Quán Sổ Tức là gì? Quán Sổ Tức là tập trung toàn bộ tâm trí vào đếm hơi thở của chính mình. Mục đích của phương pháp này là kiềm chế và đình chỉ sự tán loạn của Tâm.
Bất luận trong công việc gì, sự định tĩnh của tâm trí là một yếu tố chính yếu để thành công. Nhất là việc tu hành, sự định tĩnh tâm lại càng quan trọng hơn nữa. Người tu hành mà tâm trí luôn luôn tán loạn, học trước quên sau, học sau quên trước; Tư tưởng thiếu tập trung, thì dù có khổ công tu tập, cũng khó được kết quả khả quan. Vì thế trong phần nhiều các tôn giáo, người ta thường có những phút “lắng lòng”, tập trung tư tưởng vào bên trong để khám phá nội tâm và soi sáng lẽ đạo.
- Tứ Diệu Đế.
- Sám hối là gì.
- Tập Đế là gì.
- Khổ đế là gì.
- Diệt Đế là gì.
- 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
- Chuyện tâm linh có thật.
Riêng về Ðạo Phật thì có những phép quán và Thiền định. Về Thiền đinh, chúng ta sẽ tìm hiểu trong các bài nói về Lục Độ ở phần sau. Trong bài này và bốn bài nối tiếp sau đây chúng tôi sẽ đề cập đến phép quán. Phép quán đầu tiên mà chúng tôi muốn nói đến là Sổ Tức Quán.
Sở dĩ chúng tôi để bài quán Sổ Tức này đứng đầu trong năm phép quán, bởi muốn học được phép quán cần phải có một tâm trí tịch tĩnh, không tán loạn. Muốn được thế, trước tiên phải tập quán Sổ Tức. Khi quán Sổ tức đã thuần phục rồi, thì các phép quán sau mới dễ có kết quả.
Quán Sổ Tức: Vì Sao Phải Ðình Chỉ tâm Tán Loạn
Tâm trí chúng ta bị muôn việc ở đời chi phối. Khi vui khi buồn, khi lo việc này, khi nghĩ chuyện khác; Khi mừng khi giận, khi thương khi ghét…nên không bao giờ được định tĩnh. Dù cho ta có ngồi yên một chỗ, khoanh tay lại, tâm trí chúng ta cũng không dừng nghỉ, nó vẫn liên tục lăng xăng hết trong nhà ra ngõ. Bao nhiêu hình ảnh phức tạp như một cuốn phim hiện lên trên màn ảnh của trí óc. Mỗi hình ảnh như thế lại mang theo nó một cảm tưởng vui buồn thương ghét.
Cho nên khi ta ngồi yên, chỉ là để cho thân xác được yên nghỉ, chứ tinh thần thì vẫn hoạt động. Nhiều khi nó hoạt động một cách hỗn loạn không ngừng, nhiều hơn cả lúc ta làm việc. Hầu hết chúng ta đều khổ tâm, bực tức về sự hoạt động lỗi thời ấy của tâm trí chúng ta: Không muốn nhớ mà vẫn nhớ, chẳng muốn thương mà vẫn cứ thương, không muốn giận mà vẫn thấy mình hờn giận.
Làm chủ thể xác đã là khó, mà làm chủ tinh thần lại càng khó hơn. Nhất là trong thế giới máy móc, phức tạp ngày nay: Một thế giới của những sắc mầu rộn ràng, của những âm thanh chát chúa. Và chúng ta thì sống vội, sống ảo trong một thế giới kỳ dị và cuồng loạn. Vì thế, theo các bản thống kê của các nhà khoa học, số người mắc trầm cảm, điên loạn mỗi ngày một gia tăng.
*
Riêng trong phạm vi nhỏ hẹp, chúng ta cũng nhận thấy có nhiều người học hành chẳng nhớ, gặp việc hay quên; Hoặc niệm Phật không thành công, hoặc tham thiền quán tưởng chẳng kết quả…Tất cả đều do sự tán loạn của tâm trí mà ra. Vì sao khi tâm trí yên định mọi việc sẽ dễ bề thành tựu? Ta hãy lấy một thí dụ thông thường mà nhiều người đã kinh nghiệm:
Khi ta học bài giữa cảnh ồn ào náo nhiệt, thì vất vả khó khăn vô cùng, vì tâm ta bị phân tán theo trần cảnh. Trái lại, khi ta học bài ở nơi yên tĩnh thì rất mau thuộc, vì tâm trí ta yên tịnh, không bị trần cảnh chi phối.
Thí dụ thứ hai: Cây đèn dầu không có Chụp, khi thắp lên bị gió thổi tất leo lét khi tỏ khi mờ. Rõ ràng một ngọn đèn như thế chỉ hao dầu, chứ không thể soi sáng được gì hết.
Cũng ngọn đèn ấy khi có Chụp chắn gió, ngọn đèn đứng thẳng và tỏa ánh sáng khắp gần xa, chiếu phá được một vùng bóng tối trong đêm trường.
*
Cũng như ngọn đèn bị gió bạt kia, tâm hành giả bị bát phong xuy động, thất tình lục dục chi phối, lục trần bủa vây làm cho tán loạn. Vậy hành giả muốn cho tâm được tịch tĩnh thì phải tìm cách để định tâm. Định càng thâm thì tâm càng tỏ, như ngọn đèn càng đứng lặng, thì ánh sáng càng tỏa.
Phật dạy: “Tâm có định mới phát sinh trí huệ, có trí huệ mới phá được vô minh để minh tâm kiến tánh”. Sở dĩ, các vị Thánh hiền thấu được quá khứ vị lai và có nhiều điều thần diệu, đều do tâm đã định mà phát minh trí huệ sáng suốt. Nên kinh chép: “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biến”, nghĩa là ngăn vọng tâm lại được một chỗ, thì không việc gì chẳng thành tựu.
Hành giả muốn cho tâm mình hết tán loạn, được yên định, thì phải tu phép quán Sổ tức. Đây là phép quán rất dễ thực hành, ai cũng có thể làm được.
Những Ðiều Cần Biết Trước Khi Quán Sổ Tức
Trước khi quán Sổ tức cần phải theo đúng những điều sau đây:
1. Thức ăn: Phải ăn những thức ăn hợp với cơ thể của mình. Nếu ăn đồ nóng quá, thân thể sẽ bứt rứt, tâm sanh loạn động. Trái lại, nếu ăn những đồ có tánh hàn tất không tiêu hóa được. Thân thể sẽ nặng nề, lừ đừ, dễ sanh buồn ngủ.
2. Ðồ mặc: Phải ăn mặc cho hợp thời tiết. Khi trời nóng mặc đồ mỏng, khi trời lạnh mặc đồ ấm. Nếu trái lại thân thể mất sự điều hòa, quán khó có hiệu quả.
3. Chỗ ở: Phải ở chỗ thanh vắng, thì sự tu quán mới mau được thành công. Nếu ở chỗ ồn ào, đối với người mới tu, không khỏi bị loạn động.
4. Thời giờ tu: Nên lựa những giờ thanh vắng, như 10 giờ đêm, hay 4 giờ khuya. Nếu ở thành thị thì lựa giờ nào gia đình ngủ hết, chung quanh bớt tiếng động.
5. Tắm rửa: Thân thể phải thường tắm rửa sạch sẽ, để khỏi ngứa ngáy bứt rứt trong người.
*
6. Cách thức ngồi: Phải ngồi kiết già (hai chân tréo xếp lại gọn, thúc vào bắp vế cho sát), hoặc ngồi bán già (chân mặt tréo lên chân trái hay chân trái tréo lên chân mặt, thúc sát vào vế cho gọn gàng). Cách ngồi nầy đầu tiên chưa quen, không sao khỏi bị tê chân (chỉ tê chân khi đang ngồi thôi); Qua thời gian hết tê rồi thì đau mỏi cả hai chân. Khi hết đau mỏi, về sau ngồi bao lâu cũng được.
7. Lưng: Lưng phải ngồi thẳng như vách tường, như thế ngồi mới lâu được.
8. Hai tay: Hai cánh tay vòng xuôi xuống, hai bàn tay để trên hai chân, tay phải gác lên tay trái, cách thức như Phật ngồi
9. Cổ và đầu: Cổ phải thẳng, đầu hơi ngã tới, hai mắt chỉ mở một phần tư (Nếu mở mắt lớn thì tâm dễ bị loạn động, còn nhắm lại thì sanh hôn trầm).
Phương Pháp Quán Sổ Tức
Khi đã ngồi yên ổn đúng với như cách thức đã nói trên, hành giả bắt đầu đếm hơi thở. Trước khi đếm, phải thở ra hít vào chín mười hơi thật dài. Điều này khiến cho hơi thở điều hòa, trược khí, uất kiết, nặng nề trong người thoát ra cả.
Khi thở ra, hành giả phải tưởng: “Những điều phiền não tham, sân, si, các chất bẩn trược trong người đều bị hơi thở tống ra sạch hết, không còn một mảy may nào”.
Khi hít vào, hành giả nên tưởng: “Những chất nhẹ nhàng trong sạch sáng suốt của vũ trụ đều theo hơi thở thấm vào khắp thân tâm”.
Khi đủ mười hơi, hành giả bắt đầu thở đều đều: Không dài không ngắn, không mau không chậm, phải thở nhẹ nhàng như hơi rùa thở. Nếu thở mau và dài thì tâm sanh loạn động. Nếu thở chậm và ngắn, thì tâm sanh hôn trầm, hoặc bị uất kiết. Có khi lại sanh ra giải đãi, rồi tâm rong ruổi duyên theo ngoại cảnh. Vậy nên phải thở cho nhẹ nhàng và đều đặn, không mau không chậm, thì trong người mới được thư thái khỏe khoắn. Từ đây mới bắt đầu đếm hơi thở.
Phương pháp đếm hơi thở có bốn cách như sau:
1. Đếm hơi lẻ: Nghĩa là thở hơi ra đếm một, hít hơi vô đếm hai, thở hơi ra đếm ba, hít hơi vô đếm bốn… Đếm cho đến mười, không thêm không bớt, rồi bắt đầu đếm lại từ một cho đến mười. Cứ đếm đi đếm lại từ một đến mười, trong khoảng nửa giờ, một giờ hay hai giờ tùy ý.
2. Đếm hơi chẵn: Nghĩa là hít vào rồi thở ra đếm một, hít vào rồi thở ra lần nữa đếm hai…Cứ tuần tự như thế cho đến mười. Hết mười lần thì quay lại đếm từ một. Phương pháp đếm hơi chẵn này rất thông dụng, xưa nay người ta vẫn thường dùng. Đếm cách này đơn giản và không bị bệnh tồn khí (chứa hơi lại trong phổi).
3. Đếm thuận: Nghĩa là đếm theo hai cách trên, cách nào cũng được, những tuần tự từ một đến mười.
4. Đếm nghịch: Nghĩa là cũng dùng hai cách đếm trên, nhưng đếm ngược từ mười đến một.
Bốn phương pháp này, tùy ý hành giả muốn dùng một phương pháp hay cả bốn phương pháp thay đổi cho nhau cũng được. Miễn sao thuận tiện cho mình và khỏi lộn, là thành công; Như thế một thời gian sẽ đối trị được tâm tán loạn.
Những điểu lầm lộn thường xảy ra
Những điều lầm lộn mà hành giả thường mắc phải trong khi mới bắt đầu tu phép Sổ tức là:
1. Tăng: Nghĩa là thở ít mà đếm nhiều. Hoặc đếm nhảy vọt, như ba liền đếm đến năm, hoặc mới năm liền nhảy lên đếm tám v.v..
2. Giảm: Nghĩa là thở nhiều mà đếm ít, đếm thụt lùi. Như đáng nhẽ đến bốn rồi thì lại đếm là ba, hay bảy rồi lại đếm sáu v.v..
3. Vô ký: Nghĩa là không nhớ rõ mình đã đếm đến số mấy rồi. Mỗi khi lầm lộn như thế, phải bắt đầu đếm lại. Phải tập cho đến khi nào không còn mắc phải những lầm lộn nói trên, thì tâm trí mới được yên tịnh.
Quán Sổ Tức: Lời kết
Quán Sổ tức là một phương pháp đối trị tâm tán loạn rất hiệu nghiệm và rất thông dụng trong các môn phái của Phật giáo, từ Tiểu Thừa cho đến Ðại Thừa, từ các nước Á Châu đến Tây phương. Trong các giới Phật tử Nhật bản và Âu châu, pháp quán này rất được thịnh hành. Người tu hành áp dụng pháp quán này thì tâm hết tán loạn. Niệm Phật mau được “nhất tâm bất loạn”, tham thiền quán tưởng mau được thành công.
Không những kẻ tu hành, người thế gian nếu tập theo pháp quán này, thì thân thể sẽ được khỏe mạnh, tinh thần sẽ được yên tịnh, trí tuệ được sáng suốt; Học hành mau nhớ, suy tính, phán đoán công việc làm ăn được mau lẹ và phân minh.
*
Việc gì cũng vậy, muốn thành công, tất phải kiên nhẫn bền chí. Phương pháp dù hay đẹp bao nhiêu mà thiếu chuyên tâm trì chí, thì cũng không đưa đến kết quả khả quan nào. Hành giả đừng nên thấy phép quán này dễ mà khinh lờn, giãi đãi, tu một ngày nghỉ mười ngày. Làm như thế tất nhiên không bao giờ được thành công. Ngoài sự chuyên cần, hành giả còn phải theo đúng lời chỉ dẫn trên này, áp dụng đúng phương pháp thì mới được kết quả mỹ mãn.
Là Phật tử, phải thực hành pháp môn Sổ tức này để cho tâm trí hết tán loạn, trí huệ dễ phát sinh, vô minh chấm dứt và trở lại với bản tâm thanh tịnh của mình. Nếu muốn tu các pháp quán trong “Ngũ đình tâm quán “, mà chúng tôi sẽ đề cập đến trong những bài sau, trước tiên phải tập quán cho thuần thục phép Sổ tức này. Nếu quán này chưa thành công, nghĩa là tâm đang còn tán loạn. Nếu vội quán những pháp khác, như “Bất tịnh quán , Từ bi quán” v.v…thì chẳng khác chi xây lầu trên cát, thế nào cũng sẽ bị sụp đổ.
(Quán Sổ Tức là gì – Theo Phật Học Phổ Thông )
Tuệ Tâm 2021.