Rồng có thật và có đủ bốn loài: Sinh ra từ thai bào, sinh ra từ chỗ ẩm ướt, sinh ra từ trứng và sinh ra do biến hóa. Trong các loài đó, chỗ khổ vui sâu cạn đều khác biệt. Vì thế, Sa kiệt la Long vương có nói: “Cùng trong loài rồng, có khi được hưởng phước báo như các vị thiên thần. Có khi chịu khổ não như ở địa ngục. Cũng có khi đồng như loài người hoặc súc sinh, ngạ quỷ. Mỗi mỗi đều tùy theo nghiệp đời trước mà thọ báo ứng.”
Xưa kia, khi đức Phật có lần đang thuyết pháp với vô số vị Bồ Tát. Bỗng có một con rồng mù sống trong vùng nước nóng kêu khóc cầu xin cứu độ. Khắp trên thân các vảy rồng đều có loài trùng nhỏ sống, cắn rứt thân rồng mà ăn. Lại có vô số những con rồng đói, nước mắt như mưa, đều thưa hỏi về nghiệp duyên của mình đời trước. Đức Phật vì tất cả mà khai mở tâm đạo, khiến cho đều nhận thọ Tam quy, Ngũ giới. Sau đó, những con rồng ấy thảy đều được thoát khổ.
- Trùng tang: Là thật hay cú lừa xuyên thế kỷ.
- Hội Long Hoa là gì.
- Sự thật về hạn Tam tai
- Quỷ thần là gì,
- Âm đức là gì.
- 10 chuyện Tâm linh có thật.
- 10 chuyện nhân quả báo ứng có thật.
Rồng có thật hay không
Rồng có rất nhiều loại, có rồng ở trên trời, có rồng ở trong biển, có rồng giữ kho tàng. Rồng trên trời làm hộ pháp ở trên trời, rồng trong biển là ở trong cung rồng làm thủ lãnh cá, rùa, tôm, cua; còn gọi là rồng làm mưa. Rồng giữ kho tàng, tức là rồng bảo vệ châu báu. Thời xưa có rất nhiều rồng, bây giờ một số người chẳng nhìn thấy, bèn nói là không có. Kỳ thật, rồng rất nhiều.
Vào thời Lục Tổ Huệ Năng, có một con rồng độc, chuyên môn phun hơi độc. Ai mà trúng chất độc này, thì sẽ sinh bệnh, thậm chí chẳng trị được mà chết. Ðương thời, nền đất thiền đường Chùa Nam Hoa, vốn là một đầm rồng độc, diện tích cái đầm này lớn khoảng một mẫu, chẳng có ai biết đầm rộng đó sâu bao nhiêu, trong đó lại có một con rồng, con rồng này, chẳng phải là rồng tốt mà là rồng độc, chuyên môn hại người, nhất là làm cho những người tu hành ở chùa Nam Hoa thường thường sinh bệnh, không thể tu hành.
Một lần nọ, Lục Tổ Huệ Năng đến đầm đó thì nó hiện thân lớn, chật đầy cái đầm rộng một mẫu. Lục Tổ nhìn thấy bèn cười nói: ‘’Ê! Ngươi chỉ có bản lãnh hiện thân lớn, mà không thể hiện thân nhỏ, nếu chỉ hiện thân lớn, thì chẳng có bản lãnh bao nhiêu.’’ Con rồng nghe rồi bèn ẩn thân lớn hiện ra thân nhỏ, dài khoảng một tất, ở trong nước bơi tới bơi lui.
*
Lục Tổ nói: ‘’Ê! Ngươi có chút bản lãnh, có thể hiện lớn, có thể hiện nhỏ, nhưng không dám nhảy vào trong bình bát của ta.’’
Lúc đó, con rồng nghe rồi, bèn nhảy vào trong bình bát của Lục Tổ. Lục Tổ nói: ‘’Ðây là ngươi tự động vào, nhưng ra không được’’!
Con rồng dùng mọi cách nhảy ra ngoài, nhưng chẳng cách chi nhảy ra được. Lục Tổ bèn nói với nó: ‘’Ngươi hà tất phải vùng vẫy, sao đời này ngươi lại biến thành thân rồng? Vì đời trước ngươi vốn là người tu hành, cũng có căn lành, từng nghe Phật pháp, bất quá tâm sân của ngươi quá nặng, tính nóng giận quá lớn, đây là thừa cấp giới hoãn (tu theo đại thừa mà chẳng giữ giới), cho nên hiện nay ngươi mới đọa làm thân rồng. Ngươi đừng cho rằng bản lãnh của mình là lớn, có thể biến lớn biến nhỏ, biến có biến không! Nhưng bây giờ ngươi đã ở trong bình bát của ta, thì không thể ra được.’’
Rồng nghe những lời đó rồi, tức cũng bị hàng phục, chẳng thể ra ngoài được nữa. Do đó, Lục Tổ nói pháp cho nó nghe, nó nghe pháp hiểu rõ rồi, lập tức thoát khỏi thân rồng. Tro cốt con rồng này, được giữ ở chùa Nam Hoa rất lâu, về sau vì chiến tranh binh lửa, nên cốt con rồng cũng mất đi. Ðó là một đoạn nhân duyên Lục Tổ Huệ Năng hàng phục rồng độc ở chùa Nam Hoa.
*
Vào đời Ðường ở Trung Quốc, có một thừa tướng tên Ngụy Chưng, ông ta tuy làm thừa tướng ở nhân gian, mà cũng có thể lên trời làm quan. Ðương thời, có Tiểu Bạch Long, vì làm mưa sai trật, Ngọc Hoàng kêu y mưa xuống lượng nước một thốn ba tấc, song y mưa xuống lượng nước một thước ba thốn, cho nên ruộng nương đều bị ngập lụt, đây là phạm pháp luật trên trời, trên trời phái Ngụy Chưng đi chém Tiểu Bạch Long.
Song, Tiểu Bạch Long biết tin tức đó, nên trước hết y đi báo mộng cho vua Ðường Thái Tông, nói với Ðường Thái Tông rằng: ‘’Ngày mai ông hãy cứu tôi, ông cũng là rồng, mà tôi cũng là rồng, do đó ông hãy cứu mạng rồng này.’’
Ðường Thái Tông nói: ‘’Ông và tôi đều là rồng, vậy chúng ta là anh em, ông có việc gì tôi nhất định phải giúp đỡ, tôi nên làm thế nào mới có thể cứu ông?’’
Rồng nói: ‘’Hôm nay tôi phạm pháp luật ở trên trời, vì mưa xuống sai, ngày mai phải chịu quả báu chém đầu, mà người chém tôi, chính là thừa tướng Ngụy Chưng. Ngày mai chỉ cần ông lưu giữ ông ta lại, cần ông ta hầu ông, đừng sai ông ta làm việc gì cả, như thế thì ông ta chẳng giết được tôi.’’
Vua Ðường Thái Tông nói: ‘’Cái đó thì dễ! Ta là hoàng đế, ông ta làm quan cho tôi, thì ông ta nhất định nghe lời của ta, ông đừng có lo lắng.’’
*
Do đó, ngày thứ hai vua Ðường Thái Tông bèn kêu Ngụy Chưng đến đánh cờ. Vua Thái tông nghĩ: ‘’Ta và ông ấy đánh cờ, thì ông ta không thể lìa khỏi mình được, chắc chắn chẳng đi chém Tiểu Bạch Long kia’’. Do đó, hai người đánh cờ với nhau, đánh đến trưa thì thừa tướng Ngụy Chưng bèn ngủ gục. Ðường Thái Tông rất vui mừng nghĩ: ‘’Ông ta đã ngủ, thì chắc chắn chẳng đi chém đầu Tiểu Bạch Long, bây giờ chẳng còn lo lắng nữa.’’
Không ngời thừa tướng Ngụy Chưng ngủ, mà thần thức của ông ta xuất ra đi lên trời, dùng thượng phương bảo kiếm chém đầu Tiểu Bạch Long. Sau đó lại trở về tiép tục đánh cờ với vua Ðường Thái Tông, khi đã quá ngọ thì kết thúc ván cờ đó. Vua Ðường Thái Tông tự nghĩ rằng Tiểu Bạch Long đã nói với mình, chỉ cần quá ngọ thì thừa tướng Ngụy Chưng chẳng giết y nữa. Do đó, cho rằng: ‘’Mình đã cứu được anh em của mình, đây là việc công đức không nhỏ.’’
Không ngờ đêm hôm đó, Tiểu Bạch Long đến đòi mạng ông ta nói: ‘’Tôi đã nói chúng ta là anh em, phải cứu tôi mà tại sao ông không cứu tôi ? Ðể cho tên quan đó giết tôi. Bây giờ tôi phải giết ông để đền mạng cho tôi.’’ Vua Ðường Thái Tông tỉnh dậy biết Tiểu Bạch Long đến đòi mạng.
*
Ngày thứ hai bèn thảo luận việc này với Từ Mậu Công, Từ Mậu công nói: ‘’Không quan trọng, chúng ta đây có hai người Tần Quỳnh và Kính Ðức có thể cản được nó. Ngài nên dùng hai người này gác bên ngoài cửa, thì Tiểu Bạch Long chẳng dám đến, Tần Quỳnh là thần tướng mặt vàng, còn Kính Ðức là thần tướng mặt đen, sắc mặt của y so với dầu hắc bây giờ còn đen hơn, đen đến nỗi phát quang. Do đó, bèn dùng hai người này giữ cửa, quả nhiên Tiểu Bạch Long tối chẳng dám đến.
Về sau, chẳng cần hai người này gác cửa nữa, mà chỉ vẽ hình của hai người này dán lên cửa, để gác cửa cho vua Ðường Thái Tông, thì Tiểu Bạch Long vĩnh viễn chẳng dám đến nữa. Cho nên người Trung Quốc mỗi lần qua năm thì vẽ hình của Tần Quỳnh và Kính Ðức dán lên cửa, khiến cho yêu ma quỷ quái chẳng dám vào làm loạn.
*
Nhân quả của loài rồng là vì chúng ‘’thừa cấp giới hoãn’’ (tu đại thừa mà chẳng giữ giới), tu hành rất dụng công, nhưng chẳng giữ gìn giới luật. Vì chúng thừa cấp, cho nên có thần thông biến hóa, lại vì giới hoãn, nên đọa làm súc sinh. Ðây là lược nói về rồng.
Sinh trong loài rồng là do cái nhân đời trước: Hoặc ưa trêu chọc, hoặc vội tu hành mà không giữ giới. Hòa thượng Tuyên Hóa bảo: Không phải làm rồng là không hay. Nhưng rồng tuy có thần lực, khéo biến hóa làm mưa, song cũng chỉ là loài súc sanh. Do lúc làm người có tu, nên loài rồng ưa hộ pháp, rộng hành bố thí.
Song cho dù tu thành rồng vàng, trở lại nhân gian làm đế vương, nhưng tâm dâm vẫn rất hừng thịnh. Bằng chứng là vua rất ưa tuyển mỹ nữ, ham chứa gái đẹp đầy tam cung lục viện. Nếu cứ mê buông thả tà dục thì sau khi chết rồi phải sa vào ác đạo, trầm luân trong biển khổ sinh tử.
Long vương: Vua của loài rồng
Theo kinh Chánh Pháp Niệm, Vua của loài rồng là Long vương. Tuy có cung điện bằng châu báu, ăn đủ trăm món. Nhưng đến miếng cuối cùng, đều phải biến thành cóc nhái. Lại các Long vương hiện hữu ở cõi Ta bà này luôn có ba điều sợ hãi.
Kinh Khởi Thế nói: “Trong cung A Nậu Đạt có ngôi đền năm cột. Long vương A Nậu Đạt thường xuyên cư trú ở đây. Phật bảo: “Vì sao lại gọi là A Nậu Đạt? Có nghĩa là gì?”. Tất cả Long vương của cõi Diêm phù đề nầy đều có ba điều hoạn nạn. Chỉ có Long vương A Nậu Đạt không bị ba điều hoạn nạn nầy. Ba điều hoạn nạn gì?
- Một là hết thảy các Long vương đều bị gió nóng, cát nóng thổi chạm vào mình. Bị hiêu đốt da thịt, thiêu đốt đến tận xương tủy, gây nên khổ não. Chỉ có Long vương A Nậu Đạt không bị hoạn nạn như thế.
- Hai là hết thảy Long cung đều bị gió dữ nổi lên. Gió này thổi mạnh vào cung, làm bay mất áo quý có gắn bảo vật, lộ ra mình rồng, gây nên khổ não. Chỉ có Long vương A Nậu Đạt không bị hoạn nạn như thế.
- Ba là hết thảy Long vương, mỗi vị đều ở trong cung cùng vui thích. Bỗng chim Kim sí lớn bay vào mổ cắn, ăn thịt Long vương. Khiến cho Long vương khiếp sợ, thường ôm khổ não. Chỉ có Long vương A Nậu Đạt không bị hoạn nạn như thế.
Chuyện về loài Rồng
Loài Rồng ưa chánh pháp. Chúng thường tìm đến các bậc chân tu đã đắc đạo xin quy y, cầu pháp. Xin trích đăng một vài chuyện về loài này. Nguyện người có duyên đọc tăng trưởng kiến văn, sớm bước vào con đường học Phật mà thoát khỏi sanh tử luân hồi!
Tụng chú Đại Bi chiêu cảm Rồng đến nghe.
Ngài Quả Khanh kể: Có một thanh niên tên Tiểu Phí, sau khi tôi khuyên y dứt tuyệt đồ mặn, ăn chay trường, tập tĩnh tọa. Chưa đầy mấy ngày y đã đạt được một số năng lực vi diệu. Một hôm y đến nhà tôi chất vấn:
– Ngài nói tụng Chú Đại Bi uy cảm thiên địa hả? Hằng ngày, sáng nào tôi cũng đều tụng mười biến Chú Đại Bi, song chẳng thấy hiện tướng lành gì ráo. Chỉ thấy quỷ thần qua đường ngó tôi nửa mắt mà thôi, việc này là sao vậy?
Lúc đó Quả Đạt 15 tuổi cũng đang ở đó. Thế là tôi bảo cả hai:
– Bây giờ tôi tụng Chú Đại Bi, Tiểu Phí nhìn cảm ứng trên trời, còn Quả Đạt thì theo dõi cảm ứng nơi địa ngục nhé!
Dặn xong tôi liền ngồi khoanh chân, gõ chuông và bắt đầu tụng Chú Đại Bi. Tôi tụng chưa được mấy câu, thì chợt nghe tiếng Tiểu Phí khóc nức nở bên tai. Sau khi tụng xong, tôi hỏi y:
– Vì sao mà khóc vậy?
Y đáp:
– Ngài vừa gõ chuông, thì tôi thấy có rất nhiều Thiên nhân, quỷ thần tụ hội. Ngài vừa đọc chú lên thì có rất nhiều thiên chúng đồng quỳ xuống chắp tay nghe. Có lúc họ đứng chắp tay nghe, còn có hai con rồng đang bay cũng đáp xuống, nằm trên đất lắng nghe. Ngài tụng xong rồi thì tất cả đều hành lễ mà đi, tôi chấn động quá nên bật khóc.
Kiếp trước là rồng
Ngài Quả Khanh kể: Một gia đình nọ có bốn anh em. Người anh cả trước 40 tuổi chuyên sát sinh ăn thịt. Tính trong thập ác nặng nhẹ gì cũng phạm, không ác nào mà chẳng làm. Đến 40 tuổi nhờ đọc Lục Tổ Đàn Kinh mà phát tâm tu hành, tính đến nay đã 20 năm. Tuy trải qua đủ mài giũa gian lao, nhưng anh trọn chẳng thối tâm.
Anh kể cho các bạn đồng tu nghe: Mình đã nhớ ra nhiều đời trước từng là đệ tử Phật, do dâm tâm chưa đoạn nên bị đọa làm rồng. Đến đời này được gặp lại Phật pháp. Nhờ Bồ Tát Quán Thế Âm từ bi cứu độ mà biết đường “về nhà”. Nếu không có Phật pháp thì chắc chắn mãn đời này, anh sẽ vào bụng bò bụng dê, do anh ăn thịt bò dê quá nhiều.
Nhờ tu mà anh mở sáng túc mệnh, nhìn thấu các đời. Anh kể về chú hai lúc 30 tuổi bị chết vì bướu não. Anh nhìn ra chú vốn là từ trong loài heo tới, giờ lại đầu thai làm heo nữa. Chính là con heo trắng đầu to trong nhà.
Tiền kiếp là hai con rồng xanh
Vì thương em nên anh lập hương án, chí thành quỳ tụng 108 biến Chú Đại Bi cầu cho em. Sau đó anh theo dõi thì thấy con heo đầu to lăn ra chết bất ngờ và được sinh lên cõi trời. Anh nhìn thấy rõ cảnh chú em hiện giờ đang quét vườn hoa. Anh nghĩ thầm: “Được ở trên trời thì dù có quét hoa viên cũng còn sướng hơn là bị đọa trong cõi ác. Hy vọng em dưới lực gia trì của Chú Đại Bi, tương lai sẽ về nhân gian tu hành, học Phật. Để cùng xuất ly tam giới, viên thành Phật quả.”
Phần chú ba và chú tư, ngay từ lúc bé đã không ưa chơi đùa cùng nhau. Lớn lên thường hay vì chuyện nhỏ mà đánh nhau, nhiều lần bị cha mẹ trách mắng. Sau khi họ thành gia rồi lại vì nhà đất mà tranh giành, gây hấn nhau suốt mấy mươi năm. Anh kể:
Hai chú em này kiếp trước là hai con rồng xanh. Kiếp đó họ cũng không hòa thuận, một bề gây đánh nhau. Kiếp này nếu họ không hóa giải oán hận, thì chắc chắn do những ác nghiệp đã tạo, họ sẽ xuống địa ngục. Rồi từ địa ngục lên sẽ đọa vào súc sinh, tiếp tục tranh đấu dai dẳng không dứt.
*
Anh bảo: Mình đã khuyên giải họ hơn hai mươi năm nay mà vô hiệu. Đây là bởi nhiều đời họ tạo nghiệp ác sâu nặng, đối với Phật pháp không có lòng kính tin. Gia đình tụ hội cùng nhau, là do thiện duyên hay ác duyên, vô duyên thì không tụ. Hoặc vì đòi nợ hay trả nợ mà tìm đến, không nợ thì chẳng tới.
Sau này anh cả đã vì cha mẹ và hai em tụng 108 bộ Kinh Địa Tạng. Hai tháng sau, mẹ anh bắt đầu thay đổi trước tiên. Tiếp theo là chú ba, chú tư quyết định buông bỏ oán thù xưa, không còn mâu thuẫn với nhau nữa. Cho dù đây chỉ là bắt đầu, nhưng nhờ uy lực của Kinh Địa Tạng, mối oán kết suốt hơn ba mươi năm được chuyển hóa trong một ngày.
Tôi kể câu chuyện có thực này ra, là mong các đệ tử Phật sớm buông bỏ hết mọi ân oán cá nhân. Vì một khi vô thường tới, những ân oán chưa kết thúc này sẽ biến thành chướng ngại mạnh mẽ. Có câu rằng: Chịu thiệt thòi chính là chiếm ưu thế! Buông xả chính là được tất cả.
Long vương xin Quy y
Hòa Thượng Hư Vân kể:
Mùa xuân năm 1933, trong kỳ truyền giới tại Cổ Sơn, đột nhiên có một ông lão tóc trắng như tuyết. Dung mạo thanh cao, kỳ dị, đi thẳng vào thất phương trượng, quỳ xuống cầu giới. Tôi hỏi ông tên gì. Ông đáp rằng họ Dương, người Mân Nam, Đài Kiều. Có một vị mới vừa thọ giới, tên Diệu Tông, cũng là người Đài Kiều, nói rằng chưa từng gặp qua ông lão đó.
Sau khi truyền giới Bồ Tát, lúc cấp giới điệp xong, thì không thấy tông tích ông lão đâu cả. Lúc Diệu Tông trở về Đài Kiều, đến am Long Vương, thấy một bức tượng ngồi nghiễm nhiên, giống như ông lão. Lại thấy giới điệp trong tay của tượng thần. Nam Đài chấn động, truyền nhau rằng Long Vương cầu thọ giới.
Cũng trong kỳ truyền giới đó, có lão cư sĩ người Quảng Đông, là học giả triều Thanh. Ông tên Trương Ngọc Đào, sáu mươi sáu tuổi, đến núi cầu giới. Tôi mời ông quản lý trông coi kinh tạng ở Cổ Sơn. Kỳ truyền giới chấm dứt, tôi thỉnh lão pháp sư Từ Chu tại pháp đường giảng giới Căn Bản của Bốn Phần Luật. Cùng thỉnh hai vị pháp sư Tâm Đạo, Ần Thuận làm giáo thọ.
Chuyện Rồng làm mưa
Trong hồi ký của mình, Hòa Thượng Tuyên Hóa kể:
Vào tháng 9, năm Dân Quốc thứ 34 (1945), dưới núi phía Tây đồn Đại Nam Câu, bên khoảng đất trống của miếu Long Vương. Quả Thuấn tự cất một căn chòi và chú ta ngồi thiền suốt ngày trong đó. Có một ngày “tôi” đến chỗ ở của chú ta bảo chú ta tới gặp tôi. Ngày sau chú vội vã tới chùa. Lần này tôi cố ý dọa chú ta, nói:
“Sao chú không lo tu hành mà chạy về đây để làm gì?”
Chú nói: “Sư Phụ, Sư Phụ kêu con về mà!”
Tôi nói: “Tôi kêu chú tới hồi nào vậy? Chú thấy ma rồi đấy!”
Chú nói: “Con thật là thấy Sư Phụ kêu con tới mà.”
Tôi nói: “Tôi mặc kệ chú, chú tới làm gì đây?”
“Con cũng không biết Sư Phụ kêu con tới làm gì nữa.”
Tôi nói: “Chú hiện tu hành, công phu ra thể nào rồi?”
Chú ta nói: “Con lúc nào cũng thấy Sư Phụ, Sư Phụ luôn chỉ dạy con cách dụng công.”
Tôi nói: “Chú không được nói toàn là chuyện giả dối không đâu vậy, chú phải nói lời chân thật mới được.”
“Đây không phải là giả, con nói thật hết mà.”
Tôi nói: “Bây giờ chú đi về đi, sau này tôi sẽ tới chỗ của chú để coi ra sao!”
Rồng hiện thân
Sau đó chú ta ra về! Quả Thuấn tu trì giới luật rốt ráo, chú trì giới luật lại tu pháp đại thừa. Chú dụng công tu đạo còn thành tâm hơn tôi, có công phu hơn tôi. Chú là vị đệ tử mà tôi ưa thích nhất. Khi cất chòi xong, chú thỉnh tôi tới khai quang. Ngày đó tôi từ Harbin trở về, khi đi ngang qua đồn Đại Nam Câu, tôi bèn dẫn theo bốn chú đệ tử đi đến chỗ chú ở. Trừ Quả Năng hơn 30 tuổi, còn ba chú đồng tử kia khoảng 13, 14 tuổi, chúng tôi lưu lại chòi đó qua đêm. Lúc bấy giờ chòi này còn chưa có tên, vì tôi vẫn chưa nghĩ ra được một cái tên nào thích hợp.
Vào buổi tối, ngay lúc tôi nói chuyện với Quả Thuấn. Kỳ quái thay đã xảy ra một sự việc, hốt nhiên có 10 người tới. Lúc đó bên cạnh tôi có bốn chú đệ tử, trong đó có hai chú đắc Phật nhãn, thiên nhãn thông. Hai chú ngồi thiền nhập định cũng có thể quán sát được mọi việc. Xem kỹ ra thì 10 vị đó không phải là người, mà là 10 con rồng hóa ra người từ ngôi miếu Long Vương tới.
*
Tôi hỏi họ: “Các vị tới đây làm gì?” Họ đáp: “Vì biết Thầy tới đây nên chúng con muốn quy y Tam Bảo.” Đang lúc thời tiết vô cùng khô hạn đều không có mưa nên tôi nói với 10 tên rồng này: “Các vị muốn quy y à! Thật hay giả đây? Nếu thật các vị là rồng, hiện ở đây cả nửa năm trời rồi không có mưa, các nhà nông đã gần chết vì nạn hạn hán này rồi. Nếu lại không có mưa nữa, người ta chắc sẽ bị chết đói hết quá. Phận là rồng, các vị nên để ý mà cho mưa xuống chớ. Tại sao lại lười biếng không cho chút mưa nào hết vậy! Các vị làm biếng thế, chắc sẽ biến thành ‘rồng lười’ mất!”
Vì chúng rồng này cốt muốn quy y tôi, cho nên dù có bị tôi la mắng sao đi nữa, chúng họ cũng không giận hờn.
Chúng rồng nói: “Sư Phụ! Tại Sư Phụ không biết đó thôi!” Tôi nói: “Tôi không biết cái gì?” Họ nói: “Chúng con không có quyền, nhất định phải có lệnh của Ngọc Hoàng Đại Đế thì chúng con mới có thể làm mưa được. Nếu Ngọc Hoàng không cho phép, thì chúng con không thể nào tự ý làm mưa được?” “Chuyện này dễ thôi! Các vị hãy đến chỗ Ngọc Hoàng đó tâu rằng: ‘Ở thế gian có người tên vậy vậy, là người xuất gia. Vì thành phố Harbin hạn hán, dân chúng không thể sống được nên Thầy ấy hiện muốn cầu cho có mưa!’ Các vị nói với Ngài vậy đó.
*
Thật ra, tôi không cầu gì nhiều, chỉ muốn có mưa ở chung quanh khu vực Harbin này khoảng 40 dặm là được rồi! Nếu ngày mai các vị được phép của Ngọc Hoàng để làm mưa thì ngày mốt tôi quy y cho các vị. Còn như mà không có mưa, tôi cũng không muốn nhận các vị làm đệ tử làm gì và các vị cũng khỏi cần phải quy y Tam Bảo luôn.”
Thật rất thần kỳ! Quả nhiên ngày hôm sau trời đổ mưa. Trận mưa này cũng rất kỳ lạ là chỉ mưa trong vòng 40 dặm trở lại, còn ngoài 40 dặm đó ra thì không có mưa. Cho nên qua ngày sau, tôi quy y cho họ, đặt pháp danh là Cấp Tu, tự Khoái Độ, ý bảo họ hãy mau tu hành. Tích cực mà tu hành đi, để sớm ngày hóa độ cho tất cả chủng tộc rồng của họ.
Tôi hỏi họ: “Tại sao các vị muốn quy y tôi? Có rất nhiều người xuất gia như vậy mà sao các vị lại không quy y?” Chúng họ nói: “Bởi chúng con biết được nguyện lực của Sư Phụ nên mới tới quy y.”
*
Vì lúc trước có rất nhiều sự việc xảy ra cho nên tôi mới phát Mười Tám Đại Nguyện đó mà không lúc nào tôi dám quên. Nghe qua sự kiện này, chắc các vị thấy có vẻ hoang đường thần thoại quá phải không, nhưng là chuyện tôi đã đích thân trải qua. Tôi biết, tôi kể ra thì số người không tin nhiều hơn là số người tin. Đợi đến khi nào các vị tin rồi, tức các vị mới biết được những lời tôi nói đây là sự thật. Khoa học hiện tại nói mưa là do hơi nóng bốc lên mà thành nhưng họ nào biết rằng đó là do Long Thần âm thầm chi phối.
Các vị không thấy rồng, nhưng thật tại có rồng đấy. Hơn nữa kiếp trước của rồng là người tu hành, bởi vì họ “thừa cấp giới hoãn,” nghĩa là gấp tu Đại thừa mà trì hoãn với Giới luật cho nên mới bị đọa lạc. Để kỷ niệm sự kiện này, tôi đặt tên cho chòi của Quả Thuấn là “Long vũ mao bồng” tức chòi tranh rồng phun mưa. Vào ngày 18 tháng 4 năm Dân Quốc thứ 38, Quả Thuấn tự thiêu cúng dường Phật và chòi tranh cũng cháy rụi luôn.
( Rồng có thật hay không – Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng )
Tuệ Tâm 2020.