Phiền Não Tức Bồ Đề: Lời dạy kinh điển của đức Lục Tổ Huệ Năng
Pháp Giới 11 tháng trước

Phiền Não Tức Bồ Đề: Lời dạy kinh điển của đức Lục Tổ Huệ Năng

Phiền não tức Bồ Đề là lời dạy kinh điển của đức Lục Tổ Huệ Năng dành cho bậc Thượng Thượng Căn. Tổ dạy: “Phàm phu tức là Phật, phiền não tức Bồ đề. Niệm trước mê là phàm phu, niệm sau ngộ là Phật. Niệm trước vướng cảnh là phiền não, niệm sau lìa cảnh là Bồ đề. Thiện tri thức! Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa là tối tôn, tối thượng, tối đệ nhất, không ở, không đi, không đến, ba đời chư Phật từ đó mà ra. Hãy vận dụng Đại trí tuệ mà đả phá phiền não trần lao ngũ ấm. Tu hành như vậy nhất định thành Phật, biến ba độc thành Giới Định Tuệ.

Muốn vào pháp giới thậm thâm và Bát nhã Tam muội, thì phải tu hạnh Bát nhã, trì tụng Kinh Kim Cang, sẽ được kiến tánh. Nên biết công đức này vô lượng vô biên, trong Kinh có khen ngợi rõ ràng, không thể nói xiết.

  • Cách phòng tránh Tẩu hỏa nhập mà khi Thiền.
  • Thiền Tông và Tịnh Độ Tông.
  • Thiền Tông là gì.
  • Cách tụng kinh tại nhà.
  • Cách niệm Phật tại nhà.
  • Tự lực và Tha lực niệm Phật.
  • Chớ phân biệt Đại thừa và Tiểu thừa mà mang tội.
Phiền Não Tức Bồ Đề: Lời dạy kinh điển của đức Lục Tổ Huệ Năng
Phiền não tức Bồ Đề
*

Pháp môn này là tối thượng thừa, vì kẻ đại trí mà nói ra. Người căn nhỏ, trí nhỏ nghe thì tâm không tin, vì sao? Thí như Thiên Long giáng mưa cõi Diêm phù đề, thì thành ấp làng xóm đều tràn trề nước chảy, nếu mưa trên biển lớn thì không giảm không tăng. Hạng người Đại thừa, Tối thượng thừa nghe nói Kinh Kim Cang tâm liền khai ngộ, nên biết tự bản tánh có sẵn trí bát nhã, thường tự dùng trí tuệ quán chiếu nên không nương văn tự. Trăm sông ngàn dòng đều đổ vào biển làm một, trí Bát nhã bản tánh chúng sanh cũng vậy.

Thiện tri thức! Kẻ căn nhỏ nghe Đốn giáo này thì như cây cỏ, gốc nhỏ bị mưa lớn phải gãy, không thể lớn lên. Kẻ tiểu căn cũng thế, vốn có trí Bát nhã không khác gì bậc đại trí, nhưng vì sao nghe pháp lại không tự khai ngộ được? Chính vì chướng ngại tà kiến nặng, gốc phiền não sâu, như đám mây lớn che cả mặt trời, gió không thổi tan được nên ánh sáng không hiện ra. Trí Bát nhã cũng không có lớn nhỏ, nhưng vì chúng sanh tự tâm mê ngộ không đồng.

Người mê chỉ thấy bề ngoài, tu hành tìm Phật, chưa ngộ tự tánh đấy là tiểu căn. Nếu khai ngộ Đốn giáo không chấp sự tu bề ngoài, chỉ nơi tự tâm thường khởi chánh kiến, phiền não trần lao không làm ô nhiễm được, tức là kiến tánh.

Phiền não tức Bồ Đề: Lục Tổ khai thị

Theo Pháp Bảo Đàn Kinh: “Vào ngày thượng nguyên, đời vua Thần Long nguyên niên, vua ra chiếu chỉ rằng: “Trẫm thỉnh hai Sư An và Tú vào cung cúng dường để khi rỗi việc nước thì tham cứu đạo Nhất thừa. Hai Sư đều từ chối bảo rằng, ở phương Nam có Thiền sư Huệ Năng được Nhẫn Đại sư mật trao y pháp, truyền Phật tâm ấn, nên thỉnh Ngài mà hỏi. Nay trẫm sai quan nội thị Tiết Giản đem chiếu chỉ đến thỉnh Ngài, xin Ngài từ bi gấp lên xa giá về kinh”.

Sư tiếp tờ biểu rồi cáo bệnh, nguyện suốt đời ở núi non. Tiết Giản bạch:

– Các bậc Thiện đức ở kinh thành đều nói muốn được hiểu đạo  thì phải tọa thiền tập định, không do thiền định mà được giải thoát là chuyện không có. Xin hỏi Đại sư dạy thế nào?

– Đạo do tâm ngộ, không phải do ngồi. Kinh dạy: “Nếu nói Như Lai hoặc ngồi hoặc nằm, ấy là người hành đạo tà. Vì sao? Không từ đâu lại, cũng không đi đâu, không sanh không diệt, ấy là Như Lai thanh tịnh thiền. Các pháp không tịch, ấy là chỗ ngồi thanh tịnh của Như Lai, tuyệt đối không có chứng đắc, huống chi có ngồi.

*

Tiết Giản bạch:

– Đệ tử về kinh, thế nào Chúa thượng cũng hỏi, xin Sư từ bi chỉ dạy tâm yếu, đệ tử về tâu lại cho hai cung và các học giả ở kinh thành. Như một đèn mồi cho trăm ngàn ngọn, tối đều được sáng, ánh sáng tiếp nối nhau vô tận.

Sư nói:

– Đạo không có sáng tối, sáng tối là thay đổi cho nhau. Ánh sáng tiếp nối vô tận, cũng là có tận, vì đối đãi nhau mà lập danh vậy. Nên Kinh Tịnh Danh nói: “Pháp không có so sánh, vì không đối đãi”.

Tiết Giản nói:

– Ánh sáng dụ trí tuệ, bóng tối dụ phiền não. Người tu đạo nếu không lấy trí tuệ chiếu phá phiền não thì sanh tử vô thủy dựa vào đâu mà xuất ly được?

Sư dạy:

– Phiền não tức Bồ đề, không hai không khác. Nếu lấy trí tuệ chiếu phá phiền não, thì đó là kiến giải của Nhị thừa, là căn cơ xe dê xe hưu. Người thượng trí đại căn không vậy.

*

– Thế nào là kiến giải Đại thừa?

– Minh và vô minh, phàm phu thấy hai, bậc trí liễu đạt tánh nó không hai. Tánh không hai ấy là thật tánh. Thật tánh ở nơi phàm phu không giảm, nơi hiền Thánh không thêm, ở trong phiền não mà không rối loạn, ở trong thiền định mà không lặng lẽ, không đoạn không thường, không đến không đi, không ở giữa, không ở ngoài không ở trong, không sanh không diệt, tánh tướng như như, thường trụ không dời đổi, ấy gọi là Đạo.

Tiết Giản nói:

– Sư nói không sanh không diệt thì có khác gì ngoại đạo?

– Bất sanh bất diệt của ngoại đạo nói, là đem diệt mà chấm dứt sanh, lấy sanh mà làm rõ diệt. Như thế thì diệt này cũng như không diệt, sanh nói bất sanh. Tôi nói bất sanh bất diệt là, bản tánh tự nó đã vô sanh nên nay cũng không diệt. Cho nên khác với ngoại đạo. Ông muốn biết tâm yếu thì chỉ cần không suy lường gì đến hết thảy thiện ác, thì tự nhiên vào được tâm thể thanh tịnh, trạm nhiên thường tịch, diệu dụng như hằng sa. 

Tiết Giản nghe chỉ giáo hoát nhiên đại ngộ…”

Phiền não tức Bồ Đề: Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng

“Ðức Phật thấy chúng sanh chịu đựng bốn nỗi khổ to lớn là sanh, già, bệnh, chết, nên Ngài bèn phát tâm xuất gia tu hành, tìm cách giải quyết vấn đề ấy. Trong sự vô minh của chúng ta, phiền não bất giác xuất hiện. Khi thì bộc lộ qua sắc tướng, lúc lại tiềm tàng trong tâm trí, và cũng có khi vô minh dấy khởi nên cái gì cũng không biết cả. Hễ vô minh vừa tác oai tác quái là mình trở nên hồ đồ ngay, cho nên phiền não chính là nhân duyên cản trở việc tu Ðạo, là chướng ngại vật trên đường Ðạo.

