hồi. Đời này tan, đời khác đến không tìm ra lối thoát. Họ đâu biết rằng nụ cười thì ít mà nước mắt thì nhiều. Cho nên Phật mới dạy rằng: ”Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển”. Chúng sinh lặn hụp trong ba cõi, lên xuống trong sáu đường, sinh sinh diệt diệt cho nên Đức Phật cũng dạy rằng: ”Xương chúng sinh chất còn cao hơn núi Tu Di” là vậy”

( Người xuất gia và ý nghĩa của Xuất gia trong Đạo Phật)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Chánh kiến là gì

13 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog