Trần Nhân Tông là vị vua thứ 3 của nhà Trần. Ông là một vị vua vô cùng anh minh, tài giỏi, cai trị dân bằng lòng yêu thương. Ông còn là người đã sáng lập nên hệ Thiền phái của Trúc Lâm, Yên Tử, được đông đảo người dân hiện nay biết đến.
Tiểu sử Trần Nhân Tông là ai?
Vua Trần Nhân Tông có tên húy là Trần Khâm, ông sinh ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ (tức ngày 7 tháng 12 năm 1258). Ông được biết đến là vị vua thứ 3 của nhà Trần, là con trưởng của vua Trần Thánh Tông, là người đã sáng lập nên hệ Thiền phái Trúc Lâm, Yên Tử vô cùng phổ biến hiện nay. Bên cạnh đó, Trần Nhân Tông còn là vị lãnh đạo lỗi lạc, một nhà quân sự tài giỏi, đã giúp quân và dân ta đánh tan 3 cuộc xâm lược của quân Nguyên Mông.
Ngay từ khi còn nhỏ, Trần Nhân Tông sở hữu khuôn mặt tinh anh thánh nhân, đạo mạo, tràn đầy sắc thái của một vị quân vương. Ngoài ra theo sách Đại Việt sử ký toàn thư còn cho biết, trên vai trái của ông có một nốt ruồi lớn như hạt đậu, những người xem tướng đoán rằng sau này tương lai ông ắt sẽ làm được việc lớn. Đến năm 1274, khi này Trần Nhân Tông mới 16 tuổi nhưng đã được phụ hoàng Trần Thánh Tông sắc phong làm Hoàng thái tử, sau này kế vị nhà vua.
Sự nghiệp làm hoàng đế và cai trị bách tính của Trần Nhân Tông
Trần Nhân Tông chính thức được vua cha truyền ngôi vào ngày 22 tháng 10 âm lịch năm Mậu Dần. Trong suốt thời gian làm hoàng đế, ông thường sống thanh tịnh trên tinh thần của Phật giáo. Ông không dùng các món cao lương mỹ vị trong hoàng cung, mà chỉ ăn chay kham khổ khiến cho thân hình gầy rộc, đến nỗi phụ hoàng còn phải can ngăn. Ông cũng thường bàn bạc việc nước và ra các chính sách để cai trị nhân dân cùng với các bề tôi trung thành của mình, lấy nhân nghĩa, từ bi làm mục đích chính.
Trần Nhân Tông khi lên ngôi trong bối cảnh đất nước vẫn còn đang lầm than, biên giới phía Bắc thì liên tục bị đe dọa bởi các thế lực nhòm ngó đất nước. Đặc biệt trong số đó phải kể đến quân Nguyên Mông của Hốt Tất Liệt, người đã thôn tính gần hết triều đại Nam Tống, có ý đồ muốn chinh phục Đại Việt của chúng ta.
Ngay khi Trần Nhân Tông mới lên ngôi hoàng đế, Hốt Tất Liệt viện cớ ông đăng cơ không xin phép nhà Nguyên, bèn cử sứ sang Đại Việt yêu cầu ông phải qua yết kiến. Tuy nhiên Trần Nhân Tông chỉ đối đãi tử tế với sứ giả mà nhất quyết không chịu sang chầu. Ông chỉ cử sứ giả là Trịnh Đình Toản và Đỗ Quốc Kế mang cống nạp sang mà thôi. Điều này đã làm cho Hốt Tất Liệt vô cùng nổi giận, giam dữ Đình Toản, thả Đỗ Quốc Kế về và đe dọa nếu như vẫn còn không chịu sang, hãy chuẩn bị mà nhận lấy sự phán xét.
Nhận thấy hiểm họa xâm lược từ Mông Cổ ngày càng to lớn, Trần Nhân Tông đã có nhiều nỗ lực nhằm phát triển kinh tế, đảm bảo sự ổn định và đoàn kết trong nước một cách tốt nhất. Cụ thể, vào tháng 1 năm 1280 âm lịch, ông ra lệnh cho hợp nhất hệ thống đo lường để thúc đẩy thương mại trên toàn quốc. Bên cạnh đó, ông còn khuyến khích nông dân tăng cường sản xuất, chủ động canh tác. Nhờ thế mà người nông dân được mùa trúng lớn, nhà nhà no đủ. Mùa xuân năm 1284, ông lại sai người nạo vét sông Tô Lịch nhằm biến sông này thành trục giao thông chính của kinh đô.
Ngoài ra, Trần Nhân Tông còn thu xếp ổn thỏa các cuộc nổi dậy của một số thủ lĩnh địa phương bất mãn với chính quyền. Ông đối xử khôn khéo, viết chiếu thu phục, khiến cho những thủ lĩnh địa phương quy hàng, thuần phục triều đình. Nhờ đó góp phần giúp đất nước có thể thống nhất làm một khối, chuẩn bị cho cuộc chiến to lớn sắp tới gần.
Trần Nhân Tông lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông
1. Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 1
Thực chất vua Trần Nhân Tông chỉ 2 lần lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông (vào năm 1285 và 1287). Còn đối với lần đầu tiên, vua Trần Thái Tông và thái tử Trần Hoảng (vua Trần Thánh Tông) đã cùng với triều thần lãnh đạo nhân dân và quân đội để đẩy lùi sự xâm lược của quân thù.
Kỵ binh Mông Cổ từ Đại Lý kéo xuống phía Nam để đi vào nước ta, chúng mang tới 20.000 kỵ binh Mông Cổ và 20.000 bộ binh Đại Lý để tấn công Đại Việt. Quân đội nước ta khi đó tập hợp lại có khoảng 10 vạn, tuy nhiên đa phần quân đội phải chia nhỏ ra các thành trấn để phòng thủ, ngăn ngừa bạo loạn cũng như ngăn chặn các cuộc xâm lược tới từ các quốc gia khác. Vì thế mà nhà Trần chỉ tập hợp được vài vạn quân để đối phó với quân địch mà thôi.
Đích thân vua Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông khi đó đã chỉ huy quân đội, đem quân chặn đánh địch ở Bình Lệ Nguyên (Vĩnh Phúc). Quân địch ngày càng mạnh mẽ và tỏ ra ưu thế trong chiến đấu, chúng đẩy lùi quân ta về tận Phù Lỗ nhưng không thành công trong việc tiêu diệt quân chủ lực và bắt giữ các vị vua Trần.
Sau đó quân Nguyên Mông cuối cùng cũng thắng lợi ở Phù Lỗ, nhưng quân nhà Trần đã khôn ngoan rút chạy từ trước, đem theo toàn bộ bá tánh và của cải trong thành Thăng Long. Nhờ vậy khi địch chiếm được thành bỏ hoang, chúng không tìm ra được lương thực và nước uống, dẫn đến việc quân lương của địch kiệt quệ, cộng thêm với khí hậu thổ nhưỡng không hợp đã khiến địch bị mắc bệnh rất nhiều, sĩ khí giảm sút nghiêm trọng.
Nhận thấy thời cơ phản công đã tới, nhà Trần đã dẫn đại quân quay trở lại kinh thành Thăng Long, đánh tan quân địch đang kiệt quệ để giành thắng lợi. Trên đường tháo chạy, quân Nguyên Mông còn bị các đội quân của dân tộc miền núi tấn công khiến tử thương nhiều không kể hết. Hơn 4 vạn quân sang Đại Việt mà chỉ còn chạy thoát được hơn 1 vạn.
2. Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2
Khoảng tháng 9 đến tháng 11 năm 1282, nhà Nguyên một mặt cử tướng Toa Đô từ Quảng Châu tấn công Chiêm Thành, mặt khác lại sai Trấn Nam vương Thoát Hoan tập trung tới 50 vạn quân để chuẩn bị xâm lược Đại Việt. Đứng trước tình hình đó, vào tháng 11 cùng năm, vua Trần Nhân Tông mở hội nghị Bình Than, triệu tập tất cả bô lão có tiếng nói ở địa phương vào dự, thảo luận về biện pháp đối phó. Tất cả bô lão đều nhất trí quyết tâm chống giặc đến cùng.
Rút kinh nghiệm từ cuộc chiến 27 năm trước, lần này quân Nguyên Mông đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn về quân số cũng như lương thực. Chúng huy động lục quân lên tới hàng chục vạn người kéo từ phía Bắc xuống, còn lực lượng thủy quân sẽ hỗ trợ từ mặt trận phía Nam phía Chiêm Thành. Tương tự như với cuộc chiến đầu tiên, ban đầu quân Nguyên Mông chiếm ưu thế nhất định, chỉ trong 20 ngày chúng đã đánh tan phòng tuyến của quân Đại Việt ở Vạn Kiếp, Lạng Sơn để tiến tới kinh thành Thăng Long.
Triều đình nhà Trần rút lui toàn bộ về Nam Định và Ninh Bình, mọi sự nỗ lực phản công đều thất bại. Trong khi đó, Toa Đô dẫn quân từ Chiêm Thành từ phía Nam lên dễ dàng đánh tan quân Đại Việt tại vùng Nghệ An – Thanh Hóa. Do bị ép từ cả hai phía, vua Trần Nhân Tông phải chỉ huy cho quân đội rút ra biển để đi lên vùng Quảng Ninh, đợi đến khi cánh quân Nguyên Mông ở phía nam đi qua Thanh Hóa thì mới lui về Thanh Hóa.
Tuy nhiên do mang theo quân số quá đông, lại đánh chiếm các tỉnh thành Đại Việt cũng như kinh thành Thăng Long quá nhanh chóng khiến cho quân lương của địch bị suy giảm trầm trọng. Vua Trần Nhân Tông trước đó đã cho các địa phương thực hiện tiêu thổ kháng chiến khiến cho quân địch không tài nào khai thác bất kỳ loại lương thực nào ở nước ta. Nhờ đó tinh thần và sức lực của quân địch ngày càng giảm sút.
Trong khi đó, nhà Trần đã cho chấn chỉnh lại quân đội, chờ đối phương mệt mỏi hoàn toàn rồi mới bắt đầu phản công. Khoảng gần 2 tháng sau khi rút về Thanh Hóa, quân đội nhà Trần tiến hành phản công. Quân địch do quá mệt mỏi và đói nên chống đỡ không nổi, liên tục bỏ chạy khỏi các địa phương từ Hàm Tử (Hưng Yên) cho đến tận bến Chương Dương (Thường Tín, Hà Nội). Cuối cùng nhà Trần cũng đánh đuổi quân địch thành công, đoạt lại kinh thành Thăng Long. Thủy quân của địch cũng bị quân dân địa phương đẩy lùi hoàn toàn, bỏ chạy về nước.
3. Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3
Ngay sau khi bại trận, quân Nguyên Mông chưa từ bỏ tham vọng thôn tính Đại Việt. Chúng ngay lập tức bổ sung lực lượng, chỉnh đốn quân ngũ để tiếp tục sang xâm chiếm nước ta. Lần này tiếp tục rút kinh nghiệm, quân địch đóng thật nhiều tàu chiến để chở lương thực sang nhằm đối phó với quân Đại Việt lâu dài. Lần này quân địch chia làm 3 cánh, kéo sang nước ta theo hướng từ Vân Nam, Quảng Đông và Quảng Tây vào cuối tháng 12 năm 1287.
Giống như những lần trước, quân Nguyên Mông bước đầu giành được một số thắng lợi nhỏ, tiếp tục đẩy lùi quân ta về sâu hơn. Tuy nhiên điều chúng không ngờ được rằng, các thuyền chiến chở lương thực và thủy quân ngoài biển gặp phải sóng to, gió lớn khiến lương thực bị mất gần hết. Trần Khánh Dư đã lãnh đạo thủy quân tấn công và tiêu diệt hoàn toàn thủy quân địch ở Vân Đồn, Quảng Ninh.
Trong khi đó, đạo quân chủ lực của Mông Cổ tập trung ở Vạn Kiếp, chiếm được thành Thăng Long, thế nhưng lại tiếp tục gặp phải tình cảnh “vườn không, nhà trống” y như hai cuộc chiến trước. Quân ta lần này chia thành nhiều hướng, phần lớn rút về Đồ Sơn, Hải Phòng, tổ chức các cuộc tấn công đánh thẳng về Vạn Kiếp, nơi hiện đang chứa một lượng quân địch.
Do lương thực bị cắt đứt, quân Nguyên Mông không muốn bị chia cắt tại Vạn Kiếp nên đã rút khỏi thành Thăng Long, rồi chủ động rút lui hoàn toàn về Trung Quốc, mặc dù quân Đại Việt còn chưa hề phản công và truy đuổi. Khi trên đường tháo chạy về biên giới phía Bắc, quân địch còn bị phục kích, tử thương vô số.
Sau này vua Hốt Tất Liệt vẫn còn muốn phát động chiến tranh lần thứ 4, nhưng do nhiều yếu tố khách quan, cộng thêm với việc Hốt Tất Liệt chết do tuổi già đã khiến ý định này không thực hiện được nữa. Nhờ đó mà quân dân nhà Trần đã thành công trong việc bảo vệ bờ cõi Đại Việt, 3 lần đánh thắng được quân Nguyên Mông.
Trần Nhân Tông xuất gia tu hành, sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm
Trong những năm tháng ở ngôi vị Hoàng thái tử, sống hạnh phúc bên cạnh vợ và con cái. Thế nhưng Trần Nhân Tông luôn có tâm niệm muốn được xuất gia tu hành, tâm hướng về Phật. Ông đã từng nhiều lần muốn nhường ngôi vị Hoàng thái tử cho em trai nhưng không được vua cha chấp thuận. Có lần ông đã trốn hoàng cung để định vào Yên Tử tu hành, khi đến chùa Tháp ở núi Đông Cứu thì trời đã sáng, ông đã thấm mệt nên vào nghỉ ở bên trong tháp. Một vị hòa thượng thấy ông có gương mặt khôi ngô, thanh tú nên đã mời dùng cơm chay. Sau hoàng hậu và vua cha biết tin liền đón ông về, Trần Nhân Tông buộc phải nhận ngôi vị Hoàng thái tử.
Sau khi chiến tranh với quân Nguyên Mông kết thúc hoàn toàn, Trần Nhân Tông đã bắt tay vào công cuộc tái thiết đất nước. Ông đã ban lệnh giảm hết thuế má, đại xá thiên hạ, đặc biệt là tại các địa phương bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Cả vua và bề tôi cùng nhau chung sức giúp đất nước phát triển thịnh vượng trở lại. Đồng thời Trần Nhân Tông còn cho người cống nạp với nhà Nguyên để cầu hòa. Tất cả những điều đó đã khiến đất nước thái bình, người dân quay trở về cuộc sống ấm no như trước.
Khi mọi thứ đã viên mãn, vào ngày 16 tháng 4 năm 1293 dương lịch, nhà vua Trần Nhân Tông đã truyền ngôi cho con trai là Trần Anh Tông. rồi lên làm Thái thượng hoàng. Khi này ông mới chính thức được thỏa lòng sống một cuộc sống bình yên, yên tâm xuất gia tu hành như mong đợi. Trần Nhân Tông xuất gia tại hành cung Vũ Lâm (Ninh Bình), vừa đi tu nhưng vẫn sát sao với Trần Anh Tông trong việc trị nước.
Vào tháng 10 năm 1299, Trần Nhân Tông rời Ninh Bình để đi lên Yên Tử, Quảng Ninh. Ông lấy pháp danh Hương Vân Đại Đầu đà, hay Trúc lâm cư sĩ, mở tịnh xá tại Yên Tử, thu nạp nhiều đệ tử để hàng ngày thuyết giảng Phật pháp. Vào thời bấy giờ, nước ta đang có nhiều dòng thiền khác hoạt động, Trần Nhân Tông đã thống nhất các dòng thiền đó, quy về một mối và tạo nên dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử mà chúng ta biết đến ngày nay.
Phật hoàng Trần Nhân Tông đi khắp nơi để thuyết giảng Phật pháp. Ông từng sang tận Chiêm Thành để độ hóa, được vua Champa hết sức ngưỡng mộ và kính cẩn mời ở lại để hàng ngày giảng giải giáo lý. Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, Thiền phái Trúc Lâm không ngừng lớn mạnh, rất nhiều ngôi chùa theo hệ phái được tạo nên, trở thành nơi để bà con Phật tử, Tăng ni có thể tìm tới mà sinh hoạt tâm linh, cầu đạo.
Những năm tháng cuối đời của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Năm 1307, niên hiệu Hưng Long thứ 15, tại am núi Ngọa Vân, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã trao truyền y bát và viết tâm kệ để trao cho Tôn giả Pháp Loa làm người nối dõi truyền thừa hệ phái Trúc Lâm Yên Tử. Đến năm 1308, ông còn trao chức vụ trụ trì chùa Báo Ân cho Ngài Pháp Loa và truyền tâm ấn phong làm Đệ nhị Tổ Trúc Lâm trước sự chứng kiến của vua Trần Anh Tông.
Trong những năm tháng cuối đời, Trần Nhân Tông thường lui tới các chùa Báo Ân Siêu Loại, Sùng Nghiêm ở Hải Dương, Vĩnh Nghiêm Bắc Giang, chùa Từ Lâm, chùa Quỳnh Lâm Đông Triều để giảng kinh, thuyết pháp. Vào ngày mùng 1 tháng 11 năm Mậu Thân (1308), Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập diệt tại đỉnh Ngọa Vân, am Tử Tiêu, núi Yên Tử, thọ thế 51 năm. Khi mất, ông đã để lại hàng ngàn hạt xá lị vô cùng quý giá.
Đệ nhị Tổ Pháp Loa và vua Trần Anh Tông cùng cung rước ngọc cốt và xá lị của vua Trần Nhân Tông về kinh thành Thăng Long, cử hành quốc lễ và tôn thánh hiệu cho ngài là: “Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật”. Phật hoàng Trần Nhân Tông sẽ mãi là vị hoàng đế anh minh, nhà lãnh đạo thiên tài, anh hùng dân tộc. Ngài là nhà văn hóa, nhà tư tưởng lớn, đồng thời là nhà tu hành cao quý đã để lại hệ thống tư tưởng đặc sắc về Phật giáo cho thế hệ sau.