Song le, chẳng thể không có phiền não! Vì sao? Bởi “phiền não tức Bồ đề.” Nếu biết vận dụng thì phiền não chính là Bồ đề, nếu không biết vận dụng thì Bồ-đề biến thành phiền não! Bồ-đề ví như nước và phiền não ví như băng vậy; nước chính là băng, băng chính là nước. Nước và băng vốn cùng một thể chứ chẳng phải là hai thứ khác biệt nhau. Khi giá lạnh thì nước đông lại thành băng và lúc nóng bức thì băng tan thành nước. Vậy, nói một cách khác thì khi có phiền não tức là “nước đóng thành băng,” và lúc không phiền não tức là “băng tan thành nước;” lý này rất dễ hiểu. Lại nữa, có phiền não thì có “băng” phiền não -vô minh, và không có phiền não thì có “nước” Bồ-đề -trí huệ.

*

Về điểm này, các bạn hãy thiết thực nhớ lấy, ghi khắc vào lòng! Chúng ta tu Ðạo, chớ nên tu tới tám vạn đại kiếp mà cái phiền não này vẫn cứ tồn tại. Ngày ngày “ăn” phiền não mà sống, nếu không “ăn” phiền não thì chết đói, bởi như thế thì thật là rất đáng thương!

Bệnh tật của chúng ta là từ đâu mà ra? Chính là từ ba cái độc tham, sân, si! Nếu con người không có ba thứ độc này thì bệnh tật gì cũng không có cả. Giới, Ðịnh, Huệ trong Phật Pháp chính là phương thuốc đặc hiệu để trị căn bệnh “tham, sân, si.” Thuốc này hiệu nghiệm như thần, “thuốc đến, bệnh đi,” nên nói:

Tâm thanh, thủy hiện nguyệt,

Ý định, thiên vô vân.

Nghĩa là:

Tâm lắng, nước hiện trăng,

Ý dừng, trời không mây.

Ðó là thứ cảnh giới không còn phiền não. Có câu:

Tâm chỉ niệm tuyệt: chân phú quý,

Tư dục đoạn tận: chân phước điền.

Nghĩa là:

Tâm dừng, niệm dứt: giàu sang thực,

Tư dục hết sạch là ruộng phước.

Tâm vọng tưởng dừng hẳn, ý niệm phan duyên không còn, đó đúng là giàu sang thật sự. Nói tóm lại, không tham tức là giàu sang. Vì sao người ta tham lam? Vì họ không “tri túc,” nên cảm thấy thiếu thốn, chưa đầy đủ! Không có tư dục chính là ruộng phước, nếu dứt bỏ được mọi ham muốn ích kỷ thì đúng là ruộng phước thật sự. Các bạn hãy đặc biệt lưu ý:

*

Tâm bình: bách nạn tán,

Ý định: vạn sự kiết.

Nghĩa là:

Tâm bình lặng, trăm nạn tiêu tan,

Ý an định, muôn sự được kiết tường.

Câu danh ngôn trên đây rất chí lý và vô cùng hữu ích, đáng cho mọi người lấy làm khuôn vàng thước ngọc.

“Phiền não” là gì? Là “phiền thân não tâm,” không được thanh thản, tự tại. “Ưu” là gì? Ưu có nghĩa là “ưu sầu khổ não,” buồn rầu, không vui. “Hoạnh” là gì? Hoạnh tức là “phi tai hoạnh họa.” Có nghĩa là tai bay vạ gởi, bất ngờ xảy ra chuyện không may.

Những sự việc này ràng buộc hoặc bức bách các bạn khiến cho các bạn như bị khóa chặt bởi cái “khóa vô minh”; bị trói chằng chịt bởi sợi dây phiền não; hoặc có cảm giác nghẹt thở như bị tảng đá lớn đè lên người vậy. Chính vì muốn cho hết thảy chúng sanh dứt bỏ mọi phiền não, để đạt sự an vui và xa lìa mọi bức bách hầu đạt sự giải thoát, nên Ðức Phật mới khuyên tất cả chúng sanh nên phát tâm Bồ-đề rộng lớn; và tu học công đức cùng đạo hạnh của Phật. Do đó, tất cả chúng sanh chúng ta nên vâng lời Ðức Phật, tin tưởng Ðức Phật, và càng nên y giáo phụng hành hơn nữa!

*

Tâm phiền não của chúng sanh thì nhiều đến vô lượng vô biên; nhưng nên biết rằng nó giống như các ảo ảnh trông thấy khi bị ánh mặt trời làm hoa mắt (dương diễm) vậy. Chúng sanh điên điên đảo đảo lấy thẳng làm cong, lấy cong làm thẳng; lấy đen làm trắng, lấy trắng làm đen; lấy thiện làm ác, lấy ác làm thiện… Dù giáo hóa thế nào đi nữa thì cũng vẫn cứ chứng nào tật nấy, chướng ngại chồng chất.

Nếu nêu ra khuyết điểm của họ, thì chẳng những họ không vui; không chịu sửa sai, không phục thiện, mà còn tìm cách che đậy, biện hộ cho những lỗi lầm của họ; và thậm chí còn nổi đại vô minh, sanh đại phiền não nữa. Chư Bồ Tát trông thấy những chúng sanh như thế thì khởi lòng từ bi thương xót, tận tình dạy bảo; năm lần bảy lượt căn dặn họ đừng nên nói chuyện thị phi, đừng nên sanh phiền não; và còn cho biết rằng: Nếu họ không nổi nóng, không đố kỵ, không chướng ngại kẻ khác, thì họ sẽ vượt khỏi bể khổ.

Thân người là giả tạm. Đừng xem cái “túi da” hôi hám này như báu vật rồi cứ lo nâng niu, chăm sóc, sợ “nó” cực khổ, vất vả. Các bạn muốn cho “nó” được sung sướng, an nhàn; nhưng “nó” lại luôn luôn gây thêm rắc rối, phiền lụy cho các bạn!

Phiền não tức Bồ Đề: Làm thế nào để dứt trừ Phiền Não?

Bồ Tát thấy chúng sanh trong Tam Giới đều mắc chứng bệnh phiền não của Tam Ðộc: tham, sân, si, nên phải chịu đựng đủ thứ khổ não, thiêu đốt, bức bách triền miên.

Trên lý thuyết thì người xuất gia tu Ðạo không nên có phiền não; thế nhưng, thực tế thì nhiều người vẫn còn vô số phiền não! Vì sao? Vì tâm họ không thanh tịnh, họ cứ thấy cái này không được, cái kia không đúng, nào là người này có sai lầm, kẻ kia có khuyết điểm… Nói tóm lại, họ bị rất nhiều phiền não bủa vây, khiến cho thân tâm họ không được tự tại, thanh thản.

Các bạn ngẫm lại xem, người nào cũng có phiền não của người ấy. Từ ông tổng thống cho đến kẻ hành khất, ai ai cũng có những buồn phiền, đau khổ riêng cả! Những vị nguyên thủ của các quốc gia trên thế giới thì hôm nay ưu tư vận nước, ngày mai lo nghĩ chuyện dân; họ có rất nhiều chuyện bận tâm, phiền lòng. Còn những người hành khất đi ăn xin mà gặp khi người ta không muốn bố thí thì họ cũng có thể tức giận, sanh phiền não vậy. Nếu muốn không còn phiền não, thì chỉ có một biện pháp duy nhất là:

*

Cần tu Giới Ðịnh Huệ,

Tức diệt Tham Sân Si.

Nghĩa là:

Siêng tu Giới Ðịnh Huệ,

Dứt bỏ Tham Sân Si.

Khi việc tu hành được viên mãn thì tự nhiên không còn sanh khởi phiền não nữa.

Chính vì những chúng sanh mắc bệnh “Tam Ðộc,” bệnh “phiền não”, mà chư Bồ Tát đã phát tâm từ bi rộng lớn, phổ biến phương pháp đối trị. Ðức Phật thuyết giảng tám vạn bốn ngàn pháp môn là để đối trị tám vạn bốn ngàn chứng bệnh phiền não của chúng sanh; đó chính là tám vạn bốn ngàn toa thuốc có công năng xoa dịu và trị lành mọi bệnh khổ của chúng sanh. Tuy nhiên, nếu chỉ nghiên cứu toa thuốc mà không uống thuốc thì không ích lợi gì cả; cho nên, người học Phật Pháp cần phải có công phu “tín, giải, hành, chứng” thì mới có thể thành tựu được!”

( Phiền não tức Bồ Đề )

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Ngũ Nhãn là gì

4 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog