Tịnh Nghiệp Tam Phước là gì
Pháp Giới 11 tháng trước

Tịnh Nghiệp Tam Phước là gì

Tịnh nghiệp tam phước là Pháp tu “Tán Thiện” dành cho hạng phàm phu tâm thường phù tán, động loạn. Pháp này được đức Phật dạy cho Bà Vi Đề Hy trong kinh Quán Vô Lượng Thọ dùng để tu Tịnh Nghiệp mà vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

  • Sự thật về Hạn Tam Tai.
  • Sự thật về Đồng bóng.
  • Sự thật về Cầu cơ.
  • Cách niệm Phật tại nhà.
  • Niệm Phật như thế nào để chắc chắn được Vãng sanh.
  • Cảnh tỉnh về tu tập 42 Thủ Nhãn Ấn Pháp.
  • Sự hiểu lầm tai hại về Niệm Phật nhất tâm bất loạn.

Bởi hết thảy chúng sanh đều thuộc một trong hai căn cơ: Một là “Định”, hai là “Tán”. Nếu chỉ dạy pháp định thiện, thì sẽ không thể thu nhiếp tất cả. Do đó đức Như Lai mở bày phương tiện, khai pháp tu ba phước để thích ứng với những chúng sanh tâm tưởng phù tán động loạn, giúp họ “Tịnh nghiệp” mà đới nghiệp vãng sanh.

Như vậy, Tịnh Nghiệp Tam Phước là Pháp tu ba phước để thích ứng với những chúng sanh có căn lành, phước đức, nhưng tâm tưởng phù tán động loạn, ba phước ấy là:

  1. Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ sư trưởng, giữ lòng từ bi không giết hại, tu mười nghiệp lành.
  2. Thọ trì tam quy, giữ vẹn các giới, đừng phạm oai nghi.
  3. Phát tâm Bồ đề, tin sâu lý nhân quả, đọc tụng kinh đại thừa, khuyến tấn người tu hành.

 

Tịnh Nghiệp Tam Phước là gì
Tịnh Nghiệp Tam Phước là gì

Cẩn thận với Tà Kiến về Tịnh Nghiệp Tam Phước

Nhân một bạn đạo nhắn tin hỏi: Tôi nghe một Thầy dạy, đại ý: “Nếu chẳng tu tịnh nghiệp tam phước, không thể vãng sanh. Theo ý Ông thì thế nào?”

Tôi bảo: “Ông xem cho kỹ lại, chẳng có ai đi dạy người như thế cả. Phải biết rằng Tịnh Nghiệp Tam phước chỉ là một pháp tu trong rất nhiều pháp tu Tịnh Độ. Đây là pháp dành riêng cho chúng sanh thời chánh Pháp và Tượng Pháp. Bởi thời này này chúng sanh nghiệp nhẹ, phước lớn. Tuy tâm tán loạn khó quán tưởng nhưng nhờ nghiệp nhẹ, phước lớn nên tu Tam Tịnh Nghiệp dễ thành tựu.

Đây là bởi đức Phật từ bi tùy bệnh mà cho thuốc, khiến những người thành tựu được Tịnh Nghiệp Tam Phước, chỉ cần phát nguyện vãng sanh là được vãng sanh Cực Lạc. Phàm phu bọn ta thời mạt này, giữ 5 giới ở dạng thô thôi còn chẳng được mấy người, huống nữa là tu Tịnh nghiệp Tam Phước đó ư?

Vậy nên chư Tổ thường dạy: “Chúng sanh thời mạt, chỉ duy có pháp Trì Danh Niệm Phật là ra khỏi sanh tử luân hồi”, là như thế. Nếu bảo rằng: “Chẳng tu tịnh nghiệp tam phước, không thể vãng sanh” thì quả là cô phụ ơn Phật, ơn Tổ quá thể! Nếu như thế thì từ đức Thích Ca cho đến chư Tổ sư đều phạm đại vọng ngữ. Vì sao vậy? Vì Phật và chư Tổ đều dạy ta trì danh Niệm Phật là đường tắt để ra khỏi sanh tử luân hồi. Sao ông chẳng chịu xem kinh Niệm Phật Ba La Mật, Thế Tôn dạy: “Muốn sanh về nước ấy chỉ cần niệm danh hiệu Phật A Di Đà là đủ.”…

Tịnh Nghiệp Tam Phước

Kinh Quán Vô Lượng Thọ, đức Phật dạy: “Muốn sanh về cõi ấy, phải tu ba thứ phước: 1. Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ sư trưởng, giữ lòng từ bi không giết hại, tu mười nghiệp lành. 2. Thọ trì tam quy, giữ vẹn các giới, đừng phạm oai nghi. 3. Phát tâm Bồ đề, tin sâu lý nhân quả, đọc tụng kinh đại thừa, khuyến tấn người tu hành. Ba điều như thế, gọi là tịnh nghiệp. Đức Phật lại bảo bà Vi đề Hy: “Nên biết ba thứ phước này là chánh nhân tịnh nghiệp của chư Phật trong ba đời: quá khứ, vị lai, và hiện tại.”

Tổ Thiện Đạo dạy: “Tất cả chúng sanh, có hai loại căn cơ: một là định, hai là tán. Nếu chỉ dạy pháp định thiện, thì sẽ không thể thu nhiếp tất cả, do đó đức Như Lai mở bày phương tiện, khai pháp tu ba phước để thích ứng với những chúng sanh tâm tưởng phù tán động loạn. Muốn sanh về cõi ấy”, nêu rõ chỗ quy hướng. Phải tu ba thứ phước”, nêu rõ hành môn. Vậy thế nào là ba phước? 

Tịnh Nghiệp Tam Phước: 1. Hiếu dưỡng cha mẹ.

Tất cả chúng sanh đều nhờ nhân duyên mà được sanh. Nhờ nhân duyên nào? Hoặc là hóa sanh, hoặc là thấp sanh, hoặc là noãn sanh, hoặc là thai sanh. Trong bốn loại này, mỗi loại lại có bốn loại. Như trong các kinh có nói rõ. Thế nhưng, đã làm nhân cho sự tương sinh, ắt phải có cha mẹ. Đã có cha mẹ, ắt phải có đại ân.

Nếu không có cha, nhân của năng sanh ắt không đủ; nếu không có mẹ, duyên của sở sanh cũng không đủ. Nếu không có cả cha lẫn mẹ, ắt sẽ không có chỗ đầu thai. Cần phải có đủ cha mẹ làm duyên, thì mới có chỗ thọ sanh. Nếu muốn thọ sanh, cần phải có nghiệp thức làm nội nhân, dùng cha mẹ làm ngoại duyên; nhân duyên hòa hợp, nên mới có thân này.

Do ý nghĩa này, biết rằng ơn cha mẹ rất là sâu nặng. Lúc mẹ mang thai, trong khoảng mười tháng, đi đứng nằm ngồi, thường cảm thấy khổ não, lại lo lúc sanh có thể phải chết vì sản nạn. Sau khi sanh, trong khoảng ba năm, thường nằm chỗ phẩn dãi của con, giường chiếu y phục cũng không được sạch sẽ. Đứa con đến lúc trưởng thành, chỉ lo thương vợ thương con, đối với cha mẹ, có lúc lại còn sanh tâm chán ghét. Người không biết ơn nghĩa hiếu thảo, thật chẳng khác gì cầm thú.

*

Lại nữa, cha mẹ là phước điền thế gian lớn nhất, còn Đức Phật là phước điền xuất thế gian lớn nhất. Thế nhưng, khi Đức Phật còn tại thế, gặp lúc đói kém, nhiều người chết đói, xương trắng rải rác khắp nơi, các vị tỳ kheo khất thực khó khăn, không ai bố thí. Đức Phật cho phép các tỳ kheo tản mác qua xứ khác. Sau khi các tỳ kheo đi rồi, chỉ còn một mình ngài vào thành khất thực, từ sáng đến trưa, đến từng nhà gọi cửa, không ai chịu bố thí, bèn mang bình bát không trở về. Lúc đó, có một tỳ kheo đi trên đường, thấy đức Phật, gương mặt hốc hác, giống như bị đói, bèn thưa với ngài: “Bạch Thế Tôn! Hôm nay ngài khất thực rồi chăng?”

Đức Phật trả lời: “Tỳ kheo! Đã ba ngày nay, ta khất thực không được. Hiện nay đang đói, không còn sức nói chuyện với ông”.

Thầy tỳ kheo nghe xong cảm thấy mủi lòng rơi lệ, tự nói thầm: “Đức Thế Tôn là bậc phước điền vô thượng, chỗ nương tựa của chúng sanh. Ta đem ba y này bán, mua lấy một bát cơm cúng dường Phật. Hôm nay thật là đúng lúc”.

Nghĩ xong, bèn bán y, mua được một bát cơm, vội vàng đem đến cúng dường Phật.

*

Đức Thế Tôn biết, nhưng vẫn cố ý hỏi: “Tỳ kheo, đang lúc đói kém, mọi người đang chết đói. Ông từ nơi nào mà xin được một bát cơm trắng như thế này?”

Thầy tỳ kheo trình lên sự thực. Đức Thế Tôn nói: “Tỳ kheo, ba y là biểu tướng của chư Phật ba đời. Do nhân duyên này mà rất tôn, rất quý, rất nặng, rất ơn. Ông nay đem đổi bát cơm này cúng dường cho ta. Ta rất cảm ơn lòng tốt của ông, nhưng ta không tiêu nổi bát cơm này”.

Tỳ kheo bạch Phật: “Đức Thế Tôn là phước điền của ba cõi, còn không tiêu nổi bát cơm này, vậy ai có thể tiêu được”.

Đức Phật đáp: “Ông còn cha mẹ hay chăng?”

Đáp: “Dạ còn”.

Đức Phật nói: “Ông đem bát cơm cúng dường cha mẹ”.

Tỳ kheo nói: “Đức Thế Tôn còn không tiêu nổi, cha mẹ lẽ nào tiêu được!”

Đức Phật nói: “Tiêu được. Vì sao? Cha mẹ sanh ra thân ông, đối với ông có ơn sâu nặng, do đó tiêu được”.

Đức Phật lại hỏi: “Tỳ kheo! Cha mẹ của ông có tin Phật không?”

Tỳ kheo nói: “Không tin”.

Đức Phật nói: “Bây giờ thì tin. Thấy ông đem cơm đến cúng dường, ắt sẽ rất vui mừng, nhân đây sẽ phát khởi lòng tin. Trước tiên, hãy cho họ thọ Tam quy y, ắt họ sẽ có thể tiêu bát cơm này”.

Khi ấy, vị tỳ kheo tuân lời dạy của Đức Phật, đảnh lễ mà từ giã. Do ý nghĩa này, phải nên hiếu dưỡng cha mẹ.

*

Lại nữa, Phu nhân Ma Da, sau khi sanh Đức Phật bảy ngày thì tạ thế, thác sanh lên cung trời Đao Lợi. Sau khi Đức Phật thành đạo, đến ngày rằm tháng tư bèn lên cung trời Đao Lợi, trong một kỳ kết hạ, thuyết pháp cho mẹ nghe, để báo đáp công ơn mang thai mười tháng. Đức Phật còn biết mang ơn, hiếu dưỡng cha mẹ, huống hồ chúng ta là phàm phu mà lại bất hiếu hay sao. Phải nên biết rằng ơn nghĩa của mẹ cha thật bao la trời biển.

Phụng thờ sư trưởng”. Dạy dỗ lễ nghi, học thức thành đạt, đạo hạnh không khiếm khuyết, nhẫn đến thành Phật, đều do công lao của bậc sư trưởng. Đối với ân đức cao dày này, cần phải đặc biệt kính trọng. Cha mẹ và sư trưởng được gọi là Hạnh kính trọng bậc trên.

Giữ lòng từ bi không giết hại”. Tất cả chúng sanh đều lấy sanh mạng làm gốc. Nếu gặp ác duyên, đều sợ hãi tìm cách trốn chạy để bảo vệ sanh mạng mình. Kinh Đại Niết Bàn quyển mười nói: “Tất cả các chúng sanh, không ai không tiếc thân mạng, đừng giết đừng đánh đập, ví như tự tha thứ mình”. Đây là một chứng cứ.

Tu mười nghiệp lành”. Trong mười nghiệp ác, nghiệp giết hại là ác nhất, cho nên nêu ra trước hết. Trong mười điều lành, sanh mạng lâu dài là lành nhất. Còn chín điều ác, chín điều lành khác, trong phần chín phẩm vãng sanh sẽ đề cập đến. Những điều thiện thế gian này gọi là Hạnh từ bi kẻ dưới.

Tịnh Nghiệp Tam Phước: 2. Thọ trì tam quy.

Pháp thiện thế gian rất cạn cợt, chiêu cảm quả báo không được thù thắng; giới đức cao vời, có thể chiêu cảm quả Phật Bồ đề. Thế nhưng chúng sanh quy ngưỡng Tam Bảo, từ cạn đến sâu. Trước tiên cho thọ Tam quy, sau đó mới dạy các giới khác.

Giữ vẹn các giới”.  Giới pháp có nhiều loại, hoặc là Tam quy, hoặc là Ngũ giới, Bát giới, Thập thiện giới, Tỳ kheo giới, Tỳ kheo ni giới, Sa di giới, hoặc Bồ tát Tam tụ giới, Thập vô tận giới, v.v…, cho nên gọi là giữ vẹn các giới. Trong mỗi giới phẩm, lại có thiểu phần, đa phần và toàn phần.

Đừng phạm oai nghi”. Thân, khẩu, ý nghiệp trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi, đều có thể làm phương tiện cho oai nghi của tất cả các giới. Dù nhẹ dù nặng, đều có thể hộ trì; nếu vi phạm liền sám hối, nên gọi là “đừng phạm oai nghi”. Đây gọi là giới thiện.

Tịnh Nghiệp Tam Phước: 3. Phát tâm Bồ đề.

Chúng sanh hoan hỷ học Đại thừa, nếu như không phát tâm quảng đại, thì làm sao có thể tương ưng với Đại bồ đề.

Xin nguyện thân đồng hư không, tâm trùm pháp giới, cùng tận pháp tánh. Con dùng thân nghiệp, cúng dường lễ bái, đưa đi rước đến, độ thoát tất cả chúng sanh. Con dùng khẩu nghiệp, tán thán Tam bảo, giảng nói Chánh pháp, tất cả đều tiếp thọ sự giáo hoá của con, làm cho tất cả những người nghe pháp đều được đắc đạo giải thoát. Con dùng ý nghiệp, nhập định quán sát, phân thân khắp pháp giới, tùy căn cơ mà hóa độ tất cả, không bỏ sót một ai. Con phát nguyện này, niệm niệm càng tăng trưởng. Giống như hư không, chẳng chỗ nào chẳng đến. Hành trì vô tận, đến cùng tận vị lai. Thân không mệt mỏi, tâm không nhàm chán.

*

Bồ đề”, là một tên khác của quả Phật; “Tâm”, là tâm năng cầu của chúng sanh, cho nên gọi là “Phát tâm Bồ đề”.

Tin sâu lý nhơn quả”. Có hai phần: .a. Nhân quả khổ lạc thế gian. Nếu gây khổ nhân sẽ gặp khổ quả, nếu trồng lạc nhân sẽ gặt lạc quả. Giống như lấy ấn, ấn vào đất sét, thì dấu ấn hiện ra. Không có gì đáng nghi ngờ!

Đọc tụng kinh Đại thừa”. Kinh điển, giáo pháp giống như mặt kính. Thường đọc tụng, tìm hiểu, thì sẽ khai phát trí tuệ. Nếu mở được mắt trí tuệ, thì tự nhiên nhàm chán sự khổ, mong cầu sự vui Niết bàn, v.v…

Khuyến tấn người tu hành”. Pháp khổ như thuốc độc, pháp ác như dao nhọn, lưu chuyển trong sáu nẻo, tổn hại chúng sanh. Hiện nay, việc lành như gương sáng, Phật pháp như Cam lộ. Gương chiếu sáng đường chánh để dẫn về chân, Cam lộ rưới mưa pháp mà không cùng tận. Muốn cho tất cả đều được lợi ích, nhập vào dòng suối pháp. Cho nên cần phải khuyến tấn người tu hành.

(Tịnh Nghiệp Tam Phước – Theo Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ)

Tuệ Tâm.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ Bồ Tát

22 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog