Ngài chắp tay tĩnh tọa, tư thế ngồi an nhiên như một pho tượng đồng đen. Lửa cháy rực bao kín thân ngài như một bó đuốc sống. Lửa thiêu đốt thịt da ngài. Nhưng gương mặt ngài vẫn bình thản đến lạ và tay ngài vẫn kiết ấn trang nghiêm từ giây phút đầu tiên thịt da bị ngọn lửa thiêu đốt, cho tới khi ngọn lửa tàn dần và nhục thân ngài nằm xuống siêu thoát… 

Đó là những hình ảnh đáng kinh ngạc được thuật lại bởi những người đã trực tiếp chứng kiến việc Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu vào ngày 11/6/1963 tại Sài Gòn. Sự kiện này đã gây chấn động dư luận trong và ngoài nước, tạo sức ảnh hưởng rất lớn tới việc lật đổ chính quyền độc tài hà khắc, áp bức Phật giáo đương thời về sau.

hòa thượng thích quảng đức tự thiêu

**Trong bài viết có quảng cáo tự động từ Google, nếu quan tâm xin bạn hãy click để ủng hộ website. Nếu không quan tâm, bạn hãy bỏ qua nó, rất xin lỗi vì sự bất tiện này!

Tiểu sử Hòa Thượng Thích Quảng Đức là ai?

Hòa thượng Thích Quảng Đức sinh năm 1897, thế danh là Lâm Văn Tuất, quê quán ở thôn Hội Khánh, Vạn Khánh, Vạn Ninh, Khánh Hòa. Ngài sinh ra trong một gia đình có 7 anh chị em, thân sinh là ông Lâm Hữu Ứng và bà Nguyễn Thị Nương.

Khi ngài lên 7 tuổi được thiền sư Như Đạt Giải Nghĩa Hoằng Thâm (cậu ruột) nhận làm con nuôi, đặt tên mới là Nguyễn Văn Khiết và cho xuất gia tu hành, lấy pháp danh là Thị Thủy, pháp tự là Hạnh Pháp và pháp hiệu là Quảng Đức. Sau này, ngoài tu học cùng hòa thượng Hoằng Thâm, ngài còn được dìu dắt bởi hai vị thiền sư khác là Thiện Tường và Phước Tường.

Sau khi thọ giới tỳ kheo vào năm 20 tuổi, hòa thượng Thích Quảng Đức phát nguyện tịnh tu ba năm tại Hòn núi Đất thuộc Ninh Hòa. Sau thời gian đó, hòa thượng bắt đầu hành trình đi dọc miền Trung để giảng pháp, đồng thời giúp xây dựng và trùng tu rất nhiều ngôi chùa trên đường đi. Tổng cộng trong thời gian chu du thuyết pháp dọc miền Trung – Nam, ngài đã giúp sức xây dựng và trùng tu 31 ngồi chùa. Ở bất cứ công trình trùng tu, xây dựng nào, ngài cũng ghi chép cẩn thận hoạt động quyên góp xây chùa của phật tử cũng như việc thu – chi cho xây dựng, sửa chữa.

Đặc biệt, trong thời gian vào miền Nam để giảng pháp, hòa thượng Thích Quảng Đức còn sang Campuchia trong vòng hai năm để nghiên cứu và học hỏi kinh điển Theravada.

Ngôi chùa cuối cùng mà thầy Thích Quảng Đức dừng chân và trụ trì trước khi diễn ra sự kiện tự thiêu là chùa Quán Thế Âm (chùa Bạch Lộ) thuộc xã Phú Nhuận, Gia Định – Nay là đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận, TPHCM.

Chi tiết về sự kiện Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu

Bối cảnh chính trị – xã hội

Sự kiện hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu có mối liên hệ trực tiếp với bối cảnh chính trị – xã hội thời bấy giờ. Theo đó, từ năm 1954-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm trực tiếp cai trị miền Nam Việt Nam với nhiều chính sách hà khắc, tàn độc. Nổi bật trong đó là chính sách kỳ thị tôn giáo mà Đạo Phật là mục tiêu chính bị đàn áp, cấm đoán rất nặng nề. Lý do được cho là tổng thống Ngô Đình Diệm là con chiên của Công giáo, trong khi phần lớn người Việt theo hoặc tôn thờ Đạo Phật. Thực tế này được xem như “cái gai” trong mắt chính quyền đương thời, cần phải loại bỏ.

Phật giáo trong thời gian này rơi vào tình cảnh hết sức bi thương: Chính quyền cấm chùa treo cờ Phật giáo, cấm Tăng Ni hoằng pháp tuyên truyền Đạo Phật, nhiều cuộc đánh đập, bắt bớ Tăng Ni rất vô cớ liên tục xảy ra, các cuộc đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo, bảo vệ Phật giáo bị đàn áp khốc liệt… Đỉnh điểm là sự kiện thảm sát của chính quyền nhằm ngày rằm tháng 4/1963 (âm lịch) khiến 8 Phật tử đã tử vong và nhiều người khác bị thương tại Đài Phát thanh Truyền hình Huế.

Bản tâm nguyện xin vị pháp thiêu thân của Hòa thượng Thích Quảng Đức

Phật pháp đứng trước thế nguy vong, hòa thượng Thích Quảng Đức cho rằng bản thân là đệ tử của Đức Như Lai thì không thể cứ ngồi nhìn. Do vậy, ngài đã viết một bản tâm nguyện và nộp đơn xin vị pháp thiêu thân lên Hòa thượng Thích Thiện Hoa (Trưởng trị sự Giáo hội Tăng già Nam Việt).

Trong bản tâm nguyện tự thiêu, ngài viết: “ Tinh thần Phật giáo đã gắn liền với tinh thần quốc gia dân tộc. Phật giáo thịnh thì quốc gia thịnh, Phật giáo suy thì quốc gia suy, điều này lịch sử đã minh nhận… Tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo”.

Đặc biệt, trong bản tâm nguyện ngài còn đề cập tới 4 điểm, cũng là ước nguyện của ngài đối với Phật giáo, đất nước và nhân dân Việt Nam:

  • Một là mong ơn phật tổ gia hộ cho tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo Việt Nam ghi trong bản tuyên ngôn.
  • Hai là nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường tồn bất diệt.
  • Ba là mong nhờ hồng ân Đức Phật gia hộ cho Chư Đại Đức Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi tai nạn, khủng bố và bắt bớ, giam cầm của kẻ gian ác.
  • Bốn là cầu nguyện cho đất nước thanh bình, nhân dân an lạc.

Sự thật Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để lại trái tim bất tử

Sau khi để lại tâm nguyện, vào ngày 20/4 năm Quý Mão (Âm lịch), nhằm ngày 11/6/1963 (dương lịch), Hòa thượng Thích Quảng Đức được chở trên xe ô tô nhập vào đoàn diễu hành rước di ảnh của các vị Thánh tử đạo để không tạo sự chú ý của tai mắt chính quyền. Ngồi trong xe, ngài đã được một vị Đại đức giúp tẩm xăng lên y áo.

Khi tới ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt (nay đổi là ngã tư Nguyễn Đình Chiểu – Cách Mạng Tháng Tám- Q3- TPHCM), ngài bước xuống từ trên xe, bình thản đi tới ngã tư đường ngồi xếp chân kiết già, mặt hướng về phía Tây. Một nhà sư khác cầm một bình xăng và giúp trút xăng lên đầu ngài. Trong khi đó, ngài bắt đầu lần tràng hạt và niệm “Nam mô A Di Đà Phật”. Sau đó, ngài tự mình rút diêm, châm lửa.

hòa thượng thích quảng đức tự thiêu

Ngọn lửa nhanh chóng bao trùm lên áo cà sa và da thịt của ngài, toàn thân ngài rực cháy như một ngọn đuốc. Nhưng bất cứ ai chứng kiến giây phút ấy đều ngỡ ngàng bởi không một giây phút nào thấy ngài lộ vẻ đau đớn dù sức nóng của ngọn lửa dữ đang thiêu cháy thịt da. Trong suốt khoảng 15 phút tự thiêu, Hòa thượng Thích Quảng Đức vẫn an nhiên chắp tay tĩnh tọa, điềm nhiên như một pho tượng đồng đen. Tới khi lửa tàn, ngài gật đầu mấy lần như chào đại chúng và nằm ngửa ra khi tay vẫn còn kiết ấn và chân vẫn ở tư thế ngồi kiết già.

Trước khung cảnh bi hùng, ngay cả lực lượng cảnh sát của triều đình cũng phải quỳ xuống tỏ lòng kính trọng, các Tăng Ni, Phật tử, người dân chứng kiến đều sửng sốt, khóc thương, quỳ lạy và cầu nguyện.

Thi hài ngài sau đó được các nhà sư đưa về chùa Xá Lợi và làm lễ hỏa thiêu. Thêm một lần nữa nhục thân ngài bao bọc bởi lửa với sức nóng có thể lên tới hơn 4000 độ C, nhưng điều kỳ diệu là ngài đã để lại cho đời một trái tim xá lợi vẫn còn nguyên vẹn.

hòa thượng thích quảng đức tự thiêu

Sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu sau đó đã gây một cú sốc, làm chấn động dư luận trên toàn cầu. Sau sự kiện này, hàng loạt biến động lịch sử đã diễn ra khiến cho chính quyền hà khắc đương thời hoàn toàn bị lật đổ.

———————

Xem Thêm:   Chú Đại bi nhiệm mầu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

  • Top 10 nhà sư Việt Nam nổi tiếng nhất hiện nay
  • Top 10 vị đại lão hòa thượng, thầy của các thầy, có tầm ảnh hưởng lớn nhất tới nền phật giáo Việt Nam
  • Top 10 vị đại sư nổi tiếng nhất lịch sử thế giới
  • Top 5 vị sư cô có đóng góp lớn cho nền phật giáo Việt Nam
  • Top 50 người nổi tiếng tại Việt Nam theo đạo Phật
  • Bí ẩn về hiện tượng “nhục thân bất hoại” của các cao tăng tại Việt Nam
  • Ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của 5 ngôi chùa lớn nhất Việt Nam

Xem ngay trên Youtube