Dấu hiệu người đắc Quả Tu Đà Hoàn
Pháp Giới 12 tháng trước

Dấu hiệu người đắc Quả Tu Đà Hoàn

“Bậc Tu Đà Hoàn là Thánh nhân chứng được Sơ quả, quả vị đầu tiên của hàng A la hán. “Tu Đà Hoàn” là tiếng Phạn và có nghĩa là Nhập lưu (vào dòng), Dự lưu (tham dự vào dòng), hoặc Nghịch lưu (ngược dòng).

“Nhập lưu” tức là “nhập Thánh nhân Pháp tánh lưu” – Gia nhập dòng Pháp tánh của Thánh nhân.

“Nghịch lưu” nghĩa là “nghịch phàm phu Lục trần lưu” – Đi ngược lại dòng Lục trần của phàm phu. Lục trần là hình sắc, âm thanh, mùi hương, mùi vị, cảm xúc và pháp. Như vậy Tu Đà Hoàn là bậc tu hành đã đoạn trừ được Kiến hoặc và chứng được Sơ quả, dự vào hàng Thánh Nhân.”

Chúng ta nay đã ở sâu vào thời Pháp nhược ma cường. Hàng Thiên ma cùng con cháu thâm nhập vào Chánh Pháp của Như Lai, mặc áo ngồi tòa. Chúng tinh vi phá hoại Phật pháp từ bên trong, tự xưng ta đã đắc quả này, thánh vị kia, gây tông lập phái…Chúng không ngần ngại tung ra những luận thuyết hồ đồ: Nào khởi lên tranh cãi Tiểu Thừa, Đại Thừa; nào tranh cãi Nam Tông với Bắc Tông; Nào bác phá và đốt hủy kinh điển Đại Thừa, bảo rằng các kinh Địa Tạng, Lăng Nghiêm là ngụy kinh…Hiểm họa “Sư Tử Trùng” càng ngày càng trầm trọng!

*

Nay tôi trích đăng kiến giải của Tuyên Hóa Thượng Nhân về quả vị của Thánh Nhân. Lại thêm bài giảng của Hòa Thượng Thích Trí Tịnh về cách nhận biết người đắc Sơ quả – quả vị thấp nhất trong hàng Thánh. Nguyện đọc hữu duyên nắm được vững vàng chánh kiến, để không bị những kẻ lạm xưng đã giác ngộ, đã đắc quả dụ vào lưới của Ma vương!

Đắc quả hoặc giác ngộ vô cùng khó! Bậc Chân tu giới hạnh cực tinh nghiêm, tu trì nghiêm mật tất là người khiêm hạ; Chỉ một mực tự nhận mình là phàm phu, không bao giờ bảo mình chứng nọ đắc kia. Chỉ có hàng con cháu của Ma vương, không biết mình mắc Đại Vọng Ngữ, mới dám tự xưng là ta đã giác ngộ hay ta đã đắc quả Thánh!

  • A La Hán và 18 A La Hán.
  • Tam giới là gì.
  • Cận tử nghiệp vô cùng đáng sợ
  • Thiên ma là loại ma gì.
  • Cảnh giới trên bước đường học Phật.
  • Hội Long Hoa là gì.
  • Sự thật về hạn Tam tai.

 

Dấu hiệu người đắc Quả Tu Đà Hoàn
Dấu hiệu đắc quả Tu Đà Hoàn

Quả Vị Tu Đà Hoàn

Hòa Thượng Tuyên Hóa bảo: “Chứng được Sơ quả tức là đã đoạn trừ được kiến hoặc. Chúng ta đều có kiến hoặc và tư hoặc – Đều bị mê hoặc bởi cái thấy (kiến) cũng như bởi ý nghĩ (tư). Chính hai thứ “hoặc” (u mê) này chi phối con người đến nỗi trở nên hồ đồ, mê muội.

Vì thế, nếu muốn chân chánh khai ngộ thì phải đoạn trừ hai thứ “hoặc” này – Kiến hoặc phải được đoạn dứt và tư hoặc cũng phải được trừ khử! Thế nào gọi là “kiến hoặc”? “Kiến hoặc” có nghĩa là “đối cảnh khởi tham ái” – Hễ trông thấy sự vật thì sanh lòng ham muốn và yêu thích. “Tư hoặc” có nghĩa là “mê lý khởi phân biệt” – Bị mê mờ, không hiểu đạo lý, nên nảy sanh lòng phân biệt.

“Kiến” có nghĩa là nhìn thấy, trông thấy. Quý vị trông thấy sự vật và bị chúng mê hoặc, cám dỗ. Vì bị mê hoặc nên quý vị chạy theo cảnh giới, bị cảnh giới lay chuyển. Do bị giao động bởi cảnh giới nên quý vị sanh lòng tham lam và yêu thích. Có lòng tham tất sẽ có sự chấp trước, và có lòng yêu thích thì sẽ không thể buông bỏ.

Vì chấp trước và không thể buông bỏ, nên quý vị không thể chứng được Thánh quả. Nếu quý vị muốn chứng được Thánh quả, thì cần phải đoạn trừ kiến hoặc! Có bao nhiêu phẩm kiến-hoặc? Có tám mươi tám phẩm! Nếu đoạn dứt được tám mươi tám phẩm kiến hoặc này, thì sẽ chứng được quả vị đầu tiên của hàng A la hán và trở thành bậc Tu đà hoàn. Bậc Tu đà hoàn là Thánh nhân Sơ quả.

*

Thế nào gọi là “Dự lưu”? “Dự” tức là tham dự, tham gia, và cũng ngụ ý “đạt được.” Do đó, “Dự lưu” có nghĩa là được tham dự dòng Thánh, được gia nhập hàng ngũ của các bậc Thánh nhân.

“Bậc Tu đà hoàn còn bảy lần sanh và bảy lần tử nữa mới chứng được quả A la hán.” Bậc Thánh nhân đã chứng được Sơ quả còn phải trải qua bảy lần sanh ra và bảy lần chết đi – Bảy phiên sanh tử nữa. Sau khi đã trải qua bảy phiên sanh tử ấy, các ngài sẽ đắc Tứ quả A la hán và chấm dứt sanh tử.

Bảy phiên sanh tử được phân ra như sau:

*

-Tại phẩm thượng thượng của Dục giới, bậc Tư đà hoàn nhậm vận đoạn trừ tham, sân, si, mạn; và ngài phải trải qua hai phiên sanh tử mới đoạn trừ xong.

-Tại phẩm thượng trung của Dục giới, ngài trải qua một phiên sanh tử;

-Tại phẩm thượng hạ của Dục giới, ngài trải qua một phiên sanh tử;

-Tại phẩm trung thượng của Dục giới, ngài trải qua một phiên sanh tử;

-Tại các phẩm trung trung và trung hạ của Dục giới, ngài trải qua một phiên sanh tử;

-Tại các phẩm hạ thượng, hạ trung và hạ hạ của Dục giới, ngài trải qua một phiên sanh tử.

Như vậy tổng cộng là bảy phiên sanh tử. Sau khi trải qua bảy lần sanh ra và bảy lần chết đi như thế, bậc Tu đà hoàn mới có thể chứng đắc quả vị A la hán. Chứng được quả vị A la hán là chấm dứt Phần đoạn sanh tử.

Trình tự trên đây là dựa theo những lý lẽ rất tự nhiên mà liệt kê thôi. Gặp trường hợp cá biệt, như kẻ tu hành là những người đặc biệt, thì không nhất định. Những người có căn khí đặc biệt mà tu hành thì họ có thể từ Sơ quả trực tiếp chứng được Tứ quả A la hán. Trường hợp của thân mẫu ngài Cưu Ma La Thập là từ Sơ quả mà chứng đắc Tam quả A la hán. Cho nên, trình tự chứng quả vị không phải là cố định.”

Những Dấu Hiệu để nhận biết người đắc quả Tu Đà Hoàn

Hòa Thượng Trí Tịnh giảng: “Không có ai vỗ ngực xưng là tôi được Tu đà hoàn, vì việc đó không dễ đâu. Khi được quả Tu đà hoàn, có hiện tượng gì trước nhứt?

Vị Tu đà hoàn đã vào dòng Thánh, nên hiện tượng trước nhứt mà vị đó biểu lộ là “ly ngộ sát” (không giết lầm). Người còn giết lầm là biết chưa được bậc Tu đà hoàn.

Vị Tu đà hoàn được đạo lực tự nhiên như vậy, vì quả đó có khả năng, có công đức hiện ra; không phải cái suy nghĩ vì suy nghĩ thì không còn lầm nữa.

Giáo hội ngày xưa chia ra từng cấp bậc theo tuổi hạ lớn nhỏ để gọi là Thượng, Trung, Hạ tọa bậc Thánh. Vị đắc quả Tu đà hoàn có tuổi hạ bao nhiêu chăng nữa, các vị kia cũng phải nhường, dù tuổi hạ lớn cũng thua vị Tu đà hoàn nhiều. Khi vị Tu đà hoàn chỉ có một, hai hạ; có thể là Sa di, nhưng người 20, 30 tuổi hạ cũng không dám ngồi trên. Nhưng làm sao biết được để tôn lên hàng Thượng tọa? Dĩ nhiên vị này phải biểu lộ điều trước nhứt là “ly ngộ sát”.

Thử như thế nào để biết là ly ngộ sát? Vị đó nếu đi ngang bầy kiến, chân không chấm đất, không đạp lên bầy kiến. Tự nhiên đạo lực của vị Tu đà hoàn có tác dụng như vậy. Trong kinh gọi là đạo lực của Tu đà hoàn nhậm vận, nghĩa là nó tự nhiên ly ngộ sát.

Quả vị Tu Đà Hoàn: Ly Ngộ Sát

Thân của Tu đà hoàn từ đầu đến chân có ảnh hưởng cách chúng sanh bị hại là 3 tấc tàu (10 phân). Dù cho vị đó cầm cuốc cuốc đất, con trùng con cũng cách lưỡi cuốc 10 phân. Đó là do đạo lực của người đó như thế, không bao giờ đụng vào nó.

Vị Tu đà hoàn cũng hiện thân là Sa di, cư sĩ, làm đủ việc. Vị này còn thân trong loài người, loài trời nhiều lần mới thành La hán ra khỏi tam giới. Nếu vị đó cuốc con trùng đứt làm hai thì không phải là Tu đà hoàn; chỉ là phàm phu chưa có quả nào trong bậc Thánh. Nên lưu ý điểm đó.

Thậm chí người ta còn thử Tu đà hoàn như thế này: Để những con vật đó trong vũng bùn, nếu đạp vũng bùn đó, các con vật sẽ chết. Nhưng tự nhiên chân vị Tu đà hoàn không dụng bùn; tự nhiên chân vị đó cách con vật, không phải cách bùn. Nếu không phải Tu đà hoàn thì chân lún xuống bùn. Nếu là Tu đà hoàn thì chân không lún bùn và chân cách con vật 10 phân. Như vậy quý vị thấy bậc Thánh khác phàm phu lắm.

Đó là một điểm nhỏ trong các điểm khác, quý vị cứ lấy điểm đó để nghiệm thì biết rõ liền mình có ở Thánh quả nào hay không. Điểm đầu tiên mà mình chưa có thì biết mình chưa có gì cả. Đó là cách thử dễ lắm để biết mình tới đâu.

*

Nếu tự xưng là A la hán thì bắt vị đó phải có thần thông thập bát biến, hiện thân lớn, hiện thân nhỏ; một thân biến thành trăm ngàn thân, trăm ngàn thân hiệp thành một thân; đi trên nước như đi trên đất bằng, đi trên không như đi trên đất; trên đầu ra lửa, dưới chân tuôn nước… Đủ thập bát biến như vậy mới là A la hán, thiếu một cũng không được.

Vì vậy, đọc sử quý vị thấy sau khi đức Phật nhập diệt, Ma Ha Ca Diếp triệu tập các A la hán trong động để kiết tập kinh điển. Các việc phân chia xá lợi, xây tháp là việc của cư sĩ làm, không phải việc của mình. Để giữ được pháp thì phải kiết tập kinh điển.

Kiết tập lúc đó là đọc bằng miệng, không ghi trên giấy. Ai nhớ thì đọc thuộc lòng. Nhưng các vị A la hán, mỗi người chỉ nhớ được một ít. Chỉ có Ngài A Nan nhớ tất cả lời Phật dạy trong đời, như chai nước này rót qua chai nước kia không một giọt ra ngoài. Ngài A Nan giữ gìn lời Phật nói cũng như cái chai giữ nước vậy. Nhưng Ngài A Nan không được dự vì còn hữu lậu, chưa phải là A la hán.

Ngài A Nan thấy buồn, trong đêm đó ráng tu tập. Ngài đã đắc quả A na hàm, chỉ chưa chứng A la hán. Vì thế Ngài chỉ tinh tấn trong một đêm đó thì chứng A la hán. Ngài liền đi đến gõ cửa động, xin vào dự hội.

*

Ngài Ca Diếp biết A Nan đã đắc A La hán, nhưng muốn thử cho các người dự hội thấy đúng như vậy. Ca Diếp liền bảo A Nan nếu thật là A la hán thì cần gì phải mở cửa, tự nhiên ở ngoài bước vô thôi. Tự nhiên bước vô, đâu cần mở cửa, thần thông của A la hán như vậy đó. A la hán là vô ngại, nên đối với địa, thủy, hỏa, phong không sợ gì.

Pháp môn của Phật phải học, phải hiểu, phải biết, phải làm, phải được. Dĩ nhiên mình phải làm. Nhưng được thì tự nhiên nó hiện ra rõ ràng, không phải được mà ngầm ngầm không thể hiện bên ngoài.

Như vua A Dục khi tin Phật pháp, lập thệ nguyện là tất cả vị xuất gia. Không luận người đức lớn hay đức nhỏ, Ngài đều đảnh lễ riêng từng người một, không phải chỉ lễ chung. Có ông Sa đi đi vào rừng vắng, vua được báo vội vàng tới đó lạy.

Lạy xong 3 lạy, ông nói: “Thưa Ngài vì tôi có lời nguyện cho tâm được an. Do đó tôi đảnh lễ Ngài, xin Ngài đừng nói cho người khác biết việc này”.

Ông Sa đi tuổi đó nghe nói như vậy liền nhìn qua lề đường, thấy cái bình bể mà người ta liệng bỏ bên lề. Ông vén y bước vào bình bể đó rồi bước ra, làm như vậy 3 lần mới nói với vua: ”Bệ hạ có thấy, nhưng đừng nói cho ai biết.

Lúc đó vua A Dục liền cúi xuống lạy nữa và nói: “Thật Ngài là bậc Thánh mà tôi không biết”. Thánh là vậy đó.

*

Hoặc câu chuyện các ông Sa đi tắm sông giỡn rần rần, vua Ba Tư Nặc mới nói với bà Mạt Lợi phu nhân rằng: “Thầy của bà đó”. Bà đành lặng thinh. Nhưng mấy người dưới đó biết chuyện, nên tắm xong lên bờ đắp y ngồi xếp bằng; họ để cái bát ở đằng trước, tự nhiên bay lên hư không. Khi họ bay ngang qua thì bà hoàng hậu liền nói với vua: “Bệ hạ thấy không, thầy của tôi đó”.

Nói để thấy Phật pháp rất đáng quý trọng, để mình bỏ tánh tăng thượng mạn, chưa được mà nói được. Chưa đắc được quả Thánh, còn là phàm phu sanh tử thì phải cẩn thận. Thân người khó bảo đảm lắm, không phải dễ đâu.

Khi đắc được quả vị nào thì nó phải hiển hiện rõ ràng. Như người tu tập được sơ thiền là tứ duy, tứ đại cõi Dục trở thành tứ duy, thành tứ đại cõi Sắc. Cái thân của họ thấy y như vậy, không có gì khác hết, nhưng tính chất bên trong đã thay đổi rồi. Tính chất hiệp lại tạo nên thân của người đó là tứ duy (sắc, hương, vị, xúc), tứ đại (địa, thủy, hỏa, phong); đã đổi thành cái chất của cõi Sắc, chứ không phải cái chất của cõi Dục trước đó nữa.

*

Nếu mình không biết thì ngạc nhiên tại sao có vị tổ bị chặt đầu mà không thấy máu phun ra, lại thấy sữa trắng. Vì đó là Thánh, thân của họ như loài người, mà chất cấu tạo không phải của cõi Dục này nữa; chất đã thay đổi khác rồi, nên thân không phun ra máu, mà nó trắng như sữa vậy.

Lưu ý việc đó trong kinh dạy rõ ràng, vì mình không gặp hay là học chưa tới, chưa hiểu rõ được các điểm đó. Phật dạy tỉ mỉ lắm, còn việc học của mình không được nhiều. Dầu kinh sách được giảng rộng, thuyết nhiều, nhưng không đi sâu vào cái rõ ràng. Ở đây tôi nói cái rõ ràng cho huynh đệ nghe…”

(Theo Thích Trí Tịnh Toàn Tập)

Tuệ Tâm 2021

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Làm mẹ và hành thiền

6 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog